LỊCH SỬ VẪN CÒN NHỮNG TIẾNG HỒI VỌNG Vào ngày này năm 1979, đây là thời điểm là đêm trước của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc khốc liệt và có tính...
LỊCH SỬ VẪN CÒN NHỮNG TIẾNG HỒI VỌNG
Vào ngày này năm 1979, đây là thời điểm là đêm trước của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc khốc liệt và có tính thử thách về tính đại diện theo chủ nghĩa mà Việt Nam bị buộc phải tham gia vào trên vùng biên giới phía Bắc.
Với cuộc chiến, do Trung Quốc chủ động phát động, để chứng minh rằng cái chức anh cả chủ nghĩa cộng sản không phải là vấn đề của nước này khi chỉ ít ngày trước đó Đặng Tiểu Bình đã gặp Jimmy Carter tại Mỹ để quyết định chuyển hướng tiếp cận với các nguồn lực Tây phương, đặc biệt là Mỹ, để phát triển một đế chế cộng sản toàn trị kiểu mới. Cái tên có công lao tiền đề trong cuộc thương lượng này là Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ (thời của Nixon, từ 1973-1977).
Sáu mươi vạn quân, gồm phần nhiều là dân quân được huy tuyển trước một vài tháng của cuộc chiến. Họ được huấn luyện cấp tốc trong thời gian ngắn để chuẩn bị cho cuộc chiến đổi hướng chứ không phải soán ngôi. Họ cũng muốn trừng phạt Việt Nam vì “thái độ du côn” ở Đông Nam Á khi dám đánh chế độ Polpot ở Campuchia, dẫu rằng chế độ diệt chủng này đã liên tục đánh phá biên giới Tây Nam của Việt Nam. Trong khi trong cuộc chiến với VNCH và Mỹ, Trung Quốc đã hỗ trợ nhiều thứ cho VNDCCH từ quân lính, đạn dược, vũ khí, cố vấn và các phương tiện khác, nên họ muốn dạy Việt Nam một bài học.
Cuộc chiến lan rộng ra sáu tỉnh vùng biên giới, với thống kê có khoảng mười vạn cả binh lính lẫn dân thường của Việt Nam bị quân của Trung Quốc giết hại, tàn sát dã man trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến. Mặc dù về mặt chính thức cuộc chiến chỉ diễn ra trong một vài tháng để dằn mặt, nhưng những tiếng súng trên vùng biên giới vẫn diễn ra cho tới hết năm 1989 trước khi Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc ký hiệp ước Thành Đô để bình thường hoá quan hệ hai nước năm 1990.
Cuộc chiến biên giới với Trung Quốc thực tế không có lý do lịch sử nào để bị lãng quên hoặc không được viết và dạy trong các sách giáo khoa trong hệ thống trường học, nhưng có thể lại là một lý do chính trị bị thiên lệch chủ nghĩa nên nó trở thành một chướng ngại để khó có thể công khai. Nhưng những phần lịch sử khác thì vẫn được truyền dạy một cách bình thường và toàn diện. Điều này cho thấy các lý do chỉ là với mục đích chính trị chứ không phải bởi tính khách quan của lịch sử.
Mặc dù đây là cuộc chiến hoàn toàn chính thức vào những năm 1979 vì đã có lệnh tổng động viên trên cả nước kêu gọi nhập ngũ để chiến đấu bảo vệ tổ quốc, nhưng họ đã cố cất giữ nó vào trong sự lãng quên suốt mấy chục năm sau đó mà không với mục đích nào rõ ràng, ngoài sự yếu nhược của chính những người đang nắm giữ quyền hành mà nên. Đó cũng là một hành động có tội với dân tộc.
Nhưng nếu bây giờ hỏi những người trẻ ở Việt Nam, chắc hẳn sẽ rất ít người biết tới giai đoạn lịch sử này vì chúng đã bị cắt gọt đến mức gần như không tồn tại trong cả một giai đoạn của lịch sử. Những tấm bia tưởng niệm, ghi nhớ tại vùng biên giới phía Bắc cũng bị đập phá, đục bỏ để xoá dấu tích của cuộc chiến tại các vùng đất này. Rõ ràng đó là một lịch sử thầm lặng nhưng vẫn rỉ máu vì không được trân trọng xứng đáng với sự hy sinh của hàng vạn người trong sự đau thương của cả đất nước.
Có ai còn nhớ bài ca được phát trên các loa phát thanh để động viên những người vác súng ra chiến trường chống quân Trung Quốc xâm lược? Bài ca vẫn còn vang vọng như mới ngày hôm qua, vì hồn thiêng sông núi vẫn thấm máu những người con của Tổ quốc chưa nhận được những sự khắc ghi và lòng tri ân đúng nghĩa từ các thế hệ. Chúng ta có muốn xoá đi lịch sử thì kẻ thù lại càng có cớ để tạo nên những bị kịch lịch sử mới cho chúng ta.
Lê Luân
Không có nhận xét nào