NƯỚC MẮT AUNG SAN SUU KYI Cuộc đảo chính ở Myanmar cùng sự kiện bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ, trớ trêu thay, lại trở thành một dịp để khôn...
NƯỚC MẮT AUNG SAN SUU KYI
Cuộc đảo chính ở Myanmar cùng sự kiện bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ, trớ trêu thay, lại trở thành một dịp để không ít người tuôn ra nỗi bất bình với người từng được xem là biểu tượng dân chủ này.
Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho bà đã vơi đi rất nhiều so với cách đây 5 năm, khi bà chấp chính với chức vụ Cố vấn nhà nước, vị trí lãnh đạo trên thực tế. Bằng những lời lẽ cay độc nhất, người ta lên án bà đã quay lưng lại với dân chủ, không biết bảo vệ nhân quyền, buông xuôi hay thậm chí tiếp tay cho khổ nạn của người thiểu số Rohingya như một kẻ máu lạnh chỉ biết níu giữ quyền lực.
Những gì xảy ra với người Hồi giáo Rohingya là không thể chấp nhận và không thể biện hộ, có rất nhiều lý lẽ để lên án bà Suu Kyi. Tuy nhiên, lên án và phán xét bao giờ cũng dễ. Nhưng nếu thử đặt mình vào hoàn cảnh của người trong cuộc có lẽ người ta sẽ thông cảm và khoan dung hơn trong cách nhìn nhận về một con người.
Đầu tiên, bà Suu Kyi lên nắm quyền không phải trong một nền chủ non trẻ, mà là nền dân chủ giả tạo, bị kìm kẹp bởi bản hiến pháp 2008 do quân đội soạn thảo. Quân đội nắm rất nhiều thực quyền và bà Suu Kyi gần như không có tiếng nói trong vấn đề an ninh quốc gia. Không những thế, Myanmar vẫn chìm trong rất nhiều mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo và nội chiến.
Dẫu vậy, có không ít hy vọng lúc bấy giờ rằng đó dù sao cũng là bước đầu tiên để hướng đến quá trình hòa giải và chuyển đổi. Nhưng nhìn thực tế đất nước Myanmar, mục tiêu này nếu không muốn nói là viển vông thì hẳn phải là một điều thần kỳ nếu được hiện thực hóa, khi bà Suu Kyi thậm chí còn không được chính danh cầm quyền và phải chèo lái con thuyền dưới lưỡi gươm của quân đội luôn đè trên cổ - một cuộc đảo chính bất kỳ lúc nào.
Không thể không nói đến cuộc khủng hoảng của người Rohingya, vốn bị xem như là một vết nhơ của bà Suu Kyi sau biết bao sự trọng vọng và khâm phục mà người ta dành cho bà. Đó là một cuộc khủng hoảng mà nhà lãnh đạo gần như hữu danh vô thực trong vấn đề an ninh quốc gia phải luồn lách giữa ba bốn làn đạn - cộng đồng quốc tế, quân đội, người Phật giáo chiếm đa số, người Rohingya và các nhóm phiến quân do Trung Quốc hậu thuẫn.
Quân đội luôn có xu hướng khôi phục quyền kiểm soát của mình, hay ít nhất xóa mờ hình ảnh sáng chói của bà Suu Kyi và đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ ở trong và ngoài nước, đã không ngại ngần phát động chiến dịch càn quét người Rohingya, với danh nghĩa chống khủng bố, bạo loạn.
Nếu bà Suu Kyi đứng về phía người Rohingya lên án quân đội, bà sẽ bị dán nhãn che chở cho quân khủng bố, một cái cớ hoàn hảo để tiến hành một cuộc đảo chính. Không những thế, sự hậu thuẫn dành cho bà và đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ từ cộng đồng Phật giáo chiếm đa số sẽ bị giảm đi đáng kể.
Nếu bà Suu Kyi nhẹ nhàng với quân đội, hình ảnh lung linh của bà trong mắt cộng đồng quốc tế sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, đúng như thực tế đã diễn ra. Đằng nào quân đội cũng hưởng lợi với cuộc tấn công hung bạo của họ. Quả thật, khi họ tiến hành đảo chính, không ít người đã không còn cảm giác phẫn nộ như lẽ ra phải thế, thậm chí còn có ý nghĩ rằng bà Suu Kyi đáng bị như thế.
Trong hoàn cảnh đó, có một lưa chọn để bà Suu Kyi bảo toàn thanh danh của mình, đó là cực lực lên án quân đội và rũ áo ra đi. Nhưng như thế còn nói gì nữa, bỏ lại một đất nước tan hoang như thế ư? Nếu như thế, bà đã không đứng ra nhận lãnh vị trí thủ lĩnh phong trào phản kháng năm 88 khi từ Anh quốc trở về chỉ để chăm sóc người mẹ già, hay chấp nhận ly hương để được nhìn người chồng đang hấp hối lần cuối cùng năm 1997.
Bà đã chọn lựa nhẹ nhàng với quân đội, bất chấp những tổn hại cho danh tiếng của mình, biết trước cái bẫy đang giăng sẵn. Ở lại để khởi động tiến trình hòa giải, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, song song đó nỗ lực vận động tu chính hiến pháp để tước bớt quyền lực của quân đội, mở đường cho quá trình chuyển đổi thực sự. Bà còn làm được gì hơn?
Thế nhưng, cứ mỗi khi một tiến trình mới được khởi động, nhóm phiến quân Arakan do Trung Quốc hậu thuẫn lại mở đợt tấn công mới, châm ngòi cho cuộc trả đũa của quân đội, mở ra vòng xoáy bạo lực mới. Ai là người được lợi khi tượng đài Aung San Suu Kyi bị sụp đổ, đất nước Myanmar không thể chuyển đổi dân chủ và luôn bất ổn?
Đứng dưới góc độ dân chủ nhân quyền, lên án bà Suu Kyi với những lời lẽ khoa trương quá dễ. Nhưng không bao giờ có chọn lựa dễ dàng cho những người ở hoàn cảnh cheo leo như bà. Dấn thân không phải là một khẩu hiệu. Có lúc người ta phải đưa ra chọn lựa đau đớn là đành phải hy sinh danh tiếng cá nhân ngõ hầu tìm một con đường tươi sáng nhất có thể cho đất nước của họ. Rất tiếc, không ai cho bà thời gian, quân đội không và cộng đồng quốc tế cũng như vậy!
Duan Dang
Không có nhận xét nào