SỰ SỤP ĐỔ CỦA NIỀM TIN Cái cơ bản của cơ bản mà ai cũng có thể nhận ra là vàng chỉ là một loại tiền tệ. Đơn giản hơn, nó cũng chỉ là một dạn...
SỰ SỤP ĐỔ CỦA NIỀM TIN
Cái cơ bản của cơ bản mà ai cũng có thể nhận ra là vàng chỉ là một loại tiền tệ. Đơn giản hơn, nó cũng chỉ là một dạng kim loại có thể được dùng để lưu trữ và thanh toán. Vậy nên không có ý nghĩa nào khi lại đặt cho một mẩu vàng vô tri nào đó là sẽ chứa phép màu may mắn chỉ vì nó đã được mua vào một ngày nào đó mà nhà kinh doanh bán ra. Mua hàng với tâm lý ấy thì chỉ mang lại lợi lộc cho người bán, trong khi chỉ giải quyết được một vấn đề tâm lý hoàn toàn vô nghĩa.
Đầu năm cầu an, chúc tụng đủ điều, đi lễ viếng khắp đó đây để cầu tài lộc rồi mà người ta vẫn thấy chưa đủ để đảm bảo rằng họ sẽ nhận được tài lộc như ước nguyện. Thật ra, cái họ thiếu vắng trong tâm trí không phải là ở vấn đề tín ngưỡng đã bị làm cho mất đi giá trị, mà là bởi trong tư duy của mỗi người họ không biết trông chờ vào điều gì để có thể an lòng với cuộc sống của họ. Không ai nghĩ rằng cứ sắm sính lễ đi đây đi đó xin xỏ là giải quyết được vấn đề. Cái họ đang mắc kẹt vào chính là vì sự bấp bênh của đời sống thực tại mà bản thân bọn họ không còn biết bấu víu vào đâu.
Tâm lý luôn sợ hãi bị mất mát và thiệt thòi trước người khác cũng thúc đẩy họ hành động theo thói quen như một sự tranh giành để thụ đắc lợi ích cá nhân. Những hoạt động đó giải thích cho tâm lý họ sẽ không giải quyết các vấn đề của cuộc sống, tức đời sống xã hội, mà là nương nhờ vào sự rủi may nằm ngoài sự vận hành có tính xã hội mà chính họ là một chủ thể có sức mạnh.
Những thứ hành động hướng xã hội ra ngoài chính nó là một đặc điểm được thúc đẩy bởi chính thể độc tài, nó đánh đổ mọi giá trị về tâm linh theo nghĩa nó chỉ là một phương tiện để thực hành tốt nhất các nghi thức để mỗi người sẽ quên mất bản thân mình là người định đoạt. Các nghi thức về tâm linh càng đa dạng thì con người càng bị lệ thuộc và ngày càng sợ hãi nhiều hơn mà họ bỏ qua thực tế trước mắt.
Vật chất quyết định ý thức và tinh thần xã hội, nhưng nghịch lý thay, và rõ ràng là một nan đề của chủ nghĩa xã hội, nó lại hướng tới việc đẩy người dân vào sự lệ thuộc của các vấn đề tâm linh huyền bí. Tất cả những thứ ấy nằm ngoài đức tin nội tại của con người mà nó xuất phát từ những hành động ngoại hướng hoá được bố ráp từ phía ngoài tạo nên. Điều này gây khủng hoảng niềm tin của con người vào mọi giá trị và những phản ánh cũng như các hình thức của tư duy.
Lê Luân
Không có nhận xét nào