TÂM TƯ CUỐI NĂM VỀ CÂU HỎI CON ĐƯỜNG CỦA ĐẤT NƯỚC Bài viết dưới đây của một thầy giáo già đáng kính, Thầy Nguyễn Thanh Khiết đăng trên faceb...
TÂM TƯ CUỐI NĂM VỀ CÂU HỎI CON ĐƯỜNG CỦA ĐẤT NƯỚC
Bài viết dưới đây của một thầy giáo già đáng kính, Thầy Nguyễn Thanh Khiết đăng trên facebook cá nhân mang tên thầy.
Tâm huyết của Thầy Khiết rất đáng trân trọng. Những suy tư của thầy về câu hỏi lớn nhất của dân tộc ta trong thời đại ngày nay là suy tư nghiêm túc, logic, thực tiễn và vẫn như một câu hỏi đang bỏ ngỏ.
Đảng đã có trả lời bằng Đại hội 13 vừa diễn ra. Nhưng theo tôi, trả lời của Đảng cũng chưa thật sự thuyết phục, ngay cả đối với các đại biểu dự Đại hội chứ chưa nói đến đảng viên thường, dân thường càng không, trí thức thì coi như chưa có câu trả lời.
Nhưng thời đại đòi hỏi phải có câu trả lời rành mạch, có vậy mới hướng đến tương lai còn đầy thử thách.
Những người còn “trong cuộc” thường né tránh vấn đề quan trọng này, nhất là từ khi có chủ trương “chống tự diễn biến”? Xét đến cùng, âu cũng là kiểu tư duy "lợi ích nhóm".
Thanh niên thường xa lánh chủ đề quan trọng này của dân tộc, hướng đến bàn luận về bầu cử Mỹ, về Putin, Tập Cận Bình, rành rẽ chính trị quốc tế hơn chính trị ao nhà….
Dân thường thì quan tâm nhiều đến các showbiz truyền hình thực tế hơn chuyện Ai thắng Ai…
Câu chuyện “Ai thắng Ai” chính là con đường đi của dân tộc.
Xin trân trọng đăng tài lại bài của Thầy Nguyễn Thanh Khiết.
(Ảnh minh họa tôi lấy từ các trang web công khai).
“AI THẮNG AI?
Tôi nhớ, hồi còn phe XHCN, ở đâu cũng thấy nhắc đến một câu hỏi chính trị nóng bỏng là : Ai thắng ai? CNXH hay CNTB?.
Câu hỏi ấy được đặt ra trong các loại Nghị quyết , được thảo luận ở các lớp học chính trị, trong cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, trong việc quản lý cải tạo tiểu chủ và những người buôn bán nhỏ (gọi là tư bản tư nhân!), trong thu mua lương thực thực phẩm, thậm chí cả trong việc ngăn sông cấm chợ không cho vận chuyển buôn bán hàng hóa, nông sản thực phẩm…
Câu hỏi ấy không phải là sự lựa chọn cho một ước mơ! Vì, suy cho cùng thì ước mơ của Đức Phật, Đức Chúa, và K. Mác đều giống nhau cả, bây giờ các nhà lý luận của ta diễn giải khá rõ là: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Có khác chăng là khác về màu sắc tôn giáo và tên gọi: Niết bàn hay Thiên đường hay là xh Cộng sản…thế thôi!
Tuy nhiên nhiều người không hiểu rằng: Sự khác biệt căn bản của hai con đường CNTB và CNXH là ở chỗ: Tư hữu hay Công hữu về Tư liệu sản xuất (TLSX). K. Marx và Anghen mất cả đời để nghiên cứu và viết ra bộ sách “Tư bản” đồ sộ (3 tập 8 quyển) chỉ nhằm vạch cho nhân loại biết rằng: CNTB là bóc lột Giá trị thặng dư, là thối nát, là bất công và tất yếu sẽ bị tan rã, bởi vì nó được hình thành trên nền tảng của chế độ tư hữu về TLSX. Để có được Công bằng xã hội, xóa bỏ tận gốc chế độ người bóc lột người thì chỉ có con đường duy nhất là xóa bỏ chế độ tư hữu, xây dựng chế độ Công hữu TLSX. Muốn giành được TLSX về tay giai cấp Công nhân (g/c cn) phải làm Cách mạng vô sản, dựng lên nhà nước kiểu mới của g/ccn, phải quốc hữu hóa nhà máy xí nghiệp, tiến hành Chuyên chính vô sản, quản lý mọi hoạt động sản xuất, tổ chức phân phối toàn bộ sản phẩm xã hội vv… điều này K. Marx cũng đã viết ra ngay từ năm 1875 trong “Phê phán Cương lĩnh Gotha”. Ý tưởng Công hữu TLSX chính là cỗi nguồn để hệ ý thức của K. Marx có tên gọi là Chủ nghĩa Cộng sản (tài sản của xã hội, trong đó quan trọng nhất là TLSX, hết thảy đều là của công) – điều này cho đến tận bây giờ nhiều người ra rả chửi cộng sản , nhiều người là Đảng viên Cộng sản hẳn hoi, nhưng cũng không biết (!) . Các nhà Tư bản căm ghét CNCS, lôi kéo dân chúng chống lại CNCS là vì họ khiếp sợ Công hữu hóa chứ đâu phải họ chống lại giấc mơ Xã hội Công bằng dân chủ văn minh... một vài chủ trương mang tính dân túy của một đảng chính trị (ở Mỹ) đâu có biến họ thành Cộng sản (!). Sau này, khi Lê nin thực thi ý tưởng của Marx, ở Nga nền sản xuất còn quá lạc hậu nên Ông đã sáng tạo thêm hình thức Sở hữu Tập thể là hình thức công hữu thấp hơn Sở hữu Nhà nước; hai hình thức sở hữu này tồn tại trong giai đoạn quá độ xây dựng CNXH.
Câu chuyện “Ai thắng ai” đã qua đúng ba chục năm (1991-2021). Phe XHCN xụp đổ không phải vì giấc mơ quá nhân văn của nó, nó xụp đổ vì Chế độ Công hữu. Sở hữu tập thể và sở hữu nhà nước không những không thúc đây được sản xuất; mà nó còn cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, hạn chế sự tăng lên không ngừng (có tính quy luật) của năng xuất lao động xã hội – điều mà theo Lê Nin là quyết định sự tồn tại của trật tự xã hội mới – Nông trang tập thể dẫn đến cái chết của 37 triệu nông dân Trung Quốc trong thời kỳ Đại nhảy vọt, Hợp tác xã nông nghiệp dẫn đến thiếu lương thực trầm trọng ở nước ta trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước, và sự làm ăn yếu kém của những tập đoàn kinh tế Nhà nước …đã minh chứng điều đó. Chế độ Công hữu chỉ là ảo tưởng hay nó vẫn chưa thích ứng được với trình độ của nền sản xuất đương đại? Đó còn là vấn đề khiến nhiều nhà nghiên cứu lý luận chân chính đau đầu nhiều năm nữa.
Ba mười năm rồi, phe XHCN đã tan rã nhưng ước mơ về CNXH vẫn còn đó. Ngày xưa ông Robert Owen (1771-1858) đã mang toàn bộ gia sản từ Anh sang Mỹ để lập một Công xã Cộng sản, 4 năm sau công xã của ông bị phá sản hoàn toàn. Từ năm 1975-1979 Trung Quốc đã “mượn” cả đất nước Campuchia để làm phòng thí nghiệm xây dựng CNCS thuần túy, kết quả của thí nghiệm ấy là một thảm họa khủng khiếp với cái chết của non nửa dân tộc này vì đói rét và vì đàn áp, tra tấn…Mới biết thực hiện giấc mơ XHCN không phải là dễ.
Câu chuyện “Ai thắng ai?” tưởng đã là quá khứ xa lắc xa lơ, vậy mà sáng qua trên đường về quê cuối năm, đi qua một “dãy phố”, vốn xưa là vùng đồi trọc có địa danh là Đống Vồng ở Hiệp Hòa Bắc Giang ký ức cũ trong tôi lại ùa về, nhắc tôi nhớ lại nó.
Hiệp Hòa vốn là một huyện trung du nghèo xơ xác , ruộng ít, đồi bãi nhiều. Vào những năm 1962,1963 khi thóc chia cho mỗi công lao động của xã viên Hợp tác xã chỉ còn 5, 6 lạng, dân đói, những nhà ở gần đồi vỡ đất hoang trồng sắn; thế là những bãi sắn nho nhỏ mọc lên xanh ngắt. Hè ấy, học sinh trường câp 3 chúng tôi được lệnh về Đống Vồng trồng bạch đàn, bây giờ gọi là “phủ xanh đồi trọc”, chúng tôi phải phá luôn những luống sắn “tư hữu” ấy. Trước khi làm, thày Hiệu phó đã quán triệt mục đích ý nghĩa của công việc, ngoài ý nghĩa trồng cây gây rừng vì lợi ích 10 năm, thày còn nhấn rất kỹ đến việc phải phá bỏ đi những mảnh đất “tư hữu” kia, theo thày đấy chính là mầm mống của CNTB. Ngày ấy chúng tôi là những người tuổi trẻ, tôi và những người bạn của mình đã thực hiện rất nghiêm lời thày. Hôm nay, ngồi trên xe hơi khi qua Đống Vồng, tôi nói cháu lái xe đi chậm lại để cố tìm xem cái chỗ ngày xưa mình đã phá bãi sắn của một người đàn bà trạc tuổi mẹ mình ở đâu. Cái cảm giác áy náy khi bà xin chúng tôi ngừng tay cho bà được dỡ non những gốc sắn củ mới chỉ bằng ngón chân cái chợt ùa về. C. người bạn học cùng nhóm với tôi hôm đó đã giúp bà rất tận tình, anh ấy trắng trẻo đẹp trai học khá nhưng không được vào Đoàn chỉ vì gia đình xin ra Hợp tác, học dở lớp Mười C xung phong đi bộ đội, và bạn tôi không bao giờ trở về nữa.
Câu chuyện vu vơ lan man thế mà làm nước mắt tôi trào ra lúc nào không biết…
6/1/2021 (25 tháng Chạp)
Không có nhận xét nào