AI LÀ NGƯỜI CÓ TỘI ? Báo Giáo Dục Việt Nam đăng bài có tựa “Không ổn định được lớp học, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cô Tuất”. Nói vậy đúng...
AI LÀ NGƯỜI CÓ TỘI ?
Báo Giáo Dục Việt Nam đăng bài có tựa “Không ổn định được lớp học, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cô Tuất”. Nói vậy đúng không? Cũng đúng. Thực ra tôi muốn “phê bình” nhiều điểm trong cái nhìn của bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khi bà trình bày quan điểm của mình ở bài báo này, nhưng đó là một chuyện khác, chúng ta sẽ nói ở một lúc khác.
Đến nay, vẫn chưa có kết luận hay thông tin gì nhiều nhặn để đánh giá thêm, nhưng chưa cần đi sâu vào chi tiết của vụ việc để nắm được từ chân tơ kẽ tóc của nó, chúng ta cũng có thể hình dung được rằng cô Tuất không thể tránh khỏi những cái hạn chế, thậm chí lầm lạc và sai lệch từ nhận thức đến hành vi trong cách quản lý lớp học và xử lý các tình hướng sư phạm khi đối diện với một sự việc phức tạp kéo dài hàng chục năm như thế. Tuy nhiên, dù cái sai đó là gì, thì việc quan trọng nhất vẫn là phải tìm ra nguyên nhân, tìm ra cái “khởi thủy” của vấn đề. Đó là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và các nhà giáo dục.
Tôi muốn hỏi tất cả những nhà giáo (tôi không muốn gọi là giáo viên) ở cái đất nước này: có ai trong quý vị chưa từng sai lầm / sai trái khi thực hiện trách nhiệm của một người thầy trong nền giáo dục VN vài chục năm qua? Tôi tin rằng, không ai dám tự tin bước ra để xưng “tôi”. Dù biết, không thể lấy cái sai của người này để biện minh cho cái sai của người kia; cũng không thể lấy số đông để làm tiêu chuẩn cho chân thiện mỹ; nhưng điều tôi muốn nói ở đây là có một sự tha hóa mang tầm xã hội đang diễn ra một cách khốc liệt trong mọi ngõ ngách trên xứ sở của chúng ta.
Quan chức phải tha hóa, dù là hiểu theo nghĩa nào. Trí thức phải tha hóa, mà mức độ nhẹ nhất của nó là im lặng trước cái ác. Thương gia phải tha hóa bằng những cái bắt tay dưới gầm bàn với đối tượng thứ nhất. Công nhân phải tha hóa, nông dân phải tha hóa… Những đứa trẻ dần trở trở nên xa lạ với “tính bổn thiện” theo thời gian. Có một cuộc đại suy thoái nhân cách đang dần đi đến những chặng cuối của nó.
Tôi cũng là giáo viên, tôi hiểu đồng nghiệp của mình đang ngày ngày phải “đối phó” với cái gì để tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt dần “vắng bóng con người”.
Khi bạn phải làm một lúc vài chục cuốn sổ vô bổ để lãnh đạo có thể chộp lấy mà kiểm tra bất cứ lức nào; khi bạn phải dạy một tuần vài chục tiết chính khóa và có thể cả nhiều tiết dạy thêm - phụ đạo cùng bao nhiêu cuộc họp hành; và trong khi bạn dạy thì sẽ có một đội “cảnh sát trường học” luôn lượn lờ với cuốn sổ trên tay; khi bạn có thể bị hiệu trưởng bêu tên trước học trò toàn trường trong buổi chào cờ đầu tuần; khi bạn luôn bị hăm dọa “hạ thi đua” và nhất là luôn phải là siêu nhân: bạn phải dạy làm sao để đạt chỉ tiêu mà trên giao xuống…, bạn sẽ làm gì?
Với kiểu thi cử và thi thử liên tục ở các nhà trường như bây giờ, chỉ riêng chuyện chấm bài cũng khiến bạn phát điên rồi. Bạn có biết, nhiều giáo viên văn gần như không đọc bài làm của học sinh nhưng vẫn cho điểm? Điều ấy là không thể tha thứ; nhưng vấn đề của chúng ta không phải chỉ là “kỷ luật” giáo viên ấy, mà phải tìm xem tại sao họ phải làm cái việc khốn nạn đến thế. Nhà nước, bộ giáo dục và các nhà trường có trách nhiệm gì hay các vị chỉ việc giao chỉ tiêu và ngồi lăm lăm với tờ hạnh kiểm trong tay và đợi kết quả, dù chẳng cần biết cái chỉ tiêu ấy cơ sở ở đâu và để làm gì ?
Đang có một cuộc đối phó âm thầm nhưng khổng lồ trong ngành giáo dục và trong các môi trường công nói chung. Mấy cái sáng kiến kinh nghiệm và một đống giấy tờ sổ sách mà quý vị ban ra hàng chục năm qua, đã bao giờ quý vị ngó tới xem chúng có mảy may mang lại chút ích lợi gì cho giáo dục hay chỉ góp phần tàn phá thêm cái thân thể đã rệu rã? Rồi đến khi quý vị ban ra cái ra công văn cởi trói cho giáo viên khỏi cái đống giấy tờ vô ích ấy, thì quý vị đã bao giờ ngó xuống xem các cơ sở giáo dục có thèm thực hiện lệnh của mình hay không?
Hãy nhớ lại câu nói của Chí Phèo “ai cho tao lương thiện?” Những ai phủ nhận sự quyết định của môi trường xã hội đối với nhân cách con người để vẫn rêu rao rằng “tròn méo tự tâm” thì đó là kẻ lãng mạn ngẩn ngơ. Cái đó có thể đúng, nhưng không bao giờ tuyệt đối, và nhất là chỉ hiện ra như một “ân huệ” của tạo hóa cho vài cá nhân đặc biệt may mắn giữa biển người mênh mông.
Một môi trường giáo dục tự do, tiến bộ, và nhân bản cần được xây dựng. Nếu không làm được công việc này thì mọi giáo viên ở cái đất nước chúng ta đều có thể là cô Tuất ở ngày mai; mọi hiệu trưởng đều là bà Quyên trong tương lai.
Không ai trong sạch cả khi cùng tắm trên một dòng sông ô nhiễm. Trong một môi trường chuyên chế, tất cả đều là tù nhân dự khuyết.
https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-on-dinh-duoc-lop-hoc-trach-nhiem-lon-nhat-thuoc-ve-co-tuat-post216662.gd
Thái Hạo
Không có nhận xét nào