Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VÀI PHƯƠNG TIỆN PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020

VÀI PHƯƠNG TIỆN PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020 I. CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH  1. Chiến tranh Nagorno-Kar...

VÀI PHƯƠNG TIỆN PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020

VÀI PHƯƠNG TIỆN PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020

I. CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 

1. Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất

Thời kỳ Xô Viết Nagorno-Karabakh là một khu tự trị thuộc Cộng hoà Azerbaijan, có chung biên giới với Cộng hoà Armenia và khoảng 77-78% dân số Nagorno-Karabakh là người Armenia. Ngày 20/2/1988 quốc hội khu tự trị Nagorno-Karabakh thông qua nghị quyết yêu cầu chuyển giao sang Armenia nhưng Azerbaijan kiên quyết từ chối. Từ đó Nagorno-Karabakh bất ổn với bạo lực gia tăng biến thành một cuộc chiến tranh sắc tộc. Ngày 10/12/1991 một cuộc trưng cầu dân ý ly khai được tổ chức tại Nagorno-Karabakh. 22,8% dân số là người Azerbaijan tẩy chay. 99,8% người Armenia bỏ phiếu cho ly khai. 25/12/1991 Liên Xô sụp đổ. Nagorno-Karabakh chìm trong cuộc chến tranh lần thứ nhất. 

Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất kết thúc với chiến thắng thuộc về Armenia bằng nghị định Bishkek 1994. Nagorno-Karabakh trở thành quốc gia độc lập tự xưng là Cộng hoà Artsakh. Ngoài vùng Nagorno-Karabakh thì Artsakh còn chiếm được 7 quận xung quanh thuộc Azerbaijan. Hội đồng Bảo an LHQ thông qua 4 nghị quyết (1993) và Đại hội đồng năm 2008 yêu cầu trao trả 7 quận cho Azerbaijan nhưng Arsakh-Aemenia không đồng ý.

2. Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai 

Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai 27/9/2020-9/11/2020 chấm dứt với chiến thắng thuộc về Azerbaijan. Sau hơn một tháng giao tranh khốc liệt Arsakh-Armenia bị mất hầu hết diện tích ở 7 quận đã chiếm đóng trong cuộc chiến tranh thứ nhất. tệ hại hơn, quân đội Azerbaijan tiên sâu vào vùng Nagorno-Karabakh, chiếm thành phố lớn thứ 2 là Shusha cách thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh chỉ khoảng 10 km. Arsakh-Armenia đối diện với nguy cơ bị mất toàn bộ vùng Nagorno-Karabakh nên buộc phải ký kết hiệp định ngừng bắn. 

Hiệp đình đình chiến nggày 9/11/2020, được ký kết bởi Tổng thống Azerbaijan Aliyev, Thủ tướng Armenia Pashinyan, và Tổng thống Nga Putin. Hiệp ước cho phép giữ nguyên hiện trạng chiếm đóng của 2 phía, và trao lại cho Azerbaijan toàn bộ 7 quận đã mất trong cuộc chiến tranh thứ nhất, đồng thời được thiết lập hành lang đi qua lãnh thổ Armenia nối với vùng đất bị chia cắt của Azerbaijan là Nakhchivan giáp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. 

Azerbaijan tuyên bố chiến thắng và ăn mừng rầm rộ trên cả nước với lễ duyệt binh chiến thắng tại Baku ngày 10/12/2020. 
Ở chiều ngược lại là nhiều nơi trên lãnh thổ Armenia đã nổ ra các cuộc biểu tình dữ dội phản đối chính phủ đã để mất đất trong hiệp định đình chiến.

3. Nguyên nhân thắng lợi của Azerbaijan trong Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai 

Không bàn về tác chiến quân sự cũng như nhiều nguyên nhân khác, dưới đây dẫn ra 3 yếu tố quan trọng đã đưa đến thắng lợi quyết định của Azerbaijan mà Việt Nam có thể tham khảo.

1/.Không ngừng mua sắm vũ khí mới và nâng cấp quân đội
Sau thất bại ở cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh, Azerbaijan đã rút ra bài học, và đã không ngừng mua sắm vũ khí hiện đại, không chỉ từ Nga. Sông song với đó là thao luyện quân đội với vũ khí mới, làm cho quân đội hiện đại và tinh nhuệ hơn.
Trong khi đó, sau thất bại các quan chức quốc phòng Armenia đã đổ lỗi cho việc quân đội:
- Không được mua sắm các loại vũ khí hiện đại cần thiết, 
- Lại còn bị mua vũ khí lỗi thời, 
- Lại còn bị bớt xén. 
Kết quả là sự lui quân và thất bại trong chiến trận với Azerbaijan.

2/.Sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ

Trong lễ duyệt binh ăn mừng chiến thắng của Azerbaijan ngày 10/12/2020 có sự tham dự của binh lính sĩ quan và cả tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan với một cuộc viếng thăm quốc gia tới Baku. Thiết bị quân sự và kinh nghiệm chiến tranh của Thổ Nhĩ Kỳ cùng với sự chống lưng của Thổ nhĩ Kỳ đã góp phần không nhỏ của Azerbaijan trong cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020.

3/.Vũ khí của Israel

Khi biết Israel bán vũ khí cho Azerbaijan, Armenia đã triệu hồi đại sứ tại Isael. Trong chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020, Azerbaijan dùng nhiều máy bay không người lái có khả năng tàng hình IAI Hadrop của Israel (và cả Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ). Chính các máy bay không người lái của Israel đã tiêu diệt nhiều trạm phóng tên lửa và xe tăng của Armenia, đưa đến cho Armenia những tổn thất nặng nề về hoả lực và nhân lực, làm giảm mạnh khả năng kháng cự của quân đội Armenia.

Cùng sử dụng chủng loại vũ khí Liên Xô, Armenia đã thắng Azerbaijan trong chiến tranh Nagorno-Karabakh 1994. Nhưng ngoài vũ khí Nga mà 2 bên cùng có, thì trong chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020 Azerbaijan có thêm vũ khí của Israel và sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ nên đã dành thắng lợi, trả được món nợ năm 1994.

II. BÀI HỌC TRỰC DIỆN TỪ CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020

Thiết nghĩ các nhà quân sự Việt nam đã để ý đến cuộc chiến tranh Nagorno-Karabakh 2020 và đã có những quyết định tương xứng. Nhưng xin lưu ý lại, vẫn không thừa mấy nhận xét dưới đây.

1. Lãnh đạo quân đội Armenia không nêu lên tất cả các lý do đưa đến thất bại mà mới chỉ lưu ý 3 điều về mua sắm vũ khí: 
- Không được mua sắm các loại vũ khí hiện đại cần thiết; 
- Lại còn bị mua vũ khí lỗi thời; 
- Lại còn bị bớt xén. 

Đây là căn bệnh chung của các nước nghèo. Ngân sách quốc phòng ít, nên buộc phải mua loại lạc hậu, lại bị bớt xén do tham nhũng, nên vũ khí không dùng được khi chiến trận xẩy ra. 

Mua vũ khí lạc hậu và ăn bớt trong mua sắm vũ khí là cực kỳ nguy hại cho phòng vệ quốc gia. Bài học là thà mua ít, nhưng hiện đại, và khộng bớt xén.

2. Nhưng điều người Armenia biết mà không nhắc đến, đó là vũ khí khắc tinh của Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.  Vũ khí khắc tinh là một quân bài cực kỳ quan trọng làm cho đối phương bất ngờ và phải gánh chịu thất bại.

3. Máy bay không người lái UAV là một QUÂN CHỦNG vô cùng nguy hiểm trong chiến tranh hiện đại. 

4. Không có đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan đã không có được chiến thắng trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020 ở mức độ như vậy.

III. HƯỚNG MẠNH ĐẾN TỰ SẢN XUẤT

Sự khác biệt của các nước có nền công nghiệp hiện đại là mua sắm và tự học theo chế tạo và tự sản xuất. Đó là điều Trung Quốc, Thổ Nhĩ kỳ và Bắc Triều Tiên và nhiều nước khác làm được.

Việt Nam cần đẩy mạnh xu hướng tự sản xuất, dẫu là theo paten của nước khác hay nhờ chuyển giao công nghệ. Từ đó mới có bậc thang để tiến lên tự sang chế.

Việc xếp hạng năng lực quốc phòng mà các tạp chí đang tiến hành chỉ dựa trên số lượng khí tà đang có. Như là số lượng: máy bay, tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng, quân số thường trực… Trong bảng xếp hạng như vậy, một cường quốc đích thực như Đức, không được xếp hạng cao.

Chẳng hạn: 
-Xếp hạng theo máy bay Đức có 712 chiếc xếp thứ 17 sau Saudi Arabia có 879 chiếc thứ 12;
- Xếp hạng tầu ngầm Đức có 6 chiếc sau Algeria 8 chiếc;
- Xếp hạng xe tang Đức có 245 chiếc thứ 53 sau campuchia 263 chiếc thứ 49;
- Xếp hạng pháo phản lực Đức có 38 bệ xếp thứ 55 sau Lào có 64 bệ thứ 48…

Nhưng những chỉ số vừa nêu không nói lên năng lực thực về quốc phòng của nước Đức. Khi chiến sự xẩy ra thì Đức hoàn toàn có khả năng tự sản xuất các chủng loại khí tài vừa nêu với số lượng vượt trội và rất hiện đại. Để thấy được sự khác biệt giữa phải mua sắm với khả năng tự chế tạo và tự sản xuất. Đó là sự khác biệt của các cường quốc.

Việt Nam đã lãng quên nền công nghiệp tự cường hơn 30 năm nay, từ khi lao vào nền kinh tế dịch vụ. Đã đến lúc bừng tỉnh để quay về nền công nhiệp tự sản xuất. Đó là nhân tố quốc phòng cực kỳ quan trọng. Mua không xuể. Xin viện trợ càng không xuể. Phải cậy nhờ đến tự sản xuất.

IV. ĐÔI ĐIỀU VỀ PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020

Hải quân Trung Quốc chưa bao giờ có bước tiến nhảy vọt về chất lượng và số lượng như thập niên vừa qua.

Chưa so sánh về chất lượng với Hải quân Hoa Kỳ và Hải quân Nga, nói về tổng số lượng tàu chiến lớn nhỏ, Trung Quốc có số lượng đông nhất thế giới, bỏ lại phía sau Mỹ và Nga. Về một binh chủng quan trọng như tàu ngầm, thì hiện tại Trung Quốc đã vươn lên vị trí số 1 với 79 chiếc, và còn tăng nhanh nữa trong tương lai gần, vượt số lượng 69 chiếc của Mỹ và 64 chiếc của Nga.

Từ một nước không tiếp cận được hàng không mẫu hạm, nhờ Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã chớp thời cơ mua hàng không mẫu hạm Vargna đóng dở ở Odessa rồi nhờ các chuyên gia Ukraina giúp đỡ, tổng thể tốn kém khoảng hai chục triệu đô la, đến năm 2012 Trung Quốc đã hạ thuỷ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh. Năm 2017 Trung Quốc có hàng không mẫu hạm Sơn Đông. Năm 2023 sẽ là hàng không mẫu hạm thứ 3 của Trung Quốc. Đến một ngày Trung Quốc sẽ vượt con số 11 hàng không mẫu hạm Mỹ.

Làm thế nào để hạn chế bớt uy lực của Hải quân Trung Quốc?

Cuộc chiến Nagorno-Karabakh 2020 cho nhiều bài học quý. Trong đó cần lưu ý đến vài hướng quan trọng sau đây có thể gợi ý cho phòng ngự ở mặt trận biển Đông.

1. Việt Nam đang xây dựng lực lượng không quân cho hải quân. Trong lực lượng đó cần chú trọng phát triển nhanh BINH CHỦNG KHÔNG QUÂN KHÔNG NGƯỜI LÁI. LẤY CHỦNG LOẠI KHẮC CHẾ làm chủ lực. Sử dụng vài ngàn UAV tàng hình là phương án kinh tế để góp phần đối phó nhanh và hiệu quả trước một đối thủ nhiều trăm tàu chiến.

2. Không thể không nghĩ đến binh chủng TÀU NGẦM MINI CÓ NGƯỜI LÁI VÀ KHÔNG NGƯỜI LÁI. Không thể không nghĩ đến tự sản xuất. Đây cũng là một hướng đi vừa kinh tế vừa kịp thời trong chiến lược bảo vệ biển Đông.

3. Cần sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Không cạnh tranh rằng các điều nêu trên là đúng. Chỉ là cung cấp thông tin từ một góc nhìn. 

Cũng không phải là tất cả các biện pháp được trình bày ở đây, chỉ là vài điều phác hoạ rút ra từ thực tiễn cuộc chiến Nagorno-Karabakh. 

Rất hy vọng các bộ óc chiến lược quốc phòng Việt Nam đã nhìn xa hơn những điều trên.

Phải tránh xung đột trong mọi trường hợp. Nhưng bảo bối số 1 để tránh xung đột là có một tiềm lực quốc phòng đủ mạnh.

Nếu nói rằng, không bao giờ ganh đua được về số lượng và chất lượng với một cường quốc mạnh hơn nhiều lần, thì đó là một suy nghĩ sai lầm. 

Khi chịu thua, dừng lại, là để cho đối thủ có cơ hội tiến xa hơn và cũng là chịu đầu hàng không điều kiện.

Ở mặt biện chứng khác, sao sáng thì phải lụi tắt, tập đoàn lớn rồi đến ngày thu nhỏ để cho các tập đoàn nhỏ mới xuất hiện trở thành gã khổng lồ, một để chế hùng cường tất đến ngày tiêu vong để đế chế vĩ đại mới xuất hiện. Vũ trụ không độc cực. Đó là quy luật. Đừng bao giờ đầu hàng.

Có khát vọng chưa chắc đã thành công. Nhưng không có khát vọng thì không bao giờ thành công.

Nguyễn Ngọc Chu

VÀI PHƯƠNG TIỆN PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020

VÀI PHƯƠNG TIỆN PHÒNG NGỰ BIỂN ĐÔNG TỪ GÓC NHÌN CUỘC CHIẾN NAGORNO-KARABAKH 2020



Không có nhận xét nào