Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHÔNG NÊN CƯỜNG ĐIỆU HÓA QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG VỀ TIỂU SỬ CỦA LÃNH ĐẠO

KHÔNG NÊN CƯỜNG ĐIỆU HÓA  QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG VỀ TIỂU SỬ CỦA LÃNH ĐẠO  Người ta đồn đoán rằng rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng có ý định, kh...

KHÔNG NÊN CƯỜNG ĐIỆU HÓA  QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG VỀ TIỂU SỬ CỦA LÃNH ĐẠO

KHÔNG NÊN CƯỜNG ĐIỆU HÓA  QUÁ SỨC TƯỞNG TƯỢNG VỀ TIỂU SỬ CỦA LÃNH ĐẠO 

Người ta đồn đoán rằng rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng có ý định, khi ông nghỉ việc hoặc phải ra đi thì người thay ông sẽ là Vương Đình Huệ. Vì con đường quan lộ của ông Huệ bây giờ, được ông Trọng sắp xếp, đạo diễn  vạch ra rất giống với trường hợp tiến thân của ông.

Nghĩa là cũng đi lên từ Bí thư Thành ủy Hà Nội, lên Chủ tịch Quốc hội, rồi lên tổng Bí thư.

Gần đây ông Vương Đình Huệ được báo chí tung hô  tuyên truyền về ông rất mạnh. Những bài viết về  „Tuổi thơ dữ dội“ của các báo đài đưa ra để ca ngợi ông đươc nhiều báo đài chính thống đưa lên. Họ  viết và hư cấu  thành những giai thoại không khác gì các vị Tiền bối. Nhưng chưa hẳn những trang quảng cáo kêu như vậy đã làm cho dân tin để trọng vọng. Khi họ nhận ra đó là sự phóng đại quá đáng.

Sau đây là những đoạn văn trích từ những bài viết, bài phỏng vấn của các báo đài bên Đảng đưa lên:

"Nhắc lại kỉ niệm thời thơ ấu của ông Huệ, mẹ ông là Võ Thị Cầm kể lại “: Từ năm 6 tuổi, cu Huệ đã phải quần quật làm việc nhà, tìm rau nấu cám cho lợn, cùng anh chị ra biển cào nghêu, bắt ốc, nhặt cá rơi. Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại.

Đói ăn, thiếu mặc nhưng chưa khi mô nó đòi hỏi điều gì. Nó hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên hễ đi học về là lại lao ra biển cào nghêu, bắt ốc để đỡ đần mẹ, rồi đi chăn trâu cho người ta kiếm gạo.
Hồi 5-6 tuổi, Huệ đã biết lấy vỏ ốc để làm phép tính. Anh ấy cũng đầu têu trong mọi trò chơi như đánh trận giả. Đặc biệt, Huệ chơi cờ tướng rất giỏi, thắng được mọi cao thủ ở Nghi Lộc.

Huệ nó chăm học lắm, có nhiều lúc nó chong đèn học thâu đêm. Những khi đèn dầu hết, nó học nhờ ánh trăng và bắt chước người xưa bắt đom đóm bỏ vào quả cà rỗng để học. Có hôm nó học khuya quá, thương con, nhà còn nắm gạo, tui nấu cháo cho nó nhưng nó không chịu ăn. Nó bảo mẹ ăn đi mà lấy sức, con không đói đâu. Nó bê cháo đến nài cho mẹ ăn làm tui cảm động cứ ôm lấy con mà khóc.

 
Ngày đó, chuyện thiếu ăn đối với gia đình Vương Đình Huệ xảy ra thường xuyên. Không có gạo, bà Cầm phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn. Có những đận chồng và các con ốm đau phải đi viện hàng tháng trời, không còn cách nào khác, bà đã đứt ruột bán Vương Đình Huệ cho một gia đình giàu có để cứu gia đình.

Tuy nhà nghèo nhưng Huệ học rất giỏi, không những có tiếng ở Nghi Lộc mà cả tỉnh Nghệ An. Năm lớp 10 (1974) từng được tỉnh Nghệ An tặng một chiếc xe đạp do thành tích học tập xuất sắc của mình…“ (Hết trích)

Sau khi trên báo đài phát tán tin như vậy thì nhiều người ở Quê ông Huệ thấy không đúng, vì thế mà đã lên tiếng phản biện. Chẳng hạn ông Chu Hồng Quý, ông từng là cựu học sinh trường Năng khiếu Nghệ Tĩnh nói rằng:

 
„Lịch sử xã Nghi Xuân nói riêng và vùng ven biển Nghi Lộc, Cửa Lò từ xưa đến nay chưa có đứa nào vào Đội tuyển Học sinh Giỏi Quốc gia.  Nên kêu Huệ học giỏi “nổi tiếng xứ Nghệ” là không phải. 
Năm 1974 thì Thủ khoa học sinh Giỏi miền Bắc cũng chưa được tặng xe đạp chứ đừng nói là học giỏi ở trường cấp Huyện. Sao không nói quách đi là được phần thưởng iPhone cho nó máu?“

Để chứng minh, ông Quý đưa lên facebook một công văn do Ty Giáo dục Nghệ An phát hành năm 1969, quyết định khen thưởng 15 học sinh đạt loại giỏi và khá trong kỳ thi tốt nghiệp niên khóa 1968 – 1969. Ngoài giấy khen, mỗi người chỉ được thưởng thêm một cây bút kim tinh và một lọ mực. 

Ông Quý cũng cho biết thêm là: „ Thủ khoa Đội tuyển của tỉnh thi quốc gia, đạt giải Học sinh Giỏi Toàn quốc,  mà ngày đó cũng chỉ có 14 cuốn sách truyện viết về Bác Hồ. Nên làm gì có chuyện  Huệ học giỏi ở cấp Huyện mà lại được thưởng hẳn một cái xe đạp. Xe đạp ngày ấy là cả một tài sản lớn. Nhà khá giả mới tậu nổi. "

Nếu như báo đài viết theo lời kể của bà  Cầm, mẹ Huệ: "Những năm học cấp 1 rồi lên cấp 3, trên người nó lúc nào cũng chỉ độc có 1 cái áo thôi. Lỡ gặp mưa là phải vắt phơi khô để mặc lại."

Thì liệu ta có nên tin không? Điều này  nó sẽ có hai trường hợp xảy ra: 
-Trường hợp 1: Từ cấp 1 cho tới cấp 3, thời gian, ít nhất là 4 năm, chả lẽ Huệ  mặc duy nhất một cái áo làm bằng cao su co giãn ư? Để áo rộng ra theo độ lớn của Huệ. Hoặc áo đó phải là áo thần tiên . Huệ chỉ cần vỗ tay kêu lên "Úm ba la" một nhát là áo tự nhiên chỉnh theo vóc dáng của Huệ.
-Trường hợp hai là: Từ cấp 1 cho tới cấp 3 Huệ không lớn và to ra chút nào cả, cứ còi cọc vậy. Nên cái áo duy nhất đó vẫn cứ vừa. Mà trường hợp này lại nghịch với "Mệnh đề" là bà Cầm, mẹ của Huệ kể với Phóng viên :
"Khi sinh nó bé tí, nhưng nhờ Trời, nó không bệnh tật gì, nên  chóng lớn" . 

Đoạn văn kể: "Không có gạo, bà Cầm phải đi nhặt hạt bo bo về đập giập nấu cháo cho các con ăn" Thì tôi thấy Huệ kém tôi 3 tuổi, tôi nhớ hình như từ năm 1972 trở về đây mới xuất hiện khái niệm hạt Bo bo. chứ thời tôi và Huệ còn là trẻ con bé thế thì chỉ biết đến  khoai, ngô, sắn, rau má, củ mài, cháo hoa...Đói giã họng ra.

Còn cái đoạn là bà Cầm mang Huệ đi bán, thì chả biết có nên tin hay không? Vì Huệ sinh năm 1957, mà Cải cách từ năm 1954 ông Hồ đã giết hết Địa chủ rồi thì còn ai mà mua con nuôi nữa? Hơn nữa buôn bán người cũng là phạm pháp. (Vấn đề này ta phải bàn và xem lại).

Còn chuyện kể rằng: "Đặc biệt, Huệ chơi cờ tướng rất giỏi, thắng được mọi cao thủ ở Nghi Lộc." Thì cả huyện Nghi Lộc có diện tích gần 350 Cây số vuông, gồm 28 xã, có khoảng 22 vạn dân mà thua cờ Huệ cả thì ta cũng phải thẩm tra lại. Nếu thực nổi tiếng như vậy sao dân chúng trong huyện ít người biết đến việc  Huệ chơi cờ đến diệu kỳ như vậy?

Còn có bài báo ca ngợi Huệ chăm đọc sách thì ta cho là đúng. Nhưng viết là Giá sách của Huệ có tới 100 quyển thì ta cũng nghi ngờ vì nhà nghèo thì tiền đâu mà tậu sách, và cứ cho là Huệ đi sưu tầm hay mượn đi thì cũng khó có nhiều sách như vậy. Thời ấy nhà tôi khá giả mà cũng chỉ có bộ "Tam quốc" 13 tập và "Đông chu liệt quốc" 11 tập, mấy quyển như "Vân đài loại ngữ", " Hồng Lâu mộng". Vài cuốn sách chữ nho giấy mỏng tanh. Sau này bố tôi không dùng nữa, tôi làm giấy phất diều mà thôi. Chỉ có mà đi mổ trộm mới có hàng vài chục quyển như nhà Huệ. Mà nhà nào cũng nghèo và đói rách thì làm gì có sách mà mổ ?

Còn nhiều giai thoại về chú bé Huệ, nhưng Cộng đồng mạng bàn tán xôn xao nhất vẫn là chuyện Huệ đi bắt đom đóm về làm đèn học. Trên mạng người ta tính độ sáng phát ra của một con đom đóm là 0,0006 lumens (lấy từ kết quả Thí nghiệm của mấy cụ Newton, Harvey và Kenneth vào năm 1928).

Mà mỗi Watt (W) điện sáng là có 11,25 lumens. Vậy nếu ta cần có bóng điện sáng 10 W thôi, thì ta sẽ phải cần : 10X11,25=112,5 lumens. Nghĩa là ta phải có : 112,5 : 0,0006= 187.000 con đo đóm. Hoặc cứ cho là Huệ mắt sáng như mèo đi, nên chỉ cần độ sáng để học là 1 W thôi thì: 11,25:0,0006=18.750 con. Để bắt được gần 20 nghìn con đom đóm này về cho Huệ học để bây giờ Huệ ngồi chễm chệ trong Ba Đình thì chắc ta phải huy động trẻ em của cả tỉnh Nghệ An. Thế thì là một điều không thể. 

Cái trò bắt đom đóm này lứa tuổi của tôi và Huệ chênh nhau có 3 năm thì không lạ gì. Tầm tuổi ấy ai cũng  chơi và đều  biết rất rõ. Bắt nó về cho  vào cái chai, cái lọ là tuyệt vời rồi, còn thường thì túm vào lá, vào vỏ trứng thì ai chả biết. Nhưng Huệ quá thông minh, lại chơi trò khác chúng tôi là cho vào quả cà. Vỏ cà dầy thì ánh sáng của đít đóm phát ra làm sao được?
Chắc là Phóng viên nghĩ ra quả cà cho khác với lớp Tiền nhân là cho vào vỏ trứng chăng?

Trò bắt đom đóm chỉ là để chơi, chứ Nhà văn, nhà báo bắt chước Huyền thoại cụ Mạc Đĩnh Chi ngày xưa chả biết có phải thật thế không, rồi áp dụng  để viết khuếch đại, khoách lác lên là bắt đom đóm để học là không ổn. Ánh sáng phát ra của  con đom đóm chỉ là để chơi thôi. Lại nhấp nháy như con ma thế thì Huệ đói ăn, mắt càng mờ đi thì học mần răng?

Bây giờ thời đại văn minh rồi, ngày xưa ta viết những huyền thoại này,  thì người ta còn tin. Nhưng bây giờ những cuốn sách như của ông Hồ tự viết ra khoe và tâng bốc mình, rồi lấy tên là Trần Dân Tiên, thì người ta đã phản đối rồi. 

Kể cả cuốn "Nhật ký trong tù" thì rất nhiều Học giả lỗi lạc,  đứng đầu là cụ Đặng Thai Mai từng là Viện trưởng Viện Văn học, là bố vợ của hai vị Đại  tướng Võ Nguyên Giáp và Văn Tiến Dũng cũng có tin là cuốn sách mà Đảng nhờ ông biên khảo là của chính ông Hồ viết cả đâu.

Gần đây trong cuộc họp Quốc hội ông Giáo sư, Tiến sỹ  là Nguyễn Anh Trí, có học hàm, học vị rất oai, nhưng ông khôn quá lại thành ra dại.  Ông khen ông Trọng lô liễu quá, làm cho Cộng đồng mạng dậy sóng. Ông nói: "Thật cảm động với vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có mái đầu bạc trắng hiên ngang, gánh sơn hà nặng trĩu hai vai, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc."

Khen động viên và khích lệ ai đó không ai cấm và không phạm luật. Nhưng tôi nghĩ ta nên tùy thời, tùy người, tùy hoàn cảnh. Bối cảnh và nhận thức của con người Việt Nam chúng ta giờ đây đã khác xưa. Tôn vinh ai đó mà ta lại bắt chước thế hệ trước, như Tố Hữu, một người suốt đời tô hồng thì giờ đây giọng thơ ấy không ai "tiêu hóa" được. 

Cũng như ngày xưa các vị viết:
"Một viên gạch hồng Bác chống lại cả một mùa băng giá
...Bác là vỉa than dầy đốt  lên nghìn triệu độ
Sưởi ấm mọi tâm hồn trong gió lạnh đêm Đông"

Người ta còn thấy hay hay mà nghe cho sướng tai rồi tin. Chứ giờ thì họ không thích kiểu đắp son như vậy. 

Tả trái tim của  Bác to như bầu trời, vật vưỡng và mênh mông; Không những "Ôm cả non sông" Việt Nam mà cò ôm "Mọi kiếp người" trên Thế gian nữa thì là khoác lác quá rồi còn gì. 

"Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông mọi kiếp người"

Kiểu tuyên truyền đó rất tiếc cho các vị là đã hết thời rồi. Dập khuân nó sẽ còn nguy hiểm là làm người ta hiểu ngược lại, có cớ để đàm tiếu. Lời khen của các vị sẽ phản tác dụng, vô tình thành tai họa, hại người được khen. Nhất là các vị được khen không xứng đáng để nhận lời khen đó, thì nó sẽ thành lố bịch.

Trường hợp  ông Vương Đình Huệ là ông học giỏi thật. Chúng ta phải công nhận bước đường phấn đấu đi lên của ông là tốt . Nhưng khi khen ngợi ông thì nên lựa lời, không nên ba hoa, khoác lác. Rất tiếc ông chỉ được đào tạo ở trong nước và ở Tiệp là nước CNXH trước đây, nên học vấn của ông tuy cao nhưng áp dụng thời Kinh tế Thị trường này là lỗi thời rồi. Không thể bằng những vị được đào tạo từ các nước Tư bản, hoặc con em ta sau này. 

Cũng như Thế hệ tôi đào tạo về Kinh tế và Luật  ngày xưa ở Đông Đức thì cái bằng đó bây giờ không còn tác dụng  mấy nữa. Tôi thích ông Vũ Đức Đam là thế.  Tiếc rằng  ông lại không ở Thể chế Dân chủ để mà phát huy . 

Thực ra ở nhà dân chúng rất e dè và sợ phản biện về Chính trị. Họ  không dám nói, không dám viết. Nhưng thực ra họ biết cả những cái trò xây dựng hình tượng, kiểu định hướng này của Đảng.
Vậy thì các vị phải thay đổi chiến lược và phương thức là chuyển từ phương pháp ca ngợi thời niên thiếu thì ta bắt tay vào "chơi thật" luôn! Để làm cho toàn dân thiên hạ sáng mắt ra và bái phục các vị  luôn. Ví dụ bắt chước Gorbatschow tạo ra bước ngoặt lịch sử,  hay xông xáo thức đêm với toàn dân, không làm trò mèo là đi bắt đom đóm nữa mà cùng với Vũ Đức Đam tóm cổ con covid Tầu quẳng sang phương Bắc. Chơi hết mình để ủng hộ và cùng với Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc  tập trận ở Biển Đông... là Dân chúng vỗ tay ca ngợi các vị luôn.

Chứ bây giờ các vị cứ thích hoài cổ để kể nể dông dài về thành tích cổ xưa, cái thời trẻ con các vị đi bắt đom đóm, rồi thời các vị học lớp 10 Trường Nguyễn Gia Thiều thì Dân tôi đâu có được cái gì?   

Ai sinh ra ở cái Dân tộc bất hạnh này, vào thời điểm ấy mà chả phải trải qua  cảnh khổ và hàn vi na ná như nhau. Tôi thì may hơn Huệ là có dầu mazút đổ vào cái lọ nhỏ, làm cái bấc, chụp đèn thì lấy dây thép hơ nóng cắt từ một cái vỏ chai ra.  Khói muội đen bay lên nghi ngút. 

Thời học Phổ thông tôi học cũng giỏi (Khóa 1972-1973) cũng là học sinh tiên tiến năm cuối (Hệ ngày đó chỉ đến lớp 10) nhưng tôi cũng chưa nghe thấy ai được tặng xe đạp cả. Hồi học cấp 3 vì xa nhà, cả huyện mới có một trường cấp 3. Học sinh học lên được cấp 3 ngày đó là còn ít ỏi lắm. Nên Gia đình tôi xẻn  nhặt bán thóc mua cho tôi cái xe đạp "Thống nhất" nam. Sau này tôi đổi sang xe "Phượng Hoàng" nữ, vành đũa mạ sáng chưng.  Cả xã may ra có 3-4 Gia đình khấm khá, căn cơ, nổi tiếng mới được sở hữu một cái xe đạp thôi. Lúc nào cũng rửa, lau chùi từng cái nan hoa, rồi phủ cái chiếu cói lên cho khỏi bụi.  Giữ gìn cẩn thận lắm, vì nó là báu vật.

Tóm lại thì dù ngày xưa ta tài, ta giỏi mấy đi chăng nữa, mà bây giờ, thời hiện tại này ta chỉ để hoài cổ, ngắm nghía và tự sướng thì Cộng đồng cũng chẳng được lợi lộc gì ở ta. Ta  nhận được ngôi cao, chức trọng mà vẫn cứ theo lối cũ, không có gì nổi trội, khác biệt  để mở ra một hướng đi mới cho Dân tộc ta đi lên, thì cũng chẳng khác gì màn đêm bao phủ ta ngửa mặt lên, nhìn trời sao mênh mang như  hàng triệu con đom đóm bay mà mặt trời thì không bao giờ dậy...  

Nguyễn Doãn Đôn


Không có nhận xét nào