Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

KHỔNG TỬ BÀN VỀ CHỮ HIẾU

KHỔNG TỬ BÀN VỀ CHỮ HIẾU. Khổng Phu Tử còn gọi là Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu tự Trọng Ni là nhà khai sáng Nh...

KHỔNG TỬ BÀN VỀ CHỮ HIẾU.

KHỔNG TỬ BÀN VỀ CHỮ HIẾU.

Khổng Phu Tử còn gọi là Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu tự Trọng Ni là nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc của Trung Hoa. Khổng Tử sinh 28 tháng 9, năm 551 trước công nguyên và mất 11 tháng 4, năm 479 TCN. Cùng với với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (563 - 483 TCN) và Lão Tử (571 TCN - 471 TCN) được coi là 3 nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất tới Văn hóa Á Đông, và có một sự trùng hợp là cả 3 người đã sống trong cùng một thời kỳ lịch sử. Trải qua mấy ngàn năm, những lời dạy của Khổng Tử có đôi chỗ không còn hợp thời, đôi chỗ mâu thuẫn với quan niệm cùa thời hiện đại.

Nhưng khi bàn về chữ Hiếu, đối với Phương Đông, những quan điểm của Khổng tử ngày nay vẫn còn giá trị.

Theo lời giải thích về chữ Hiếu với mẹ, cha, Khổng Tử nói về một chữ Hiếu mà có năm lời giải:

* Mạnh Ý Tử hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử trả lời rằng: "Không làm trái với lễ tiết".

Phàn Trì đánh xe cho Khổng Tử, Khổng Tử nói với Phàn Trì rằng: "Mạnh Tôn thị hỏi ta thế nào là Hiếu, ta trả lời ông ấy rằng: 'không làm trái với lễ tiết' ".

Phàn Trì hỏi: "Nghĩa là gì ạ?"

Khổng Tử nói: "Khi cha mẹ còn thì phải phụng sự cha mẹ theo lễ. Khi cha mẹ mất thì phải an táng theo lễ, thờ cúng theo lễ".

* Con trai của Mạnh Ý Tử là Mạnh Vũ Bá hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử trả lời rằng: "Người làm cha mẹ thì lo lắng phẩm hạnh con cái không tốt, do đó hiếu thuận cha mẹ chính là tu dưỡng đức hạnh của mình, không được để cha mẹ lo lắng".

* Tử Du hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử nói: "Hiếu thuận mà người hiện nay nói đến chỉ là nuôi dưỡng cha mẹ là được rồi. Nhưng như thế là chưa đủ, bởi vì đối với chó, đối với ngựa, con người cũng có thể nuôi dưỡng được. Nếu chỉ nuôi dưỡng cha mẹ mà không thành tâm hiếu kính, như thế thì có gì khác với nuôi chó nuôi ngựa?"
Do đó trọng đạo hiếu, thờ cha mẹ là phải xuất phát từ lòng thành kính chứ không phải chỉ phụng dưỡng về vật chất.

* Khổng Tử nói với các đệ tử rằng: "Tuổi tác của cha mẹ thì không thể không biết. Một mặt là vui mừng vì cha mẹ tuổi cao, trường thọ, một mặt là lo lắng vì cha mẹ ngày một già yếu".

Khổng Tử còn nói: "Phụng dưỡng cha mẹ, nếu thấy cha mẹ có chỗ nào không đúng, thì chúng ta phải khéo léo nhẹ nhàng khuyên can. Nếu cha mẹ không nghe thì chúng ta vẫn phải tôn kính cha mẹ. Mặc dù trong lòng lo nghĩ nhưng đối với cha mẹ vẫn không oán hận".

* Tử Hạ hỏi thế nào là Hiếu, Khổng Tử nói: "Con cái phụng dưỡng cha mẹ cần luôn luôn giữ được nét mặt vui vẻ hòa ái, đó là điều khó nhất. Nếu chỉ làm được là khi có việc gì đó thì con cái làm cho cha mẹ, có đồ ăn ngon thì để cha mẹ hưởng, nhưng nếu nét mặt con cái khó coi thì lẽ nào có thể coi là hiếu được?".

Như vậy, Hiếu theo Khổng Tử không chỉ phụng dưỡng cha mẹ cơm no, áo ấm mà còn cần có thái độ cư xử. Tức là không chỉ lo cho vật chất đầy đủ mà còn phải có thành tâm hiếu kính, lo lắng thật tâm và tự bản thân cũng phải biết tu dưỡng đức hạnh để cha mẹ khỏi buồn phiền, âu lo. Trong những lời dạy của Khổng Tử, những lời về chữ Hiếu là thực tế và gần gũi nhất.
DODUYNGOC
(tóm lược từ những lời dạy của Khổng Tử.)

Không có nhận xét nào