NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA VÀ HỘI CHỨNG BỎ VIỆC Câu chuyện Bạch Mai có hơn 200 nhân viên bỏ việc chưa kịp chòm xuống thì hơn 600 y bác sĩ xin nghỉ ...
NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA VÀ HỘI CHỨNG BỎ VIỆC
Câu chuyện Bạch Mai có hơn 200 nhân viên bỏ việc chưa kịp chòm xuống thì hơn 600 y bác sĩ xin nghỉ việc tại một bệnh viện ở TP HCM phải khiến chúng ta đặt ra những câu hỏi về cách thức sử dụng nguồn lực con người trong xã hội VN hiện nay.
Người Việt vốn ưu “ổn định”, ổn định là một trong những cái đích quan trọng nhất của những người làm công ăn lương, đặc biệt là ở hệ thống công. Nhưng khi tôi nghỉ việc thì đồng thời có 2 người nữa cùng tổ chuyên môn cũng đã rời đi ngay sau đó. Tại một trường học thuộc loại VIP nhất (trường chuyên) của hệ thống trung học mà mỗi năm có hàng chục người bỏ việc thì phải thấy rằng đó là một hiện tượng bất thường.
Tình trạng này ngày càng phổ biến trong hệ thống công lập. Nhưng đó chưa phải là vấn đề lớn nhất. Một nhà báo là bạn thân của tôi nói, chỉ ước có một công việc hay nguồn thu nhập gì khác đủ nuôi con là lập tức bỏ việc ngay. Cũng theo người ấy, dường như không có mấy đồng nghiệp của anh ta còn mặn mà với báo chí nữa. Tâm trạng chán nghề đang bao trùm lên xã hội.
Tại sao thế? Tôi nghĩ, vấn đề lương hay thu nhập là một trong những nguyên nhân quan trọng, nhưng không phải là quan trọng nhất. Đồng nghiệp tôi, nhiều người đang loay hoay tìm cách đổi nghề, họ tỏ rõ sự chán chường và mỏi mệt trong chính cái nghề mà họ đã đèn sách theo đuổi hàng chục năm trời. Cái cung cách quản lý mang tính chuyên chế, môi trường làm việc không có dân chủ, cùng với hàng tá những việc “tẹp nhẹp vô nghĩa lý” đè nặng mỗi ngày. Người lao động, mà lại là lao động trí óc, ngày nay dường như chỉ còn là những công cụ trong tay thủ trưởng, họ hoàn toàn bị phụ thuộc về mọi mặt. Một người giáo viên mà đến chuyên môn còn không có quyền tự chủ thì thử hỏi sẽ tìm niềm vui ở đâu trong nghề nghiệp của mình? Không những bị tước đoạt đi năng lực sáng tạo và sự tự tôn nghề nghiệp, họ còn bị đè ép bới bao nhiêu quy đinh nhiêu khê phiền hà, và lúc nào cũng có thể trở thành nạn nhân bởi sự vui buồn của người đứng đầu.
Người trí thức bị xúc phạm, thậm chí bị nhục mạ, bị coi khinh, bị tước đi niềm vui trong những tìm tòi và lao động sáng tạo. Thân phận người lao động nói chung và người trí thức nói riêng chưa bao giờ bị rẻ rúng đến thế. Không những không được lao động đúng nghĩa mà còn phải làm những vô nghĩa; không những không được phát tiết trí tuệ mà còn phải làm cả những việc sai trái. Nó là một thảm trạng.
Thử hỏi ai có thể chịu đựng kéo lê mãi một cuộc đời như thế? Thế mà có đấy, không những có mà còn có nhiều. Bên cạnh những người bỏ việc (thiểu số) là những người tồn tại bằng những cách tiêu cực. Một bộ phận nhân lực thuộc giới “tinh hoa” của xã hội đã buộc phải hạ thấp mục tiêu, tự mài mòn cá tính, và thỏa hiệp để tồn tại. Một tình trạng “làm việc cầm chừng” đang trùm phủ lên xã hội. Không những chỉ cầm chừng, mà tai hại hơn, đối phó – đối phó đang trở thành phương cách làm việc của họ. Đó là con đường của sự tha hóa.
Nguồn tài nguyên vô giá của quốc gia đang bị hủy diệt bởi cung cách quản trị sai lầm, Đó không chỉ là một sự “lãng phí” mà ghê gớm hơn, là một tội ác. Nó không chỉ chặn đứng tương lai đất nước mà quan trọng hơn là, phá hủy con người.
Nguồn nguyên khí thiêng liêng của quốc không thể tiếp tục bị hủy hoại nữa. Không thể tiếp tục duy trì một bộ máy với cách thức vận hành phản khoa học như thế nữa. Muốn đất nước phồn thịnh và nhân dân hạnh phúc, không có con đường nào khác ngoài việc cải cách thể chế.
Thái Hạo
Không có nhận xét nào