Nhơn ngày 30 tháng 4 đọc lịch sử của một người trí thức đón gió trở cờ Việt Nam Đây là một nhơn vật lịch sử nổi tiếng Việt Nam - tức là ngài...
Nhơn ngày 30 tháng 4 đọc lịch sử của một người trí thức đón gió trở cờ Việt Nam
Đây là một nhơn vật lịch sử nổi tiếng Việt Nam - tức là ngài Ngô Thì Nhậm (aka Ngô Thời Nhiệm)
Phần lớn người Việt Nam ngày nay đã được dạy là ngài họ Ngô này rất giỏi văn chương, đã xem thường ngài Đặng Trần Thường, làm cho ngài họ Đặng bỏ đi theo họ Nguyễn, sau nhà Nguyễn lấy lại được đất nước, ngài họ Đặng đã vì tư thù mà đánh roi đến chết.
Ví dụ bạn đọc trên mạng Wikipedia là như thế >> https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%B4_Th%C3%AC_Nh%E1%BA%ADm
Và chắc là nếu bạn đi khắp nước Việt Nam, người ta sẽ than oán cho bạn về việc ngài Ngô Thì Nhậm đã mất vì tư thù như thế, rồi có cả việc người ta lại gán cho ngài họ Ngô giỏi thuật bói toán đoán trước ngài họ Đặng sẽ bị mất dưới tay triều Nguyễn, và đủ thứ linh tinh.
Nhưng thật ra, số phận đáng buồn của ngài Ngô Thì Nhậm, không thể nào là do ngài Đặng Trần Thường vì tư thù mà tạo ra cả, mà đó chính là số phận đáng buồn và có thể đoán được của một kẻ trí thức đón gió trở cờ.
Mình xin nêu ra 3 ví dụ để bạn có thể tự đánh giá / phản luận
****
(1) Có đúng là ngài Đặng Trần Thường do tư thù mà đánh roi chết ngài Ngô Thì Nhậm không ?
Theo Đại Nam Liệt Truyện tập 2 truyện Đặng Trần Thường thì "Thường lúc trước cùng với Ngô Nhậm ở huyện Thanh Oai quen biết, Nhậm làm quan với nguỵ tới chức Binh bộ Thượng thư, Thường tới ra mắt Nhậm, nói đến việc đời. Nhậm nói: "Người quân tử quý ở chỗ biết thông biến, mới có thể làm nên được công nghiệp, chứ kẻ thất phu chỉ biết tự tin mình, rồi có ích gì", và tỏ vẻ lấy vị thứ uy quyền lấn át Thường. Thường giũ áo đứng dậy đi. Khi về bảo người nhà rằng: "Ta sẽ giết tên giặc ấy"."
Nhưng đáng tiếc là, cũng trong quyển Đại Nam Liệt Truyện Tập 2 truyện Nguyễn Văn Huệ thì "Tháng ấy đổi ngụy hiệu là Bảo Hưng năm thứ I (1801), xuống chiếu chỉ nhận lỗi tự trách mình, úy lạo vỗ về quân dân các trấn. Cho Thị trung đại học sĩ là Ngô Nhậm làm Binh bộ Thượng thư, Hiệp biện đại học sĩ là Nguyễn Huy Lịch làm Lại bộ Thượng thư, Thị trung ngự sử là Phan Huy Ích làm Lễ bộ Thượng thư, còn các người khác phong cho đều có thứ bậc khác".
Như vậy thì nếu ngài Ngô Thì Nhậm làm Binh bộ Thượng thư vào năm 1801 triều Tây Sơn và ngài Đặng Trần Thường đã giong thuyền vô Gia Định vào mùa đông năm 1793 (tức là 8 năm trước đó), thì không thể nào có việc như Đại Nam Liệt Truyện nêu ra là "Thường lúc trước cùng với Ngô Nhậm ở huyện Thanh Oai quen biết, Nhậm làm quan với nguỵ tới chức Binh bộ Thượng thư, Thường tới ra mắt Nhậm", đó là ngụy tạo.
Vậy sử kiện Đặng Trần Thường ghét Ngô Thì Nhậm trong Đại Nam Liệt Truyện, là một sử kiện ngụy tạo, và nếu đây là sử kiện ngụy tạo, thì chúng ta cần trả lại sự công bằng cho ngài Đặng Trần Thường.
****
(2) Tại sao giới sĩ phu Bắc Hà ghét Ngô Thì Nhậm
Theo Đại Nam Thực Lục Đệ Nhất Kỷ "Đặng Trần Thường dâng biểu nói : “Bọn Nhậm thân làm tôi nhà Lê mà cam tâm theo giặc, bày lời nói dối để lừa nhà Thanh, hãm đồng loại vào chỗ bất nghĩa, xét tội ác chẻ hết tre cũng khó biên hết, thực là kẻ có tội nhất trong danh giáo. Nếu kẻ này mà không giết thì răn bảo người sau sao được ?”".
Mà đoạn "hãm đồng loại vào chỗ bất nghĩa" là như thế nào ? Thì theo Đại Nam Liệt Truyện "Có viên Thị lang là Ngô Nhậm, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, đỗ Tiến sĩ đời Lê trước, bị tội trốn tránh đến đây mới ra thú, nhờ Trần Văn Kỷ dẫn ra mắt Huệ. Huệ vẫn nghe Nhậm là người có tài nên coi trọng, cho làm Thị trung trực học sĩ, bảo Kỷ rằng: Đây là người ta lại tạo nên đó. Nhậm cúi đầu lạy tạ. Nhậm nhân dẫn: nhất là Phan, nhì là Ích, Nguyễn Thế Nhân, Nguyễn Nha, Nguyễn Bá Lan, Nguyễn Du, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tân, Đoàn Nguyễn Tuấn lục tục đến yết kiến. Huệ cho ích làm Thị trung ngự sử, Lịch làm Hiệp biện đại học sĩ; còn các người khác đều cho làm quan cả. Quốc sư của họ Trịnh là Nguyễn Hoãn, Bình chương Phan Lê Phiên đều lấy cớ là già xin hưu trí; Hành tham tụng là Bùi Bích cáo ốm không chịu làm quan; Thiêm đô ngự sử là Nguyễn Huy Trạc uống thuốc độc chết. Các bề tôi nhà Lê hoặc người trốn tránh nơi núi rừng, hoặc người lẩn ở nhà dân, Ngô Nhậm xui Huệ đều bức bách mời đến".
Như vậy ở đây, ngài Ngô Thì Nhậm đã không những chỉ dẫn cho nhà Tây Sơn giới sĩ phu Bắc Hà có những ai, mà lại còn xui Huệ "bức bách mời đến", dẫn đến việc trong giới sĩ phu Bắc Hà, kẻ thì phải (hay đồng ý) theo Tây Sơn, người cáo lão, kẻ phải uống thuốc độc chết, và nhiều người khác phải bỏ trốn. Một việc làm như thế mà giới sĩ phu Bắc Hà và con cháu họ không căm hận họ Ngô, không đòi đào mã họ Ngô, và phỉ nhổ vào mặt người họ Ngô, mới là chuyện lạ. Và đây chắc là lý do mà ngài họ Đặng đã cáo buộc Ngô Thì Nhậm là một kẻ "hãm đồng loại vào chỗ bất nghĩa, xét tội ác chẻ hết tre cũng khó biên hết, thực là kẻ có tội nhất trong danh giáo" đó thôi, chứ không hẳn liên quan gì đến sử kiện "sát tứ phụ nhi thị lang", rúng động Thăng Long trước đó, cũng chính do Ngô Thì Nhậm tạo ra cả.
****
(3) Có đúng ngài Đặng Trần Thường là người duy nhất đánh roi Ngô Thì Nhậm không ?
Câu trả lời là KHÔNG !
Vì theo Quốc Sử Dị Biên (trang 30), thì "Duyệt từ Sơn Nam tiến đến Thăng Long ... Ngày 18 tháng ấy, Duyệt vào trong thành ... Huy ích và Thì Nhậm chạy về làng Thụy Khuê núi Sài Sơn; đại quân bắt được, đều đánh bằng roi, cho về".
Như vậy theo Quốc Sử Dị Biên, thì chính ngài Lê Văn Duyệt, một tướng võ biền của nhà Nguyễn, đã đem hai sĩ phu Bắc Hà Huy Ích và Thì Nhậm ra mà nọc rồi cho về nhà đấy chứ. Nọc về tội gì thì chúng ta không biết, nhưng cũng có thể ngài Lê Văn Duyệt muốn giết 2 kẻ đón gió trở cờ này lắm, nhưng lệnh chúa Nguyễn (Phước Ánh) cấm giết nên chỉ có thể đem ra mà nọc rồi cho về mà thôi.
Và phải đến sau này, thì ngài Đặng Trần Thường mới lại đem 2 ngài Huy Ích và Thì Nhậm ra Quốc Tử Giám mà nọc thêm một lần nữa.
Như vậy chắc là trong lịch sử Việt Nam, lần đầu tiên mới có việc 2 sĩ phu Bắc Hà bị đem ra nọc 2 lần riêng biệt đấy chứ. Có thể do vì mất mặt và nhục nhã quá, mà ngài Ngô Thì Nhậm chết đó thôi, vì thử hỏi một con người tài hoa, chữ nghĩa bề bề, mà lại phải nằm dài xuống cho một vị tướng võ biền nọc, rồi sau này lại bị đem ra Quốc Tử Giám, nọc thêm 1 lần nữa, thì không chết sớm thì sống thêm chắc nhục nhã lắm nhỉ ?
****
Với 3 điều trên, chúng ta có thể thấy, số phận của một con người trí thức đón gió trở cờ như ngài Ngô Thì Nhậm là như thế, tức là "thế thời thế thế thời phải thế". Ngài Ngô Thì Nhậm nhúng tay vào sự kiện "sát tứ phụ nhi thị lang" thời Lê Trịnh, rồi đến thời Tây Sơn, lại chỉ dẫn cho chính quyền Tây Sơn ép buộc sĩ phu Bắc Hà theo chính quyền mới, dẫn đến cảnh kẻ uống thuốc độc, người trốn vào rừng, nên kết cuộc là đáng xấu hổ như thế. Một trí thức Bắc Hà như thế, bán đứng cha ông, bán đứng đồng môn, thì số phận đáng buồn và đáng nhục như thế là rất thường và có thể đoán được trong xã hội quân chủ lấy Nho Giáo quân sư phụ làm đầu đấy chứ.
Nhưng chúng ta thật sự không hiểu, là một điều dễ hiểu như thế (số phận của một kẻ bán đứng cha ông đồng môn là như thế), mà lại không được dạy cho người Việt Nam, mà ngược lại, ngày nay người Việt Nam lại lúc nào cũng sẵn sàng tung hô Ngô Thì Nhậm là một đức tài hoa Bắc Hà, mất do vì tư thù với một sĩ phu Bắc Hà khác. Nhưng sử chưa bao giờ là thế, mà ngược lại, sử viết rất rõ về số phận Ngô Thì Nhậm là số phận của một kẻ trí thức đón gió trở cờ, bán đứng cha ông, bán đứng đồng môn, và có kết cuộc "nhẹ nhàng" như thế (chỉ bị đánh roi rồi chết, chứ không bị cả Bắc Hà phỉ nhổ vào mặt và xử theo tội lăng trì chẳng hạn).
Và đáng xấu hổ nhất, là để chính thức hóa nâng cao Ngô Thì Nhậm là một anh hùng, người ta cần một con dê tế thần, tức là đem ngài Đặng Trần Thường ra mà dập. Nhưng dù có viết như thế nào đi nữa, thì xem ra, khi đọc lại sử sách, chúng ta thấy rõ ngài Ngô Thì Nhậm chính là hình ảnh của một kẻ trí thức đón gió trở cờ, và số phận ông là số phận của những con người có tài mà không có đức. Chính chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Có tài mà không có đức là người vô dụng". Như vậy nếu chúng ta dùng cách đánh giá của chủ tịch Hồ Chí Minh, thì Ngô Thì Nhậm là một kẻ vô dụng, là người mà giới sĩ phu Bắc Hà hận tận xương tủy, chứ làm gì mà lại ngày nay, lại có thể trở thành như một anh hùng, được đặt tên cho nhiều con đường xuyên suốt Việt Nam thế nhỉ ?
Mời các bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời các bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào