ÔNG LÊ KIÊN THÀNH SAI Ở ĐÂU ? Bài "Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh” của ông Lê Kiên Thành được nhiều người chia sẻ, trong đó có tôi,...
ÔNG LÊ KIÊN THÀNH SAI Ở ĐÂU ?
Bài "Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh” của ông Lê Kiên Thành được nhiều người chia sẻ, trong đó có tôi, và cũng không ít ý kiến trái chiều, phê phán rằng ông ngụy biện, né tránh, quanh co v.v.. Vừa đọc được một bài kiểu ấy, nó có lượt tương tác khá lớn nên tôi muốn nói thêm đôi điều về mấy điểm trong lập luận của những người “phê phán”.
1. Bài viết của ông Thành có 2 nội dung chính: Một là, hiện trạng xã hội xấu ác và hai là nguyên nhân của cái hiện trạng ấy. Kết luận là một lời “cầu mong”. Đọc và nắm được nội dung bài viết như vậy là một yêu cầu cơ bản trước khi làm những việc tiếp theo để không sa vào tiểu tiết vụn vặt và xa rời tinh thần của nó.
2. Nhiều người nói, đại ý, tình trạng xã hội xấu ác hôm nay chính là do quá khứ (chủ nghĩa cs), mà bố ông Thành (Lê Duẩn) là 1 tác nhân chính. Điều ấy đúng. Nhưng dùng nó để phủ nhận điều ông thành nói về “hiện thực xã hội” ngày nay là một lối ngụy biện. Không thể quy trách nhiệm cái việc bố ông ta làm sang cho ông ta được. Đó là một loại “chủ nghĩa lý lịch mới” trên miệng những người tự xưng “dân chủ”.
3. Có quá nhiều những “phản biện” ngây ngô mà tôi sẽ không phân tích ở đây, chỉ muốn tập trung thêm vào một điểm quan trọng nhất mà nhiều người căn cứ vào để phê phán bài viết của ông Thành, đó là hai chữ “chúng ta” mà ông Thành dùng. Nhiều người cho rằng, việc dùng 2 chữ “chúng ta” này là một cách “lập lờ đánh lận con đen” để hòng kéo người dân vào căn nguyên và chạy tội cho Đảng CS và chính quyền. Nhận định như vậy là cảm tính.
Tôi đã đọc và thống kê (xin xem phụ lục) thấy 12 lần ông Thành dùng chữ “chúng ta”. Trong đó, 6 lần đầu là gắn với sự mô tả thực trạng về cái xấu ác trong xã hội VN hiện nay; 6 lần sau là gắn với việc đi tìm nguyên nhân của hiện trạng ấy.
Những chữ “chúng ta” gắn với thực trạng được dùng cho người Việt nói chung, cả dân và quan chức: người Việt đang xấu ác đi. Đó là một thực tế. Trong trường hợp này, việc dùng chữ “chúng ta” không những không sai mà còn là hoàn toàn chính xác.
Những chữ “chúng ta” gắn với việc chỉ ra nguyên nhân thì đều gắn với Đảng CSVN, với nhà nước, với chính quyền. Ông Thành tìm nguyên nhân trong chính trị và quy nguyên nhân về chính trị.
Ông thành đã đúng và sòng phẳng khi dùng hai chữ “chúng ta” này. Ông rất rõ ràng, chỉ có chúng ta vì thiên kiến và định kiến mà không muốn thấy điều này.
4. Tôi chia sẻ bài viết của ông Thành vì tôi thấy nó có giá trị, đặc biệt là đối với môi trường công (nhà nước), như môi trường giáo dục chẳng hạn. Thứ nhất là những gì bài viết nêu ra là sự thật, tức là giá trị hiện thực của nó. Còn việc đòi hỏi nó phải phản ánh được nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa là một đòi hỏi chính đáng, nhưng việc dùng nó để quy kết người viết là né tránh hay giả dối thì lại có tính chụp mũ và quy kết rất tệ hại. Tri kiến của ông ta tới đâu ông ta viết tới đó, quan trọng là cái ông ta viết có đúng sự thật hay không, thế thôi.
Lý do thứ hai là, vì những thứ ngoài văn bản. Với một nội dung như bài viết đề cập thì không thể công khai trong môi trường công mà không bị quy chụp và cấm đoán nếu người viết không phải là người có một thân thế đặc biệt kiểu ông Thành. Việc “lợi dụng” cái cơ hội ấy để sử dụng nó nhằm “khai trí” cho học sinh và giáo viên (và người nhà nước nói chung) là rất cần thiết. Cũng nội dung ấy, nhưng nếu tác giả là tôi chẳng hạn thì sẽ chẳng có mấy tác động; nhưng nó là của một “thái tử đỏ” như ông Thành thì sẽ buộc người nghe phải suy nghĩ và đặt vấn đề một cách nghiêm túc hơn, nhất là đối với những người đang “vừa hồng vừa chuyên”.
Nhiều người thuộc phe “bất đồng chính kiến” không thể hình dung được sự trì trệ và nỗi sợ hãi ở những môi trường “chính thống” nó khủng khiếp đến thế nào đâu. Tôi nhìn thấy điều ấy, và trân trọng những bài viết kiểu này như nhặt gạo trong đống sạn giữa ngày đói.
5. Từ chỗ đọc hiểu cẩu thả cộng với định kiến cố hữu, nhiều người sẽ làm méo mó quan điểm của người khác, từ đó đẩy những người đang muốn xích gần lại với mình ra xa hơn. Cách làm việc và thái độ ấy không thể hiện tinh thần “dân chủ” và thiếu sự chân thành. Dường như “ẩn ức chính trị” đã khiến nhiều người muốn “xả van” hơn là thật sự hành động cho sự thay đổi hệ trọng đang rất cần được diễn ra của bối cảnh XHVN hiện nay. Thay vì kéo người khác lại gần thì ta lại đẩy ra, ngay cả khi người ấy đang muốn đến gần ta.
Qua sự việc này (phản ứng của “giới bất đồng” với bài viết của ông NKT) tôi có cảm giác rằng nó rất giống với những gì đã diễn ra trong quá khứ - cái quá khứ đã tạo ra cái thể chế hiện hành.
Cuối cùng, tôi không biết gì về ông Thành này cả, ngay cả cái tên, cho đến cách đây 3 ngày khi đọc được bài viết này của ông ta. Xin khỏi mắc công nghĩ ngợi. Nếu có cái sai nào trong bài viết này thì chỉ là do tôi dốt mà thôi.
------------------
Phụ lục:
1. "Điều rõ nhất tôi cảm nhận được là chưa bao giờ cái xấu và tội ác đến với chúng ta bình thản như thế này.
2. Có những người trong chúng ta hôm nay dùng cái ác và cái xấu để sinh tồn.
3. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa,
4. Tại sao chúng ta lại ác hơn ngày xưa?
5. Những quan chức phạm hàng loạt tội ác mà chúng ta thấy trong những năm qua, họ đâu phải là những người bần cùng?
6. Chúng ta có thể dùng từ gì khác ngoài từ “dã man” khi mà một con người có thể cứa cổ một đứa bé 8 tháng tuổi,
7. Tại sao những cái đã tạo ra sức mạnh phi thường cho chúng ta trong quá khứ thì giờ đây chúng ta lại đang phá vỡ nó?
8. Khi góp ý cho Đại hội Đảng, tôi từng nói một điều rất đau khổ là bản thân chúng ta chưa tạo được một cơ chế dân chủ cho chính Đảng của mình.
9. Có lẽ, những điều mà chúng ta đã từng vì nó mà chiến đấu ngày xưa, thì giờ chúng ta đang phản bội nó, đi ngược lại nó, xa rời nó.
10. Ngày xưa chúng ta chiến đấu để bảo vệ nhân dân, để giải thoát nhân dân khỏi những bất công, bóc lột, thì bây giờ sự bất công đang quay trở lại trong sự phân chia lợi ích giữa những người có chức có quyền với những người dân thường, giữa những người giàu với những người nghèo.
11. Nhưng để đến lúc họ quay lưng lại, thì sự quay lưng ấy cũng có thể sẽ khủng khiếp hơn cả những gì mà chúng ta có thể hình dung.
12. Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh sớm để vẫn giữ gìn được bản chất tốt đẹp của dân tộc này!".
Thái Hạo
Đọc xong bài trên và đọc cả bài của con ông Lê Duẩn , kết luận :
Trả lờiXóa- Phải thông cảm với thái tử đỏ , dù sao cũng đang ở dạng CÁ NẰM TRÊN THỚT không thể đòi hỏi ông ta lên án trực diện và nặng nề hơn . Thế là khá r̀ôi , cũng như hồi ký TÔI LÀ THẰNG HÈN của nhạc sĩ Tô Hải .
- Những thứ mà Lê trung Kiên vạch ra và lên án , chúng được đào tạo , đúc ra từ khuôn vàng thước ngọc của HCM :" Vì lợi ích trăm năm trồng ngưởi"
CHÚNG TA phải cám ơn các vị kế thừa như Lê Duẩn .... và đặc biệt cám ơn các kỹ sư tâm hồn dưới sự dẫn dắt và chỉ đạo như Nguyễn thiện Nhân , Phùng xuân Nhạ Ngọng ......
Cơ đồ đất nước nằm ở sự đào tạo này, y chang lời boác dạy .Cãi chi đây !!!