THẰNG NGƯỜI CÓ ĐUÔI. Giữa thập niên 1980 tôi có đọc tác phẩm của một nhà văn Việt Nam tại Đức. Cái tên của tác giả đã lạ lẫm , mà cái tựa đ...
THẰNG NGƯỜI CÓ ĐUÔI.
Giữa thập niên 1980 tôi có đọc tác phẩm của một nhà văn Việt Nam tại Đức. Cái tên của tác giả đã lạ lẫm , mà cái tựa đề cũng đặc biệt không kém : THẰNG NGƯỜI CÓ ĐUÔI của nhà văn Thế Giang.
Cái tựa đề đã hấp dẫn tôi ngay từ phút đầu tiên, nên tôi rước nó về để nghiền ngẫm , và qua nó tôi hiểu sơ về cuộc sống của người dân miền bắc VN dưới chế độ CS Hà Nội, đặc biệt là của giới văn nghệ sĩ .
Tôi nghe nói rằng, anh Thế Giang chọn cái tựa này, vì mặc dù anh đã sống ở Đức ,một xứ tự do, nhưng anh vẫn luôn bị ám ảnh bởi kiếp sống ngột ngạt như trại lính của MBVN ; người dân luôn bị công an của chế độ theo dõi như một cái đuôi phía sau lưng của mình.
Không biết điều ấy có chính xác hay không, nhưng khi đọc TNCĐ, tôi có một cảm nhận khác về ý nghĩa của tựa sách .
Tôi không tin có nơi nào trên trái đất này mà người dân có cuộc sống tựa thiên đường , dù đó là Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng ở một xứ sở tự do, dân chủ, thì ít ra đời sống của mỗi người dân được bảo đảm những quyền tự do căn bản , được luật pháp bảo vệ, được quyền theo đuổi những ước vọng của mình . Hơn nữa, con người đối với nhau bằng cái tình ; gặp cảnh người hoạn nạn, yếu đuối thì dang tay đùm bọc, chia sẻ tình thương . Đó mới thực sự là con người .
Nhưng trong TNCĐ, tôi thấy tác giả Thế Giang tả chân cái xã hội miển bắc trong thời đại gọi là xây dựng xã hội XHCN mà thấy ớn lạnh . Người ta đối xử với nhau không bằng cái tình , mà bằng một quan hệ cá lớn đớp cá bé, người lừa ta gạt , mạnh được yếu thua. Cái tình người , dẫu còn đó, nhưng nó nằm khuất tận đâu đâu , và bị hoàn cảnh thực tế của cuộc sống đè bẹp, hủy diệt ; người ta so đo xem, nếu mình làm cái việc tốt đó thì có ảnh hưởng tới công việc, tới gia đình, vợ con hay không ?
Từ thời con người còn ăn lông ở lỗ, dần dần tiến hóa , trở thành văn minh, thì cái quan hệ xã hội cũng theo đó mà tốt đẹp hơn . Nhưng trong xã hội MBVN thời xã nghĩa, chế độ CS , vì muốn bảo vệ quyền cai trị độc tài chuyên chính của đảng, đã đưa ra những chủ trương , đường lối đi ngược lại tiến hóa của loài người . Thay vì khuyến khích người dân một nước nên đùm bọc , thân tình , tương trợ lẫn nhau , chế độ bày ra những chủ trương ngu dân , nhồi sọ , tôn sùng lãnh tụ , coi bác đảng như thần thánh trên đầu ; với chế độ HỘ KHẨU , cầm quyền CS khuyến khích người dân rình mò lẫn nhau, báo cáo để lập công . Những con người tốt trong xã hội dần dần biến mất ; thay vào đó , là những con người sẵn sàng vì chăm chút cho bộ lông của mình mà quay lưng với nỗi đau khổ của đồng loại . Nếu theo ý nghĩa của lời tuyên bố của Karl Marx, thì quả thật con người trong chế độ xã nghĩa của Hà Nội , đã quay ngược lại cả mấy ngàn năm và mọc đuôi ! Biết đâu, nhà văn Thế Giang đã có ý tưởng này khi chọn cái tựa TNCĐ cho tác phẩm của mình ?
Hôm nay, từ trang của anh Tue-Hai Nguyen, tôi có dịp đọc lại một truyện ngắn của anh Thế Giang với nội dung về việc danh thủ dương cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất cuộc thi dương cầm tại Vac-Sa- Va, và cái " vinh quang " đó ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của thân phụ anh ta là ông Đặng Đình Hưng , một người từng bị quy cho cái tội tày trời là tham gia vào NHÂN VĂN GIAI PHẨM.
Mời các bạn đọc một đoạn văn của anh Thế Giang , diễn tả cái bộ mặt nham nhở của chế độ Hà Nội khi Đặng Thái Sơn , vốn là con trai của " đại phản động Đặng Đình Hưng ", bị chế độ phân biệt, bị đối xử tệ bạc, lại đạt danh hiệu Đệ Nhất Danh Cầm Thế Giới ; thế là chế độ vội vã ôm Đặng Thái Sơn vào lòng và tung hô thành quả của Đặng Thái Sơn là nhờ công ơn trời biển của bác và đảng :
" Ông hiểu con ông như hiểu chính mình. Nó vẫn cô đơn và đầy dũng cảm như cha nó Nhưng ngôi sao bản mệnh của nó vững hơn nên đi hết được con đường ông đã giắt nó vào và bỏ dở. Buông rơi lá thư tay nóng hổi của con trai gửi về, ông liếc mắt xuống tờ báo Nhân Dân: “Công-cua Sô Phanh - Công-cua gốc mít.” Hàng tít lớn chạy dài cắt ngang tờ báo - “...Đặng Thái Sơn, tiếng đàn vọng lên từ những căn hầm trú ẩn. Tiếng đàn bay cao hơn tiếng bom Mỹ nổ. Tiếng đàn vọng lên từ dưới những gốc mít của các trại sơ tán của trường nhạc Việt Nam. Đặng Thái Sơn, những nổi đau của một dân tộc đấu tranh đòi độc lập...” Cái thằng Thép Mới nầy “rỉ” quá rồi. Thi sĩ Tố Hữu vừa dồn hết cảm hứng cho Phạm Tuân vào vũ trụ nên chưa lấy lại được hơi sức. Cũng may! Ông nhớ lại hình ảnh của những đứa trẻ con đá bóng trên đường phố trong đêm khuya, từng bầy công an bịt chặt các ngã đường – như đánh trận - để đuổi bắt chúng. Những đứa trẻ ở trần mồ hôi trơn láng, khó bắt thì ngáng chân! Rồi mai đây khi những đứa bé gẫy răng, đổ máu đầu để nứt đất chui lên thành Thế Anh, Cao Cường v.v... (hai cầu thủ nổi tiếng) thì con mẹ mìn đó lại ẵm vội vào lòng. Nhờ sự quan tâm vun trồng của Đảng!..."
Đọc đoạn văn này, thật tình tôi như thấy trước mặt mình bộ mặt nham nhở , đểu giả của chế độ Hà Nội ; nó cực tả bản chất ma quỷ, khốn kiếp của một chế độ mà lúc nào cũng huyênh hoang là đỉnh cao của trí tuệ , là lương tâm của nhân loại !
Cũng trong trang của anh Tue-Hai Nguyen , tôi đọc được một vài nhận xét thú vị của các anh HOÀNG HƯNG, ĐẶNG HỮU PHÚC.
Hai anh Hưng và Phúc cho rằng những tình tiết trong truyện ngắn của anh Thế Giang là hư cấu, không có thật. Anh Hoàng Hưng thì chỉ ra rằng ông Đặng Đình Hưng, sau khi bị đấu tố vụ NVGP, chưa bao giờ trở về miền quê , sống trong cái làng nhỏ, suốt ngày cùn mèn trong mấy bữa cỗ, mấy hủ rượu v.v.như được Thế Giang miêu tả . Còn anh Đặng Hữu Phúc thì cho rằng anh Thế Giang viết sai sự thật , hư cấu tùm lum , khi nhân vật đó còn sống sờ sờ, và điều đó hết sức tầm bậy .
Nói thật lòng , tôi phải cảm ơn hai anh Hưng và Phúc, vì mấy mươi năm trước , khi đọc TNCĐ của anh Thế Giang , vì quá sinh động, tôi đã tin đó là những dữ kiện có thật. Bây giờ thì tôi tin hai anh Hưng và Phúc nói thật. Ngay cả hoạt cảnh của những văn nghệ sĩ Hà Nội chờ đợi lãnh tiền nhuận bút, có cả ông Nguyễn Tuân v.v. , tôi cũng tin là anh Thế Giang đã hư cấu rất nhiều .
Nhưng, đối với tôi, điều đó chỉ là râu ria, không có gì là tầm bậy!
Những hư cấu đó chỉ làm cho những truyện ngắn trong TNCĐ cực kỳ sinh động ; nó làm cho người đọc hiểu được cuộc sống thực của người dân Hà Nội nói chung, và giới văn nghệ sĩ nói riêng dưới chế độ hà khắc của cộng sản như thế nào .
Cuộc sống bị đọa đày, bị vất vào xó, bị̣ cô lập của những người trong phong trào NVGP như Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Nguyễn Mạnh Tường, Lê Đạt, Phùng Quán , Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung , Phùng Quán cũng tối tăm, một màu xám ngắt, y như của ông Đặng Đình Hưng , và đó là sự thật không thể nào chối bỏ . Riêng trường hợp của Đặng Thái Sơn cũng chẳng là trường hợp duy nhất . Biết bao cá nhân bị đảng CSVN phân biệt vì lý lịch , không có cơ hội nào để thăng tiến ; nhưng khi họ cố gắng vượt khó để thành công , thì đảng CSVN vội vã công nhận, ôm vào lòng , coi như thành công của họ là nhờ sự vun trồng , chăm sóc của đảng, của chế độ . Những trường hợp như vậy cũng đầy rẫy trong chế độ MBVN, có hư cấu chút nào đâu ?
Vì thế, trong cái nhìn của tôi, nhà văn Thế Giang , với tác phẩm THẰNG NGƯỜI CÓ ĐUÔI của anh, đã là một cáo trạng đầy đủ những bằng chứng về cái xã hội tối tăm của CS Hà Nội . Một chế độ , với chủ trương hại nước, phản dân tộc, đã cố ý kéo lùi sự trưởng thành về nhân cách của người dân , tiêu diệt tình người , dẫn dắt con người trở về với thời mụ mị dã man. Với con mắt rình mò , theo dõi đêm ngày của chế độ công an trị, người dân trở thành THẰNG NGƯỜI CÓ ĐUÔI !
Huỳnh Hậu.
PS : Hình trắng đen, người mặc áo sọc ngang , thứ hai từ trái là ông Đặng Đình Hưng , thân phụ của danh thủ dương cầm Đặng Thái Sơn.
Không có nhận xét nào