Y có Đức? Có thể nói: trong tất cá các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay, thì lĩnh vực y tế là một lĩnh vực nhạy cảm nhất, bởi nó liên q...
Y có Đức?
Có thể nói: trong tất cá các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay, thì lĩnh vực y tế là một lĩnh vực nhạy cảm nhất, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng mỗi người.
Trong giao dịch, người ta có thể mặc cả để đạt được thuận mua vừa bán từ mớ rau, cơn tép..., đến đàn vịt, trại gà, tiền vàng, đất đai, nhà cửa, xe cộ... Thậm chí là cả giá mỗi một lần liên hoan cùng gái bao hay trai bao.
Tuy nhiên, chưa và chưa bao giờ người ta mặc cả với các loại sản phẩm phòng, chữa bệnh hay các dịch vụ liên quan đến điều trị. Chỉ có là, người ta có thể mua/không mua thuốc ở quầy này hoặc quầy kia; khám chữa, điều trị ở dịch vụ này hoặc dịch vụ kia mà thôi- tuỳ thuộc loại hình bệnh tật và khả năng tài chính.
Là lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời cũng là lĩnh vực nhức nhối nhất của xã hội. Dù không thể phủ nhận: y học vô cùng thiết thực và vô cùng cần thiết để duy trì sự sinh tồn của nhân loại; song, tôi vẫn cho rằng, sự sinh tồn của nhân loại khá là công bằng.
Thượng đế không cho ai tất cả, cũng không lấy đi của ai tất cả. Và dù không muốn tin, tôi lại vẫn cứ cho rằng, cuộc sinh tồn của con người ta đều có "số"; nếu không thế thì, có những người quyền cao chức trọng, tiền vàng cả tấn, được kiểm soát bởi chế độ y học tốt nhất- có cả sự kiểm soát của y học hiện đại nhất thế giới-, nhưng vẫn chấp nhận bạn cùng cỏ xanh ở lứa tuổi còn quá trẻ? Và tại sao có những người quanh năm suốt tháng lam lũ, miếng thịt heo còn chưa được ăn chán chứ nói chi đến tôm hùm, cua hoàng đế hay cá rồng Platinum...,nhưng họ vẫn mang vóc dáng lực điền đến cả bách niên?
***
Vâng, phải chăng vừa nhạy cảm và vừa nhức nhối, mà y tế nước nhà hiện thời còn chứa đọng quá nhiều tính phi nhân văn?
Trong trang biên ngắn ngủi này, tôi không muốn và cũng không cần nhắc lại những tính phi nhân văn đó, nhưng, chắc chắn, những tính phi nhân văn đó không và không thể đưa sinh ra bởi chàng kỹ sư xây dựng, bởi nàng giáo viên mầm non; cũng không và không thể được sinh ra bởi anh xe ôm hay chị ve chai; và càng không và không thể được sinh ra bởi em bé bán vé số hay cụ già tàn tật không nới nương tựa.
Vấn đề tôi muốn nhắc đến ở đây là: gần 2 chục năm qua kể từ khi được tiếp xúc với internet, đã khá nhiều lần tôi đề cập đến vấn đề này trên mạng xã hội- Để làm gì ư? Đúng là chẳng để làm gì cả vì tôi chỉ là một gã nhà quê chân đất mắt toét, mà chỉ để thể hiện quyền được nói lên chính kiến của một công dân Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, với mong ước, ít nhiều những chính kiến này đến được tai mắt của những vị cán bộ thật sự vì nước vì dân.
***
Thưa!
Hẳn, sẽ rất rất nhiều người sáng tỏ những điều thế này:
1-Đất đai là sở hữu của toàn dân, và do nhà nước quản lý. Vì vậy, quỹ đất để xây dựng các bệnh viện sẽ được coi là một tài sản không có định giá (không thể tính vào kinh phí xây dựng bệnh viện).
2-Kinh phí xây dựng toàn bộ các cơ sở vật chất của bệnh viện là tiền chi từ ngân sách nhà nước, mà tiền trong ngân sách nhà nước là tiền thu thuế của toàn dân, bằng hình thức này hay hình thức kia, dù ít dù nhiều.
3-Quỹ lương trả cho tất cả các giới cán bộ nhân viên trong bệnh viện là tiền chi từ ngân sách nhà nước. Và đừng nói là bệnh viện không cần đội ngũ bảo vệ, bệnh viện không cần đội ngũ vệ sinh viên.
4-Tất cả nhân dân ta đến khám, chữa bênh:
-Nếu theo đường dịch vụ: phải bỏ tiền túi.
-Nếu theo đường bảo hiểm y tế, dù tự nguyện hay bắt buộc: là tiền để dành, tiền tương trợ lẫn nhau giữa người khỏe và người bệnh.
5-Chưa hết: kể cả là ở con đường khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 100% thì, tùy theo mức độ bệnh, đừng nói là thuyên giảm hay khỏi, nếu chỉ bằng tiền để dành, tiền tương trợ của cộng đồng.
...
Vậy mà, không bệnh viện nào lại không đẻ ra một bãi thu tiền để xe của bệnh nhân cũng như người nhà của bệnh nhân đến thăm nuôi.
Ngay như ở cái bệnh viện cấp huyện này, bình quân hàng ngày, lấy mức tối thiểu, có cả ngàn lượt chủ nhân các xe máy phải chi tiền cho bãi: 3kvnđ/lượt xe.
Bỏ qua trên dưới trăm ngàn đồng của việc chủ nhân các xe đạp phải chi tiền thì, ngót trăm triệu tiền thu từ các xe máy để mỗi tháng, là một số tiền không hề nhỏ.
Số tiền ấy để làm gì? Và các thầy thuốc nhân dân Việt Nam cũng đừng nói là để nâng cao chất lượng chữa trị bệnh cho các bệnh nhân nhân dân ta nhé, thưa các thầy thuốc nhân dân khả kính!
***
Càng biên, trong lòng tôi càng chua chát mỗi khi nghĩ về nền Y Đức của chúng ta.
Ý Đức là gì nhỉ?
Quả thật,
Khi mà vẫn còn những kẻ quan tham, mỗi khi bị lộ, lại được mang tiền tử bệnh tâm thần, tiền sử bệnh ung thư... Trong khi đó, một công dân/tù nhân lương tâm có sức khoẻ đang bình thường, lại bỗng nhiên bị trở thành bệnh nhân tâm thần...
Khi mà vẫn còn những kẻ miệng thì hô to lời tuyên thệ Hippocrates, nhưng trong đầu lại ủ mưu bán thuốc chữa bệnh giả cho người bệnh...
Khi mà không khi nào không toan tính đến việc làm giàu trên thân xác người bệnh...
Và mới đây, một bệnh viện tâm thần nằm ngay trên đất ngàn năm văn hiến lại là tụ điểm của đường dây mua bán ma túy...
Thì, câu trả lời cho khái niệm Y Đức Là Gì, còn mãi mãi xa vời xa!
Phạm Bình Minh
Không có nhận xét nào