LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CÓ HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT? Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Ngành giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân...
LÀM CÁCH NÀO ĐỂ CÓ HỌC THẬT, THI THẬT, NHÂN TÀI THẬT?
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: Ngành giáo dục phải "học thật, thi thật, nhân tài thật". Sự nhấn mạnh ba chữ "thật" trong lời nói ấy chứa một tiền giả định (hiện thực đã và đang xảy ra) là giả: học giả, thi giả, nhân tài giả.
Tôi hiểu Thủ tướng đau đáu với một hiện trạng giáo dục mà báo chí và dư luận gần như nổi cáu bao lần bởi nhiều thứ không thể chấp nhận được. Nói gọn là Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn không thể điều trị nổi căn bệnh ăn vào tận não, bệnh thành tích. Một chương trình nặng nề, một hệ thống kiến thức xa rời thực tế, tổ chức nhiều kỳ thi có tính phong trào, bịa ra đủ các loại văn bằng, chứng chỉ để thu học phí và đánh giá xếp loại ảo, kể cả phong học hàm học vị tràn lan bất chấp năng lực.
Từ khi nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi "Nói không với bệnh thành tích" thì bệnh càng trầm trọng hơn.
Nhưng làm cách nào để có được "học thật, thi thật, nhân tài thật", trong khi hiện tại đã lẫn lộn, bất phân thật giả? Đáng sợ nhất là cái giả đang chui hết vào bộ máy quản lý và đào tạo với quyền sinh quyền sát trong tay, ai sẽ làm cái việc tách lọc thật/giả để phân minh?
Thực ra, thật/giả không phải khó thấy. Dư luận thấy hết. Nhưng khi cái giả bị vạch trần thì đã xử lý được bao nhiêu phần trăm? Thủ tướng có đủ dũng cảm chỉ đạo diệt tận gốc không? Còn nếu giao cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó thì có đáng tin cậy khi không chừng dùng cái giả đi chống cái giả và cuối cùng cái thật bị vùi dập!
Cải cách cả hệ thống, Thủ tướng ạ. Chứ chỉ đưa ra khẩu hiệu thì cái giả vẫn hô theo như thật, như thời nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vậy!
Việc cần làm trước mắt, theo tôi là phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy luật cung-cầu của thị trường tự do, tức cạnh tranh lành mạnh. Cầu quyết định cung. Kéo theo giáo dục cũng vậy. Nhu cầu kinh tế - xã hội nào thì giáo dục cung cấp nguồn nhân lực ấy. Hệ quả, xây dựng lại một chương trình giáo dục thích ứng với đời sống xã hội. Những kiến thức lạc hậu, giáo điều, thừa thãi cắt bỏ hết. Một bộ máy nhà nước sạch, một nền kinh tế lành mạnh biết tuyển dụng nhân tài ắt tạo động lực học thật, thi thật và nhân tài thật, và cái giả hết đường sống!
Nhiều người lấy giáo dục Việt Nam cộng hoà ra làm mẫu. Tôi khẳng định, sau gần cả thế kỷ, nền giáo dục ấy cũng đã lạc hậu rồi. Nếu cần học nền giáo dục ấy thì học ở việc chi trả lương cho nhà giáo dục. Lương nhà giáo cao cũng là điều kiện tối thiểu để có động lực đi đến cái thật. Tôi còn nhớ những nhà giáo trong gia đình tôi thời ấy, lương mỗi tháng chi tiêu còn thừa ra ít nhất vài cây vàng. Với đồng lương ấy, nhà giáo tận tâm, tận lực với công việc. Còn đồng lương như hiện nay, dù cải cách dạy học đúng hướng hiện đại, dù bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực liên tù tì, vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng đối phó, kể cả gian dối và đẻ ra các tiêu cực khác!
Nói thật với Thủ tướng, tôi yêu nghề giáo và gắn bó gần 30 năm nay, tận tâm tận lực hết mình. Nhưng lương từ 13 cân gạo + 50 ngàn đến bây giờ là 13 triệu/tháng, so với thu nhập xã hội, tôi thấy chẳng vinh dự hay cao quý gì. Đồng lương là tiền, nhưng cũng là danh dự để người thầy được xã hội tôn trọng! Khi xã hội không tôn trọng thì còn lâu mới có nhân tài thật hay nhân tài thật phát huy hết năng lực để cống hiến cho đất nước và nhân dân.
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào