MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC "ĐỊNH ĐOẠT" TIỀN TỪ THIỆN: KHÔNG PHẢI CỨ IM LẶNG LÀ VÀNG! Khi một Cá nhân kêu gọi mọ...
MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC "ĐỊNH ĐOẠT" TIỀN TỪ THIỆN: KHÔNG PHẢI CỨ IM LẶNG LÀ VÀNG!
Khi một Cá nhân kêu gọi mọi Người quyên góp tiền từ thiện, nhằm thực hiện những mục đích thiện nguyện, nhân đạo nào đó, lúc này sẽ hình thành nên các quan hệ, giao dịch dân sự về tặng cho tài sản và liên quan phái sinh, với sự hiện diện của 03 Chủ thể: (i) Chủ thể ủng hộ tiền, góp tiền (Được gọi là Chủ thể tặng cho tài sản) hay còn gọi là Người từ thiện; (ii) Chủ thể nhận tiền, giá trị chuyển hóa (Được gọi Chủ thể được nhận tặng cho tài sản) hay còn gọi là Người được nhận từ thiện; (iii) Chủ thể đứng ra kêu gọi từ thiện (Được gọi là Người tổ chức việc từ thiện) hay còn được gọi là Người đại diện của Chủ thể từ thiện. Ví dụ: Ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi ủng hộ đồng bào Miền trung bị lũ lụt, thì Người chuyển tiền cho Thủy Tiên chính là Người tặng cho tài sản/Người từ thiện; Đồng bào Miền trung nhận được tiền là Người nhận tặng cho tài sản/Người nhận từ thiện; Còn Thủy Tiên chính là Người tổ chức từ thiện, đồng thời là Người đại diện cho những Người đã tặng cho tiền, để thay họ chuyển tiền đến cho Người nhận.
1. Sở dĩ - Đầu tiên, Chúng ta cần phải xác định rõ quan hệ pháp luật và tư cách Chủ thể như trên, là vì trên cơ sở đó, Chúng ta mới xác định được quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên, và cũng từ đó, mới có căn cứ để nhận định các bên có thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình hay không! Như trên đã nêu, do Người đứng ra kêu gọi từ thiện, cũng chính là Người đại diện cho những Người đã quyên góp tiền - Nên họ buộc phải thực hiện đúng phạm vi đại diện đã cam kết và thỏa thuận ban đầu với những Người được đại diện (Người quyên góp tiền). Ví dụ: Nếu Diễn viên A, đứng ra kêu gọi từ thiện, và nói rõ mục đích nhằm để giúp xây dựng trường học cho một địa phương nào đó, thì sau khi đã nhận tiền, A buộc phải thực hiện việc xây dựng trường học mà không thể dùng vào mục đích khác, kể cả là từ thiện như xây dựng cầu đường, mổ tim cho trẻ em, vì như vậy là vượt ra khỏi phạm vi đại diện đã cam kết ban đầu.
2. Vi phạm cam kết dân sự và trách nhiệm: Vì Người đại diện phải thực hiện đúng nội dung, công việc, đúng phạm vi đại diện đã cam kết và thỏa thuận, nên nếu Họ không thực hiện đúng thì xem như đã vi phạm và phải chịu trách nhiệm dân sự, mà không phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu không có yếu tố chiếm đoạt. Như ví dụ vừa nêu, sau khi đã nhận tiền, Diễn viên A buộc phải thực hiện việc xây dựng trường học mà không thể dùng vào mục đích khác, kể cả là từ thiện như xây dựng cầu đường, mổ tim cho trẻ em, cho nên nếu A dùng vào việc từ thiện khác, thì vẫn bị xem là vi phạm nghĩa vụ của mình, cho nên những Người đã chuyển tiền cho A, có quyền buộc A phải sử dụng đúng mục đích đã nêu ban đầu, còn tiền mà A đã lỡ bỏ ra như xây cầu, đường, thì A phải tự chịu, hoặc những Người đã chuyển tiền, cũng có quyền yêu cầu A phải hoàn trả lại do đã sử dụng sai mục đích. Và tất nhiên, nếu A sử dụng sai mục đích ban đầu, nhưng nếu những Người đã chuyển tiền, sau đó cũng chấp nhận việc này, thì cũng không sao cả, vì vốn dĩ trước thời điểm quyền sở hữu được chuyển giao, thì tài sản, tiền là của Họ, nên Họ có toàn quyền định đoạt. Lưu ý rằng: Nếu một Người lúc đầu đứng ra kêu gọi từ thiện và hứa sẽ trực tiếp đi làm từ thiện, nhưng sau khi nhận tiền, lại tự ý chuyển cho một Cơ quan tổ chức nào đó để Họ thực hiện, thì cũng bị coi là vi phạm cam kết ban đầu, và những Người đã góp tiền, có quyền không đồng ý và đòi lại.
3. Vi phạm cam kết và trách nhiệm hình sự: Những gì Chúng ta vừa phân tích ở trên, chỉ áp dụng, khi mà Người đại diện vượt quá phạm vi đại diện, nhưng không có yếu tố chiếm đoạt, tức là vẫn làm từ thiện, chỉ là khác đối tượng, ví dụ thay vì xây trường, lại xây cầu ...... Còn nếu như đã có yếu tố chiếm đoạt, tức là Người đã kêu gọi từ thiện, sau khi nhận tiền, nhưng lại tiêu xài cho cá nhân, giữ lại làm của riêng, không làm từ thiện hoặc bớt lại, chỉ làm một ít, thì lúc này câu chuyện không còn là vấn đề dân sự nữa, mà đã có dấu hiệu tội phạm hình sự của một trong hai tội danh: (i) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Nếu ngay từ đầu đã đưa ra thông tin gian dối, để mọi Người chuyển tiền; Hoặc (ii) Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - Nếu lúc đầu đúng là có ý làm từ thiện, nhưng sau khi nhận tiền thì lòng tham nổi lên, và chiếm đoạt. Thông thường thì tội Lừa đảo, có hình phạt nặng hơn tội Lạm dụng, nhưng nếu số tiền bị chiếm đoạt là rất nhiều, thì lúc này hình phạt giữa hai tội danh không khác nhau là mấy, có thể dẫn đến kịch khung.
4. Trên đây, là Chúng ta đang phân tích chung cho mọi trường hợp và tình huống. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, Báo chí và Mạng xã hội rầm rộ đưa tin và có đặt nghi vấn Danh hài Hoài Linh, kêu gọi từ thiện ủng hộ Đồng bào Miền trung, nhưng đến nay đã hơn 06 tháng, vẫn chưa chuyển số tiền hơn 13 tỷ nhận được?! Sau đó, trên mạng cũng đã xuất hiện một Bill thể hiện anh Hoài Linh đã chuyển số tiền này cho Ủy ban TW mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhưng nhiều Người vẫn cho rằng đây là hình Photoshop (Hình giả mạo)! Cho đến nay, thì Danh hài Hoài Linh vẫn im lặng, không hề có một phát ngôn nào liên quan đến vụ việc. Dưới phương diện luật pháp: Danh hài Hoài Linh có quyền im lặng, không lên tiếng; Ngay kể cả khi Cơ quan pháp luật có vào cuộc, thì thậm chí Hoài Linh vẫn có quyền im lặng. Vì luật quy định rằng (Viện dẫn nói chung): Việc chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát - Người bị cáo buộc, có quyền, nhưng không có nghĩ vụ chứng minh mình vô tội..... Cho nên, về mặt pháp lý, không ai có quyền buộc Hoài Linh phải lên tiếng, kể cả Cơ quan pháp luật - Vì quyền im lặng đã được ghi nhận.
5. Tuy nhiên - Nói như vậy, không có nghĩa im lặng luôn là vàng - Bởi có lúc, lên tiếng là kim cương: Mà kim cương còn quý hơn vàng! Ví dụ, mặc dù việc chứng minh tội phạm thuộc về Cơ quan pháp luật, nhưng nếu Ông A bị nghi ngờ phạm tội một vụ hiếp dâm diễn ra vào một khoảng thời gian nào đó, mà đúng khoảng thời gian đó, Ông A đang nhậu tại nhà Bạn bè, và có bạn bè làm chứng, thậm chí Camera nhà bạn có ghi lại, thì chẳng tội gì mà im lặng, chẳng tội gì mà không trưng ra bằng chứng ngoại phạm rằng thời gian đó đang đi nhậu, để khỏi bị nghi ngờ, bị điều tra nếu như còn im lặng. Trong vụ việc của Hoài Linh cũng vậy, có thể những vụ nói xấu nhau, chửi nhau, những vụ xàm xàm tranh luận như Khán giả và Nghệ sỹ ai nuôi ai ..... thì có thể không cần lên tiếng - Nhưng những Vụ từ thiện tiền bạc này, nên chăng Anh Hoài Linh cần phải lên tiếng: Lên tiếng vì những Người đã tin tưởng, đã giao phó số tiền lớn cho Anh...... Lên tiếng vì những Người cần được giúp đỡ, bởi đến như Hoài Linh còn không đáng tin, thì liệu sau này Ai còn dám giao tiền cho Người nào khác đi làm từ thiện, và như vậy là thiệt thòi cho Bà con..... Lên tiếng, vì những Người vẫn luôn dành sự ủng hộ và quý mến cho Anh, vì bảo vệ cho Anh, mà Họ - Những khán giả mến mộ Anh đã phải lao vào những cuộc khẩu chiến với bên còn lại - Trong khi chỉ cần một vài câu nói chính thức của Anh, mọi thứ sẽ được sáng tỏ, được yên bình........
Trong một khoảng thời gian nhất định nào đó - Pháp luật là cố định, hiện hữu và bất biến; Nhưng cuộc sống lại có muôn hình, vạn trạng, thiên biến vạn hóa; Nên không thể máy móc, rập khuôn một quy luật, một nguyên tắc nào cho những hoàn cảnh, bối cảnh, không thật giống nhau. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, khi không thể đừng được, thì pháp luật vẫn buộc phải vào cuộc như chính nhiệm vụ tồn tại của nó. Nhưng nếu có những cách có thể hóa giải mọi rắc rối một cách êm đẹp hơn, nhẹ nhàng hơn, đơn giản hơn, nhanh chóng hơn - Thì hà cớ gì, phải chờ đợi đến lúc luật pháp phải xen vào như là một lựa chọn cuối cùng, phức tạp nhất, rắc rối nhất..........
Viết tại Sài Gòn, ngày 23/05/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
Không có nhận xét nào