Thắng Cuộc Và Thua Cuộc Qua Tô Phở Tàu Bay! Hôm 30 tháng Tư tôi đi ăn phở. Chính xác hơn là đi ăn phở Tàu Bay! Tôi đến quán trên đường Lý-T...
Thắng Cuộc Và Thua Cuộc Qua Tô Phở Tàu Bay!
Hôm 30 tháng Tư tôi đi ăn phở. Chính xác hơn là đi ăn phở Tàu Bay! Tôi đến quán trên đường Lý-Thái-Tổ kế nhà thờ Bắc-Hà (tác-giả nhớ nhầm thành Nam-Hà), đối-diện bệnh-viện Nhi-Đồng.
Hai quán kề sát nhau cùng chung một bờ tường đều kẻ chữ: "Phở Tàu Bay'. Quán sát hẻm – là vị-trí nguyên-thủy của Phở Tàu Bay năm xưa – với nhân-viên phục-vụ mặc áo vàng. Quán bên cạnh, áo xanh.
Cả hai đều ghi rõ dưới bảng hiệu: "Phở Tàu Bay Chính Gốc". Hoặc quán cũ không chi-nhánh gì gì đó!
Như ngày xửa ngày xưa khi tôi nằm khểnh đọc "Tiếu Ngạo Giang-Hồ" của Kim-Dung. Ở những chương đầu, tôi không biết phe nào: Kiếm Tông hay Khí Tông mới là đại-diện cho chính phái Hoa-Sơn? Giờ đây tôi cũng hoang-mang chẳng rõ quán nào là quán của ông chủ có chiếc mũ phớt lính tàu bay thời đệ nhị thế chiến?
Gần nửa thế-kỷ trước, có rất nhiều sĩ-quan Vuệt-năm Công-Hòa đã phải lựa chọn, quyết-định vận mệnh của mình trong đường tơ kẽ tóc để rồi hoặc ở trong trại cải-tạo hoặc ở Fort Chaffee.
Bây giờ đây, tôi đứng trước hai tiệm phở Tàu Bay kề sát nhau. Cả hai đều kẻ bảng "Phở Tàu Bay Chính Gốc". Tôi phải quyết-định một lần trước khi được… ăn phở chính gốc!
Trong một tích-tắc, chẳng hiểu vì lý-do gì, chẳng biết là đã suy nghĩ ra sao, chỉ sau vài giây ngần-ngừ, tôi bước hẳn vào quán bên phía bên tay phải. Quán hẹp và ngắn. Chỉ một hai bước sải là đến chân cầu thang dẫn lên lầu. Khách ngồi chật tầng dưới.
Tôi bước tiếp lên cầu thang và chợt gật mình vì khuôn mặt quen quen. Chừng như một phản-xạ, tôi quay người chìa tay cho một người đàn ông áo thun trắng quần kaki vàng sậm với một bao da ở thắt lưng: Ông có phải là ông Khang? Chính xác!
Người đàn ông vui vẻ trả lời. Khuôn mặt cởi mở bừng lên với một nụ cười hiền lành. Ông Khang bắt tay tôi và có vẻ hơi ngỡ-ngàng trong ánh mắt; bởi tôi không có vẻ gì là khách quen của ông hay của ba ông ngày xưa. Ít ra là bằng cái đánh giá đầu tiên qua số tuổi.
Nhưng ông không hỏi… Ông mời tôi lên lầu vì khách đã đầy ở tầng dưới và chúc tôi ăn ngon miệng. Tôi ăn lại tô phở Tàu Bay của gần nửa thế kỷ trước.
Tô phở ngon, thơm… Nhưng thực sự là tôi ăn lại kỷ-niệm nhiều hơn ăn phở. Tô phở không có giá, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Người Bắc xưa lúc di-cư vào Nam chỉ ăn rau muống, chứ không ăn giá! Tôi ngày ấy chỉ là cậu học trò nhỏ ngày ngày đạp xe ngang qua tiệm phở ngửi mùi thơm từ tiệm bốc ra.
Hiếm họa năm thì bảy lượt tôi mới có chút tiền còm mẹ cho để đường-hoàng bước hẳn vào tiệm, kêu tô phở. Thành thật mà nói, tôi không tài nào nhớ được cái hương-vị của Phở Tàu Bay ngày xưa.
Tôi nghĩ tôi ăn lại đúng cái hương vị cũ qua khuôn mặt của ông chủ quán. Ông chính là nhãn hiệu cầu chứng tại tòa của Phở Tàu Bay gia-truyền Sai-Gòn xưa!
Chỉ đến khi tôi mua mấy tô mang về cho mẹ và cô em gái, ông Khang mới đến ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hỏi ông về chuyện hai tiệm Tàu Bay kề vai sát cánh với nhau.
Và ông điềm đạm kể cho tôi chuyện gia-đình.
Chuyện của sự vui vầy sum họp Bắc-Nam sau 21 năm chia cắt. Chuyện của những người anh em ông từ phía bên kia vĩ'tuyến 17 vào Sài-Gòn. Chuyện của sự chia cắt không ở biên-giới địa-lý mà là ở sự cắt chia của trái tim.
Tôi cảm ơn ông vì đã chia-sẻ chuyện nhà của ông cho tôi biết. Và từ-biệt ông. Ông Khang nhã-nhặn bắt tay tôi từ-biệt. Ông dặn hâm nước dùng riêng trước khi đổ vào tô bánh và thịt.
Ông gọi taxi trước cho tôi, và cho một chú bé xách hai cái bọc nhựa chứa những tô mang đi ra tận taxi. Ông chẳng nhớ tôi đâu. Làm sao ông nhớ được chú bé gần nửa thế-kỷ trước chỉ đạp xe ngang tiệm phở của ông?
Ông chỉ đối xử đặc-biệt với tôi vì tôi “biết” tiệm phở của Bố ông, và giờ là của ông. Ông kể quán bắt đầu “lộn-xộn” kể từ khi ba người con từ miền Bắc vào nhận họ hàng vào những năm '80. Và kết-quả ông Khang là người thua cuộc. Theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bố ông di-cư vào Nam năm '54 mang theo tiệm phở. Và ông mặc nhiên là người miền Nam, phía thua cuộc. Những người anh em của ông từ bên kia vĩ-tuyến 17 vào dành được phần nhà sát hẻm, khiến ông trở thành người thua cuộc lần thứ hai.
Ông kể bằng cái giọng Bắc quen thuộc của những người di-cư tôi từng biết vào những năm xưa ở Bảy Hiền, ở xứ đạo Nam-Hà trên đường Lê văn Duyệt.
Giọng ông đều đều trải đời với cái nhẫn của kẻ thua cuộc. Tôi nhìn ông cảm khái. Có chút chạnh lòng khi nhớ lại những tháng ngày sau '75 tôi cũng bị đối xử phân biệt vì là con cái của sĩ-quan Việt-Nam Công-Hòa.
Người Cộng-Sản đối xử công bằng với những người thua cuộc không phân biệt già trẻ lớn bé. Tôi tuy là trẻ con nhưng lại là con của phía những người thua cuộc.
Ông Khang may mắn hơn tôi: Bố ông chỉ bán phở, nếu không chắc cũng tàn đời trong trại cải-tạo rồi.
Vậy thì bây giờ đây tôi cho bạn biết: quán sát hẻm, áo vàng là quán của phía thắng cuộc. Thắng cuộc hai lần theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quán còn lại, dĩ nhiên là phía thua cuộc.
Bạn chọn vào quán nào theo ý-thức-hệ của bạn là tùy hỉ. Tôi không muốn lên gân. Chỉ là một tô phở thôi mà, có là gì đâu bạn nhỉ?
♡
Người đàn ông áo trắng trong bức hình là ông Khang, cựu học-sinh Lasan Taberd, khi ấy, vẫn chỉ là có một "Tàu Bay" mà thôi!
(MaiXuân-Vỹ)
- Fb'er KLoan Nguyen @ "Ecoles Francaise Du Vietnam Avant 1975 Part Deux".
Không có nhận xét nào