Mình hoang mang quá khi đọc bài viết nghiên cứu giảng giải Hán Việt của thầy PGS TS Lê Xuân Thại #thay_Le_Xuan_Thai Trong bài viết Tìm hiểu ...
Mình hoang mang quá khi đọc bài viết nghiên cứu giảng giải Hán Việt của thầy PGS TS Lê Xuân Thại
#thay_Le_Xuan_Thai
Trong bài viết Tìm hiểu nghĩa của yếu tố Hán Việt trong các từ: Ác nghiệt, Dâm vũ, Định hình (xem >> https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/T%E1%BA%A1p%20Ch%C3%AD%20S%E1%BB%91%20Ho%C3%A1/04.Tim%20hieu%20nghia%20cua%20yeu%20to%20Han%20Viet%20trong%20cac%20tu%20Ac%20nghiet%20Dam%20vu%20Dinh%20hinh.pdf), hầu như những gì thầy Thại giảng đều có vấn đề cả.
Đó là:
****
(1) Về cách giải thích cụm danh từ Ác Nghiệt
(a) Thầy giảng "Ác là (người hoặc việc) gây hoặc thích gây đau khổ, tai họa cho người khác"
Nhưng thật ra, là chữ Hán Ác 悪 chỉ có nghĩa là dữ xấu tội lỗi, ví dụ ác tướng, ác phụ hoặc ác ôn, chứ chưa bao giờ là dành để chỉ cho "(người hoặc việc) gây hoặc thích gây đau khổ, tai họa cho người khác" như thầy Thại giảng cả. Ví dụ "ác tướng" thì chưa bao giờ nên được hiểu là "(người hoặc việc) gây hoặc thích gây đau khổ, tai họa cho người khác" cả
(b) Thầy giảng "Nghiệt 孽 1. có ba nghĩa: a) "ác độc, tàn ác" b) "bất hiếu" c) "bất trung"
Nhưng thật ra, chữ Hán Nghiệt 孽 KHÔNG HỀ CHỈ có ba nghĩ "ác độc" "bất hiếu" "bất trung" như thầy Thại giảng cả. Mà chữ Hán Nghiệt 孽 trước tiên có nghĩa chánh là chỉ cho con vợ thứ (ví dụ cô thần nghiệt tử 孤臣孽子 tức là bầy tôi cô độc, con vợ thứ)
Và chữ Hán Nghiệt 孽 KHÔNG HỀ CHỈ cho "bất trung" mà là chỉ cho bại tướng hoặc ngỗ nghịch
(c) Thầy giảng "Trong ba chữ nghiệt đó thì chữ nghiệt 1 với nghĩa là "ác độc, tàn ác" là nghiệt trong ác nghiệt "
Nhưng thật ra, thầy Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển những năm 1930s đã có giảng Nghiệt là "mầm của tội ác" tức 惡因 mà nếu bạn tra các từ điển Hán ngữ trên mạng về chữ Nghiệt 孽 đều có. Nhưng không hiểu tại sao thầy Thại lại cho rằng cách giảng Nghiệt "mầm của tội ác" là không chính xác, trong khi chính thầy Thại trong bài viết này, chưa bao giờ (giảng đúng) và hiểu đúng và đủ về chữ Nghiệt 孽 cả ?
Nên trong cách giải thích Ác Nghiệt này, hóa ra thầy Thại đã chỉnh sửa câu văn giải thích "lợn lành" thành ra "lợn què"
Và đáng nói hơn, là ngay luôn trong quyển Hán Việt Từ Điển, thầy Đào Duy Anh đã giải thích là trong Ác Nghiệt ta dùng chữ 孽 này. Như vậy một quyển từ điển gần cả trăm năm trước đã viết thế, mà đến thế kỷ 21 thầy Thại lại viết lại y chang như thế, mà lại phê bình rằng cách giải thích của thầy Đào Duy Anh là không chính xác, trong khi thầy Thại còn chưa hiểu đúng và đủ về ngữ nghĩa chữ Hán Nghiệt 孽, như thế có là tai hại không ?
****
(2) Về cách giải thích cụm danh từ Dâm Vũ
Thầy kết luận là "Bửu Kế giải thích dâm là "mưa kéo dài rất lâu", vũ là "mưa". Giải thích nghĩa của dâm như Bửu Kế không đúng. "Mưa kéo dài rất lâu" là nghĩa của từ dâm vũ chứ không phải là nghĩa của riêng dâm."
Nhưng chữ Hán Việt Dâm 霪 theo Khang Hy Tự Điển là 久雨也 hoặc 雨過十日以往, tức là mưa dầm hoặc mưa quá 10 ngày, và theo Quốc ngữ Tự Điển là 下了很久的雨 tức là mưa rơi đã rất lâu (xem >> https://www.zdic.net/hant/%E9%9C%AA)
Nên chúng ta không hiểu thầy Thại có đọc chữ Dâm 霪 này chưa ? Và nếu thầy có đọc rồi, thì chắc thầy không thể nào mà kết luận rằng thầy Bửu Kế sai đâu, đúng không ?
****
(3) Về cách giải thích cụm danh từ Gia Hình
Thầy giảng "Gia Hình là thực hiện trừng phạt thể xác đối với phạm nhân"
Nhưng chữ Hán Hình 刑 chỉ có nghĩa là hình phạt, chứ không hẳn là "trừng phạt thể xác đối với phạm nhân" như thầy Thại giảng cả.
Và bạn xem kìa:
(a) Ví dụ như thời xưa, hình phạt có 5 loại là "tử, lưu, đồ, trượng, si" mà trong đó tội lưu là lưu đày, mà lưu đày là bắt đi đày, thì không hiểu việc bắt đi đày trực tiếp liên quan gì đến việc "trừng phạt thể xác đối với phạm nhân" ?
(b) Ví dụ như thời nay, chúng ta có bộ luật Hình Sự thì bộ luật như thế, có là bộ luật "trừng phạt thể xác đối với phạm nhân" không ?
(c) Ví dụ như thời quân chủ nước Việt nam xưa có Bộ Hình, thì không hiểu Bộ này có phải là một cơ quan chuyên thi hành luật lệ "trừng phạt thể xác đối với phạm nhân" không ?
****
(4) Về cách giải thích cụm danh từ Hóa Giá
Thầy giảng "Hóa giá vốn có nghĩa danh từ là "giá bán" nhưng trong tiếng Việt lại dùng với nghĩa động từ là "xác định giá bán"
Đáng tiếc là trong Hán ngữ, có 2 danh từ Hóa Giá khác nhau
(a) Hóa Giá 貨賈 chỉ cho việc buôn bán 指做買賣
(b) Hóa Giá 貨價 chỉ cho giá cả món hàng 指貨物的價格
Nên chúng ta không hiểu là thầy Thại đang bàn về cụm danh từ Hóa Giá nào bởi vì thầy Thại không hề viết chữ Hán Hóa Giá nào cho chúng ta đọc cả
****
(5) Về cách giải thích cụm danh từ Hội Tề
Thầy giảng "Chú hội là nhóm họp như Bửu Kế là đúng. Cũng có thể chú hội là "tụ họp". Còn tề không có nghĩa là "cùng nhau" như ý kiến của Bửu Kế. Tề ở đây có nghĩa là "quản lí"
Thật kinh ngạc thay, không hiểu thầy Thại đã dựa vào từ điển nào mà cho rằng chữ Tề trong Hội Tề là quản lý ?
Vì theo mình hiểu, chữ Tề 齊 trong Hội Tề 會齊 có nghĩa là tề tựu, và Hội Tề có nghĩa là 指會聚齊全 tức là chỉ cho việc hội tụ tề toàn, tức là hội tụ đầy đủ (xem >> https://www.zdic.net/hans/%E4%BC%9A%E9%BD%90). Như vậy Hội Tề ở đây có nghĩa đen là hội tụ đầy đủ, và nghĩa bóng là một bang hội có đầy đủ thành viên đại diện cho mọi tầng lớp ở khu vực đó, chứ đâu có phải là cái hội quản lý như thầy Thại giảng thích ?
Và chữ Tề 齊 này cũng có nghĩa là cùng (một lúc) như bách hoa tề phóng 百花齊放 tức là trăm hoa cùng đua nở, nên cách hiểu của thầy Bửu Kế không hẳn là sai
****
(6) Về cách giải thích cụm danh từ Trương Tuần
Thầy giảng "Trương ở đây có nghĩa là "coi sóc", tuần có nghĩa là "đi lại để xem xét, kiểm tra"
Nhưng chúng ta không hề hiểu thầy Thại đã dùng từ điển nào để tra chữ Hán Trương, và chúng ta cũng không biết thầy Thại đang viết về chữ Hán Trương nào vì thầy hoàn toàn không hề viết chữ Trương trong Hán ngữ ?
Chứ còn chữ Hán Trương 張 có một nghĩa động từ là nhòm ngó 看,望 (xem >> https://www.zdic.net/hans/%E5%BC%A0). Nhòm ngó rất khác coi sóc. Coi sóc theo từ điển Hoàng Phê là "trông nom và săn sóc. Coi sóc vườn tược, coi sóc con cái".
Như vậy Trương Tuần 張巡 có nghĩa là tuần tra nhòm ngó (động tĩnh) chứ không phải là "tuần tra coi sóc" như thầy Thại giải thích cả
****
Mình thắc mắc là tại sao thầy Lê Xuân Thại, một thầy PGS TS được cho biết trên mạng là đã tham gia vào việc biên soạn đủ thứ từ điển Hán Việt, lẫn nguyên là Tổng biên tập tạp chí Ngôn Ngữ, mà khi phân tích những cụm danh từ Hán Ngữ trên, lại thành ra có nhiều khuyết điểm đến thế này ?
Mình cứ tưởng những thầy chuyên về Ngôn Ngữ Học, cần phải có vốn ngôn ngữ uyên thâm lắm chứ ?
Mời bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào