Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LÝ VỀ VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP VÀ SAU ĐÓ: VIỆN DẪN – PHÂN TÍCH – LUẬN GIẢI!

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LÝ VỀ VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP VÀ SAU ĐÓ: VIỆN DẪN – PHÂN TÍCH – LUẬN GIẢI!     Để xác định v...

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LÝ VỀ VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP VÀ SAU ĐÓ: VIỆN DẪN – PHÂN TÍCH – LUẬN GIẢI! 

   Để xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần – Chúng ta phải phân định hai thời điểm khác nhau: (i) Một là, thời điểm tính từ khi đăng ký thành lập công ty tại cơ quan có thẩm quyền cho đến hết thời hạn 90 ngày, kể từ ngày đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Hiểu nôm na là trong vòng 03 tháng đầu tiên kể từ ngày công ty được thành lập); Và (ii) Hai là, thời điểm kể từ sau khi công ty đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp vượt quá 90 ngày (Hiểu nôm na, là công ty đã được thành lập trên 03 tháng). 

   Tại sao lại có mốc thời điểm là trong vòng 90 ngày (03 tháng) kể từ ngày công ty được thành lâp và mốc thời điểm sau đó?! Là vì thế này: Vào thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để thành lập công ty, thì Luật doanh nghiệp không yêu cầu đã có thực tế góp được vốn, cho nên có thể đăng ký thành lập công ty với vốn điều lệ hàng vạn triệu tỷ, dù chưa có 01 đồng nào. Chỉ khi nào công ty đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, thì kể từ ngày này cho đến hết 90 ngày tiếp theo (Trong vòng 03 tháng), Họ (Cổ đông) mới bắt buộc phải góp đủ số vốn (thanh toán giá trị cổ phần) đã đăng ký mua (Cam kết góp). 

Ví dụ 1: A, B, C cùng thỏa thuận thành lập công ty D. Họ xác định vốn điều lệ công ty là 09 tỷ đồng, mỗi người góp 03 tỷ. Ngày 01/07/2021, Họ nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì vào thời điểm này, Họ không cần chứng minh mình có 01 đồng nào cả. Giả định ngày 05/07/2021, Họ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Ngày doanh nghiệp được thành lập), thì trong vòng 90 ngày, tức cho đến hết ngày 05/10/2021, Họ mới bắt buộc phải góp đủ số vốn này. 

   Trên cơ sở đó – Theo quy định của Luật, thì: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty”, nghĩa rằng vốn điều lệ của công ty cổ phần vào thời điểm thành lập, chính là vốn mà các cổ đông đã cam kết sẽ góp. Ở đây, Chúng ta phải lưu ý thuật ngữ “Đã được đăng ký mua” (Đã cam kết sẽ góp) mà không phải là là vốn dự kiến sẽ huy động sau khi thành lập. Theo đó một khi “Siêu công ty 500 nghìn tỷ” đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ như thế, có nghĩa rằng các cổ đông sáng lập (Theo thông tin là 03 người) đã đăng ký mua (Cam kết sẽ góp) toàn bộ 500 nghìn tỷ này và những người này buộc phải góp đủ số tiền vừa nêu trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày được thành lập. Ngoài ra, cũng cần phải hiểu thêm, Luật quy định: “Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp”, chứ không phải 20% vốn điều lệ, do đó Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty, mà không phải vốn dự kiến huy động hay một tỷ lệ nào đó. 

   Cho nên, việc ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, cổ đông lớn nhất, đồng thời là người đại diện pháp luật và Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) - doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng, nói rằng hiện tại ông ta không có tiền, nhưng khẳng định không "nổ", chất xám và ý tưởng của ông ấy sẽ giúp huy động vốn từ những nguồn khác – Chứng tỏ một điều rằng: Ông ấy không hiểu khái niệm vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ PHÁP LÝ VỀ VỐN ĐIỀU LỆ CÔNG TY CỔ PHẦN KHI ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP VÀ SAU ĐÓ: VIỆN DẪN – PHÂN TÍCH – LUẬN GIẢI!
   Sau khi hết thời hạn 90 ngày nêu trên, nếu những cổ đông nào đã đăng ký mua cổ phần (Cam kết góp vốn) nhưng đã không thực góp (Không thanh toán) đồng nào, sẽ không còn là cổ đông của công ty nữa; Người nào góp (Thanh toán) chỉ một phần vốn đã đăng ký, cam kết thì chỉ có quyền tương ứng với số tiền thực tế đã góp đó. Trong thời hạn 30 ngày tiếp theo (Sau khi kết thúc 90 ngày nêu trên), công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký lại vốn điêu lệ tương ứng với số vốn đã thực góp (Cổ phần đã thực thanh toán). 

Ví dụ 2: A, B, C cùng thỏa thuận thành lập công ty D. Họ xác định vốn điều lệ công ty là 09 tỷ đồng, mỗi người góp 03 tỷ. Ngày 05/07/2021, Họ được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Ngày doanh nghiệp được thành lập), thì trong vòng 90 ngày, tức cho đến hết ngày 05/10/2021, Họ mới bắt buộc phải góp đủ số vốn này. Giả định hết ngày 05/10/2021, mà mỗi người chỉ góp được 500 triệu đồng, thì công ty buộc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ từ 09 tỷ xuống 1,5 tỷ (Trừ khi có một người khác xuất hiện và góp đủ 7,5 tỷ còn thiếu, thì công ty không phải đăng ký giảm vốn điều lệ, nhưng phải đăng ký biến động về cổ đông sang lập). 

   Sau khi kết thúc các mốc thời hạn nêu trên (Bao gồm 90 ngày kể từ khi thành lập để thanh toán, góp đủ vốn và 30 ngày tiếp theo để đăng ký giảm vốn điều lệ nếu không góp đủ) – Kể từ đây, Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán, tức là chỉ bao gồm những loại cổ phần đã được cổ đông thanh toán đầy đủ cho công ty. Và khác với giai đoạn thành lập, là công ty có thể tự khai vốn điều lệ, dù chưa có đồng nào, thì trong quá trình hoạt động này, việc tăng vốn điều lệ chỉ được tiến hành đăng ký, khi vốn điều lệ đã thực có tăng lên (Có rồi mới được đăng ký). 

   Từ phân tích trên, cho thấy “Siêu công ty 500 nghìn tỷ” đã có dấu hiệu vi phạm điều cấm của luật, khi đã “Kê khai khống vốn điều lệ”, còn việc Họ không góp đủ, thì Chúng ta phải đợi kết thúc 90 ngày như trên, mới khẳng định được, dù rằng Chúng ta đều biết trước đó là viễn cảnh chắc chắn. Tuy nhiên, ngay cả khi việc họ không góp đủ vốn như cam kết, thì cũng không đương nhiên Họ sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu như một số Chuyên gia đã phát biểu, mà Họ chỉ bị phạt khi không góp đủ số vốn (và) nhưng đã không hề làm thủ tục đăng ký giảm vốn điều lệ trong 30 ngày như đã nêu trên - Có nghĩa rằng, nếu Họ góp không đủ, nhưng đã làm đúng và đủ thục tục giảm vốn điều lệ, thì cũng không bị phạt. Có lẽ, vì muốn tạo thuận lợi cho công cuộc đại khởi nghiệp, mà pháp luật hiện hành, quy định rất thoáng, cho khâu thành lập doanh nghiệp, theo chế độ “Hậu kiểm” thay vì “Tiền kiểm”, tức chỉ tiến hành kiểm tra, giám sát sau khi doanh nghiệp đã được thành lập. Nhưng cũng chính vì thế mới có những câu chuyện khôi hài với những siêu công ty toàn ảo như vậy.

Viết tại Sài Gòn, ngày 17/06/2021 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Không có nhận xét nào