NGUY CƠ LÂY NHIỄM TỪ BUỒNG LẤY MẪU XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC SARS COV2 Việc tăng cường lấy mẫu sàng lọc SARS COV2 là biện pháp rất cấp thiết trong...
NGUY CƠ LÂY NHIỄM TỪ BUỒNG LẤY MẪU XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC SARS COV2
Việc tăng cường lấy mẫu sàng lọc SARS COV2 là biện pháp rất cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, khi số lượng công việc càng tăng, nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng. Chúng ta thường lo lắng về việc lây nhiễm cho nhân viên lấy mẫu, nhưng chúng ta lại ít đề cập đến một nguy cơ lây nhiễm không kém phần quan trọng, đó là lây nhiễm chéo giữa người đến để được lấy mẫu. Tại những nơi phải lấy mẫu hàng loạt, nguy cơ này lại càng tăng cao.
Theo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, mỗi nhân viên y tế khi lấy mẫu phải mang găng và sau đó tháo găng, rửa tay trước khi chuyển qua lấy mẫu cho người kế tiếp. Việc thay găng, rửa tay là quan trọng trong phòng lây nhiễm, nguy cơ lây truyền từ găng tay đã được nêu ra trong nhiều nghiên cứu trước đây. Nghiên cứu trên 49 nhân viên có tiếp xúc bệnh nhân có nhiễm Enterococcus kháng thuốc cho thấy 63% găng tay của họ cũng nhiễm vi khuẩn này. Nghiên cứu trên 435 trường hợp tháo găng sau sử dụng, có đến 46% cho thấy có lây nhiễm qua tay khi tháo găng. Việc sát khuẩn găng thay vì thay găng cho thấy không hiệu quả. Do đó việc lây nhiễm từ người này sang người khác qua quá trình lấy mẫu mà không thể thực hiện việc thay găng và rửa tay là điều có thể xảy ra.
Gần đây đã có sáng kiến làm buồng lấy mẫu xét nghiệm SARS COV2 để cho nhân viên y tế được an toàn và mát mẻ hơn vì không phải mang bộ phương tiện bảo hộ, được cách ly với dịch hô hấp qua màng chắn nhưng sáng kiến này đã không chú ý đến vấn đề lây nhiễm cho người được lấy mẫu. Buồng này chỉ sử dụng một đôi găng tay để lấy mẫu cho tất cả mọi người mà không hề thay, bề mặt mà người lấy mẫu sẽ phải tiếp xúc cũng không được khử khuẩn giữa mỗi người (chưa kể đến liệu việc lấy mẫu qua rào chắn có lấy đúng vị trí để cho kết quả chính xác hay không). Nguy cơ lây nhiễm như vậy sẽ cao hơn cho những người được lấy mẫu từ buồng này. Người đến lấy mẫu có thể bị lậy nhiễm SARS COV 2 từ người lấy mẫu trước bị nhiễm.
Tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn trên thực tế vẫn còn rất nhiều thách thức, dịch bệnh vẫn còn diễn tiến phức tạp, rất cần chúng ta tỉnh táo để đánh giá những nguy cơ để giảm thiểu lây nhiễm chéo đến mức thấp nhất. Sáng kiến cải tiến rất cần thiết, nhưng cần cân nhắc kỹ giữa lợi và hại, cần hiểu rõ các nguyên tắc về kiểm soát nhiễm khuẩn để thực hiện tốt hơn.
PGS TS Lê Thi Anh Thư
PS. Hình lây từ internet- Chúng ta có thể thấy việc lây nhiễm chéo giữa các người đến lấy mẫu sẽ rất dễ xảy ra
Không có nhận xét nào