Tục thờ Cá Voi ở Việt Nam #nhan_ngu #ca_voi Bài 10 - Về tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam có phải là đến từ người Chăm cổ không ? Mình rất ngạc...
Tục thờ Cá Voi ở Việt Nam
#nhan_ngu #ca_voi
Bài 10 - Về tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam có phải là đến từ người Chăm cổ không ?
Mình rất ngạc nhiên khi đọc bài viết "Tục thờ cúng cá Ông của cư dân ven biển - hải đảo Quảng Ngãi" của thầy Lê Hồng Khánh (xem >> https://vanhoavaphattrien.vn/blog-preview/3161) khẳng định rằng là "Các nhà nghiên cứu hầu hết thống nhất nhận định tục thờ cúng cá Ông là một tín ngưỡng của người Chăm cổ, vốn gắn bó nhiều với biển cả, đã được người Việt (và cả người Việt mang hai dòng máu Việt – Chăm, hậu duệ của người Chăm bản địa và người Việt lưu dân) tiếp thu và nhập vào đó nhiều nét tín ngưỡng - văn hoá của cư dân văn hoá Đông Sơn để trở thành một tín tục mang đậm dấu ấn truyền thống của hai dân tộc.".
Mình rất muốn biết "các nhà nghiên cứu" ở đây là những ai ? Và mình rất muốn được biết họ đã viết với các tài liệu nào để chứng minh rằng tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam là đến từ người Chăm cổ ?
Dĩ nhiên việc ngày nay người Việt CHO LÀ tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam đến từ người Chăm cổ, đã trở thành một dạng kiến thức phổ thông, mà không có ai phản biện cả. Và người đã cho ra thuyết quái đản này, chắc không ai khác mà chính là thầy Tạ Chí Đại Trường, người mà trong quyển Thần Người và Đất Việt viết linh tinh, lung tung và đủ thứ hầm bà lằng bậy cả, và ông trong việc chứng minh về tục thờ cúng cá voi của người Việt là đến từ người Chăm, ông không từ một hành động nào cả, trong đó có cả việc chụp luôn là miếu thờ Long Vương của người Việt là từ tục thờ cá voi của người Chăm (và mình viết một loạt bài để phản biện những nhận định linh tinh vô căn cứ này của thầy họ Tạ).
Như vậy nếu "các nhà nghiên cứu" mà thầy Lê Hồng Khánh dẫn trên, là các thầy đọc sách thầy họ Tạ, thì xin thưa, họ cũng chỉ như những anh mù được dẫn đường bởi một ông chột vậy. Mình muốn được đọc đàng hoàng là có nhà nghiên cứu Việt Nam nào đã độc lập tìm ra tài liệu để khẳng định rằng tục thờ cúng cá voi ở Việt Nam là đến từ người Chăm cổ ?
Và dĩ nhiên bạn đừng quên, là vị thần biển cả của người Chăm Phan Rí / Phan Rang có tên là Po Riyak, đó là đến từ một truyền thuyết chỉ có sau thời vua Po Rome tức là đã là vào thế kỷ 15. Như vậy cho đến nay, theo mình hiểu, chưa có ai có tài liệu nào đủ để khẳng định trong văn hóa Chàm cổ (cổ là xưa hơn thế kỷ 15 thời vua Po Rome), người Chàm đã thờ cúng cá voi gì cả. Và các nhà nghiên cứu Việt Nam, khi viết bài về tục thờ cá voi, do bản thân họ cũng chả biết là tục này đến từ đâu, nên họ cứ thoải mái mà viết "tục cổ Chăm", nhưng nếu bạn hỏi họ "cổ là cổ từ thế kỷ nào" thì mình đồ chắc là bản thân họ cũng không hề biết (và có khi lại chỉ cho bạn đi đọc sách thầy họ Tạ viết cũng nên).
Có một thuyết mà các nhà nghiên cứu tục thờ cá voi ở Việt Nam chưa bao giờ nêu ra cả, đó là tục thờ cá voi ở Đàng Trong là CÓ THỂ đến từ Nhật Bổn kìa. Tại sao lại đến từ Nhật Bổn ? Đó là vì bạn đừng quên, là người Nhật vào thế kỷ 15 (những năm 1600s), họ đã ở đầy tại Hội An kìa. Và tục thờ cá voi ở Nhật Bổn là đã có từ rất xưa. Và để trả lời câu hỏi kế tiếp mà bạn hỏi, là người Nhật tuy có thờ cá voi nhưng họ ăn thịt cá voi mà, họ đâu có thờ như người Việt là đem chôn cá voi đàng hoàng và để tang ? Thì xin thưa với bạn, là phong tục của một dân tộc mà đi qua xứ hay quốc gia khác, đâu có gì lạ khi phong tục ấy đã thay đổi đâu ? Đừng nói đâu xa, ngay trong tộc Kinh, phong tục gói bánh ngày Tết cũng khác, ở miền Bắc thì có bánh chưng hình vuông, trong Nam thì có hình bánh tét trụ dài. Nếu cùng 1 dân tộc, mà ngay cả việc đón Tết mà hai miền còn gói bánh khác thế, thì tại sao một phong tục của một dân tộc đến một quốc gia của dân tộc khác lại phải giống nhau hả bạn ?
Và bạn đừng quên, là dù người Nhật ăn thịt cá voi, thì vẫn có các đền miếu bên Nhật có để lại xương cá voi trang trí đó thôi.
Nên có thể, cả chục năm nay, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã sống dưới tầm ảnh hưởng của thầy Tạ Chí Đại Trường, và do vì họ lúc nào cũng nghĩ là người Việt sống ở đất Chăm nên ảnh hưởng văn hóa Chăm, và trong văn hóa Chăm có tục thờ cá voi cổ, do đó họ cho rằng "đương nhiên" là tục thờ cá voi ở Việt Nam là đến từ văn hóa Chăm, nhưng thật ra nếu bạn đọc thêm các tài liệu khác, thì thần biển cả Po Riyak của người Chàm chỉ có mặt bắt đầu từ thế kỷ 16 sau thời vua Po Rome trở đi, và chỉ có mặt ở miệt Phan Rang / Phan Rí, nên việc ở Quảng Ngãi hay đâu đó ngoài miền Trung mà người Việt có thờ cá voi, là họ chắc được người Việt trong Nam (Bình Thuận) đem ra, chứ không có liên quan gì đến phong tục thờ cá voi "CỔ" nào của người Chăm bản xứ như ở Trà Kiệu cả.
Và đó là còn chưa nói, người Nhật đã đến Hội An rất sớm, và tục thờ cá voi của dân duyên hải người Nhật cũng đã có rất sớm, mà dân thủy thủ Nhật nếu có đem theo tục thờ cá voi tới Đàng Trong là một điều hoàn toàn hợp lý. Nhưng tại sao các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa hề có ai lên tiếng về thuyết này, thì mình nghĩ là do họ chưa bao giờ ra khỏi cái lồng văn hóa Việt Kinh / Chăm Việt tương quan gì đấy, và có thể do cái bóng của thầy họ Tạ quá lớn, nên cũng như các cụ đại thụ trong nền sử học Việt Nam, chỉ đến khi Brian đọc và đọc kỹ, mới thấy là các cụ có những lỗi logics lẫn kiến thức bậy hơi nhiều chăng ?
Mời bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào