VACCINE COVID, MỘT VÀI SỐ LIỆU CẦN BIẾT - Hiện tại có đến 92 loại vaccine đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm, 4 vaccine bị bỏ dỡ ngang giữa...
VACCINE COVID, MỘT VÀI SỐ LIỆU CẦN BIẾT
- Hiện tại có đến 92 loại vaccine đang nằm trong giai đoạn thử nghiệm, 4 vaccine bị bỏ dỡ ngang giữa chừng.
- Ngôn ngữ hay được dùng trong ngành vaccine học đó là Efficacy, số phần trăm giảm được bệnh tật của người được chích so với người không được chích. Thông thường rất ít vaccine có số liệu efficacy là 100%, tức là thuốc tiên, chích xong là không bị nhiễm nữa. Từ 90% trở lên đã là quá tuyệt vời rồi.
- Loại vaccine đình đám nhất hiện tại là Pfizer đạt efficacy rate được 91.3% được phát triển thành công vào tháng 11 năm ngoái bằng công nghệ mRNA. Xem thêm cách Pfizer làm ra vaccine ở đây: https://www.nytimes.com/interactive/2021/health/pfizer-coronavirus-vaccine.html?referringSource=ảticleShare. Đại loại là Pfizer đã tạo ra một cấu trúc hướng dẫn cho gene để tạo ra protein của coronavirus gọi là spike (đầu nhọn). Sau khi được chích vào tế bào, vaccine sẽ hướng dẫn cho nó tạo ra spike protein và kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhược điểm lớn nhất của Pfizer là hệ thống đông lạnh với nhiệt độ từ âm 25 đến âm 15 độ C, rất nhiều nước nghèo sẽ thiếu điều này để giữ đông nó khỏi bị hỏng. Liều tiêm phải đủ 2 liều mới đạt hiệu lực 91.3%, mỗi liều cách nhau 3 tuần. Pfizer có năng lực sản xuất hơn 3 tỷ liều vào năm 2021 theo NYTimes.
- Vaccine còn lại sử dụng công nghệ mRNA là Moderna, một công ty thuần Mỹ mới thành lập được hơn 10 năm nay nhưng đã sản xuất được loại vaccine ngừa Covid có efficacy rate lên đến 94.3%. Đây cũng là sản phẩm thương mại duy nhất tính đến hiện tại của công ty, được chính phủ Mỹ tài trợ hơn 1 tỷ đô vào năm 2020. Tương tự như vaccine Pfizer, đây là loại vaccine chưa có điều tiếng gì về vấn đề nguy hiểm cũng như gây hại cho người dùng. Ngược lại chích vaccine của Moderna có phần nào còn có efficacy rate cao hơn của Pfizer. Moderna tuyên bố có thể sản xuất được 1 tỷ liều vào năm 2021 và 3 tỷ vào năm 2022.
- Oxford-AstraZeneca là loại vaccine được đại học Oxford sáng chế và hãng AstraZeneca của Thuỵ Điển bào chế. Efficacy rate của loại vaccine này vào khoảng 76% như nghiên cứu của Mỹ vào năm nay. Tuy nhiên ưu điểm lớn nhất của Astra Zeneca là có thể được trữ ở nhiệt độ âm 1,2 độ C trong vòng 6 tháng, hoàn hảo với các nước nghèo. AstraZeneca còn được bán với giá sàn 3 đô/liều và có thể dùng kết hợp với các loại vaccine khác. Mỹ đã cung cấp 1 tỷ đô cho Oxford-AstraZeneca để nghiên cứu tuy nhiên sau khi dư thừa các nguồn của Pfizer và Moderna thì họ chưa vội cấp phép sử dụng AstraZeneca. Một phần cũng do tỷ lệ Efficacy thấp, và phần khác do số người bị đông máu chiếm một tỷ lệ tuy nhỏ nhưng khá ngẫu nhiên nên cả Mỹ lẫn châu Âu đều chần chừ sử dụng loại vaccine này. Một điều lý thú là phần lớn vaccine này được sản xuất tại Ấn Độ, nước đã cấm xuất khẩu vào tháng 3 năm nay và khiến nguồn cung của vaccine bị khan hiếm nặng nề và hãng bị thất bại trong việc cung cấp vaccine cho châu Âu theo kế hoạch. Mặc dù chưa được Mỹ đưa vào sử dụng thì Astrazeneca đã trở thành ông hoàng vaccine của thế giới thứ 3 với hơn 70 quốc gia sử dụng để làm vaccine ngoại trừ Na Uy và Đan Mạch quyết định dừng sử dụng để tránh nguy cơ đông máu (tỷ lệ tính theo phần chục triệu).
- Johnson & Johnson, loại vaccine dễ bảo quản nhất với việc để ngăn mát (2-8 độ C) cũng đủ bảo quản trong 3 tháng còn nếu để trong tủ -20 độ C thì bảo quản được hơn 2 năm. Tuy nhiên việc sản xuất loại vaccine này chậm hơn rất nhiều so với ba loại bên trên. Một phần do nhà máy của họ ở Mỹ hoạt động rất ì ạch. J&J chỉ cần tiêm một liều là đủ nhưng với efficacy rate thấp còn hơn cả Astra Zeneca, chừng 72%, chính phủ các nước Âu-Mỹ rất ít khi dùng loại vaccine này. Một số trường hợp đông máu cũng bị ghi nhận khi sử dụng loại vaccine này, nhưng tỷ lệ là cực thấp (28 ca trong số 9 triệu liều được tiêm ở Mỹ). J&J rất lý tưởng khi được sử dụng trong môi trường thế giới thứ 3. J&J cũng dùng công nghệ để tạo ra spike protein hướng dẫn tế bào tạo ra hệ miễn dịch chống Covid nhưng khác với 2 loại đầu, nó sử dụng công nghệ DNA chứ không phải RNA nên rất dễ lưu trữ.
- Sputnik V, do viện Gamaleya nghiên cứu và sáng chế ra với efficacy theo họ là đạt được 91.2%. Giai đoạn thử nghiệm của Vaccine này bị tranh cãi dữ dội khi mà giai đoạn thử nghiệm trên người vẫn chưa hoàn thành mà đã được cho phép sử dụng vào tháng 8 năm ngoái bởi tổng thống Nga Putin. Nga sau đó phải rút lại quyết định này, tranh luận rằng việc này chỉ là một "giấy chứng nhận đăng ký" mà thôi. Quá trình thử nghiệm hoàn tất không hoàn toàn chỉ ở Nga mà còn ở Belarus, Venezuela và UAE đã hoàn tất vào tháng 2 nhưng không hoàn toàn cung cấp cách Sputnik V tạo ra kháng thể Covid như thế nào. Ngược lại vào tháng 4 năm nay, một nghiên cứu từ Mỹ (https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2021.03.31.21254660v2) cho thấy kháng thể do Sputnik V tạo ra đã thất bại trong việc vô hiệu hoá virus Covid. Điều lý thú là viện nghiên cứu ra vaccine Sputnik V đã liên kết với AstraZeneca để cùng đưa ra tuyên bố nếu chích vaccine 2 loại sẽ có kháng thể tốt hơn đối với virus. Chưa rõ việc này hoạt động như thế nào. Hiện tại có Nga, Belarus, gần như toàn bộ Trung Đông cũng như Ấn Độ, Việt Nam, Phillipines đã chấp thuận loại vaccine này. Brazil đã đi ngược lại điều này khi tuyên bố vào ngày 26.4 rằng Sputnik V không minh bạch trong việc đưa ra dữ liệu về efficacy rate cũng như thành phần của nó nguy hiểm với người dùng. Xem thêm tại (https://www.reuters.com/business/healthcare-pharmaceuticals/russias-sputnik-v-developers-sue-brazilian-regulator-false-information-about-2021-04-29/)
- Sinopharm, tỷ lệ efficacy theo WHO là 78.2%. Đây là loại vaccine được các nước Trung Đông đánh giá khá cao khi UAE đã dùng để chích cho công nhân của họ từ tháng 12 năm ngoái. Hungary là nước duy nhất tại châu Âu chấp nhận vaccine này và hiện tại Việt Nam vẫn chưa chấp thuận sử dụng nó. Vào tháng 5 năm nay, UAE công bố rằng họ sẽ chích thêm một liều cho những người đã chích 2 liều Sinopharm do lo ngại tính hiệu quả. Đến nay rất ít thông tin về loại vaccine này được công bố. Có khoảng 30 nước sử dụng Sinopharm trong danh mục vaccine của họ.
- Sinovac, có số efficacy khác nhau rất rõ ở các nơi. Trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, nó đạt đến mức 91.2% thì ở Brazil tỷ lệ này chỉ là 50%. Sinovac vừa được WHO đưa vào danh mục dùng khẩn cấp trên thế giới nhưng ngay cả ở Trung Quốc thì người ta cũng ít ưa chuộng loại vaccine này. Tuy nhiên cũng chính Brazil đưa ra thông tin về việc Sinovac làm giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong cao tại một thị trấn hoàn toàn sử dụng nó. Tổng thống Indonesia đã chích Sinovac để quảng cáo cho nó. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm tương tự tuy nhiên số nước sử dụng Sinovac thấp hơn cả trong danh sách vaccine trên đây, chủ yếu ở các quốc gia quảng cáo như trên.
- Novavax, loại vaccine hứa hẹn của Mỹ, có khả năng đạt efficacy lên đến 96% với loại nguyên bản nhưng chỉ 49% với biến chủng Nam Phi hứa hẹn sẽ ra đời vào Quý 3,4 năm nay để tăng nguồn cung cho toàn thế giới.
- Soberana 2 Vaccine, loại vaccine của anh em phía Tây, Cuba đã được chích cho dân Cuba trước cả khi thử nghiệm sang Giai đoạn 3. Hiện tại vẫn chưa biết công hiệu vì Cuba không công bố với thế giới.
- CanSino, loại vaccine thứ 2 trên thế giới có thể được chích 1 liều duy nhất với efficacy dự tính là 65%. Tuy nhiên tháng 4 năm nay, vị trưởng ban nghiên cứu của công ty Trung Quốc này tuyên bố rằng efficacy của CanSino có thể bị giảm hẳn trong vòng 6 tháng làm việc chích ngừa nó như là đi Casino. Hiện được chích tại Trung Hoa, Chile, Iran, Hungary...
- NanoCovax: ngoài báo Việt Nam cũng không thấy đăng nhiều ở nơi khác.
- Vaccine cho thấy được tác dụng lớn ở châu Âu, Mỹ, Israel với số ca giảm gần 90% ở Mỹ và Israel, những nước dẫn đầu về tiêm vaccine. Nó cũng giảm mạnh số người chết tại các quốc gia này do Covid gây ra. Vaccine là con đường duy nhất cho thế giới trở lại một nền kinh tế mở cửa như trước dịch.
Nguyễn Duy Anh tổng hợp
Không có nhận xét nào