Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, BẰNG CHUYÊN KHOA, XÁC NHẬN TẬP HUẤN, CHỨNG NHẬN CME

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, BẰNG CHUYÊN KHOA, XÁC NHẬN TẬP HUẤN, CHỨNG NHẬN CME Tôi là một trong số rất ít người được đứng một mình mổ chấn thương...

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, BẰNG CHUYÊN KHOA, XÁC NHẬN TẬP HUẤN, CHỨNG NHẬN CME

CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ, BẰNG CHUYÊN KHOA, XÁC NHẬN TẬP HUẤN, CHỨNG NHẬN CME

Tôi là một trong số rất ít người được đứng một mình mổ chấn thương sọ não khi còn là sinh viên. Hồi đấy, cả miền nam chỉ có một bệnh viện mổ chấn thương sọ não, nên bệnh nhân từ khắp nơi dồn về. Trong khi đó thì có rất ít bác sĩ Ngoại Thần kinh. Lực lượng sinh viên đóng vai trò khá quan trọng.

Còn nhớ ca đầu tiên tôi đứng một mình mổ. Khi gặp chuyện, tôi nhờ người gọi bác sĩ trực vô phòng mổ, nhưng anh ấy đang bận nên không vô. Tôi loay hoay tự xử trí. Cuối cùng thì ca mổ cũng xong. Sáng hôm sau bệnh nhân tỉnh táo, không bị di chứng gì. Sau đó khoảng 1 tuần, tôi về nhà thì thấy nhà có khách, cùng một bịch trái cây. 

Người khách đó là anh chủ tịch phường tôi. Anh ấy biết mặt tôi, nhưng tôi lại không biết anh ấy. Khi biết anh ấy đến cám ơn tôi đã mổ cho mẹ anh ấy, tôi hoảng hồn, vì tôi đâu có được phép mổ. Nhưng anh ấy nói là chính anh ấy đã vô tận trong phòng mổ, nhìn thấy tôi và cả ê kíp mổ. Anh ấy còn nhắc lại một số chi tiết mà chỉ có người vô đứng trong phòng mổ mới biết.

Khi các đàn anh khác biết chuyện, họ đều nói chắc cả kíp rối quá, nên không biết có người vô tận phòng mổ. Sau đó khoảng hơn hai chục ca liên tiếp, các đàn anh luôn có mặt trong phòng mổ, hoặc ngồi ngay ngoài khu hành chánh khi tôi mổ, và vô ngó qua trước khi tôi đóng vết mổ. Thỉnh thoảng gặp tình huống khó hoặc bất ngờ, các anh rửa tay vô hỗ trợ ngay.

Sau khi tôi ra trường thì chỉ còn một, hai lứa sinh viên được cho phép mổ khi chưa ra trường. Sau đó, người ta bắt đầu nói đến tính pháp lí, mặt khác, không mấy sinh viên còn hăng hái tình nguyện vô bệnh viện như kiểu “nội trú tự nguyện” nữa. Vài năm sau, chúng tôi bắt đầu chương trình hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến tỉnh mổ chấn thương sọ não.

Theo thống nhất giữa sếp tôi lúc đó với các tỉnh, thì các tỉnh cử bác sĩ lên chỗ chúng tôi học, xong rồi chúng tôi sẽ thay phiên nhau về hỗ trợ, cho đến khi họ mổ cứng cáp. Lúc đó, chúng tôi tiếp xúc với nhiều bác sĩ, từ nhiều tỉnh khác nhau, thì mới thấy, mặc dù rất nhiều bác sĩ tâm huyết với chuyên khoa, nhưng không phải ai cũng yêu công việc mổ chấn thương sọ não. Do vậy, kết quả học tập khác nhau.

Mấy năm sau, việc chuẩn hóa lại các chức danh và yêu cầu công việc, đã đưa ra những qui chuẩn khá rõ ràng. Bản thân ngành y cũng bước sang một giai đoạn mới, đó là chuẩn hóa các yêu cầu về công việc. Luật khám chữa bệnh năm 2009 (thực ra thì mãi đến 2011 mới có thông tư hướng dẫn nên mới bắt đầu thực hiện), yêu cầu người hành nghề y ở mọi vị trí, hễ cứ đụng đến bệnh nhân là phải có chứng chỉ hành nghề (CCHN).

Bản thân tôi lúc đó có CCHN cũng đã vài năm, nhưng chỉ là để làm giám đốc bệnh viện, chứ không phải để hành nghề. Ban đầu, gần như người ta chỉ khắt khe với y tế tư nhân về CCHN. Nhưng sau vài năm, việc yêu cầu CCHN ở các bệnh viện công tại TPHCM cũng khá gắt gao.

Người có CCHN mới được phép làm việc trên người bệnh, cụ thể là khám bệnh và một số việc khá thông thường khác. Nhưng khi làm một kĩ thuật gì, thì lại còn phải có những giấy phép khác. Ví dụ như mổ u não, thì phải có bằng chuyên khoa, như chuyên khoa cấp 1, cấp 2 hoặc thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Ngoại Thần kinh thì mới được mổ. Mà cũng chỉ là các phẫu thuật thông thường. Các phẫu thuật đặc biệt còn phải có xác nhận đã học (hay tập huấn) kĩ thuật đó, thì mới được mổ.

Có CCHN, có bằng chuyên khoa, có xác nhận tập huấn không thôi chưa đủ. Tất cả nhân viên y tế thuộc khối chuyên môn y khoa còn phải có xác nhận đào tạo liên tục (Continuing Medical Education – CME) mới được hành nghề. Như bản thân tôi, dù thường xuyên tham gia giảng dạy, nhưng mỗi 2 năm tôi cũng phải có chứng nhận 48 tiết CME thì mới được hành nghề tiếp tục. Tất cả các vị trí, như điều dưỡng, kĩ thuật viên, bác sĩ… đều vừa phải có CCHN, vừa có xác nhận học các kĩ thuật, lại vừa phải có các chứng nhận CME, thì mới được làm việc.

So với cái thời khi tôi còn sinh viên hay mới ra trường, cả miền Nam chỉ có một bệnh viện mổ được chấn thương sọ não, thì bây giờ, nhiều bệnh viện huyện cũng đã mổ được, không những sọ não mà còn cả cột sống nữa. Ngành y bây giờ đã tiến hơn hồi ấy rất xa, không còn cảm tính, tùy tiện nữa, và phụ thuộc vào tâm tính của thầy thuốc nữa. Tất cả mọi thứ đều được chuẩn hóa bằng những tiêu chuẩn cụ thể. Nếu không chuẩn hóa bằng CCHN, bằng chuyên khoa, xác nhận tập huấn, chứng nhận CME… thì sẽ rất loạn.

Đó chính là lí do, mà mấy hôm nay tôi không chấp nhận việc đưa các em sinh viên vào lấy mẫu cho dân Sài Gòn. Thật tiếc là nhiều người không hiểu, cứ ra sức bào chữa loanh quanh, và gán ghép tội phân biệt vùng miền. Mà sau đó tôi còn nghe những chuyện kinh khủng hơn nhiều. Nhưng hình như những việc tùy tiện đó đã phải chấm dứt rồi.

Bs Võ Xuân Sơn

1 nhận xét

  1. 46 năm trường .... nhưng vẫn tác phong trong rừng !!!
    Kiểu trăm hay không bằng tay quen ; hộ lý trong nhà thương lâu năm cũng thành bác trứng , được quyền phóng tay , coi mạng người như mạng ngoé.

    Chưa thể khá được , nếu không chịu học hỏi thêm . Không riêng bác sĩ , kỹ sư cũng vậy , phải tham gia các hội thảo hàng năm , học thêm điều mới lạ .
    Cứ quen tác phong trong rừng , sống với khỉ .... thảo nào 46 năm trường VN chỉ thụt lùi mọi mặt : ngay cả con ốc vít cho cell phôn Samsung , Samsung cũng từ chối , vì kém phẩm chất nhưng đòi đội giá !!!

    Trả lờiXóa