ĐỂ KHÔNG BỊ VỠ TRẬN Tối qua nhận được tin nội bộ, một đồng nghiệp bị dính F0. Có một người quen ở cùng chung cư với đồng nghiệp ấy. Gọi điện...
ĐỂ KHÔNG BỊ VỠ TRẬN
Tối qua nhận được tin nội bộ, một đồng nghiệp bị dính F0. Có một người quen ở cùng chung cư với đồng nghiệp ấy. Gọi điện hỏi thăm. Nhưng cư dân ở đó chỉ nghe râm ran vì đang là tin đồn.
Sáng nay người quen gọi báo, rằng đó là thông tin chưa công bố, nên mới chỉ có vài người biết, nhưng cán bộ phường và tổ trưởng bảo hết người làm rồi, nên nếu có phong tỏa thì chắc cũng chỉ phong tỏa 1 lầu, hoặc 1 block mà người đó ở thôi. Mà từ tối đến sáng cũng chưa thấy CDC báo gì, nên chưa làm gì cả. Mãi đến trưa thì mới phong tỏa.
Những ngày cách li tại nhà ở Sài gòn, và cả ở Đà lạt, tôi nhận thấy lực lượng chống dịch địa phương đã quá đuối. Ngay tại Đà lạt, nơi dịch mới chỉ là chút xíu so với Sài gòn, mà nhân viên y tế đã quá mệt. Quá nhiều công việc cho một người khai báo y tế và cách li tại nhà. Gia đình tôi 8 người đã chiếm hết một buổi sáng thông qua buổi trưa, đến 1 giờ chiều, của cả trạm y tế và lực lượng lấy mẫu từ Trung tâm Y tế.
Hôm bữa tôi nhận quyết định kết thúc cách li. Một nhân viên y tế ở Trạm y tế gọi cho tôi, hỏi xem có phải nhà tôi có người mới ở Sài gòn lên. Sau khi hỏi một hồi, em ấy mới tiết lộ, thì ra là các em đang bận khai báo cho người khác, thì một người đến khai báo, là ở Sài gòn mới lên, ở cùng khu với tôi, ra khai báo. Các em đang bận quá mời người ấy ngồi chờ một chút. Khi nhớ ra thì người ấy đã đi mất tiêu, chưa kịp lấy cả số điện thoại.
Trong các quyết định của nhà nước vừa qua, việc tăng cường chích ngừa và xét nghiệm, tôi đều đồng tình về mặt chủ trương chính. Tuy nhiên, đi sâu vào các chi tiết thì thật sự có rất nhiều cái không ổn. Nếu làm xét nghiệm tầm soát trước khi chích ngừa, thì có lẽ sẽ có số liệu cụ thể để định hướng tốt hơn cho việc tập trung chích ngừa khu vực nào trước. Rồi việc thứ tự ưu tiên cho chích ngừa, cũng hết sức khó hiểu. Tại sao lại không cho người lớn tuổi và người có bệnh nền chích? Trong khi đó là đối tượng cần ưu tiên, để ngăn ngừa tăng tỉ lệ tử vong.
Một điều nữa là cả hai chiến dịch đều làm thần tốc. Tại sao phải thần tốc? Trước mắt, việc chích ngừa ở nhà thi đấu Phú Thọ đã gây hậu quả. Chưa biết việc tập trung lấy mẫu thần tốc sẽ gây ra những hậu quả gì.
Một người bạn học chung với tôi hiện đang ở nước ngoài đăng trên facebook, chê những bạn học chung (hiện là quan chức y tế) chống dịch dở. Thực ra, tôi biết rõ những người này. Họ thật sự không dở. Có vẻ như vai trò của họ không lớn trong việc thiết kế chiến lược, chiến thuật phòng chống dịch lần này. Họ chỉ ngăn chặn việc tổ chức lễ ở vài nơi, không ngăn chặn được việc tổ chức bầu cử, không ngăn chặn được việc chích ngừa và lấy mẫu thần tốc, và bây giờ là thi tốt nghiệp. Tất cả đều phải theo ý chí của ai đó, bất chấp các nguy cơ mà các nhà chuyên môn y khoa, và người dân bình thường, đều nhìn thấy.
Mấy ngày nay, con số lây nhiễm ở TPHCM tăng lên rất mạnh, một phần do công tác lấy mẫu xét nghiệm được mở rộng. Nhưng sau đợt lấy mẫu này, mọi việc có xong chưa? Chắc chắn nếu thử lại lần nữa, sẽ lại có một số người lần này âm tính, nhưng lần sau sẽ dương tính. Bây giờ, xét nghiệm âm tính, rồi cho người ta đi tùm lum, rồi lây lan thì sao? Câu hỏi này của tôi là đang đứng trên góc độ phải cách li người lây nhiễm và có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng theo như cách mà nhà nước đang áp dụng.
Tức là theo tôi, việc bây giờ xét nghiệm toàn dân, rồi bắt những người đã bị lây nhiễm và những người liên quan đến họ, F1 và F2, đi cách li, thì nguy cơ vẫn còn những người khác, do sai số của xét nghiệm, hoặc đang ở giai đoạn cửa sổ, vẫn có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng, nhưng không được cách li. Những người đó di chuyển, tiếp xúc tự do ngoài cộng đồng, và sẽ lây lan cho những người khác.
Con số 10.000 người nhiễm virus Vũ Hán, mà theo một số nguồn tin, là giới hạn của khả năng truy vết, tổ chức cách li, khoanh vùng của TPHCM đang đến gần. Tôi cho rằng, nó sẽ đến nhanh, chỉ khoảng 2 đến 3 tuần nữa là cùng. Khi đó thì nhà nước sẽ ứng phó ra sao?
Tại sao không giảm bớt những công việc thừa, là tổ chức cách li và phong tỏa tràn lan? Tại sao không để cho các cơ sở y tế hoạt động, để tổ chức chích ngừa và xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Bớt thần tốc lại, nhưng giảm nguy cơ lây nhiễm, chắc chắn hơn trong kế hoạch và thực hiện.
Nếu tổ chức việc chích ngừa tại các cơ sở y tế, dù có kém thần tốc hơn (mà thần tốc không biết để làm gì), thì bây giờ các đoàn chích ngừa đâu có phải cử hàng đống nhân viên scan hàng chục ngàn các phiếu khám tầm soát để gởi cho Sở Y tế dưới dạng file hình ảnh, rồi nhập liệu lại… Rồi Sở Y tế lại phải tiêu tốn bao nhiêu công sức để rà soát lại hơn 800.000 phiếu khám tầm soát dưới dạng ảnh. Chích ngừa xong mấy ngày rồi, mà việc scan và nhập liệu còn chưa xong, thì bao giờ mới tổng kết được việc chích ngừa?
Nếu không muốn xảy ra vỡ trận, ngay từ bây giờ, nhà nước bắt buộc phải thay đổi chính sách chống dịch. Việc đầu tiên là xác định đúng đối tượng cần điều trị và cách li. Theo tôi, chỉ những người bị nhiễm virus Vũ Hán có triệu chứng nặng, cần can thiệp y khoa, thì mới cần nhập viện. Những người khác thì cách li tại nhà nhà hoặc cách li tập trung nếu không có nhà, hoặc nhà không đủ điều kiện cách li (tất nhiên là Bộ Y tế phải thay đổi tiêu chuẩn cách li tại nhà theo hướng phù hợp với thực tế).
Các đối tượng F1, F2 nếu còn duy trì thì chỉ có ý nghĩa yêu cầu họ phải tầm soát, ví dụ như F1 4 lần trong 15 ngày, F2 2 lần trong 10 ngày. Chỉ phong tỏa khu vực khi số lượng lây nhiễm đang tăng quá nhanh, hoặc số lượng đang bị nhiễm virus Vũ hán đạt một mức báo động nào đấy, chẳng hạn 50 ca đang nhiễm trên 1.000 dân. Khi phong tỏa phải tính đến phương án hỗ trợ cho người dân, cả về cuộc sống và thiệt hại của họ vì phong tỏa gây ra.
Song song đó, phải duy trì hoạt động của hệ thống y tế, từ đó giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế trong việc xét nghiệm và chích ngừa, điều trị cho những người nhiễm virus Vũ hán có triệu chứng nhẹ, vừa và nặng.
Việc xét nghiệm cần tiến hành rộng khắp, nhưng trên cơ sở tự nguyện. Chỉ tập trung yêu cầu xét nghiệm bắt buộc ở những khu vực số lượng lây nhiễm đang tăng quá nhanh, hoặc số lượng lây nhiễm đạt mức báo động. Với việc có quá nhiều ca nhiễm virus Vũ hán trong cộng đồng, việc chích vaccine cần tiến hành sau khi thử xét nghiệm kháng thể, để loại trừ các trường hợp đã có kháng thể, không cần chích, giảm thiểu biến chứng mà tiết kiệm vaccine.
Đồng thời, duy trì giao thương và hoạt động kinh tế. Tuyệt đối không ngăn sông cấm chợ. Các địa phương không được phép cấm đoán, hoặc phân biệt đối xử với người dân đến từ bất cứ vùng miền nào, ngoại trừ những khu vực bị phong tỏa do số lượng lây nhiễm đang tăng quá nhanh, hoặc số lượng lây nhiễm đạt mức báo động.
Cần có biện pháp tuyên truyền để giảm bớt sự sợ hãi con virus Vũ hán một cách thái quá như hiện nay. Cần phải thấy rằng những người nhiễm virus Vũ hán và có triệu chứng nặng là người bệnh, không phải tội phạm. Còn F1, F2 là những người cần chú ý tầm soát, không phải là quái vật.
Tôi tin rằng, nếu làm như vậy, thì hệ thống y tế của chúng ta sẽ không bị quá tải, ngay cả khi con số nhiễm virus Vũ hán tại TPHCM tăng lên đến 100.000 người. Với việc song song chích ngừa, ưu tiên đúng đối tượng, thì chúng ta có thể chung sống với con virus Vũ hán với mức thiệt hại chỉ ngang với cúm mùa trong năm 2021.
Cón nếu cứ duy trì cách chống dịch như hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ vỡ trận (tôi nghĩ chậm nhất là 3 tuần nữa). Khi đó, thiệt hại sẽ lớn hơn gấp nhiều lần, và ở mức mà bây giờ không ai muốn nghĩ đến.
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào