Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

NGHỊCH LÍ

NGHỊCH LÍ Ngay từ khi ra y tế tư nhân, tôi đã tâm niệm rằng, dù tư nhân có tập trung đầu tư đến đâu, thì cũng không thể mạnh vốn bằng nhà nư...

NGHỊCH LÍ

NGHỊCH LÍ

Ngay từ khi ra y tế tư nhân, tôi đã tâm niệm rằng, dù tư nhân có tập trung đầu tư đến đâu, thì cũng không thể mạnh vốn bằng nhà nước được. 

Càng ngày, nhận định ấy của tôi càng đúng, nhất là khi gần đây, những bệnh viện 6, 7 ngàn tỉ, chục tỉ ra đời bằng vốn đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà nước. Vì vậy, nếu y tế tư nhân muốn tồn tại, chỉ có thể đi vào những cái mà y tế nhà nước không quan tâm đến, hoặc họ không làm được, hoặc làm kém do cơ chế hoặc thói quen của họ. 

Điều này đã được chứng minh khi hệ thống y tế tư nhân đã khai thác mảng khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe, và chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, bổ sung những dịch vụ như dịch vụ thăm khám tại nhà. Chỉ một vài cơ sở y tế tư nhân là có thể phát triển được nhờ những thế mạnh chuyên sâu trong chuyên môn mà thôi.

Nhưng bài này không có y nói về y tế tư nhân, mà là nói về sức mạnh của nhà nước. Nhà nước có thế mạnh là nắm chính sách trong tay. Nhà nước thu thuế của dân, ít tiền thì đặt ra nhiều thuế hoặc tăng thuế. Với những nhà nước thiếu minh bạch, hoặc ở những thể chế không dân chủ và không coi trọng an sinh, thì tiềm lực tài chính của nhà nước là vô hạn.

Thế cho nên, với một hiện tình thiếu thốn cơ sở vật chất, việc người dân tự bỏ tiền để cứu nhau là rất đáng quí. Nhưng nếu nhà nước thay đổi một chút chính sách, thì tác động của nó lớn hơn rất nhiều. 

Ví dụ như việc thiếu thực phẩm ở TPHCM hiện nay chẳng hạn. Chỉ cần nhà nước thay đổi chính sách, đừng ngăn sông cấm chợ, đừng tiêu diệt chợ và đừng đứng về lợi ích của đám siêu thị, thì chẳng có chuyện thiếu thốn gì cả. Người dân tính toán từng đồng, tận dụng từng vườn rau bị ế, người buôn bán rau sẵn sàng hi sinh lợi nhuận, người chuyên chở sẵn sàng giảm phí, chỉ để cùng nhau mang về được nhiều rau xanh cho thành phố. Nhưng trong khi đấy thì nhà nước sẵn sàng dùng tàu cao tốc, dùng máy bay chở rau. Chứng tỏ tiềm lực tài chính của họ rất mạnh.

Việc thiếu oxy hiện nay đang được đổ lỗi cho việc nhiều người tích trữ oxy cho cá nhân. Tất nhiên, tất cả tội lỗi ở Việt nam này đều là do người dân không ý thức. Nhưng chúng ta có nên lên án người dân tích trữ oxy khi bao nhiêu người nhiễm virus Vũ Hán trở nặng không thể vô bệnh viện được hay không? Chúng ta có nên lên án họ chuẩn bị để tự điều trị tại nhà nếu bị trở thành F0 khi những người trong bệnh viện kêu gọi đừng vô bệnh viện hay không?

Tất nhiên, để chữa cháy cho tình trạng khan hiếm bình oxy, chúng ta kêu gọi nhau, giữa những người dân, đóng góp tiền để mua bình oxy. Khi nhà nước vận động, chúng ta đóng góp hàng nghìn tỉ để chống dịch. Khi nhà nước bảo để mua vaccine, chúng ta đóng góp hàng nghìn tỉ để họ mua vaccine. Vậy thì chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi, họ sử dụng tiền chúng ta đóng góp, họ sử dụng tiền chúng ta đóng thuế như thế nào hay không?

Đã có ai tìm hiểu, thiếu oxy hiện nay là thiếu cái gì hay chưa? Thực chất là thiếu bình chứa, chứ năng lực sản xuất oxy của các nhà máy vẫn còn công suất. Đã có ai tác động để nhà nước này khuyến khích, hoặc đứng ra nhập khẩn cấp bình chứa oxy hay chưa? Hoặc đã có ai tìm hiểu xem việc thiếu bình chứa oxy có phải do ở Việt nam không còn bình chứa hay không? 

Nếu không tìm hiểu những cái đó, mà tập trung vận động mua, thì chỉ giúp làm tăng giá, chứ đâu có tăng được số lượng bình. Theo tôi biết thì ngay tại Đà Lạt, người ta (mà lại là tư nhân) đã lưu ý việc này và đặt mua nguyên container bình chứa oxy từ Hà nội, nhưng do vấn đề chuyên chở khó khăn, nên đầu Hà nội trả tiền lại.

Để giải quyết bài toán thiếu thốn nhiều thứ, chỉ cần nhà nước thay đổi chính sách, và chia sẻ một chút tài chính đúng chỗ, là tác động của nó lớn gấp nhiều lần tư nhân quyên góp.

Chỉ cần nhà nước đừng cố gắng gom F0 vô cái gọi là bệnh viện Covid, tập trung nguồn lực cho bệnh nhân nặng. Các xe cấp cứu hiện nay dùng để chở F0 vô các “bệnh viện Covid” được rảnh rang để chở F0 tại nhà trở nặng vô bệnh viện kịp thời. Các “bệnh viện Covid” có được có giường trống để sẵn sàng tiếp nhận người trở nặng. Bác sĩ, y tá có thể tập trung cho số ít bệnh nhân và cứu chữa họ. Làm được như vậy thì còn ai tích trữ những quả bom oxy trong nhà làm gì. 

Chỉ cần nhà nước điều chỉnh chính sách, đừng ngăn sông cấm chợ nữa, đừng để đám sai nha nhăm nhăm bắt người dân vào các siêu thị, làm giàu cho siêu thị, thì hàng hóa lưu thông, người dân không thiếu thốn. Nhà nước không phải chi tiền lập ra hàng đống trạm, và trả tiền để đám sai nha ngu ngốc cưỡng bức người dân đi mua bánh mì, chở tiền, hay tát lái xe công nghệ. Dùng tiền đó mua bình oxy. 

Chỉ cần nhà nước điều chỉnh chính sách, đừng để đám quan lại tìm mọi cách bắt người dân, hoặc ngân sách phải bỏ tiền phục vụ cho các tập đoàn lợi ích, thông qua việc làm giấy thông hành xét nghiệm, thì sẽ có nhiều tiền để mua bình oxy, máy thở.

Nhưng không, dân ta không dám yêu cầu nhà nước cái gì cả. Hết đóng thuế, phí, đến đóng góp cho họ. Đóng góp rồi thì lại quyên góp nhau để tự cứu nhau. Và cứ thế còng lưng mà đóng, mà góp, mà không đòi hỏi nhà nước này đừng lãng phí tiền của chúng ta, đừng mang tiền của chúng ta cho các tập đoàn lợi ích.

Bs Võ Xuân Sơn

Không có nhận xét nào