NHỮNG CÂU HỎI TRONG CƠN DỊCH 1. “Tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7” - Nhưng ở trên thì lại quy định...
NHỮNG CÂU HỎI TRONG CƠN DỊCH
1. “Tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7”
- Nhưng ở trên thì lại quy định :”chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết: mua lương thực, thực phẩm…”, vậy mua thực phẩm ở đâu?
- Mặt khác, các ATM phát lương thực; thực phẩm vẫn được duy trì sao lại cấm bán mang về?
- Hơn nữa, với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ này thì việc buôn bán hàng ngày chính là nguồn kinh tế của cả gia đình họ, vậy nay có phải là chặn luôn nguồn sống này không?
2. “Vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1”
- Khi mà tỷ lệ tốt nghiệp PTTH hàng năm đạt gần 100% thế thì có thật sự cần thiết tổ chức thi trong cơn đại dịch này không?
- Với những ý kiến kiên định cần duy trì thi tốt nghiệp giữa cơn đại dịch (với lý do là thi mới đánh giá phân loại được học sinh), vậy phải chăng việc đánh giá xếp loại các năm học cấp 3 ở nhà trường là không đáng tin cậy?
- Với những trường hợp F0; F1 của những thí sinh được phát hiện trong vài ngày qua, vậy rồi đây nếu có bùng phát các ổ dịch mới thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
- Bài học về các điểm bùng phát dịch vừa qua trên cả nước chưa đủ hay sao?
3. “Quyết định lock TP.HCM trong 15 ngày là thông tin giả mạo” nhưng chỉ 3 ngày sau thì có chỉ thị “TP.HCM giản cách toàn thành phố trong 15 ngày từ 0h ngày 9/7”
- Đành rằng cần phải tránh làm cho dân chúng hoang mang gây mất ổn định xã hội, nhưng sao lại phải dùng đến biện pháp gây mất uy tín; mất niềm tin nơi dân chúng?
4. Giữa cơn đại dịch này, gần như toàn bộ mọi thành phần; mọi lãnh vực kinh tế đều bị tác động xấu gây khốn khó, tuy nhiên thành phần bị tổn thương nhiều nhất vẫn là đại đa số người dân (những người lao động bình thường; những người làm công ăn lương v.v…) nhưng sao chính quyền lại chấp thuận cho tăng giá những mặt hàng thiết yếu (như xăng; dầu; gas …) lúc này?
5. “Giấy thông hành âm tính với COVID-19”
- Việc một số địa phương xem phiếu xét nghiệm COVID-19 (kết quả âm tính) như là tấm “giấy thông hành” thật sự có ngăn ngừa được lây nhiễm không khi kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị xác định kết quả vào thời điểm trước đó cho đến khi xét nghiệm, mà không loại trừ nguy cơ dương tính sau đó?
- Việc đông người chen chúc chờ đợi xét nghiệm (để có “giấy thông hành xét nghiệm”) có là một nguy cơ gây lây nhiễm kinh hoàng không?
- Một số tiền khổng lồ (cũng như một nguồn lực lớn của xã hội) dành cho việc xét nghiệm đại trà này có thật sự cần thiết không (khi kết quả xét nghiệm chỉ có giá trị nhất thời và lại có nguy cơ gây lây nhiễm do tập trung đông người) ?
6. “Sống chậm khi giãn cách xã hội”
- Những người suy nghĩ “tích cực” đã chỉ ra ích lợi trong cơn đại dịch đó là mọi người có thể “sống chậm” để có thể “gần gũi hơn với thiên nhiên”; “chăm sóc không gian sống”; “nhận ra vẽ đẹp của những điều nhỏ bé” …
- Tôi không chối bỏ sự cần thiết cùng ích lợi của những khoảng thời gian sống chậm, nhưng bao giờ cũng thế, con người khi đã “no cơm, ấm áo” mới nghĩ đến việc “ăn ngon, mặc đẹp”. Vậy với những con người lao động phải kiếm cơm hàng ngày thì:
o Họ có muốn sống chậm để có dịp gần gũi với thiên nhiên không?
o Họ có một không gian sống quanh nhà cần phải săn sóc không?
o Họ có muốn dành thời gian “sống chậm” để “nhận ra vẽ đẹp của những điều nhỏ bé” hay là luôn phải lo sợ “chết nhanh” trong cơn đại dịch này?
- Liệu có những chính sách hổ trợ thiết thực kịp thời nào cho những phận người cơ nhở giữa cơn dịch này không?
???????????????
Còn biết bao câu hỏi nữa, nhưng hỏi với ai? Ai trả lời?
Thương lắm những phận đời nhỏ bé giữa cơn đại dịch.
Nguyễn Chánh
Không có nhận xét nào