Phát ngôn của ông Lê Quân nguy hiểm tới mức nào? Câu đầy đủ của ông Lê Quân là “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc ...
Phát ngôn của ông Lê Quân nguy hiểm tới mức nào?
Câu đầy đủ của ông Lê Quân là “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” (Báo Lao Động). Hôm qua tôi đã viết bài “Thuế học”, phê bình gay gắt quan điểm này của ông Quân, nhưng thấy vẫn cần phải nói thêm cho rốt ráo vấn đề.
Vấn đề của giáo dục không phải là “cản” người ta đi học, mà là chọn lựa. Anh phải thiết kế ngành giáo dục sao cho chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi chứ không phải chỉ là lấy đủ chỉ tiêu về số lượng. Dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào đại học” là một hạ sách cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn bỏ quên các yếu tố và mục đích khác – trong khi, đó lại là những mục đích quan trọng nhất của ngành này. Khi anh đề ra một phương pháp chỉ nhằm “cản” người ta đi học thì tôi sẽ gợi ý giúp anh những cách khác nữa, triệt để hơn như, dùng lý lịch, dùng bốc thăm, tổ chức thi chạy điền kinh hay chơi oẳn tù tì cũng được; cứ đủ số là dừng. Đây là một phương pháp hoàn toàn phản giáo dục. Nhưng tôi hiểu tại sao anh lại dùng tiền để “cản”, chúng ta rất hiểu nhau mà.
Đại học phải là một nơi đẹp đẽ, sang trọng, là giấc mơ của mỗi người chứ không phải là chỗ xú uế hay nguy hại để phải “cản” con người ta vào đó. Ông Quân đã gián tiếp xây dựng một hình ảnh đại học (và giáo dục nói chung) là một cái gì cần phải tránh xa vì sự gớm guốc của nó? Tình yêu với tri thức và những giấc mơ tinh thần cao đẹp của con người với “giáo đường của tri thức” sẽ bị hủy hoại bởi cái quan niệm này của một lãnh đạo đang nắm giữ linh hồn một đại học lớn nhất nước.
Khi ông muốn “cản” một cách chính đáng việc người ta vào đại học thì ông phải dùng các phương pháp thuần túy giáo dục để sàng lọc ban đầu như thi cử để đánh giá năng lực chứ sao ông lại dùng tiền? Dùng tiền thì ông chọn được ai? Chọn được người giàu, và chỉ người giàu (tôi không tin vào lời hứa sẽ hỗ trợ đối với người nghèo của các ông đâu!). Như vậy, học sinh phổ thông thay vì lo học cho giỏi thì từ chính sách này của ông Quân, chúng (và cha mẹ chúng) sẽ tập trung vào một mục tiêu khác: kiếm tiền. Như thế, ông đã làm thất bại không những giáo dục đại học, mà thông qua cái giải pháp này, ông chính thức sẽ hủy hoại luôn giáo dục phổ thông. Tội ông to lắm.
Ông Quân đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khác trong việc thiết kế giáo dục đại học: tạo ra một quy trình ngược. Với đại học, cần mở rộng cửa vào nhưng thắt chặt đầu ra. Có như thế thì chất lượng giáo dục đại học mới được nâng cao. Đây là một cách khôn ngoan bậc nhất vì nó sẽ giúp các ông vừa thu được nhiều tiền (vì có đông người học), vừa chắc chắn về sản phẩm đầu ra. Và từ đó, nó sẽ tạo thành văn hóa, người ta sẽ không “lao vào đại học” nữa khi chứng kiến bài học gian nan từ người khác. Rồi từ đó, họ sẽ tự tìm một hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích của mình, xã hội sẽ ổn định và phân công lao động tự nhiên sẽ được thiết lập một cách êm ái.
Tóm lại, nhìn ở góc độ nào thì tư duy của giáo sư Lê Quân – giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng là không thể chấp nhận được, vì ở đó nó thể hiện cả sự thiển cận, kém cỏi lẫn phi nhân. Ông Lê Quân nên từ chức.
Thái Hạo
Không có nhận xét nào