SÀI GÒN GIỚI NGHIÊM Tôi bước chân vô Sài Gòn là đã có giới nghiêm. Nghe nói là giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng. Nhưng thỉnh thoảng 1...
SÀI GÒN GIỚI NGHIÊM
Tôi bước chân vô Sài Gòn là đã có giới nghiêm. Nghe nói là giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng. Nhưng thỉnh thoảng 10 giờ tối vẫn nghe tiếng xe máy rú ga chạy. Ngày nào cũng thế, mới có 5 giờ sáng, là tiếng xích lô máy nổ chát chúa, tiếng xe lam nổ phành phạch chạy trên đường.
Suốt thời gian đó tôi không đi đâu vào buổi tối, cho đến khi lần đầu tiên Sài Gòn xả giới nghiêm. Đó là đêm Noel 1975. Mặc dù thời gian sống ở miền Bắc lâu nhất của tôi là tại Hà nội, nhưng tôi chỉ nhớ được khoảng thời gian ở Phú Thọ, một tỉnh lẻ. Vì vậy, tôi kinh ngạc khi thấy người Sài Gòn đổ ra đường vào cái đêm Noel ấy.
Xung quanh khu vực nhà thờ Đức Bà, những anh chàng bán kẹo kéo đạp những chiếc xe mini, nhưng tay lái vồng lên cao quá đầu, đằng sau xe có thùng nhạc kêu ầm ĩ. Trên đường Tự Do, thỉnh thoảng có các cô gái mặc đồ 2 mảnh chạy xe đạp phóng vèo vèo, miệng cười lớn. Ở trước cửa chợ Bến Thành thì các bà các cô mặc áo dài Trần Lệ Xuân đi từng nhóm.
Thực tình thì đến lúc đó tôi mới cảm nhận được giới nghiêm nó buồn như thế nào. Đối với một chàng trai tỉnh lẻ miền Bắc, mà phần lớn thời gian là chiến tranh, đâu có biết cái náo nhiệt của đô thị. Có lẽ, đêm Noel năm ấy, lần đầu tiên tôi biết đến một Sài Gòn náo nhiệt. Sau đó, tôi quen dần với không khí náo nhiệt mỗi khi xả giới nghiêm, ngoại trừ ngày Tết. Cái Tết đầu tiên của tôi ở Sài Gòn, mặc dù xả giới nghiêm, nhưng tối 30 và tối Mùng Một, Sài Gòn vắng lặng và buồn thiệt buồn.
Tôi xa Sài Gòn mấy năm, và quen với những đô thị không có giới nghiêm. Nên khi trở lại Sài Gòn, tôi cảm thấy khó chịu với giới nghiêm. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tôi lại tiếp xúc với Sài Gòn giới nghiêm dưới một góc độ khác.
Có thể nói, hầu hết các phòng cấp cứu ở Sài Gòn đến giờ giới nghiêm là vắng lặng. Thế nhưng, phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ rẫy thì ngược lại. Bắt đầu giờ giới nghiêm là bệnh nhân ở các tỉnh chuyển lên. Những cái tên như Sông Ray gắn liền với sốt rét ác tính, Đức Linh gắn liền với tai nạn sập hầm hay té giếng… trở nên rất quen thuộc với chúng tôi. Còn chấn thương sọ não thì khắp nơi.
Điều đặc biệt là các ca ấy cứ đến giờ giới nghiêm là được chuyển lên. Khi ấy tôi còn là sinh viên, hỏi thì các anh chị chỉ mỉm cười. Đến một hôm, một bệnh nhân được chuyển đến bằng băng ca nằm. Thay vì người chuyển bệnh kéo băng ca vô thì anh ta lồm cồm ngồi dậy. Lưng áo bê bết máu. Tụi tôi hoảng hồn yêu cầu anh nằm lên băng ca của bệnh viện, vì nghĩ rằng ảnh bị thương nặng lắm.
Anh chàng nói rằng nãy giờ nằm mỏi quá, cho anh ta ngồi. Hỏi anh ấy bị thương ở đâu, thì anh ấy nói có bị thương gì đâu. Anh ấy chỉ bị đau bụng, mà lên xe chút là hết đau rồi, nhưng các bác sĩ bảo phải chuyển viện, rồi bắt nằm lên băng ca trên xe cấp cứu rồi chuyển. Khi tụi tôi ngạc nhiên về máu trên lưng anh ấy thì anh ấy cũng ngạc nhiên, rằng tại sao người anh ấy lại dính đầy máu như vậy.
Một đàn anh mỉm cười, kéo tôi ra xe, lật cái băng ca trên xe cho tôi xem. Bên dưới là thịt. Cơ man nào là thịt. Khi tôi hiểu ra chuyện gì thì người đàn anh mới giảng giải. Rằng ngăn sông cấm chợ quá, thì người ta phải nghĩ ra cách nào để mà buôn bán. Ai thì cũng phải sống cả. Cho nên, nếu mình trực mà không được ngủ như các bệnh viện khác thì cũng thông cảm cho người ta.
Gì chứ vụ ngăn sông cấm chợ thì tôi rành sáu câu. Có thời gian tôi ở Tiền Giang mấy tháng. Dù là bếp ăn tập thể, nhưng gạo ăn không hết, dư đổ cho heo ăn, cá, gà, vịt ăn gần như không giới hạn. Trong khi đó thì Sài gòn ăn bột mì, khoai lang độn, bo bo. Vậy mà người ta xách gạo lên xe đò là tịch thu, thậm chí có lúc còn nổ súng nữa. Cứ mỗi lần chúng tôi đi xe đò về Sài Gòn là đều gặp cảnh tịch thu, khóc lóc, chửi rủa… ở trạm Tân Hương.
Đến khi tôi ra trường một thời gian, giới nghiêm được bãi bỏ hoàn toàn. Thực ra trước đó cũng ít ai xét hỏi nếu bạn đi đêm. Song song với việc bãi bỏ giới nghiêm, việc ngăn sông cấm chợ lùi dần vào quá khứ. Sài Gòn bắt đầu sống dậy. Ban đầu là các bar, nhà hàng, sân khấu ca nhạc. Từ từ phòng trà, tiệm nhảy, rồi Phố Đêm, rồi khu phố Tây… Đêm nào tôi đi ra khu quận 1, cũng thấy náo nhiệt như đêm Noel đầu tiên của tôi ở Sài Gòn.
Con virus Vũ Hán xuất hiện, Sài Gòn cứ vắng dần, lặng dần. Và bây giờ Sài Gòn lại giới nghiêm trở lại, cùng với ngăn sông cấm chợ càng ngày càng quyết liệt. Không chỉ có trạm Tân Hương hay Madagui khét tiếng như thuở nào, mà bây giờ nơi nào cũng có trạm.
Bao giờ trở lại Sài Gòn ơi.
Bs Võ Xuân Sơn
Sài Gòn giới nghiêm vì hồ chí minh mắc dịch ! Hiểu chứ ?
Trả lờiXóa