SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ BA Đã qua ba ngày theo yêu cầu giãn cách của thành phố, những con đường Sài Gòn nằm yên. Thế nhưng trong lòng của...
SÀI GÒN NGÀY PHONG TOẢ THỨ BA
Đã qua ba ngày theo yêu cầu giãn cách của thành phố, những con đường Sài Gòn nằm yên. Thế nhưng trong lòng của Sài Gòn không nằm yên. Đâu đó vẫn có những địa điểm phát rau, tặng gạo, tặng quà cho người nghèo. Đâu đó vẫn có những người mang hộp cơm trưa, chiều cho người túng đói. Đâu đó trên khắp thành phố này vẫn có hàng ngàn con người mang áo quần bảo hộ giữa cơn nắng gắt của mùa hè để xét nghiệm, để tiêm chủng, để cứu chữa cho những người bệnh. Vẫn còn hàng ngàn tình nguyện viên quên mình vì đồng bào của mình. Vẫn còn đó những người có trách nhiệm đứng giữa lộ, đầu đường để ngăn chận những người tìm đủ mọi cách để ra đường khi thành phố phong toả với mồ hôi đầm đìa.
Và trong những khu lao động, trong hẻm sâu vẫn còn đó những người nghèo và cũng không thiếu những tấm lòng tốt giúp người trong cơn hoạn nạn. Có thể chỉ là bớt hoặc không thu tiền trọ, có thể là bó rau, con cá nhưng chứa đầy tình thương yêu.
Sài Gòn đang cơn đau nhưng xin đừng viết ra những bài ca bi luỵ, khóc than. Sài Gòn không thích những giọt nước mắt. Sài Gòn cần những nụ cười lạc quan dù trong cảnh hiểm nghèo. Sài Gòn vẫn còn những người thiếu ăn trong mùa dịch cần lắm những bàn tay, tấm lòng giúp đỡ, những gói cơm, miếng bánh qua ngày. Nhưng Sài Gòn không chấp nhận kiểu từ thiện ban ơn, bố thí món quà với những lời chửi hạ nhục, bị xài xể. Có người làm từ thiện bằng đồng tiền của nhiều người đóng góp nhưng lúc nào cũng làm kẻ đứng bên trên ban ơn mưa móc cho người nghèo với những lời cay độc. Không cho cơm người mập, không phát cơm cho bụi đời, không cho người sơn móng tay lấy cơm...Nhìn thấy cụ già hom hem, áo quần xộc xệch, rách rưới, bệnh ghẻ lở, tay gãi liên tục, bạn lại tỏ vẻ ghê tởm, sợ lây ghẻ vào người. Bạn ơi! Trong mùa dịch càng lúc càng phức tạp, xã hội phong toả thế này thì vẻ bên ngoài của người ta không nói lên được điều gì về hoàn cảnh thật của họ.
Bạn đang làm từ thiện kiểu gì vậy? Mập không có nghĩa là không đói, bụi đời lăn lóc vỉa hè mới cần xin ăn, mới túng đói lúc xã hội bị giãn cách, không cho cơm người bụi đời thế anh tặng cơm cho kẻ dư của ăn của để, nhà cao cửa rộng, nệm ấm chăn êm chăng? Làm từ thiện là chia sẻ, là cảm thông và đồng cảm với những số phận. Đằng này bạn tặng cho người nghèo hộp cơm mà bạn lại xỉa xói, móc họng, châm chọc bằng những lời khó nghe, với giọng kẻ cả như vậy là bạn lại tự tạo khẩu nghiệp cho mình. Khi người ta đã hạ mình xuống để đi nhận gói cơm ăn qua bữa, họ đã cảm thấy đau lòng lắm rồi, bạn lại dùng lời nói và hành động của mình làm cho nỗi đau bị xé to ra, nỗi buồn của người ta càng lớn. Bạn xử thế còn thua xa mấy em, mấy cháu tóc nhuộm, tai đeo khoen, những bạn trẻ tôi đã từng thấy tặng quà cho những người lăn lóc giữa đường phố bằng hai tay và cúi đầu chào họ.
Người ta đã cúi mặt che dấu thân phận mình, bạn lại chọc ống kính sát mặt họ mà tuôn lời cay độc, ác khẩu. Đó không phải là cách làm từ thiện ở xứ này. Người Sài Gòn không có kiểu làm từ thiện như thế. Đó là hành xử của người không có tâm. Người Sài Gòn có người đói ăn nhưng họ khó lòng chịu nhục, và sẽ có lúc bạn sẽ bị chửi lại hay bị ném trả hộp cơm vào người thì mất mặt lắm đấy. Mọi người không quên công lao của bạn nhưng mọi người không thể có chút cảm tình với bạn nên bạn đừng thắc mắc mà than rằng hình như người ta đã bỏ quên câu cám ơn ở nhà rồi. Vẫn biết còn có nhiều người tham lam, cố lấy thật nhiều cho mình. Nhưng bạn ơi! Bạn đang làm chuyện nhân đức thì sao vẫn nặng lòng sân si để tuôn ra những lời nghe trái tai và đau lòng.
Xin cám ơn những người đang quên mình vì đồng loại. Xin cám ơn những hi sinh thầm lặng của những người mặc áo blouse trắng. Xin cám ơn những cô gái, chàng trai, những bà mẹ, bà chị thức khuya dậy sớm lo kiếm thực phẩm, đóng gói, nấu cơm, chế biến thức ăn và lặng lẽ trao tận tay những người đang thiếu thốn. Xin cám ơn những chuyến xe vất vả ngày đêm mang hàng về cho người thành phố. Cũng không quên những đội ngũ luôn gồng mình để giữ trật tự, an ninh phố phường trong những ngày phong toả. Và bên cạnh những lời cám ơn cũng có thêm lời trách và buồn lòng với những kẻ mang danh từ thiện mà vẫn còn ác tâm, xem thường và coi khinh những số phận không may. Khuyên những bạn ấy thật lòng, tốt nhất với kiểu cho như thế thì cũng chẳng nên cho nữa. Của cho không bằng cách cho. Cho kiểu đấy chỉ khiến cho bạn thêm nặng nghiệp.
11.7.2021
DODUYNGOC
https://baomoi.com/clip-phat-com-tu-thien-tu-choi-nguoi-son-mong-bui-doi-cua-cho-khong-bang-cach-cho/c/39470119.epi
Không có nhận xét nào