Y HỌC ĐIỀU TRỊ VÀ Y HỌC DỰ PHÒNG Hồi còn đi học, tôi rất thích môn Vệ sinh Dịch tễ, nó thuộc nhánh Y học dự phòng. Khác với Y học điều trị, ...
Y HỌC ĐIỀU TRỊ VÀ Y HỌC DỰ PHÒNG
Hồi còn đi học, tôi rất thích môn Vệ sinh Dịch tễ, nó thuộc nhánh Y học dự phòng. Khác với Y học điều trị, nó sử dụng nhiều thuật toán để khoanh vùng, xác định nguồn lây… Còn nhớ, hồi đó, nhờ phân tích dịch tễ các ca bệnh mà các bác sĩ đã gợi ý để tìm ra kho hóa chất độc tại sân bay Biên Hòa.
Tuy nhiên, hồi đó, tôi không có cơ may tiếp xúc thực tế với ngành này, trong khi tôi lại có cơ hội tiếp xúc với chuyên ngành Ngoại Thần kinh, một chuyên ngành thuộc Y học điều trị. Vì vậy, cuộc đời tôi đã gắn bó với chuyên ngành Ngoại Thần kinh cho đến tận bây giờ.
Thực ra, còn có một yếu tố khác tác động vào việc chọn lựa chuyên ngành của tôi. Đó là hồi ấy, ở trường tôi học, chỉ những người bị Quản lí học sinh ghét, hoặc có “phốt” gì đó, mới bị phân vào chuyên ngành này. Tính hiếu thắng của tuổi trẻ đã ngăn cản tôi đi theo ý thích của mình. Mặc dù Việt nam là một trong các nước đầu tiên tham gia vào Tuyên ngôn Alma- Ata, nhưng Y học dự phòng ở Việt nam vẫn bị đánh giá rất thấp so với Y học điều trị.
Ngay cả sau này, cuộc sống của các bác sĩ Y học dự phòng cũng khó khăn hơn nhiều so với các bác sĩ Y học điều trị. Cho nên, dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một chuyên gia hàng đầu về Y học dự phòng, các bác sĩ Y học dự phòng được cho phép làm phòng mạch chữa bệnh giống như Y học điều trị, để cài thiện đời sống.
Nếu đối tượng tác động của Y học điều trị là các cá thể, thì đối tượng tác động của Y học dự phòng là cộng đồng. Mặc dù cộng đồng là sự tập hợp của các cá thể, nhưng phương hướng chẩn đoán và điều trị của hai nhánh y khoa này lại không hoàn toàn giống nhau.
Trong khi Y học điều trị coi mạng sống của một cá thể là ưu tiên hàng đầu, các tác dụng phụ hoặc biến chứng trên cá thể là thiệt hại phụ, thì Y học cộng đồng lại thiên về số nhiều trong cộng đồng. Giả sử nếu Y học cộng đồng can thiệp, để tỉ lệ tử vong giảm từ 1% xuống 0,5%, thì đó là thành công, trong khi Y học điều trị coi tử vong là thất bại.
Giả sử Y học điều trị coi việc ai đó còn bị tê chân sau mổ thoát vị đĩa đệm là thất bại phụ, bên cạnh thành công, là phục hồi tốt chức năng vận động, thì Y học dự phòng coi việc một số người chết là thiệt hại phụ trong khi số lượng lớn hơn khác được cứu sống là thành công.
Tôi khá ngạc nhiên khi Bí thư TU TPHCM nói là cần gặp các chuyên gia, các nhà khoa học. Thì ra là đó giờ, các vị đã chỉ đạo chống dịch mà không có các chuyên gia, các nhà khoa học. Nhìn cái ban chỉ đạo, thì chỉ thấy có một ông là thuộc ngành y, và lại là cái chức vụ bé nhất. Trong khi người đứng đầu về Y học dự phòng của thành phố đã bị điều động đến một chức vụ hình như không có thực quyền, nghe nói là do khác biệt về tư duy chống dịch.
Một số người hi vọng, sau khi Bí thư Nên phát biểu như vậy, thì các chuyên gia sẽ có tiếng nói hơn. Nhưng tôi thì sợ rằng Bí thư Nên cũng không biết, rằng Y học dự phòng và Y học điều trị rất khác nhau. Trong vụ dịch viêm phổi Vũ Hán lần này, Y học điều trị chỉ có giá trị trong việc điều trị các ca nhiễm có triệu chứng nặng, điều trị bệnh nền. Còn toàn bộ chiến lược chống dịch, khoanh vùng, nghiên cứu các tác động của các quyết định chống dịch lên cộng đồng… thì chắc chắn thuộc về công việc của Y học dự phòng.
Ở Mỹ, CDC, là cơ quan đầu não của Y học dự phòng, là người quyết định tất cả mọi vấn đề liên quan đến chiến lược, chiến thuật chống dịch. Trong khi đó thì các giáo sư hàng đầu về Y học điều trị chỉ lo điều trị những ca bệnh nặng, mà không tham gia vào kế hoạch chống dịch của quốc gia.
Nếu Ban chỉ đạo chống dịch dựa vào các chuyên gia Y học điều trị, thì chắc chắn họ sẽ tư vấn theo kiểu hi sinh mọi thứ để bảo tồn mạng sống cho từng cá thể, mà không tính đến các tác động khác lên cộng đồng. Mà ở Việt nam, người ta chỉ biết đến, và có vẻ như chỉ đề cao, các chuyên gia Y học điều trị.
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào