CHUYỆN VĂN MẪU: NGHĨ RA LẠI THẸN VỚI ÔNG ĐÀO Ông Đào ở đây là Đào Tiến Thi, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục, chuyên biên tập và x...
CHUYỆN VĂN MẪU: NGHĨ RA LẠI THẸN VỚI ÔNG ĐÀO
Ông Đào ở đây là Đào Tiến Thi, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục, chuyên biên tập và xuất bản sách giáo khoa và sách mẫu. Không phải Đào Tiềm trong thơ cụ Tam nguyên Yên Đỗ. Tôi thẹn, đúng ra là xấu hổ thay ông, khi ông vô tình hay cố ý hiểu méo mó ý của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về câu nói "Cần chấm dứt học văn mẫu".
Ông Đào nói dài dòng, tôi xin phép tóm ý nhanh.
1) Theo ông Đào, Bộ trưởng đòi chấm dứt học văn mẫu là phải bỏ hẳn văn mẫu à. Mẫu là mẹ, không có mẹ thì sao có thể đẻ ra con? Bài học nào chẳng bắt đầu từ bài mẫu, một bài văn, đoạn văn của nhà văn được đưa vào sách để học sinh đọc hiểu đã là mẫu. Vì mẫu là nội dung kiến thức, là cách làm bài chuẩn để trẻ học tập. Bỏ mẫu là bỏ mẹ à?
2) Ông Đào nói giáo dục xưa nay đều học và làm theo mẫu. Chỉ có sao chép nguyên văn hay ăn cắp của người ta chắp vá thành của mình mới đáng chống.
3) Ông Đào chỉ ra các bước học và làm theo mẫu mà theo ông là hiệu quả. Bước 1: phân tích văn mẫu, Bước 2: Rút ra đặc trưng và phương pháp tạo lập văn bản. Bước 3: Vận dụng và làm theo mẫu, bằng cách thay chủ đề, nội dung.
Nói thật, từ khi cải cách, qua mấy đời Bộ trưởng, tôi chưa tín nhiệm ông nào, kể cả ông Sơn, nhưng tôi tin chắc ông Sơn không phát ngôn cái ý mà ông Đào phê phán bằng cách bóp méo, xuyên tạc, đánh tráo ở nghĩa xoá sạch luôn các bài học (ông Đào gọi là MẪU) trong sách giáo khoa. Nếu quả thật ông Sơn mà có ý đó, tôi không sợ ông đuổi việc mà nói thẳng rằng, ông ngu!
Và dạ thưa ông Đào, theo dõi dư luận lâu nay, tôi chưa hề thấy ai nói ngu rằng, cần dẹp bỏ hết các văn bản trong sách giáo khoa mà hàm ý của ông là Bộ trưởng đã hùa theo cái sự ngu ấy. Nếu có, ông làm ơn chứng minh cho mọi người thấy chứ đừng bịa đặt, xuyên tạc và ba hoa những điều ai cũng biết về học văn mẫu như ông hiểu và khoe.
Dư luận và Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đòi "chấm dứt học văn mẫu" là ở nghĩa này. 1) Bộ Giáo dục và Đào tạo lâu nay áp đặt các loại mẫu, từ mẫu sách giáo khoa, mẫu giáo án, mẫu nội dung đến mẫu phương pháp dạy học, mẫu đề thi và mẫu đánh giá, kiểm tra, bắt cả hệ thống từ cao đến thấp phải tập huấn và làm theo, 2) Các nhà quản lý từ Bộ đến Sở, Phòng, Ban Giám hiệu kiểm tra, thanh tra và đánh giá như cái máy, rằng việc dạy và học, thi và kiểm tra có đúng mẫu không rồi bắt bẻ (kể cả trừng phạt) phải làm đúng y chang như mẫu, Và 3) Hậu quả là giáo viên lẫn học sinh dạy và học như một cái máy tự động theo khuôn mẫu cho an toàn (tệ nhất là trẻ phải học thuộc cả bài nghị luận), không còn khoảng trống tự do cho sáng tạo. Tóm lại là MẪU trở thành cái KHUÔN và biến con người thành nô lệ cho những thứ áp đặt từ trên xuống.
Bây giờ tôi bàn sang các nội dung khác mà ông Đào ba hoa chích choè trong bài của ông để chứng minh ông và những người cùng hội cùng thuyền của ông rất thiếu hiểu biết giáo dục mà suốt nhiều năm nay lại tham gia cải cách giáo dục.
1) Theo ông, giáo dục nào cũng phải từ Mẫu, tức Mẹ, có Mẹ thì mới đẻ ra Con. Mẫu đó ông cho là chuẩn mực, phải học tập và làm theo. Vậy mạn phép hỏi ông hai câu thôi. Câu 1, sách giáo khoa lâu nay các ông độc quyền (kể cả sách Cánh Diều trong chủ trương đa dạng hoá vừa rồi) biên soạn, xuất bản với hàng ngàn văn bản bắt trẻ em phải học và làm theo đó đã là mẫu mực chưa, nếu mẫu mực thì tại sao lại bị dư luận la ó và phản đối quyết liệt? Câu 2, mỗi lần cải cách, các ông thay mẫu, mẫu giáo án, mẫu văn bản, mẫu tài liệu tham khảo, mẫu phương pháp, mẫu đề thi và đáp án..., Đã thay xoành xoạch như vậy, mẫu nào là chuẩn? Cứ xem MẪU là CHUẨN thì tôi tin chắc, nếu trả lời 2 câu hỏi của tôi, các ông sẽ tự vả vào mồm mình. Bởi vì các loại mẫu khác nhau do chính tay các ông tạo ra, lấy cái này phủ định cái kia sau mỗi lần đổi mới đã là tự vả.
2) Quan điểm giáo dục của tôi, một khi đã xem MẪU là CHUẨN MỰC (gọi tắt là MẪU MỰC) thì rõ ràng các ông chưa thoát khỏi tư duy áp đặt và nô lệ của giáo dục kinh viện. Ba bước mà ông múa rìu dạy cho đám giáo viên ăn theo nói leo trên trang ông là của giáo dục kinh viện đấy! Giáo dục kinh viện tự cho lời của Thánh hiền là mẫu mực, chỉ có học tập và làm theo (phương Tây gọi là Mimesis, phương Đông gọi là "thuật nhi bất tác"), kết quả là người học trở thành công cụ hay nô lệ của khuôn mẫu. Thì đấy, họ vẫn bước 1, phân tích lời Chúa dạy, lời Thánh phán, bước 2, rút ra cách nói, cách làm, bước 3, từ Chúa dạy, Thánh phán, cứ thế làm theo với các chủ đề khác nhau. Tất nhiên, người làm văn thời đó vẫn luôn với câu mở đầu "Chúa dạy", "Tử viết" rồi suy diễn chứ có bê nguyên xi lời Chúa, lời Khổng Tử thành lời của mình bao giờ, ông Đào nhỉ? Nếu cho đó là sáng tạo thì các ông đòi đổi mới, cải cách theo hướng "dạy học phát triển năng lực" gì nữa?
3) Tôi khẳng định với các ông, trong giáo dục khai phóng, không có khái niệm gọi là MẪU. Từ thời Khai sáng (thế kỷ 17, 18), các triết gia khai phóng đã từng vả cái bà mẹ đòi con phải giống mình, dù chỉ là giống về tư tưởng. Chính sự áp đặt tư tưởng, hình thức hoá tư tưởng thành khuôn mẫu đã cầm tù sáng tạo của con người, biến con người trở thành nô lệ của kẻ có quyền với những thứ khuôn mẫu do nó chế tạo ra. Tôi hiểu ông Đào và các ông giáo sư tiến sỹ chuyên buôn HÀNG MẪU không bao giờ muốn con trẻ nói khác, làm khác mình mới có thể cố đấm ăn xôi bảo vệ cách học văn mẫu, dù là 3 bước như ông đã đưa ra.
4) Cuối cùng, thưa ông, "chấm dứt học văn mẫu" không có nghĩa là dẹp bỏ hết các bài học trong sách giáo khoa. Quốc gia nào thực hiện giáo dục phai phóng cũng có các bài học như ông đề xuất chứ không ai ngu đến mức đòi dẹp bỏ hết. Nhưng thề với ông, không ai gọi đó là MẪU nữa. Người học học tập từ bài học được đưa vào sách nhưng có quyền đối thoại, phản biện ngay với chính các tác giả những bài học ấy (kể cả với thầy đang dạy) chứ không phụ thuộc cái MẪU mà ông cho là MẸ của thiên hạ, dùng văn mình dạy đời ấy!
Khi nào rảnh, tôi viết rõ ra cách học này. Ở đây chỉ nói ngắn, rằng với cách học như tôi nói trên, dù các ông đưa vào sách giáo khoa những văn bản tệ nhất cũng không lo bị dư luận phản đối. Mà nếu họ phản đối, hoặc học sinh dám chỉ trích đó là văn dở, thì đó đã là học phát triển năng lực, cần phát huy đấy! Khi học sinh dám chê dở, chỉ ra cái sai của các văn bản đó, chính là nó đã có ngay một cách làm khác, hay hơn, đúng hơn, tức sáng tạo đấy, ông Đào ạ!
Tôi e rằng, các người tạo ra khẩu hiệu "Lấy người học làm trung tâm" hay "chủ thể", riêng môn văn, cải cách từ giảng văn đến "đọc hiểu văn bản" là nói cho trơn mồm chứ chẳng hiểu đúng để làm đúng tinh thần của khẩu hiệu.
Việc đa dạng hoá sách giáo khoa (đến lúc phải đa dạng nội dung, cách dạy và học, cách kiểm tra và đánh giá năng lực) là một bước tiếp cận giáo dục khai phóng. Mà đã đa dạng thì sao có thể gọi cái nào là MẪU? Xin lỗi, cá nhân tôi, đọc sách giáo khoa cải cách, các bài "văn mẫu" của nhà văn và của các ông, càng đọc tôi càng thấy xấu hổ thay cho các ông thì sao có thể gọi là MẪU? Mà các con trẻ có cha có mẹ khác nhau, học được nhiều thứ khác nhau trong cái thế giới muôn màu này, sao cứ phải học duy nhất cái bà mẹ nói và hiểu tiếng Việt lủng củng, lệch lạc như các ông?
Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào