SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ NĂM MƯƠI BỐN Nhà tôi nằm trên con đường nối Nguyễn Văn Trỗi qua Trần Huy Liệu. Cứ xem đầu đường là Nhà Văn hoá Ph...
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ NĂM MƯƠI BỐN
Nhà tôi nằm trên con đường nối Nguyễn Văn Trỗi qua Trần Huy Liệu. Cứ xem đầu đường là Nhà Văn hoá Phú Nhuận và cuối đường là Phú Nhuận Plaza. Đường đã bị bịt kín hai đầu cả nửa tháng nay mà tôi chẳng biết. Chặn để giữ vùng xanh. Tôi nằm nhà từ ngày bắt đầu bùng phát dịch ở Sài Gòn, chỉ một lần vào ngày đầu giãn cách, làm gan cầm máy chạy ra trung tâm chụp mấy tấm ảnh ghi nhớ một thời điểm lịch sử của thành phố. Từ đó đến giờ, tuân thủ "Ai ở đâu, ở yên đó". Cho nên đường nhà mình phong toả, lập chốt chận hai đầu mà cũng chẳng hay. Nằm yên mà khát khao ngày trời yên bể lặn để được rong chơi, để được ăn món mình thích, gặp được những người bạn thân yêu, để được phanh ngực rú ga chạy khắp Sài Gòn, qua những con đường quen thuộc. Thành phố giới nghiêm, ngày dài quá, rảnh rang muốn làm nhiều việc mà chẳng làm được gì ra hồn. Tâm bất tại, lòng dạ lung tung nên không thực hiện được những dự định. Cứ đọc mãi tin tức về dịch bệnh, theo mấy văn bản với chỉ thị của chính quyền cũng đã rối đầu rồi. Tin giả, tin thật tùm lum, chẳng biết đâu mà lần. Ngay tin trên các báo chính thống cũng hôm nay giả, ngày mai thật, cuối cùng thật giả lẫn lộn. Báo chí, truyền thông của nhà nước tin tức một chiều, báo nào, đài nào cũng một giọng giống nhau, những góc khuất được dấu kín, toàn những tin đẹp mà ngẫm lại có nhiều thứ không thật.
Như chuyện "bom" hàng mua hộ. Mấy hôm nay báo đài nói nhiều về chuyện này nhưng chẳng thấy nêu một địa chỉ, một nhân vật cụ thể. Nhiều báo đăng có phường một ngày có 30 vụ, có báo lại bảo 100 vụ. Nhưng chẳng thấy mặt ai. Chỉ có một ngày mấy tờ báo đăng hình 3 cô gái và mấy chục cậu thiếu niên được cho là những kẻ "bom" hàng. Nhưng rồi bị phát hiện đó là những tấm hình cũ của một vụ ba cô lừa đảo tiền tỷ và một là của 42 nam nữ bay lắc trong quán karaoke ở Hà Nội bất chấp dịch từ hôm 18.6.2021. Người đặt hàng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, tổ dân phố, phường nắm rất rõ, nếu có "bom" hàng hay lấy đó làm trò đùa thì tổ công tác biết ngay thôi, sao không nêu tên cụ thể mà chỉ nói bâng quơ. Thế báo chí, truyền thông thổi phồng chuyện này với mục đích gì? Chứng cứ không, người phạm tội không, vật chứng cũng chẳng thấy sao cứ tung tin như thế? Nếu chuyện đó là thật, phải xử lý ngay để làm gương bởi chuyện này không phải là trò đùa mà nó đụng tới lòng tự trọng của người Sài Gòn. Những trò trẻ trâu đó, nếu có, không thể chấp nhận được.
Sau một thời gian dài đòi xoá sạch, diệt sạch con virus Vũ Hán. Giờ thì Thủ tướng Phạm Minh Chính phải công nhận là đó là chuyện không thể. Hôm qua, trong một cuộc họp, ông đã phát biểu:"Xác định sống chung lâu dài với dịch, không thể khống chế tuyệt đối. Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp; phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là quan trọng, thường xuyên". Tối 30.8, trong một cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, khi thành phố hội tụ đủ điều kiện ở mức tương đối thì có thể nới rộng các giải pháp phòng, chống dịch.
Cũng mừng là người đứng đầu chính phủ và cũng là Trưởng ban chống dịch cũng như Bí thư thành phố đã ý thức được như vậy sau khi đã dùng mọi biện pháp cứng rắn siết chặt để mong tiêu diệt con virus. Càng cứng rắn, càng siết chặt càng khiến cho đời sống của nhân dân thêm khó khăn mà kinh tế cũng bị kềm hãm. Tìm biện pháp thích hợp để sống chung với dịch nhưng cũng không chủ quan, lơ là với chúng là chủ trương đúng nhất mà cả thế giới đang áp dụng. Khi nhận thức được như thế, hi vọng thời gian sắp tới những biện pháp giới nghiêm, phong toả, giãn cách, cách ly sẽ nhẹ nhàng hơn, hợp lý hơn để đời sống của đại bộ phận nhân dân thuận lợi hơn. Có lẽ tốt nhất trong thời gian tới nên có chủ trương hàng quán có thể mở lại, đầu tiên là bán online để phục vụ cho dân thuận tiện mua bán hàng hoá cần thiết. Hiện nay, khâu cung ứng lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hoá thiết yếu là lĩnh vực yếu nhất của thành phố. Chủ trương đem hàng đến tận nhà dân, đi chợ hộ xem như đã thất bại vì siêu thị không làm xuể, hàng hoá đến tay người cần mua chậm trễ, đội ngũ thực hiện cũng gặp nhiều lúng túng vì không quen việc mà người mua cũng chán nản vì phục vụ không đúng nhu cầu. Nên tập trung lực lượng quân đội vào việc giữ an ninh trật tự là hợp lý nhất. Thực tế cho thấy từ khi có quân đội ở các chốt chặn, tình trạng xung đột, cãi vã, xô xát giữa dân và lực lượng chức năng đã giảm đi rõ rệt.
Và để giải quyết việc lưu thông hàng hoá, UBND thành phố cũng như Sở Công thương đã nhất trí sử dụng lại đội ngũ shipper. Đại diện Grab Việt Nam cho biết đã nhận được thông báo của Sở Công Thương và Sở Y tế TP.HCM về việc hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho các shipper. Hãng đã tổng hợp danh sách tài xế đủ điều kiện, phân bổ và gửi về các cơ quan chức năng liên quan để triển khai việc xét nghiệm nhanh hàng ngày hoặc 2 ngày/lần.
"Dự kiến, việc xét nghiệm này sẽ bắt đầu từ sáng mai, 31.8 và duy trì đến khi có thông báo mới từ cơ quan chức năng". Sáng nay các shipper xếp hàng chờ test nhanh tại Trường mầm non Vàng Anh, quận Gò Vấp. Đến 8h30, nơi đây đã lấy mẫu test nhanh cho gần 100 shipper. Trong tình hình dịch bệnh như thế này, hoạt động của các shipper cũng là một công việc nguy hiểm, dễ phơi nhiễm bệnh nên việc test nhanh là chuyện cần thiết. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế chỉ cần xét nghiệm shipper 2 lần một tuần là hợp lý nhất. Bởi con virus Delta khi xâm nhập vào người phải có 3 đến 4 ngày mới có thể phát hiện dương tính dù ngay ngày đầu tiên nó đã có thể lây nghiễm cho người khác. Khi virus sinh sôi chưa đủ mà test thì cũng vô ích vừa tốn công mà lại tốn của. Đồng thời để an toàn cho khách cũng như người giao hàng, cả hai phải tuân thủ các biện pháp 5K để bảo vệ cho nhau. Theo báo cáo, lực lượng y tế thành phố đã có hơn 2.000 ca phơi nhiễm và cũng đã người tử vong. Cũng theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, hiện lực lượng Công an đã có trên 2.000 cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm virus Vũ Hán và gần 10 chiến sĩ hy sinh do nhiễm dịch trong lúc làm nhiệm vụ. Con virus này chẳng chừa một ai đâu.
Trước đây, trong những bài nhật ký lockdown, tôi cũng đã cảnh báo về mối nguy truyền dịch từ người nhân viên xét nghiệm không thay hoặc sát trùng găng tay. Cũng như việc sử dụng cho hàng trăm, hàng ngàn người một máy đo huyết áp khi tiêm chủng. Rất mừng là gần đây, các bác sĩ chuyên môn đã lên tiếng cảnh giác vấn đề này và sáng nay đọc được tin Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, cho rằng để đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, ngành y tế cần bỏ qua những quy tắc không hợp lý, trong đó có việc đo huyết áp sàng lọc trước tiêm.
"Đi tiêm vaccine mà đo huyết áp trong tình hình cần phải tiêm thần tốc là không hợp lý. Ai đi tiêm vaccine thường sẽ lo lắng, căng thẳng, huyết áp tăng là tất yếu. Việc đo đi đo lại chỉ số huyết áp đến khi đạt yêu cầu rất mất thời gian. Quan trọng hơn, nguy cơ lây nhiễm virus Vũ Hán từ máy đo huyết áp là có thật". Đồng ý với đề xuất trên của bác sĩ Tuấn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng việc đo huyết áp trước khi tiêm vaccine nên bỏ vì việc này không giá trị và mất thời gian. Đọc tin này cũng thấy mừng trong bụng. Mấy hôm nay đang chờ để chích mũi thứ 2, tôi định hôm chích sẽ mang theo máy đo riêng của mình hoặc từ chối đo huyết áp vì thấy nguy cơ lây nhiễm dễ dàng quá.
Nhắc chuyện lây nhiễm thì cũng nói luôn chuyện trong tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người mắc virus tại nhà ban hành kèm Quyết định số 4156, Bộ Y tế khuyến cáo người mắc virus không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật, có thể qua các đường sau:Tiếp xúc, Giọt bắn, Không khí. Người cùng nhà với người không nhiễm cũng không nên tiếp xúc gần với vật nuôi. Đồng thời, gia đình cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình. Như thế vật nuôi như chó, mèo cũng có thể là tác nhân gây nhiễm bệnh. Chiều 30.8, Cục Quản lý khám chữa bệnh thông tin, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chăm sóc người mắc virus tại nhà trong ngày 28.8. Theo hướng dẫn trên, Bộ Y tế cảnh báo người mắc virus và người cùng nhà đều không nên tiếp xúc với vật nuôi. Bởi có bằng chứng cho việc virus có thể lây sang vật nuôi trong nhà.
Trong bài trước, tôi có nhắc đến trường hợp một gia đình người quen mất ba người cũng vì hai con chó cưng. Một đoạn dài kể về trường hợp này được một anh có mác là Chủ tịch Doanh nghiệp trẻ thành phố chép lại y nguyên và lan toả. Việc này cũng tốt vì giúp cho nhiều gia đình có nuôi động vật trong nhà lưu ý. Khi tôi kể ra là cho mọi người cùng đọc, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên cái dở của anh này là khi copy bài này để phổ biến lại ký tên anh ta kèm chức vị. Cái này là không hay, thà anh để nguồn hay bỏ trống hay đề lượm trên mạng cũng được. Đằng này lại ký tên hẳn hoi khiến tôi đọc cũng cảm thấy không được vui.
Hôm qua, trong chương trình Dân hỏi- Thành phố trả lời của UBND TP.HCM thực hiện vào tối ngày 30.8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin UBND thành phố đã đồng ý miễn học phí học kỳ 1 năm học 2021- 2022 cho học sinh các trường công lập để chia sẻ khó khăn với phụ huynh trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, do nhà trường thỏa thuận với phụ huynh. Sở GD trao đổi với các trường từ đầu năm học, đề nghị không tăng học phí nhưng nhiều trường vẫn đề xuất tăng từ 5 đến 10%. Lý do những trường này đưa ra là nhiều chi phí phát sinh khi duy trì việc dạy học trong bối cảnh dịch bệnh, chi phí giữ chân giáo viên... Lãnh đạo sở GD cho rằng, việc này họ có cơ sở pháp lý, nhưng xét về tính nhân văn, tăng học phí lúc này là phản cảm, không thể hiện sự chia sẻ với người dân. Ông Hiếu cũng kêu gọi người dân nếu có dư thiết bị để học online có thể đóng góp để giúp các học sinh không có điều kiện mua sắm.
Trong chuyện học hành, giờ lại nổi lên việc sách giáo khoa, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1. Phụ huynh chóng mặt vì giá bộ sách. Năm nay, học sinh lớp 1 chọn học 1 trong 3 bộ sách là Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Riêng bộ sách Cánh diều đã từng bị phê phán kịch liệt và phản ứng của xã hội. Không hiểu bây giờ vẫn tiếp tục tung ra cho học sinh học, bộ sách đã được sửa như thế nào, chỉnh lý ra sao, chẳng ai biết? Mà sao mới học lớp 1 mà lắm sách vở thế?
Giá mỗi bộ sách niêm yết công khai dao động trên dưới 200.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, các phụ huynh chia sẻ, khi đăng ký mua sách qua trường học của con thì vô cùng bất ngờ vì mỗi trường mỗi giá khác nhau. Do dịch bệnh không đi lại được cộng với muốn con học sách vở đồng bộ với các bạn nên phụ huynh đăng ký mua ở trường. Tổng giá tiền cho 12 quyển sách cùng Bộ dụng cụ học Toán và học vần là 538.000 đồng. Một số phụ huynh khác cũng cho biết, học sinh cùng vào lớp 1 nhưng có trường bán sách 249.000 đồng lại có trường lên tới 798.000 đồng, thậm chí có phụ huynh thông báo vừa mua hết 900.000 đồng/bộ sách. Như vậy, giá sách tuỳ theo từng bộ sách và cũng tuỳ từng trường. Mà sao trường học lại ôm vào cái chuyện mua bán này nhỉ? Chỉ cần nhà trường thông báo những sách cần cho việc học, những sách đọc thêm, những dụng cụ cần mua. Phụ huynh cứ theo đó cân đối tiền có mà mua sắm cho con, tránh được việc nhà trường bán sách ăn hoa hồng. Nhà trường tranh thủ bán sách giáo khoa, ngoài ra một số trường lại kèm thêm các loại sách không có trong danh mục sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT quy định, lại bán kèm đồ dùng học tập. Nhà trường giờ trở thành nhà sách mất rồi. Tôi cũng từng làm việc liên quan đến sách nên biết rằng tiền hoa hồng phát hành sách khá cao nên trường bán sách giáo khoa số tiền kiếm được cũng không phải là ít. Người xưa đã bảo: Thợ may ăn giẻ, Thợ vẽ ăn hồ, Thợ bồ ăn nan, Thợ hàn ăn thiếc. Ngành nghề nào cũng có thứ để kiếm ăn cả. Tình trạng này đang gây xôn xao ở Hà Nội, chắc ở thành phố ta cũng thế thôi.
Định hôm nay viết ngắn nhưng rồi nhiều chuyện quá cũng hoá dài. Ngưng tại đây vậy.
Nhìn qua cửa sổ xuống sân vườn, trời Sài Gòn vẫn một màu ảm đạm và mưa.
31.8.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ năm mươi bốn
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào