TỪ BĂNG VỆ SINH ĐẾN GOLF (GÔN) VÀ NGUYÊN TẮC "MỌI NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT": PHÂN TÍCH - LUẬN GIẢI! "Ngày 4-8...
TỪ BĂNG VỆ SINH ĐẾN GOLF (GÔN) VÀ NGUYÊN TẮC "MỌI NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT": PHÂN TÍCH - LUẬN GIẢI!
"Ngày 4-8, Trung tâm Y tế thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) có báo cáo nhanh về việc 4 người tiếp xúc với F0 trong khi đánh golf tại một khu du lịch ở Quy Nhơn. 4 người gồm ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Công Thành - công tác tại Cục Thuế tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Hữu Lộc - Kinh doanh khoáng sản titan và ông Lê Văn Thảo - Công tác tại Công ty CP Phú Tài" - Trích từ Báo Tuổi trẻ!
Vụ việc này xảy ra vào đúng lúc Cả nước nói chung và Tp. HCM nói riêng, đang trải qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch Covid19 - Nên không cần phải nói, ai cũng hiểu, đây chính là những hành vi coi thường pháp luật, coi thường nguyên tắc phòng chống dịch, và coi thường công cuộc phòng chống dịch của Nhân dân và Nhà nước ta. Tuy nhiên, nếu chỉ nói như vậy, sẽ không lột tả được hết tính chất nghiêm trọng của những hành vi này, mà cần phải liên tưởng đến những câu chuyện khác có liên quan đến phòng chống dịch trong thời gian gần đây, bối cảnh xảy ra hành vi, cũng như vị trí xã hội, để đối sánh nhằm làm rõ nét hơn vấn đề này.
I. TỪ BĂNG VỆ SINH ĐẾN GOLF
Báo chí từng đăng tải và Bà con ta cũng đã từng luận giải, về những vụ việc như "Bánh mì", "Băng vệ sinh" không được cho là những hàng hóa thiết yếu, nên đã tiến hành xử phạt Người dân hoặc buộc phải quay đầu xe....... Những vấn đề liên quan đến hàng hóa thiết yếu, sai phạm của các vụ việc vừa nêu, Bà con ta đã từng phân tích, nên không nói lại ở đây. Mà nhắc đến những vụ việc này, nhằm dựa trên dấu hiệu lỗi và thái độ, để phải hiểu rằng: Những Người dân khi đi mua bánh mì, hay đem mèo đi chữa bệnh....... Trong ý thức chủ quan của Họ đều nghĩ rằng, đây chính là lý do chính đáng để phải đi ra ngoài, có thể suy nghĩ của Họ không giống với quan điểm của Người thực thi công vụ, nhưng cho thấy rằng, đây là vấn đề đang tranh cãi, nên GIẢ SỬ có vi phạm, thì cũng chỉ do vô tình, vô ý hiểu sai.
Trong khi đó, việc đi chơi golf (Gôn) thì chắc chắn là không thiết yếu, điều này là chắc chắn tuyệt đối, mà không phải tranh cãi, vì nó không nằm trong danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu đã được ban hành - Cho nên, trong trường hợp này, hành vi thực hiện là có lỗi cố ý trực tiếp. Rõ ràng, với tư cách là những Người (Ít nhất 2 Người) đang công tác trong các Cơ quan quản lý nhà nước hàng đầu của cấp tỉnh, họ thừa biết và buộc phải biết là dịch vụ gôn đang bị tạm ngừng kinh doanh, mà vẫn đi chơi, nên đương nhiên lỗi phải là cố ý, cố tình vi phạm, không có cách nào diễn giải khác được. Phân tích luận điểm này, lý do: Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật, luôn áp dụng chế tài nặng hơn, trách nhiệm pháp lý cao hơn, đối với hành vi vi phạm có lỗi cố ý.
Vụ việc trên xảy ra tại Thành phố Quy Nhơn, vào thời điểm xảy ra vụ việc, Thành phố này đã có quy định tạm ngừng kinh doanh dịch những dịch vụ không thiết yếu, trong đó có dịch vụ chơi gôn - Chính vì vậy, vụ việc này thuộc trường hợp "Tổ hợp kép" về hành vi vi phạm: 1. Đó là hành vi vi phạm của Tổ chức kinh doanh dịch vụ gôn (FLC) vì đã có hành vi "Không thực hiện quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng", theo quy định tại tại Điều 12.3.c Nghị định 117, mức phạt đối với hành vi này tối đa chỉ là 40 triệu đồng (Thực sự là quá nhẹ trong trường hợp này); Và 2. Đó là hành vi vi phạm của 4 vị có tên nêu trên, vì đã có hành vi "Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người", theo quy định tại tại Điều 12.3.c Nghị định 117/2020, mức phạt đối với hành vi này cũng chỉ từ 10 - 20 triệu đồng đối với mỗi người vi phạm, thường sẽ lấy mức trung bình là 15 triệu một người, 4 người tổng phạt là 60 triệu đồng, cũng khá nhẹ trong vụ việc này.
Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong vụ việc trên, đó là những Người vi phạm đa số là Cán bộ công chức (Ít nhất là 2 Người), thậm chí là những Người có vị trí cao trong cơ quan hành pháp cấp tỉnh, nên thiết nghĩ câu chuyện không thể chỉ dừng lại ở việc xử phạt vi phạm hành chính. Với một hành vi vi phạm mang lỗi cố ý trực tiếp, mang trong mình tư cách Cán bộ công chức, lại diễn ra trong bối cảnh Nhà nước và Nhân dân đang vất vả, khổ cực chống dịch, các Y bác sĩ, Công an, Quân đội..... Những Người chiến sỹ tuyến đầu đang phải vượt bao khó khăn để chống dịch, có khi cơm không kịp ăn, nhà không kịp về - Còn mấy vị kia thì lại thủng thẳng, thư thái, khoan thai đi chơi gôn, cười ngạo nghễ..... - Rất quá đáng, rất vô cảm, rất bất công, cho nên việc phải xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ công chức là cần phải được xem xét đến.
Cuối cùng - Vụ việc này đã để xảy ra hậu quả cực kì nghiêm trọng, khi mà Nhân viên sân golf là F0, thì mấy vị kia là F1, hoặc sẽ là F0 chưa biết chừng, rồi mấy ngày qua, Họ đã đi những đâu, tiếp xúc bao nhiêu Người?! Dịch bệnh có thể vì thế mà đã lây lan, có thể sẽ khiến cho Quy Nhơn và Bình Định lao đao, nếu như không kịp tầm soát, hiệu ứng dây chuyền, kiểu một que diêm đốt cháy cả khu rừng, có thể xảy ra. Chính vì thế, cần phải xem xét cân nhắc đầy đủ các yếu tố có liên quan, để đánh giá, xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự của Tội danh làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho Người hay không..........
II. NGUYÊN TẮC "MỌI NGƯỜI ĐỀU BÌNH ĐẲNG TRƯỚC PHÁP LUẬT"
Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Đạo luật quan trọng bậc nhất, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong Hệ thống các văn bản pháp luật của một Quốc gia, tại Điều 16 quy định: "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội".
Điều 3.1.a & b Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật".
Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: "Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật".............
Từ một vài quy định được viện dẫn nêu trên (Ngoài ra còn rất nhiều quy định tương tự trong các Văn bản pháp luật khác) cho thấy rằng: Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, là một nguyên tắc cơ bản, là trụ cột chính trong các quan hệ pháp luật, đã được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật và các Văn bản dưới luật (Pháp lệnh, Nghị định, thông tư). Tuy nhiên, Bà con ta, không nên nghĩ rằng, bình đẳng thì luôn luôn là bị xử lý như nhau nếu cùng hành vi giống nhau, mà còn phụ thuộc vào tư cách pháp lý, tính chất mức độ, yếu tố lỗi của Người vi phạm, và hậu quả đã xảy ra: Theo đó, cùng hành vi vi phạm giống nhau, nhưng được thực hiện bởi những Người là cán bộ, công chức, thậm chí là Người có chức vụ, thì cần phải bị áp dụng một chế tài pháp lý cao hơn, một trách nhiệm pháp lý nặng hơn, mà không phải như những Người bình thường khác, bởi "Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng".
------
Từ tất cả những phân tích và luận giải nêu trên, hi vọng các Cơ quan chức năng và Người có thẩm quyền tại Bình Định, nhanh chóng xử lý các sai phạm của Người có hành vi vi phạm, một cách công tâm, khách quan và công bằng. Để Công chúng không có cơ hội hoài nghi rằng: Bánh mì, Băng vệ sinh và Golf thuộc về những định chế pháp lý xử lý vi phạm pháp luật khác nhau?!?!
Viết tại Sài Gòn, ngày 04/08/2020 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
Không có nhận xét nào