ĐỂ CÓ THỂ SỐNG CHUNG VỚI VIRUS VŨ HÁN Đợt bùng phát dịch tại TPHCM đã bộc lộ nhiều vấn đề, những yếu kém trong bộ máy quản lí, trình độ, năn...
ĐỂ CÓ THỂ SỐNG CHUNG VỚI VIRUS VŨ HÁN
Đợt bùng phát dịch tại TPHCM đã bộc lộ nhiều vấn đề, những yếu kém trong bộ máy quản lí, trình độ, năng lực làm việc cũng như năng lực tư duy của cán bộ quản lí các cấp từ trung ương đến cơ sở.
Stt này không bàn đến những việc đó. Tôi chỉ muốn nói đến khía cạnh vai trò của y tế đã không được coi trọng, dẫn đến vỡ trận rất sớm và thiệt hại nặng nề về người. Nếu chúng ta quyết định sẽ sống chung với virus Vũ Hán, việc nhìn nhận lại những vấn đề này có vai trò quan trọng trong việc sắp tới đây sẽ “sống chung” như thế nào.
ĐÁNH GIÁ THẤP VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG Y TẾ
Thực ra thì việc nhiều người có vị trí trong xã hội Việt nam hiện nay coi thường vai trò của ngành y là chuyện chẳng mấy ai lạ gì. Tuy nhiên, việc này lại không chỉ dừng lại ở một số vị có chức có quyền, mà thể hiện cả ở chính sách. Cứ nhìn ngân sách cấp cho ngành y và ngân sách cấp cho ngành công an thì thấy.
Trong thời gian dịch vừa qua, chính quyền đã coi các cơ sở y tế giống như các cửa hàng tạp hóa, hay tiệm massage. Cứ có F0 xẹt qua một cái là phong tỏa toàn bộ cơ sở y tế. Đã phong tỏa cơ sở, lại còn bắt nhân viên đi cách li tập trung. Mà nơi cách li tập trung thì thua mấy cái nhà tù hà khắc trong phim Mỹ, dơ dáy, bẩn thỉu, chật hẹp. Hoặc phải chi nhiều tiền mới được ở sạch hơn.
Nhiêu đó thôi, thì hầu như nhân viên y tế đã đủ để vỡ trận rồi. Không vỡ trận trong làm việc thì cũng đã vỡ trận trong tư tưởng. Ngành y là ngành phơi nhiễm, cơ sở y tế là nơi tập trung người nhiễm. Đối với ngành y, việc phơi nhiễm là tất yếu. Cứ hành xử với y tế như vậy thì sẽ không có nhân viên y tế nào tránh được cách li tập trung, không có cơ sở y tế nào tránh bị phong tỏa, nếu cứ tiếp tục hoạt động.
Bản thân tôi, áp dụng mọi biện pháp để bảo vệ cơ sở y tế. Có thể nói, suốt một thời gian dài, ngay cả khi các nơi khác lơ là nhất, thì EXSON vẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch ở mức cao nhất. Thế nhưng, nhà nước thì bắt phải đi bầu. Làm sao không cho nhân viên đi bầu được. Thế là dính. Toàn bộ nhân viên phòng khám phải cách li. Như vậy thì dù không phong tỏa cũng phải đóng cửa phòng khám, chứ ai làm việc bây giờ?
Việc phong tỏa, cách li bắt buộc có thể nói là muôn hình vạn trạng, nhưng có thể dùng một từ diễn tả khá đúng thực trạng này: đó là phong tỏa, cách li bừa bãi. Nó tác động rất lớn đến xã hội, đến tâm lí bấp bênh của người dân, dẫn đến việc đóng cửa của hàng loạt các cửa hàng, cửa hiệu, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ… Sự bừa bãi ấy áp dụng luôn cho cả ngành y, đặc biệt là hệ thống y tế tư nhân, tạo ra sự bất ổn nghiêm trọng của y tế tư nhân (và một bộ phận y tế công) từ trước khi số lượng người nhiễm lên cao.
NĂNG LỰC QUẢN LÍ, ĐIỀU PHỐI CỦA NGÀNH Y RẤT KÉM
Hồi đó, tôi làm giám đốc của một bệnh viện tư nhân, chúng tôi setup bệnh viện theo hướng sẽ là một bệnh viện ngoại khoa, hướng về Ngoại Thần kinh (vì bản thân tôi thuộc chuyên ngành Ngoại Thần kinh). Bộ Y tế giao cho Sở Y tế TPHCM thẩm định chuyên môn. Các thành viên đoàn thẩm định thuộc chuyên ngành Ngoại Thần kinh đều tấm tắc khen về cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, để mổ u tủy, u não, thì đoàn không cho, vì người quyết định việc này là các bác sĩ ung bướu, người không bao giờ đụng đến những cái u đó. Nếu khi hành nghề mà gặp các loại u đó thì họ sẽ chuyển ngay cho Ngoại Thần kinh xử lí.
Trong những ngày bình thường, việc điều hành chuyên môn của Sở Y tế như vậy có thể được hiểu là việc cố ý “dìm hàng”, trù dập… chứ thực tế thì khả năng quản lí, lãnh đạo không đến nỗi tệ như vậy. Thế nhưng, khi vô mùa dịch, những điều này bộc lộ ra khá rõ ràng. Việc phân công, phân nhiệm của từng bộ phận trong ngành y tế rất bất cập, dẫn đến sự vô hiệu hóa bộ máy.
Việc không phân biệt được chức năng của y tế công cộng và y học điều trị, không có sự phân công phân nhiệm rõ ràng giữa hai hệ thống này, đã dồn tất cả các công việc ở cơ sở cho Trạm y tế phường, dẫn đến sự quá tải của hệ thống Trạm y tế phường. Từ đó, hàng loạt F0 được cho phép cách li tại nhà bị bỏ rơi, dẫn đến mất kiểm soát, và tử vong tại nhà xảy ra quá nhiều.
Trong khi đó thì các cơ sở điều trị tại các địa bàn có F0 bị bỏ rơi gần như tê liệt vì không có người đến khám bệnh. Ngành y tế bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát, không có khả năng điều phối. Trong khi một số nhân viên y tế đầu tắt mặt tối trong các cơ sở bệnh viện dã chiến, bệnh viện Covid… thì nhiều nhân viên y tế khác không có việc làm.
COI THƯỜNG Y TẾ TƯ NHÂN
TPHCM có một hệ thống y tế tư nhân hùng hậu với nhiều bệnh viện tư nhân, hơn 200 phòng khám đa khoa và cả ngàn phòng khám chuyên khoa. Khác với sự tưởng tượng của nhiều người, hệ thống y tế tư nhân ở TPHCM là lực lượng rất khao khát đóng góp cho xã hội. Trái ngược với sự ồn ào trong công tác xã hội của hệ thống y tế công, công tác xã hội của hệ thống y tế tư nhân tại TPHCM khá lặng lẽ, nhưng rất thực chất, hướng tới những mục tiêu cụ thể, đạt được những kết quả rất thiết thực.
Thế nhưng, ngay từ đầu, Sở Y tế TPHCM và chính quyền TPHCM đã phân biệt đối xử với hệ thống y tế tư nhân thông qua việc không chích vaccine cho nhân viên thuộc hệ thống phòng khám tư nhân. Những tưởng TPHCM, nơi có nền kinh tế thị trường phát triển, thì tư duy của cán bộ quản lí phải có đủ sự cởi mở. Nhưng sự phân biệt công tư thể hiện rõ qua việc Sở Y tế TPHCM gạt những người giữ vị trí quản lí các cơ sở y tế tư nhân ra khỏi danh sách chích vaccine cho thấy, họ coi thường y tế tư nhân như thế nào.
Trên thực tế, trong các hoạt động chuyên môn có liên quan đến cộng đồng, hệ thống y tế tư nhân đã phát huy năng lực của mình, đạt được những kết quả nổi trội hơn. Điển hình như việc chích vaccine cộng đồng. Với ưu thế có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các buổi khám sức khỏe với số lượng lớn, các đội chích vaccine cộng đồng của y tế tư nhân đã đạt được số lượng và sự an toàn rất cao.
KHÔNG SÒNG PHẲNG VỚI NHÂN VIÊN Y TẾ
Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM đã đưa ra lời kêu gọi nhân viên y tế tư nhân, nhân viên y tế về hưu tham gia chống dịch. Tuy nhiên, kêu gọi thì thống thiết, nhưng khi những nhân viên y tế tại chỗ tham gia chống dịch thì hoàn toàn không có bất cứ một phụ cấp nào. Trong khi đó, với lực lượng y tế chi viện từ miền Bắc vào, có đầy đủ chế độ phụ cấp, còn lo nơi ăn chốn ở.
Trong khi hệ thống y tế Phường đã không thể thực hiện được việc tư vấn, giám sát đối với F0 điều trị tại nhà, thì việc một số phòng khám thực hiện dịch vụ theo dõi, tư vấn cho F0 tại nhà, là việc làm giúp hạn chế thiệt hại của dịch bệnh. Vậy mà các cơ quan chức năng xúm nhau vô phạt các cơ sở làm dịch vụ ấy, góp phần làm cho tình hình thêm rối loạn.
Đây là sự thiếu sòng phẳng. Bình thường, có lẽ cơ quan quản lí nhà nước nắm quyền sinh quyền sát đối với hệ thống y tế tư nhân, nên muốn sai bảo, phạt vạ gì cũng được. Tuy nhiên, khi đó, người ta có thể nhịn để cho việc hành nghề không bị quấy nhiễu. Còn trong tình hình dịch bệnh, nguy cơ phá sản, nguy cơ “sập tiệm” luôn chực chờ. Sự quấy nhiễu, đòi hỏi cũng cần phải giới hạn, ở mức người ta có thể chịu đựng được để tồn tại.
KẾT LẠI
Muốn sống chung với virus Vũ Hán mà không phải là sống trong địa ngục, thì việc đầu tiên mà nhà nước này, chính quyền này phải làm, là bằng mọi cách duy trì sự tồn tại và khả năng hoạt động của hệ thống y tế. Mấy tháng qua, các diễn biến của dịch đã cho thấy tầm quan trọng của hệ thống y tế.
Các quyết định liên quan đến dịch bệnh phải thực sự xuất phát từ y tế. Mà đó phải là y tế đúng nghĩa, chứ không phải loại y tế vâng dạ, lúc nào cũng chỉ biết phục vụ lợi ích cho nhóm của mình mà bất chấp lợi ích của dân, của nước. Nếu vì bất cứ lí do gì mà bất cứ ai, kể cả lãnh đạo cấp cao nhất, cho rằng mình có đủ khả năng đứng trên y tế để ra các quyết định liên quan đến dịch bệnh, đều sẽ chỉ mang lại thảm họa cho dân, cho nước mà thôi.
Song song đó, việc rà soát lại năng lực cán bộ quản lí y tế từ trung ương đến địa phương. Hãy mạnh dạn loại bớt những cán bộ y tế chỉ biết làm theo lệnh một cách thụ động, không đủ khả năng tham mưu cho chính quyền ra quyết định đúng đắn. Nhà nước này, chính quyền này cần mạnh dạn giảm nhẹ tiêu chuẩn trung thành với lí tưởng cộng sản, các tiêu chuẩn về chính trị, mà đề cao khả năng chuyên môn trong công tác nhân sự quản lí y tế.
Nhà nước Việt nam cần nhìn nhận, hiện nay, y tế tư nhân đã là một lực lượng có sự ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội. Tất cả cán bộ nhà nước, từ lãnh đạo cấp cao nhất, đến cán bộ quản lí ngành y ở cấp độ thấp nhất, cần phải có được tư duy, để cho y tế tư nhân lo được phần nào là tốt cho xã hội phần đó.
Hãy để qui luật thị trường hỗ trợ nhà nước trong việc chăm lo sức khỏe cho người dân. Nhà nước hãy chăm lo phần nào mà thị trường không chăm lo được. Và, nhà nước, chính quyền cần phải sòng phẳng với y tế tư nhân, và với nhân viên y tế nói chung.
Việc sống chung như thế nào với virus Vũ Hán trong thời gian tới có thể sẽ ảnh hưởng cả đến sự tồn vong của chế độ này, chứ không chỉ đơn thuần là địa ngục cho người dân hay không. Thiết nghĩ, chính quyền cần ý thức được điều này.
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào