Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI SÁU

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI SÁU Chính quyền thành phố đã bắt đầu những chủ trương và đề ra các biện pháp giảm giãn cách. Mục đích là...

SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI SÁU

Chính quyền thành phố đã bắt đầu những chủ trương và đề ra các biện pháp giảm giãn cách. Mục đích là sẽ bình thường hoá đời sống của Sài Gòn sau thời gian dài thi hành nhiều biện pháp không mang lại hiệu quả. Thành phố đã bắt đầu chỉ thị 16 từ 9.7.2021. Đến nay qua nhiều lần siết chặt, giới nghiêm đã đến ngày thứ 66. Mọi người đang mong muốn sẽ bình thường cuộc sống nhưng cuộc sống sẽ không còn bình thường như xưa được nữa. Cơn đại dịch đã mang đến thành phố này những đổi thay và mất mát quá lớn. Làm sao mà bình thường được khi có người đã mất vợ, mất chồng, mái ấm gia đình tan nát cả. Làm sao bình thường được nữa khi chỉ trong thời gian ngắn ngủi, cha mẹ già lần lượt ra đi, bạn bè, người thân cũng không còn. Làm sao bình thường trở lại khi những người con bỗng chốc trở thành kẻ mồ côi, bơ vơ lạc lõng giữa cõi đời. Cũng khó có thể bình thường khi những đứa con mang nặng đẻ đau nuôi lớn bỗng một ngày tắt thở vì dịch bệnh. Bao ước vọng, bao ước mơ, bao tin yêu bỗng chốc sụp đổ. Cũng không thể bình thường khi trên bàn thờ của nhiều gia đình có thêm những hủ tro cốt xếp hàng và nhiều người chết giờ vẫn còn nằm trong ngăn lạnh. Chúng ta sẽ không thể trở lại cuộc sống bình thường như cũ nữa. Đó là một thực tế phải chấp nhận. Kinh tế sa sút có thể một năm, hai năm hay năm năm, mười năm nữa sẽ phục hồi và phát triển. Những những người mất đi trong cơn đại dịch làm sao có thể tái sinh. Mất mát lớn nhất của dịch bệnh đi qua thành phố này là con số tử vong. Khu nào cũng có người chết, trẻ có, già có, giàu có, nghèo có. Tất cả lặng lẽ ra đi không lời tiễn đưa, không kinh cầu, không đèn hoa. Đó chính là bi kịch lớn nhất mà con người đã chứng kiến và cũng là nạn nhân khi con virus tung hoành ở thành phố này.

Có nhiều nguyên nhân để đưa đến những bi kịch, có nhiều vụng về, lúng túng, sai sót trong cách xử trí khủng hoảng. Cũng không thiếu những sai lầm cần rút ra những bài học. Nhưng rồi phải chấp nhận, chấp nhận những cái chết oan khiên không đáng có, chấp nhận những hoang mang, căng thẳng, lo âu, thiếu thốn và tù hãm thật ra cũng không đáng có. Thời gian cũng đang trôi đi, dịch bệnh cũng đang có dấu hiệu giảm dần, số người tử vong hàng ngày cũng đang dần ít đi. Còn được sống còn có quyền hi vọng. Nhưng có hi vọng được không?

Trong chuỗi ngày dài sống trong sợ hãi và âu lo, con người có thể sẽ có những thay đổi, có cái nhìn khác về cuộc đời, về tham vọng, về lợi danh. Con người sẽ thấm hơn về lẽ vô thường. Những cái chết nhanh chóng vì thiếu một hơi thở, vì thiếu sự chăm sóc kịp thời sẽ cho người ta thấy rõ hơn lằn ranh sinh tử chỉ là một khoảnh khắc, chỉ là một phút giây. Để rồi ngộ ra một điều tất cả là vô nghĩa. Buông hai tay là chẳng còn gì. Một thân xác mới thấy đó, hiện diện trong cõi đời với một số phận bỗng chốc chỉ còn là một nắm tro. Một con người trong phút chốc đã biến mất hẳn trên cõi đời này. Hơn thua, được mất, tiền tài, danh vọng, nhan sắc, lợi danh chẳng còn ý nghĩa chi nữa.

Con virus Vũ Hán bay lơ lửng đó đây và cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu hết về nó. Người chưa tiêm vaccine cũng nhiễm mà người đã tiêm vaccine đủ liều vẫn nhiễm, và cũng có người vẫn diễn biến nặng và tử vong. Loài người cứ nghĩ rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch. Nhưng rồi chưa hẳn thế. Mỹ rồi Israel đã tiêm chủng nhưng số người nhiễm vẫn liên tục. Khoa học đang tìm mọi cách để hiểu hơn về nó và tìm đủ biện pháp để ngăn chận nó. Nhưng cho đến giờ vẫn chưa tìm ra. Cấu trúc của virus Vũ Hán là một loại vi khuẩn đơn giản nên cứ sau 106 lần nhân lên của virus lại xuất hiện 1 đột biến mới. Như vậy thì hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có chủng virus mới. Chủng virus mới này chưa đủ mạnh để gây thành dịch do biến chủng mới mà thôi. Chỉ mới biến chủng Delta mà nhân loại đã rùng mình rồi, nếu giờ thêm biến chủng mạnh khác nữa chắc là bó tay thôi. Và đành phải sống chung với nó. Sống chung và rút ra những bài học cho cuộc sống. Tai nạn giao thông hàng năm chết chục ngàn người, ung thư hàng năm chết hàng trăm ngàn người, chết vì bệnh tim mạch cũng là con số lớn nhưng rồi người ta vẫn không sợ hãi, không hoang mang như nhiễm và chết vì con virus. Và cũng có người lại bảo rằng sao chỉ nói về tác hại của Covid mà rất ít người nhìn nhận khía cạnh tích cực của nó. Tôi cho rằng không nên có suy nghĩ khía cạnh tích cực về đại dịch mà chỉ là chấp nhận nó và tìm cách để sống chung bình thường với con virus đó mà thôi.

Đó là những kinh nghiệm để thích nghi với cuộc sống bị tù hãm, bị  xáo trộn những sinh hoạt thường ngày. Tập thích nghi để tiếp tục sống được trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tập bình thản không kêu ca để được tâm yên. Tập làm những việc mà trong cuộc sống bình thường ta không làm hoặc không muốn làm và giờ đây ta biết rõ là chuyện gì nếu muốn và cố gắng, ta vẫn làm được cả. Tức là tạo cho bản thân kỹ năng sống trong mọi hoàn cảnh. Ăn thiếu một chút, ăn dở hơn bình thường, thiếu cái này, hụt cái kia rồi cũng xong một ngày, cũng qua một bữa. Càng thấm hơn cái triết lý cứ biết đủ là đủ. Hiểu được lẽ vô thường, chúng ta sẽ học cách bao dung hơn, yêu thương, quan tâm đến những người chung quanh hơn, quên bớt cái tôi của mình đi. Chứng kiến cảnh nhiều người chết hàng ngày, chúng ta học bớt dân si, bớt tham lam, bớt ham danh vọng bởi cái chết lúc nào cũng rình rập quanh ta. Hãy học thêm yêu thương, hãy mở lòng ra với những thân phận, hãy biết sẻ chia. Đừng đòi hỏi riêng cho mình nhiều quá mà học bài học cảm thông để chia sẻ cho mọi người và đồng cảm cho mọi hoàn cảnh. Dịch bệnh cũng cho ta tập kiên nhẫn và tập hoà hợp. Kiên nhẫn để có thể chịu đựng và hoà hợp để cùng mọi người chung lòng vượt qua những khó khăn. Dịch bệnh còn cho ta thấy rõ đàng sau những cao ốc chọc trời, những chiếc xe trăm tỷ, những áo xiêm loè loẹt, những ký hột xoàn chiếu sáng, những cuộc ăn chơi thâu đêm của các thiếu gia, đại gia là hàng triệu con người thiếu ăn, sống lam lũ trong những căn nhà chật hẹp, những phòng trọ thiếu tiện nghi của một cuộc sống con người. Những số phận đó ngày thường đã bị che lấp bởi nhịp sống hối hả của Sài Gòn. 

Và ta cũng nên biết sống cho mình, cứ làm những điều mình khao khát, mình ước mơ, mình ưa thích vì nhiều khi chúng ta sẽ chẳng còn cơ hội để thực hiện. Những bi thương của nhân loại đang gánh chịu duy cho cùng cũng do lỗi ở con người. Phá rừng, làm những dòng sông khô kiệt, đầu độc biển cả, phá hoại môi trường, vì lợi lộc mà tự đầu độc nhau, bắn giết lẫn nhau, đua nhau chế tạo những vũ khi giết người nhanh nhất, nhiều người chết nhất, nghiên cứu và phát triển những vi khuẩn độc hại để mong bá chủ thế giới..lỗi là từ con người cả. Và cũng đã đến lúc loài người bị trừng phạt chính bởi những âm mưu của chính mình. Con người vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Dịch bệnh, chiến tranh như là một quy trình để sàng lọc loài người, thanh lọc nhân loại.

Năm 430 TCN, dịch bệnh Athens là đại dịch đầu tiên được ghi lại trong bối cảnh chiến tranh Peloponnesian, với các triệu chứng giống bệnh thương hàn, bao gồm sốt dữ dội, khát nước, cổ họng và lưỡi bị sưng viêm, da đỏ. Dịch đã giết chết gần 100.000 người thời đó.
Năm 165 có Đại dịch hạch Antonine khiến 5.000 người chết mỗi ngày vào giai đoạn cao điểm. Không có con số chính xác về tổng số người thiệt mạng trong đại dịch này, nhưng ước tính con số không dưới 1 triệu. Tình hình bất ổn trong đại dịch đã góp phần chấm dứt thời kỳ Pax Romana (Hòa bình La Mã).
Năm 250, đại dịch hạch Cyprian xuất hiện đã ảnh hưởng tới đế chế La Mã giai đoạn từ năm 249 - 262.
Năm 541, bệnh dịch hạch Justinian xuất hiện ở Ai Cập sau đó lây lan khắp Palestine và đế quốc Byzantine, tổng số nạn nhân lên đến hơn 50 triệu người (chiếm 26% dân số thế giới).
Năm 1350, đại dịch “Cái chết đen” đã cướp đi sinh mạng của 1/3 dân số thế giới, khoảng 75 triệu người. Bệnh dịch được gây ra bởi một chủng vi khuẩn có tên là Yersinia Pestis, bắt nguồn từ châu Á.
Năm 1492, người Tây Ban Nha xuất hiện tại vùng Caribbean và mang theo những căn bệnh từ châu Âu như đậu mùa, sởi và nhiều bệnh dịch khác. Vì chưa có hệ miễn dịch nên gần 90% dân số ở phía bắc và nam vùng Caribbean đã thiệt mạng bởi các dịch bệnh.
Đại dịch hạch ở London (Anh) xảy ra từ năm 1665 - 1666 là một trong những trận dịch lớn nhất trong lịch sử thế giới. Vào thời điểm vua Charles II rời khỏi thành phố vào tháng 7, dịch bệnh này đã giết chết khoảng 1.000 người/tuần, và khi dịch bệnh kết thúc, số người tử vong lên đến 100.000, tương đương 15% dân số London.
Năm 1817, nhân loại nhận đại dịch tả lần thứ nhất trong số bảy đại dịch tả trong vòng 150 năm sau đó. Dịch tả bắt nguồn từ nước Nga, rồi theo những người lính Anh truyền đến Ấn Độ, tiếp đó là Tây Ban Nha, châu Phi, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Đức và Mỹ, đã làm thiệt mạng 150.000 người.
Năm 1889 ghi nhận dịch cúm ở Nga xuất phát từ Siberia và Kazakhstan, sau đó lây lan vào Moscow và tới nhiều nơi khác ở châu Âu như Phần Lan, Ba Lan… khiến khoảng 360.000 người chết.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 là một trong những đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử. Dịch bệnh đã lây nhiễm cho khoảng 500 triệu người trên toàn thế giới (khoảng một phần ba dân số lúc đó) và khiến 50 triệu người tử vong. Đại dịch cúm 1918 được phát hiện lần đầu tiên ở Châu Âu, Hoa Kỳ và một phần của Châu Á trước khi nhanh chóng lan rộng khắp ra khắp thế giới. 
Trận cúm châu Á năm 1957, từ Hồng Kông lan sang Trung Quốc rồi đến Mỹ, cúm châu Á của chủng vi rút H2N2 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã lây lan chóng mặt trong vòng 6 tháng, giết chết 14.000 người và tiếp tục bùng phát thêm một đợt cúm tại Mỹ làm 69.800 người chết. 
Và một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều năm gần đây là đại dịch HIV/AIDS năm 1981 - chủng vi rút làm suy giảm miễn dịch ở người. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa, tính đến đầu những năm 2000, đã có gần 35 triệu người tử vong.

Điểm qua những cơn đại dịch đã diễn ra trên thế giới từ trước đến nay, đại dịch virus Vũ Hán chưa tàn phá và giết chết nhiều như những cơn đại dịch trước đó. Đến nay số ca tử vong vì virus Vũ Hán trên thế giới khoảng 5 triệu người, nhưng cũng là cơn đại dịch của đầu thế kỷ XXI khiến thế giới chao đảo.

Trở lại tình hình dịch ở Sài Gòn, chiều hôm qua 11.9, phát biểu kết luận tại hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chiều 11-9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói TP.HCM có thể không kiểm soát được dịch trước 15-9, phải xin thêm thời gian, có thể tới hết tháng 9.2021 để thực hiện Nghị quyết 86 của trung ương. Ông cũng cho rằng không thể giãn cách nghiêm ngặt quá dài, quá sức chịu đựng của dân. Tuy nhiên, khó có thể quét sạch F0 trong một thời gian nhất định. Theo ông Nên, việc giãn cách hay nới lỏng đến mức độ nào còn phụ thuộc vào chuyển biến tình hình dịch bệnh và nguy cơ của từng khu vực, từng địa bàn. Cũng theo đó, có thể thành phố không hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9 theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, mà chỉ có một số quận, huyện hoàn thành. 
Nói tóm lại, dân thành phố tiếp tục chịu đựng cho đến đầu tháng 10 mới có thể hi vọng giảm giãn cách và mở màn cho những sinh hoạt trong hạn chế. Giờ đây, trên các mạng thấy xuất hiện câu"Bao giờ cho đến tháng mười", tên của một bộ phim ăn khách đã lâu lắm rồi ở miền Bắc.

Ngày 9.9 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố vừa trình Ủy ban Nhân dân phương án mở cửa trường học lại, tại địa phương nếu được được cho là an toàn trước dịch. Theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc mở cửa học trực tiếp sẽ ưu tiên các lớp nhỏ từ mầm non đến lớp một, lớp hai và cuối cấp là lớp chín và 12, sau đó sẽ mở rộng tiếp các lớp năm, lớp sáu, lớp 10 và các lớp còn lại.

Phương án này bị dư luận phản ứng, nhất là các phụ huynh. Họ cho rằng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát như hiện nay, việc cho con em đến trường là một việc nguy hiểm, không an toàn cho học sinh. Có người còn mạnh miệng hơn bảo là thà học ngu hơn là chết, nên chấp nhận học lại một năm cũng không sao. Tính mạng của con cái là quan trọng nhất. Đến trường lúc này rất dễ biến lớp học thành ổ dịch vì người nhiễm bệnh rất nhiều. Nhất là người nhiễm không triệu chứng. Học sinh có địa chỉ cư trú nhiều khu vực khác nhau, biết khu nào là an toàn? Ngay giáo viên cũng thế, dù có được chích đủ 2 mũi khả năng nhiễm bệnh vẫn xảy ra và chắc chắn sẽ truyền bệnh cho cả lớp học. Trẻ em Việt Nam cũng chưa có chủ trương chủng ngừa, khả năng lây nhiễm rất cao.

Biện pháp là sẽ học trực tuyến, nhưng cách học này cũng đang gặp nhiều trở ngại. Đầu tiên là các giáo viên không chuyển tải được tất cả kiến thức đến với học sinh, chỉ lấy những cái nào trọng tâm. Học sinh tiếp thu cũng kém vì bị chi phối và không tập trung. Con nhà nghèo, con em lao động sẽ không đủ thiết bị để học tập, hệ thống mạng chập chờn cũng là một lý do khó khăn khi học online. Các học sinh còn nhỏ khi tiếp xúc với điện cũng cần được theo dõi để có an toàn khi sử dụng các thiết bị điện tử. Một học sinh 10 tuổi ở Hà Nội vừa bị điện giật chết khi học online là một kinh nghiệm cần lưu tâm. Việc đưa học sinh đến lớp là vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn nữa, không nên vội vàng sẽ đưa đến những hậu quả khó lường.

Hôm nay 12.9, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng tình hình dịch bệnh ở TP.HCM giảm rõ rệt trên cả 2 tiêu chí về số ca mắc trong cộng đồng và số tử vong, đặc biệt số tử vong đã giảm 30%. Kể từ 27-4 đến ngày 12-9, TP.HCM có tổng số 291.871 ca mắc COVID-19, trong đó có 11.792 ca tử vong.
Theo đánh giá, số ca mắc mỗi ngày tuy có chiều hướng giảm nhưng chưa ổn định qua các ngày, như 11.9 là 5.629; 10.9 là 7.539 ca; 9.9 là 5.549 ca, 8.9 là 7.308 ca. Số F0 được phát hiện theo ngày tại các quận, huyện cũng có giảm nhưng con số này chưa ổn định.
Dữ liệu trên Cổng thông tin của ngày 12-9 cho thấy số bệnh nhân tử vong có chiều hướng ngày càng giảm. Nếu tính từ mốc ngày 22.8 số ca tử vong cao nhất là 340 ca, thời gian gần đây số ca tử vong giảm liên tục, trung bình mỗi ngày giảm từ vài chục ca đến hơn 100 ca. Điển hình ngày 7.9 là 268 ca, 8.9 là 203 ca; ngày 9.9 là 195 ca và đến ngày 10.9 là 188 ca.

Với những con số thống kê trên cho thấy tình hình dịch có chiều hướng giảm số tử vong nhưng con số người nhiễm vẫn còn cao cà không ổn định . Quan điểm tìm mọi biện pháp để giảm ca tử vong là một phương cách đúng, nhưng muốn được vậy, thành phố phải tăng cường nhân lực cho các cơ sở và bệnh viện điều trị. Hiện nay thành phố đang thiếu đội ngũ này nên bệnh nhân không được chăm sóc, theo dõi kịp thời, cứ trở nặng là tử vong.

Dự thảo kế hoạch của thành phố, người tiêm đủ 2 mũi vaccine, người nhiễm dịch đã khỏi bệnh được cấp thẻ xanh tham gia các hoạt động xã hội. Vậy những người nhiễm bệnh tự chữa ở nhà lành bệnh, ai chứng nhận để cấp cho họ cái thẻ xanh cho họ được đi làm việc, đi ra đường sinh hoạt. Mọi người đủ điều kiện để cấp thẻ, nhưng cho đến nay chính quyền vẫn chưa thống nhất được một cái mẫu chung về thẻ xanh. Có nơi giấy chứng nhận rất nghiêm chỉnh như BV Đại học Y Dược nhưng các địa điểm tiêm chủng thì chỉ là mảnh giấy mỏng với những chi tiết qua loa, nhiều chỗ viết tháu khó đọc, những mảnh giấy này chỉ dùng vài ba hôm là rách bươm. Khoa học nhất là tạo app trên điện thoại như Sổ sức khoẻ điện tử đã có nhưng lại đang quá lộn xộn và thiếu cập nhật chính xác. Thế thì yêu cầu thẻ xanh để quản lý việc bình thường hoá sinh hoạt mà không làm được cho rõ ràng và khoa học cái thẻ xanh này thì lại gáy cảnh lộn xộn không thể kiểm soát được. Đây cũng là khâu yếu nhất của các bộ phận phụ trách việc này.

Lại sắp vào chiều, đâu đó đang chờ cơn bão tới, lại sắp hết một ngày mà vẫn chưa thấy một tín hiệu chi vui. Đành tiếp tục chờ. Lâu cũng quen rồi mà.
12.9.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi sáu
DODUYNGOC











2 nhận xét

  1. Không gì lan nhanh bằng sợ hãi! Giết 1 người sao cho 100 người trông thấy phải hãi sơ ; 1 đồn 10 , 10 đồn 100 ... cứ thế nhân lên ! Cải Cách Ruộng đất , xử dụng yếu tố này ; Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam cũng dùng cách này , bêu đầu ghim bản án vào ngực ...

    VHY từ thằng y lên thần y phải mất hơn 5,6 năm trong thời đại vi tính công nghệ 4.
    Coronavirus chỉ một sớm một chiều , qua các hình ảnh photoshop từ Vũ Hán , một nhà nước độc tài toàn trị .
    Đương nhiên SỢ HÃI lan nhanh hơn cháy rừng Ca li;vụ VHY không dính dáng sợ hãi nên lan chậm ... mãi 1 , 2 năm gần đây mới tới Úc tới Mỹ ... rồi chết luôn !

    Một chút về KInh Dịch : lợi luôn đi với hại; không thể chỉ có lợi mà không có hại .
    Thân thể con người ta hay động vật đều có đối xứng , kẻ đường thẳng từ đầu đến đít, chúng sẽ đối xứng , ta gọi là bên phải bên trái ! Theo kinh dịch , sự sống , sự việc đều có đối xứng , đều có lợi , có hại cùng xảy ra một lúc .

    Nên càng không thể không bàn tới cái lợi của Coronavirus ! Cái hại thì ai cũng thấy ai cũng nghe , cũng biết không ít thì nhiều . Nếu chỉ gục đầu vào TV , báo chí nhà nước định hướng ... thì hà rầm những điều hãi hùng ghê rợn ... dễ thôi , vì ai mà chẳng sợ chết !!!

    Cái lợi :
    - Không khí trong sạch hơn trước đại dịch .
    - Đường xá cỏ vẻ sạch và rộng hơn trước .
    - Thoáng mát hơn , không tấp nập , không xô bồ .... đáng yêu , đáng sống hơn lúc trước .
    - Bớt người chết vì "tiểu dịch " giao thông .

    Riêng ở Mỹ , nhờ Coronavirus mà mấy tiểu bang tự đổi cách bầu cử , cho tất cả và khuyến khích bỏ phiếu bằng thư và đảng Dâm chủ đắc cử , dù rằng ông Biden chỉ vận động bầu cử tại dưới basement của ông ; hình như cũng ra ngoài hai hoặc ba lần , mỗi lần có khoảng từ vài chục và đông nhất là 1 trăm người ; nhưng ông đã thắng cử vẻ vang.
    Trong khi ông Trump bay hết chỗ này tới chỗ kia , cả chục tiểu bang để cổ động , mỗi lần mỗi nơi ông đến là cả trăm ngàn người đến nghe và xem mặt ; ít lắm cũng phải từ trên 50000 ... rốt cuộc ông thất cử !

    Vậy thì rõ ràng virus có lợi cho :
    - ông Biden , phe tả , phe thân Tàu .
    - Các nhà đại tư bản bán hàng như Amazone , big siêu thị , big Pharma .....
    - Giai cấp thống trị , cầm quyền ... tăng thêm quyền lực , tha hồ o ép dân , hét ra lửa mửa ra khói ..
    - Vin và Coronavirus đưa dân vào khuôn khổ , khép mình vào kỷ luật ... vì lợi ích cộng đồng , nhân danh cộng đồng ra hết luật này , chỉ thị nọ ... tha hồ lockdown .
    - Dân thiệt thòi nặng , nhưng nhà nước lời to qua những áp phe khủng !
    - ......

    Bản thân 73 tuổi Tây , 74 tuổi Ta , không chích ngừa , hôm rồi dắt người bệnh đi cấp cứu , dắt tức cầm tay đỡ cho khỏi té . Hôm sau được tin người bệnh dương tính ! Mịa , người này đã full chích ngừa với Pfizer !
    Hoảng vì tiếp xúc trực tiếp , lấy test , âm tính , hai hôm sau , cổ cứng và đau , cử động hơi khó ... Cách ly tại nhà 14 ngày, nghiêm túc nhá .

    Hai ngày sau cổ hết đau , cử động bình thường trở lại .... chờ đủ 14 ngày test lần nữa nếu không thấy triệu chứng gì lạ xảy ra .
    Đây là chứng nhân sống, đang gõ hầu quí anh quí chị về con biến chất delta , gây bao khốn khổ chết oan ức cho thành phố thân yâu của tôi nói riêng , cả nước nói chung !!!

    Trả lờiXóa
  2. Mịa kiếp Mỹ - Pháp vỗ ngực văn minh tiên tiến , cái đếch gì cũng hay cũng giỏi , cũng đứng đầu thế giới .
    Nhìn đọc những trang mạng mới biết tụi nó NGU hết biết. Người ta không có vắc xin chích ngừa .... còn chúng kéo nhau biểu tình chống đối vắc xin : https://www.voanews.com/covid-19-pandemic/fourth-week-french-protest-health-pass-vaccine-mandate

    Đọc mệt nghỉ hết Mỹ thà mất việc , chứ không chích , đến các nước Âu châu ...chống đối vaxx pass . Ngu bỏ mẹ , khôn chỗ nào đâu ? Chỉ có nhà nước ta hưởng lợi , bọn chúng thua trận là đúng 100/100 .
    Đọc thêm cho biết :https://www.yahoo.com/news/ny-hospital-puts-baby-deliveries-142047577.html?.tsrc=fp_deeplink

    Y tá bác sĩ , nhân viên y tế bỏ việc vì sợ chích vắc xin , nên không đủ người đỡ đẻ và săn sóc trẻ sơ sinh ... phải tạm không nhận mấy baô đi đẻ !!

    https://news.yahoo.com/anti-covid-vaccine-protesters-clash-180137630.html

    Hy Lạp cũng ngu luôn !! Chỉ nhà nước và đảng ta là đỉnh của đỉnh !!!

    Trả lờiXóa