SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI TÁM. Tính đến hôm nay, con số tử vong vì đại dịch virus Vũ Hán ở Việt Nam đã lên đến 15.936 ca. Trong số...
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI TÁM.
Tính đến hôm nay, con số tử vong vì đại dịch virus Vũ Hán ở Việt Nam đã lên đến 15.936 ca. Trong số gần 16 ngàn người chết đó đã để lại biết bao nỗi đau cho những người còn sống. Đau đớn nhất là những đứa trẻ, cơn dịch đến và đem đi mất những người thân yêu nhất. Có những đứa trẻ mất cha, có đứa mất mẹ, có nhiều cháu bất hạnh hơn là mất cả cha lẫn mẹ. Nhiều gia đình mất luôn ông bà hay cô chú. Cũng có trẻ mất hết tất cả, chỉ còn một mình trơ trọi ở cõi đời. Bi thương không kể hết được và tương lai, những đứa trẻ ấy phải biết sống làm sao? Chỉ trong vài tháng, thành phố đã có gần vài ngàn đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi trong cơn đại dịch. Theo báo cáo của Sở Giáo Dục, đã có hơn 1.500 học sinh mồ côi vì cha, mẹ mất trong cơn dịch.
Chỉ mới đây thôi, các cháu vẫn còn cha, còn mẹ, còn ông bà và còn một gia đình êm ấm. Giờ mất tất cả, tan nát hết cả. Có đứa chứng kiến những người thân chết ngay trong căn nhà, trước mắt chúng. Cũng có đứa không thấy được người thân lần cuối, nhìn cha mẹ, ông bà được chở đi khi còn nguyên vẹn hình hài và trở về chỉ là nhúm tro trong hủ cốt.
Trên tạp chí khoa học The Lancet số tháng 7. 2021, thế giới hiện có hơn 1,5 triệu trẻ mồ côi vì dịch. Một nghiên cứu khác của CDC Mỹ, USAID, World Bank và Đại học London cho thấy trên toàn cầu cứ hai người chết vì virus Vũ Hán thì có một đứa trẻ bị mất cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Những đứa trẻ trong hoàn cảnh đó bị sang chấn tâm lý nặng nề. Chúng bị khủng hoảng khủng khiếp. Phản ứng của chúng có thể là không nói hoặc nói ít lại, thu mình lại, giấu cảm xúc, trầm cảm và tự kỷ. Có đứa sẽ la hét không kiểm soát, tinh thần luôn bất ổn. Nỗi đau này khiến những đứa trẻ bị lâm vào khủng hoảng thần kinh và tâm lý đó nhiều khi theo suốt đời chúng. Nỗi cô độc không người thân, không có chỗ nương tựa gây cho chúng một nỗi bất an. Chưa kể có nhiều cháu lâm vào cảnh thiếu thốn vật chất, không ai nuôi nấng, chăm sóc. Sự mất mát xảy ra quá đột ngột khiến những đứa trẻ mất phương hướng, mang mặc cảm không giúp được gì cho người thân, không chăm sóc được cha mẹ, ông bà khi họ bệnh, không đưa tiễn hay được gặp mặt người thân lần cuối. Trẻ có thể mang nỗi đau này khiến chúng dễ bị suy sụp và đưa đến những suy nghĩ hay hành động tiêu cực. Cơn đại dịch rồi cũng sẽ qua đi nhưng nỗi đau này ở lại trở thành một di chứng khó chữa trong lòng của trẻ.
Không chỉ có những đứa trẻ, nhiều người già cũng lâm vào cảnh bi thương không còn ai nuôi nấng hay chăm sóc sau khi cơn đại dịch đi qua thành phố. Anh bạn tôi vừa qua đời hôm trước vì nhiễm dịch, để lại một ông bố già tuổi 90 đã lẫn và bà mẹ già tuổi hơn 80 đang bị tai biến. Anh là một người con hiếu thảo, lâu nay trực tiếp chăm sóc bố mẹ. Các con anh đều đang du học nước ngoài. Hai vợ chồng anh đã ly hôn mấy năm nay. Giờ anh mất đi, không biết rồi hai ông bà cụ sẽ sống làm sao? Không biết còn ai chăm sóc cho họ. Và chắc chắn những người già có hoàn cảnh như thế cũng sẽ bị khủng hoảng tâm lý nặng nề và cuộc sống chắc cũng khó được dài lâu.
Sau khi có thể tạm yên với con virus, xã hội lại phải đối phó và điều trị cho những số phận bất hạnh này. Một công việc cũng không dễ gì vì nó là tâm bệnh, là hậu quả của những cú sốc tâm lý.
Chiều 13.9, trong một cuộc họp báo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành phố cho hay, thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tới hết tháng 9. Đồng thời sẽ thực hiện những bước thận trọng để giảm lần giãn cách xã hội theo ba giai đoạn. Với tình hình hiện tại, để chuẩn bị mở cửa trong điều kiện "bình thường mới", cần chuẩn bị kế hoạch cẩn trọng, có cân nhắc, tuyệt đối giữ vững nguyên tắc "quản lý được đến đâu, mở cửa đến đó". Chủ trương của thành phố là thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người. Bởi cho đến hôm nay, số người nhiễm vẫn còn cao, báo cáo chiều nay thành phố có 6.312 ca nhiễm và 199 ca tử vong.
Cũng theo ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch thành phố cho biết, để thuận lợi cho việc lưu thông, phân phối. Kể từ ngày 16.9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Đồng thời để tiếp tục hỗ trợ người dân khi giãn cách vẫn còn kéo dài, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ có gói an sinh thứ 3 gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn.Theo ông Mãi, đây cũng là một vấn đề rất quan trọng mà thành phố phải quan tâm. Trước đây đã thực hiện 2 gói an sinh, thành phố đã cấp gần 6.500 tỉ, trong đó có kinh phí xã hội hóa 1.400 tỉ, còn lại là ngân sách. Khi thực hiện gói an sinh lần 1, phát hiện số người dân khó khăn nhiều hơn dự kiến, thành phố thực hiện gói hỗ trợ thứ 2 nhưng rồi khi triển khai gói thứ 2 cũng phát sinh thêm nhiều khu, nhiều người nữa. Lý do là những gia đình trước đây có thể chưa khó khăn, nhưng khi giãn cách xã hội kéo dài, khiến cuộc sống bị xáo trộn. Có thể một tháng họ chịu được nhưng giãn cách đến 2 tháng, 3 tháng thì số hộ gặp khó khăn tăng lên. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận cũng có nguyên nhân chủ quan là do các cấp chính quyền khi thống kê chưa đầy đủ và đây là khuyết điểm của thành phố. Quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, ngoài hạn chế chủ quan do chính quyền cơ sở thống kê chưa chính xác, trong quá trình tổ chức thực hiện còn chậm, sai đối tượng… chính quyền sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế, có rất nhiều lãnh đạo địa phương thiếu trách nhiệm với dân khiến dân kêu than và bất bình.
Ông Phan Văn Mãi cho biết dự kiến gói hỗ trợ thứ 3 lên gần 10.000 tỷ đồng. Đây là số kinh phí rất lớn, vượt rất nhiều khả năng ngân sách thành phố nhưng đây là việc phải làm để đảm bảo cuộc sống cho bà con.
Khi thành phố lâm vào cơn đại dịch, mới lộ rõ là ở thành phố này vẫn còn rất nhiều gia đình nghèo với cuộc sống lam lũ, kiếm ăn rất khó khăn. Bình thường họ có thể tìm mọi cách kiếm kế sinh nhai nhưng khi dịch đến, giãn cách kéo dài, cuộc sống của họ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Có đi vào những xóm nghèo, ngõ nhỏ mới thấy dân ta vẫn còn khổ lắm. Những căn nhà nhỏ, những xóm, những phường người ta sống chen chúc nhau trong những căn nhà hẹp, ẩm thấp. Ăn uống thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt còn tạm bợ nên dịch bệnh rất dễ bùng phát. Bởi thế, dân mong giảm giãn cách để có thể tiếp tục lao động kiếm sống. Cái đói và cái chết luôn đe doạ dân nghèo nếu giãn cách mãi kéo dài. Gói an sinh rồi cũng chỉ giúp họ một tuần, mười ngày, rồi cái thiếu ăn vẫn đè nặng. Lối thoát duy nhất là họ được làm việc, được bán buôn, được kiếm ăn bằng sức lao động của mình. Thành phố cũng nên xúc tiến liên hệ với các địa phương để giúp một số người nhập cư có nguyện vọng trở về quê quán. Sau đại dịch, số người muốn về quê cũng không ít, giữ họ lại thành phố khi chưa kiếm được công ăn việc làm thì chỉ khiến cho cuộc sống của họ thêm bế tắc.
Cho đến hôm nay, thành phố vẫn luẩn quẩn chuyện thẻ xanh và việc chứng nhận tiêm chủng trên app ở điện thoại. Phần mềm hoạt động không kịp thời, sai sót quá nhiều chứng tỏ không hiệu quả. Thành phố hi vọng sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn, một trong những tiêu chí an toàn đang nghiên cứu là thẻ xanh dựa vào điều kiện tiêm chủng hay xét nghiệm để đánh giá mức độ an toàn các hoạt động của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Và rồi thành phố lại cho ra đời thêm một app mới hi vọng khắc phục lỗi của nhiều cái app trước. Đó là ứng dụng "Y tế HCM".
Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Y tế phát triển ứng dụng "Y tế HCM" thành ứng dụng thống nhất hỗ trợ người dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch. Sẽ làm thí điểm một số quận, huyện, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi toàn thành.
Người dân được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.
Mã QR sẽ có thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.
Người dân khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn trước khi ra đường; xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.
Không biết với cái app này nữa, chính quyền đã đủ để quản lý dân chưa? Sức sáng tạo của mấy cái đầu trí tuệ của ta kinh thật, app ra liền tù tì. Nhưng mà khổ toàn nửa nạc nửa mỡ chẳng đi đến đâu. Rồi mai lại cho ra đời thêm vài cái nữa góp thêm đã gần 20 cái app đã có sẵn lâu nay. Riết rồi nghe app với mã code là ngán tới cổ.
Trở lại việc dự tính cho học sinh trở lại trường, phản ứng của phụ huynh là không đồng tình. Tình trạng học sinh, giáo viên đang nhiễm dịch rất nhiều, đến trường, vào lớp là rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm chéo rất cao. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục, hơn 13.000 người trong ngành giáo dục đã dính bệnh.
Cụ thể, thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 4.9, nước ta đã có đến 3.001 cán bộ, giảng viên, giáo viên và 10.224 học sinh, sinh viên nhiễm dịch. Đa số bệnh nhân này đều tập trung tại thành phố, với 6.589 học sinh và 2.083 giáo viên. Thế thì mở trường làm gì khi biết chắc nó sẽ thành ổ dịch. Thôi cứ tạm thời học ở nhà đi, được chữ nào hay chữ nấy. Sinh mạng của con em là quan trọng.
Đã hơn 120 ngày giãn cách, đã đến ngày thứ 68 siết chặt, giới nghiêm, cũng đã có gần 12.500 người thành phố này đã chết vì con virus. Đã có biết bao thảm cảnh diễn ra ở thành phố này. Đã đến lúc cần một lối thoát và mong chờ những ngày tháng an bình sẽ đến.
14.9.2021
Sài Gòn lockdown ngày thứ sáu mươi tám.
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào