TÔI ĐI HỌC: NGƯỢNG THAY CHO PGS.TS. NGÔN NGỮ HỌC HOÀNG DŨNG! Tôi xin giấu cái sự ngượng trước để cảm ơn PGS.TS. Hoàng Dũng vì đã có bài trả ...
TÔI ĐI HỌC: NGƯỢNG THAY CHO PGS.TS. NGÔN NGỮ HỌC HOÀNG DŨNG!
Tôi xin giấu cái sự ngượng trước để cảm ơn PGS.TS. Hoàng Dũng vì đã có bài trả lời thay cho các tác giả Sách giáo khoa Tiếng Việt, bộ Kết nối tri thức do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên.
Bỏ qua những phần chày cối lủng củng để mắng tôi, bài phản biện dài của ông Dũng nằm trọng tâm ở 2 ý: 1) Tôi, Chu Mộng Long, hỗn với nhà văn Thanh Tịnh khi viết: “Thanh Tịnh không ngu đến mức”, 2) Cả 4 câu của đoạn thứ 2 SGK đều có trong nguyên tác, dẫn ra từ “Quê mẹ” của nhà xuất bản Bút Việt, Sài Gòn, 1975.
Ông kết luận, rằng PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng trung thành với nguyên tác, chỉ sửa đổi theo quy định khi viết sách giáo khoa và để phù hợp với lứa tuổi tiểu học.
Đọc xong, tôi không giận ông mà thấy ngượng thay cho ông và các giáo sư tiến sỹ ngôn ngữ học!
1) Câu “Thanh Tịnh không ngu đến mức” ông Dũng thiến một nửa và tách ra khỏi văn cảnh rồi chụp mũ tôi chửi nhà văn Thanh Tịnh ngu, nguyên văn rành rành: “Các ông cũng sẽ bào chữa rằng, các ông chỉ ghi "theo Thanh Tịnh" tức "theo mẫu cũ" để "làm mẫu mới", gọi là "mẫu của mẫu"; và như vậy, không phải bê nguyên xi mà có sự chế biến, sáng tạo theo chủ đề, chủ điểm. Nhưng thưa các ông, Thanh Tịnh không ngu đến mức "Tôi đi học" mà khi đi trên con đường thì ngỡ ngàng với bao đổi thay, còn vào lớp thì thấy cũ kỹ, quen thuộc để các ông "theo". Các ông học tại chức, học lưu ban, học trước mới dám lấy râu mình cắm lên cằm các em bé như vậy!”
Hiểu phủ định từ “không” thành nghĩa khẳng định "có" cho đối tượng, có lẽ chỉ có PGS.TS. Hoàng Dũng. Nguyên văn đoạn trên, tôi nói ai “ngu” phía sau mệnh đề “không” ấy mà các ông không hiểu nổi hay cố tình cắt xén, xuyên tạc, đánh bùn sang ao thì tôi chịu thua các ông!
2) Nói 4 câu của đoạn 2 có trong nguyên tác thì ông nên trích nguyên đoạn của người ta, không nên trích từng câu ra khỏi văn cảnh của nó. Tôi trích nguyên hộ ông:
Câu 1, SGK: "Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân".
Nguyên tác cả đoạn của Thanh Tịnh: "Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ..."
Câu 2, SGK: "Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp".
Nguyên tác cả đoạn của Thanh Tịnh: "Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết..."
Câu 3, câu 4, SGK: "Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình", "Tôi nhìn người bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào".
Nguyên tác cả đoạn của Thanh Tịnh: "Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao"...
Ông phải hiểu trong bài trước, tôi nói cả đoạn văn thứ 2 SGK không có trong nguyên tác, tức không phải của Thanh Tịnh, chứ không phải nói từng câu. Tôi phải dẫn đủ như trên để phản bác ông chơi trò cắt xén tuỳ tiện, đánh lừa bạn đọc.
Tôi thừa nhận với ông Hoàng Dũng, cả 4 câu thuộc đoạn 2 SGK đều có trong nguyên tác của Thanh Tịnh, nhưng tôi khẳng định với ông, không có câu nào mang hồn cốt của văn Thanh Tịnh. Bởi 1) Ông Bùi Mạnh Hùng cắt xén cái hồn cốt rất tinh tế, sống động ở nội dung miêu tả chuyển biến tâm lý của nhân vật tôi, chỉ còn trơ cái cục xương đã nấu chín trong nồi lẫu của chính ông Hùng, 2) Bốn câu ở ba văn cảnh khác nhau, Thanh Tịnh miêu tả cái mới lạ với sự ngỡ ngàng, thẹn thùng, kể cả e ngại, lo âu của trẻ em ngày đầu đến trường, dần dần mới đi đến sự làm quen, ông Bùi Mạnh Hùng cắt sạch ra khỏi văn cảnh, chỉ giữ mấy câu về sự thân thuộc để chắp vá lại thành một đoạn văn tối nghĩa, vô hồn, không phải để minh hoạ thô thiển, cưỡng ép cho chủ đề “Trường học thân thiện” là gì?
Là PGS.TS. ngôn ngữ học, ông có hiểu quan hệ giữa một câu với đoạn, văn bản và toàn bộ văn cảnh của câu không? Không cần nói tính thẩm mỹ của văn chương với ông một cách xa xỉ, ngay cả cứ cho đoạn 2 SGK là tóm tắt văn bản theo ngôn ngữ học đi, thì hỏi ông, có nguyên tắc tóm tắt văn bản nào cắt nửa câu văn ra khỏi câu, cắt câu ra khỏi đoạn rồi gộp lại các câu ở các văn cảnh khác nhau thành một đoạn không? Cách làm nhặt nhạnh, cắt xén, vá víu vụn vặt, tối và rối như vậy gọi là dễ hiểu, thích hợp với trẻ em chăng?
Hai đoạn của sách giáo khoa chẳng ăn nhập gì với nhau cả nội dung lẫn phong cách như tôi đã phân tích ở bài trước mà ông vẫn khư khư bảo là “vẫn liền mạch” thì tôi bó tay với trình độ ngôn ngữ học của ông!
Một đoạn văn mà ai từng học Tôi đi học của Thanh Tịnh đều không thể nhận ra là của Thanh Tịnh thì là của ai? Một đoạn văn cắt xén, chắp vá vô hồn như vậy mà bảo là văn của Thanh Tịnh thì ai đã hỗn láo với cố nhà văn trên trăm tuổi?
Thưa ông và các nhà ngôn ngữ học, mượn châm ngôn về cái bánh mì và lời nói, tôi khẳng định: Nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng cắt nửa câu văn, tách câu văn ra khỏi văn cảnh thì không còn là văn nữa. Nó là sản phẩm của sự xảo trá, xuyên tạc, bịp bợm, loạn chữ, áp đặt và chụp mũ người khác.
Quy định nào cho phép làm sách giáo khoa thì phải làm như trên, ông có thể dẫn ra cho mọi người xem được không? Hay cái quy định ấy là do cái đầu các ông tự tưởng tượng một cách thô thiển và vô nguyên tắc?
Trong các đoạn nguyên văn được trích trên của Thanh Tịnh, câu chữ nào khó hiểu đối với trẻ em buộc phải cắt xén cho thích hợp theo quy định như ông nói, hãy chỉ ra đi, tôi sẽ giảng từng câu chữ ấy cho các ông nghe?
Ông làm oai, dẫn từng đoạn GS.TS. Nguyễn Đức Tồn đạo văn của người khác để tự cho mình “liêm chính học thuật”, trong khi, bỏ qua chuyện các ông cắt xén văn tôi để chụp mũ tôi, việc làm của các ông còn tệ hơn ông Tồn: xuyên tạc, làm méo mó văn của người ta rồi gán cho người ta viết thứ văn củ chuối như vậy!
Tôi nói ông Bùi nhả nước bọt lên trang văn của Thanh Tịnh, phun mưa lên đầu trẻ em là còn nhẹ đấy. Khi đưa một văn bản cắt xén thô thiển, rối và tối nghĩa vào sách dạy trẻ em thì các ông còn mang tội đầu độc, làm loạn não trẻ em. Tội sau không nhỏ hơn tội trước đâu!
Nói thẳng với các ông một câu: Không ai làm mất uy tín giáo sư tiến sỹ bằng chính việc làm của giáo sư tiến sỹ!
Chu Mộng Long
Mịa kiếp , thương cho CML phải dính với hủi !!!
Trả lờiXóaChúng nó bôi bác nhà văn Thanh Tịnh , chúng tự ý cắt xén , bỏ câu chữ của nhà văn ... rồi chúng gán ghép : đấy là văn của Thanh Tịnh !
Hành động ăn cắp không ra ăn cắp ; cắt bỏ câu chữ tương đồng với sửa văn người khác , vu vạ là văn ông hạch , chua như cứt mèo ....
Đó là một tội không thể khoan nhượng , tự tung tự tác ... chả thua gì tội ĐẠO VĂN ... mặc dù vẫn giữ nguyên tên tác giả !
Đúng là : Lưu manh giả danh trí thức _ Ăn hại đái khai ... học lớp hai khai tiến sĩ !!!
Cho nên đất nước mới ngày càng khốn nạn !!!