TRÁNH LẶP LẠI NHỮNG SAI LẦM Khuya hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của một người quen, một thành viên tích cực của chương trình DĨA CƠM TRÊN ...
TRÁNH LẶP LẠI NHỮNG SAI LẦM
Khuya hôm qua, tôi nhận được tin nhắn của một người quen, một thành viên tích cực của chương trình DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG:
“Đêm nay, chợt con nghĩ nhiều về khoảng thời gian qua - từ hồi tháng 2,3; con cảm thấy nếu ngay từ đầu mình để các F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tự điều trị, cách ly tại nhà như các đề xuất của bác ở những bài đăng facebook; thì đến nay, có thể dù số ca nhiễm sẽ gấp nhiều nhiều hơn, nhưng hậu quả, các thiệt hại về tất cả mọi mặt của cuộc sống từ: kinh tế, y tế, xã hội, nhân lực, tài lực… sẽ không thật sự khủng khiếp như hiện tại. Con đau lòng quá, và con nghĩ bác có lẽ sẽ càng đau hơn con khi bức tranh ấy mình đã mường tượng được từ trước…
Nhà con, bố mẹ, chồng và con của con đều bị nhiễm; nhưng may mắn, mọi người vẫn ổn, sức khoẻ khá tốt. Con thì vẫn âm tính và có thể chủ động lo được cho nhà… Bình minh sẽ lại đến, nhưng cái giá mà đồng bào mình phải trả lại quá đắt…”.
Bây giờ mà nói những gì chính quyền làm thời gian trước là sai lầm, thì chắc chắn là không chỉ chính quyền, mà một bộ phận người dân chưa trải qua những điều khủng khiếp ở TPHCM sẽ nói rằng, tôi muốn chống lại chính quyền này. Rồi họ bu vào, làm mọi cách gièm pha công việc chuyên môn của tôi, bôi nhọ, tấn công cá nhân, hoặc tấn công phòng khám của tôi.
Thôi, tôi sẽ nói thế này để mọi người chúng ta ai cũng vui vẻ (tất nhiên là trừ những ai không thể vui vẻ với những đau thương mất mát): Chính quyền ta rất tài tình sáng suốt, chỉ có người dân là sai lầm, dẫn đến những hậu quả như bây giờ, mà chính người dân phải gánh chịu.
Tôi thấy Hà nội và nhiều tỉnh đang đi vào vết xe của TPHCM. Đó là việc chống dịch nhưng thiếu một chiến lược, và những chiến thuật phù hợp với từng giai đoạn của dịch. Nhớ hồi đọc truyện Phong Thần, có ông gì đó nổi tiếng với ba chiêu, triệt hạ bao nhiêu đối thủ. Nhưng khi ba chiêu đó không hạ được địch thủ, thì ông ta hết cách, cứ tung ba chiêu đó ra hoài. Có vẻ như công tác chống dịch ở TPHCM thời gian trước, và Hà nội cùng nhiều tỉnh bây giờ đang giống như vậy.
Tôi thật sự phẫn nộ khi xem đoạn clip người ta phá nhà của một người là F1 để bắt người đó đi nhốt cách li, hoặc việc khóa cổng, nhốt cả nhà người ta lại, bất chấp các nguy hiểm. Phòng khám của tôi là nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách cách li F1, F2 tràn lan và chính sách phong tỏa vô tội vạ. Khi một nhân viên có tiếp xúc gần với một người trở thành F0, tất cả nhân viên phòng khám trở thành F2, và phải cách li tại nhà. Vậy là Phòng khám đóng cửa.
Cứ như thế, nhân viên này hết thì nhân viên khác lại bị. Khi có đủ người không bị cách li để làm việc thì nhiều nhân viên đã về tỉnh. Mà nguy cơ phòng khám bị đóng cửa nếu hoạt động rất rõ ràng. Chỉ cần một ai đó vô khám bệnh, mặc dù lúc khám bệnh thì không bị nhiễm, nhưng sau một tuần, nếu người ấy trở thành F0, thì tất cả nhân viên của phòng khám sẽ bị bắt đưa đi cách li tập trung. Mà cách li tập trung xong thì có khi cả nửa số đó sẽ lại là F0. Lúc đó đến lượt gia đình họ bị hốt vô các trại tập trung.
Và đó là một trong các lí do mà một hệ thống y tế thuộc loại hùng hậu nhất nước, những tưởng sẽ đáp ứng được những tác động lớn hơn nữa của dịch, không chỉ cho TPHCM, mà còn cả các tỉnh lân cận, đã sụp đổ nhanh chóng. Từ đó dẫn đến sự vỡ trận khi dịch còn ít hơn nhiều so với các nước xung quanh, dẫn đến những hậu quả thật đau lòng. Cách đây 1 tuần, người F0 ở nhà trở nặng mà tìm được bệnh viện để vô có thể được coi là một kì công.
Sau nhiều cú đòn liên tiếp giáng xuống hệ thống y tế TPHCM, dẫn đến sự lúng túng và phản ứng chậm chạp (tất nhiên, có phần nguyên nhân to lớn từ nhược điểm cố hữu của hệ thống “hành là chính”, không quen làm việc). Cho đến nay, hệ thống này vẫn chưa gượng dậy được. Những ngày gần đây, có dấu hiệu TPHCM đã bắt đầu khống chế được dịch, thoát ra khỏi thế vỡ trận. Nhưng phải nhìn nhận đó là do sự hỗ trợ của y tế từ nơi khác.
Do vậy, duy trì hệ thống y tế là công việc đầu tiên cần làm nếu muốn chống lại dịch. Chỉ có y tế mới có thể là “pháo đài” chống dịch. Tất cả các thứ ngăn cách cứng, trạm kiểm soát, rào thép gai, khóa cửa… chỉ có thể là pháo đài chống lại con người mà thôi.
Một vấn đề nữa là phân công trong ngành y về chống dịch. Việc khoanh vùng, xác định tâm dịch, hay xét nghiệm truy vết… là thuộc về hệ thống y tế dự phòng. Còn việc điều trị, phải thuộc về hệ thống điều trị. Do vậy, việc điều trị người nhiễm không thể giao cho các Trạm y tế phường, vốn dĩ chỉ làm công việc của y tế dự phòng, quản lí.
Bộ máy quan liêu của hệ thống, xin lỗi, của nhân dân ta, đã rất máy móc, không phân công cho các cơ sở y tế điều trị phụ trách việc điều trị F0 tại nhà, mà giao cho Phường, nơi có hàng núi công việc, chỉ vì người F0 cư trú ở địa bàn phường. Dẫn đến có khá nhiều nhân viên y tế không có việc làm, vì bệnh viện không có bệnh nhân, trong khi nhiều người dân lại không được chăm sóc y tế, kể cả F0 hay người bệnh bị các bệnh khác.
Như vậy, ngay từ bây giờ, nhân dân Hà nội và các tỉnh (tôi không dám nói chính quyền), cần chuẩn bị ngay phương án giảm tải cho ngành y, bằng cách coi người F0 chỉ là người nhiễm, không cần bắt nhốt vô bệnh viện, để bệnh viện cho những người bệnh thực sự. Và khi người F0 ở nhà, thì phân công các cơ sở điều trị chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn.
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào