Về lũy Bán Bích có là của ngài Nguyễn Cửu Đàm đắp năm 1772 không ? #ban_do_saigon_1790 Hay hỏi cho chính xác hơn nữa - có lũy Bán Bích nào đ...
Về lũy Bán Bích có là của ngài Nguyễn Cửu Đàm đắp năm 1772 không ?
#ban_do_saigon_1790
Hay hỏi cho chính xác hơn nữa - có lũy Bán Bích nào đó ở Saigon không ?
Theo các nhà nghiên cứu Việt Nam xưa nay, dựa vào bộ Gia Định Thành Thông Chí (bộ GĐTTC), thì lũy Bán Bích là do tướng Nguyễn Cửu Đàm đắp nên 1772 để phòng việc bất ngờ (xem Gia Định Thành Thông Chí quyển 6 Thành Trì Chí phần lũy Bán Bích).
Nhưng kết luận trên của các nhà nghiên cứu Việt Nam có các vấn đề như sau
****
(1) Theo sử Việt, thì tướng Nguyễn Cửu Đàm đắp lũy Bán Bích bảo vệ Saigon vào năm 1772, sau trận đánh thắng quân Xiêm giòn giã, đuổi người Xiêm ra khỏi Nam Vang, lấy lại các phủ Nam Vang & La Bích, đưa quốc vương Cao Miên Nặc Tôn lên ngôi Cao Miên trở lại. Còn quân Xiêm thì phải lui về lại Hà Tiên.
Với một chiến thắng oanh liệt như thế, và với quân Xiêm đang ở Hà Tiên, thì tại sao tướng Nguyễn Cửu Đàm không đắp thêm phòng lũy ở khu vực biên giới Đàng Trong và Cao Miên / Hà Tiên, mà lại đi đắp lũy Bán Bích bảo vệ Sài Gòn để làm gì vậy bạn ?
****
(2) Nếu muốn đánh Saigon theo hướng đồng bằng sông Cửu Long, thì thường là đường sông nước rất thuận tiện để đánh, và điều này đã được chứng minh trong các trận đánh chúa Nguyễn Ánh - Tây Sơn sau này, nhất là năm 1777 chính Nguyễn Huệ cũng đã đem thủy bộ đánh Saigon tan nát, thế thì tại sao tướng Nguyễn Cửu Đàm không đắp đồn trấn sông Saigon (như chúa Nguyễn Ánh đã làm sau này khi cho đắp hai đồn Giác Ngư và Thảo Câu trấn ngõ sông Saigon) phòng mặt sông nước mà lại đi đắp lũy Bán Bích phòng quân trên bộ để làm gì ? Theo bạn quân Xiêm mà đánh Saigon thì có chủ yếu là tấn công theo đường bộ lũy Bán Bích không ?
****
(3) Quan trọng nhất, nếu đúng là lũy này đắp năm 1772, vậy mà tại sao lúc chúa Nguyễn Tây Sơn đánh nhau, thì chả có sử kiện nào ghi về đánh lũy nào thế ? Chả lẽ chỉ trong vào có mười mấy năm (1772-1786), lũy Bán Bích tự nhiên biến mất tiêu à ? Mà sao lũy Bán Bích vô dụng trong các trận chúa Nguyễn Tây Sơn thế nhỉ ? Không lẽ tướng Nguyễn Cửu Đàm không thấy trước được là ai mà đi đánh Saigon, là đánh mạnh bằng đường thủy sao ? Vậy ông cho đắp cái lũy Bán Bích ấy để làm gì ?
****
(4) Bạn có thể cho rằng "nhưng sử sách ta chép thế". Nhưng theo mình hiểu, có thể bộ Đại Nam Thực Lục là chép lại từ bộ GĐTTC, còn bộ GĐTTC thì xin thưa với bạn, là nó đã bị người đời sau thêm thắt đủ thứ vào (và chưa có ai văn bản học bộ GĐTTC đó bạn). Cho nên những gì chép trong bộ GĐTTC này, không hẳn là chính xác cụ Trịnh Hoài Đức đã viết.
****
Bạn cũng có thể hỏi luôn là nếu vậy, thì ai đắp lũy Bán Bích bảo vệ Saigon ? Thì mình thấy trong sử Đại Nam Thực Lục, có sử kiện năm Tân Hợi 1731, có giặc Lào Sà Tốt đem quân Chân Lạp vô cướp phá Gia Định. Trận này theo bộ GĐTTC (quyển 6 phần Cầu Cao Miên) "người Lào Sá Tốt khởi loạn tại Cầu Nôm, cùng người Cao Miên ở RỪNG HOANG kéo xuống Gia Định cướp giết dân Việt. Lúc ấy trong nước đang yên ổn nên không phòng bị, khi giặc đến bất thần, quan dân đều hoảng sợ. Quan Điều khiển vội chỉ huy Cai cơ là Đạt Thành hầu đem binh chống giữ ở Bến Lức, vì thế cô không có binh viện, nên bị giặc giết". Và tướng Trần Đại Định đã "cho đắp lũy đất một mặt ở Hoa Phong để chống cự" rồi từ đó mà quân Việt mới đánh lui quân Sà Tốt.
Như vậy rất có thể là lũy Hoa Phong đã được đắp hoặc được đắp thêm để phòng giặc Sà Tốt năm 1731 vì lúc đó quân giặc đã đánh tới Bến Lức rất gần Saigon rồi, và quân giặc còn lại là đánh luôn từ RỪNG HOANG nữa, nên đắp lũy phòng ngự là quá đúng. Ngược lại, không có lý do gì mà vào năm 1771, lúc quân Việt đánh bật luôn quân Xiêm ra khỏi khu vực kinh đô Cao Miên, mà lại phải đi đắp thêm lũy Bán Bích nào ở Saigon để phòng ngự bộ quân giặc nào đó làm gì (mà lại không đắp hay bảo vệ mặt sông nước Saigon). Rất có thể cái đoạn lũy Bán Bích trong Gia Định Thành Thông Chí là do người sau thêm vào, và viết linh tinh trong quyển 6 là xem rõ thêm về lũy Bán Bích ở quyển 3 Cương Vực Chí nhưng hóa ra thì không hề có đoạn nào về lũy Bán Bích ở quyển 3 trấn Phiên An mà lại là một đoạn về cái lũy nào đó do Đàm Ân Hầu [Nguyễn Cửu Đàm] đắp được viết trong phần trấn Hà Tiên. Vì bộ GĐTTC chưa hề bao giờ được văn bản học, nên chúng ta không thể nào có thể khẳng định 100% là cụ Trịnh Hoài Đức đã viết gì về lũy Bán Bích nào cả.
Và đây cũng chính là câu hỏi cuối cùng của mình - tại sao xưa nay các nhà nghiên cứu Việt Nam lúc nào cũng đem các bộ GĐTTC hay Ô Châu Cận Lục hay Phủ Biên Tạp Lục ra mà làm như là sách sử xưa để mà khẳng định đủ thứ, trong khi họ đều biết các tác phẩm này chưa hề bao giờ được "văn bản học" cả ? Viết khẳng định và dạy độc giả như thế có là đầu độc kiến thức độc giả không ? Nhưng câu hỏi này có lẽ lại thuộc một hay nhiều bài viết khác
Mời bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào