Cụ Nguyễn Thông và Việt sử thông giám cương mục Bài 1 - Bàn về nhận xét của cụ liên quan tới Chân Lạp #cu_Nguyen_Thong_co_that_thong_thai_k...
Cụ Nguyễn Thông và Việt sử thông giám cương mục Bài 1 - Bàn về nhận xét của cụ liên quan tới Chân Lạp
#cu_Nguyen_Thong_co_that_thong_thai_khong
Bài 1 - Bàn về nhận xét của cụ liên quan tới Chân Lạp
Trong quyển sách này, cụ Nguyễn Thông chê bai nhiều học giả / sách Tàu viết sai lắm. Nhưng có khi cụ Nguyễn Thông sai mà cụ không biết (hoặc giả hậu thế không viết ra) đó thôi.
Ví dụ trong phần Chân Lạp, cụ Nguyễn Thông viết như thế này:
****
*Sách Đông Tây dương khảo chép: Nước Chân Lạp ... Đông Phố trại lại là tiếng Cảm Phố Chỉ nói chệch đi. Họ vua nước ấy là Siết Lợi ... Đời Khánh Nguyên nhà Tống đánh phá nước Chiêm Thành làm vua, cả nước ấy đổi quốc hiệu là Chiêm Lạp ...*
*Xét người Chân Lạp không có họ, sao lại có tên gọi là họ Siết Lợi. Đông Phố ở Gia Định vẫn có chỗ đất ấy, không phải là Cảm Phố Chỉ nói sai ra. Chiêm Thành sang đánh phía nam lấn đất Chân Lạp cắm đất làm giới hạn, gọi là Chiêm Lạp, thế thì Chiêm Lạp là tên đất thôi, chứ không phải là người Chân Lạp đổi tên nước là Chiêm Lạp. Sách Đông Tây dương khảo cũng là theo cái lầm của các sử đời Tùy, Đường, Tống, Minh đấy.*
****
Nhưng nếu bạn tra sách Đông Tây dương khảo bản Hán ngữ Quyển 3 Giản Phố Trại (xem >> https://zh.m.wikisource.org/wiki/%E6%9D%B1%E8%A5%BF%E6%B4%8B%E8%80%83/%E5%8D%B7%E4%B8%89), thì:
1. Câu nhận xét "*Xét người Chân Lạp không có họ, sao lại có tên gọi là họ Siết Lợi*" là hoàn toàn đã bị cụ Nguyễn Thông hiểu sai. Thật ra, câu văn "*Họ vua nước ấy là Siết Lợi"* được viết Hán ngữ là "王姓刹利氏". Siết Lợi 刹利 ở đây là chỉ cho Kṣatriya, tức là đẳng cấp Sát-đế-lỵ, hàng vua chúa quý phái trong xã hội Ấn Độ xưa. Dòng họ hoàng gia Kṣatriya thì thường lấy tên "varman" mà chắc là chúng ta ai đọc sử Cao Miên cũng đều biết có các vị vua Cao Miên với tên "varman" ở cuối. Nên cái câu "*Họ vua nước là Siết Lợi*", tức là chỉ cho các vị vua Cao Miên thường xem họ là dòng hoàng gia Kṣatriya với tên hiệu là "varman", là điều đã xảy ra trong lịch sử Cao Miên, chứ không phải là đúng theo nghĩa đen là có dòng họ Siết Lợi Hán ngữ nào đó ở Cao Miên như cụ Nguyễn Thông suy luận.
2. Câu nhận xét "*Đông Phố ở Gia Định vẫn có chỗ đất ấy, không phải là Cảm Phố Chỉ nói sai ra*" có đầy vấn đề. Câu văn Hán ngữ vốn viết là "今云柬埔寨者,又甘破蔗之訛也" tức là tên địa danh Giản Phố Trại 柬埔寨 là do tên 甘破蔗 Kamboja đọc sai ra, chứ làm gì có tên Cảm Phố Chỉ nào, và đáng nói hơn, là đâu có Đông Phố nào như cụ Nguyễn Thông đọc, mà là Giản Phố Trại đấy chứ ?
3. Câu nhận xét "*Chiêm Thành sang đánh phía nam lấn đất Chân Lạp cắm đất làm giới hạn, gọi là Chiêm Lạp, thế thì Chiêm Lạp là tên đất thôi, chứ không phải là người Chân Lạp đổi tên nước là Chiêm Lạp*" là hoàn toàn vô căn cứ, vì chúng ta không biết cụ Nguyễn Thông đã dựa vào sử nào mà viết thế, chứ còn sử Tàu (Tống Sử) mà cụ dẫn ra viết rõ ràng là do người Cao Miên đánh bại Chiêm Thành, nên người Cao Miên đặt tên nước họ là Chiêm Lạp 占臘, tức là đoạn này đây "*至建元時,大舉復仇,破占城,遂王其地,改國號占臘*".
Nên xem ra trong đoạn văn về Chân Lạp trên, những gì cụ Nguyễn Thông nêu ra, coi bộ sai hết trơn hết trọi. Có phải do cụ chỉ đọc sách Hán ngữ nên thành ra kiến thức cụ mới ra như thế này chăng ?
Và trong bộ Việt sử thông giám cương mục này, cụ Nguyễn Thông còn chê và nhận xét nhiều lắm, hay chúng ta cùng đọc và cùng tìm hiểu. Bạn tải quyển sách này tại đây >> https://nhatbook.net/viet-su-thong-giam-cuong-muc-khao-luoc-nguyen-thong-2009/. Có khi chúng ta cũng cần nêu ra là liệu cụ Nguyễn Thông có thật sự đọc rất nhiều sách không (aka: có thông thái không), hay cụ chỉ đọc loanh quanh đâu đó vài quyển sách Hán ngữ cũng nên, nhưng ngày nay các thầy học giả Việt Nam khen cụ Nguyễn Thông lên tới mây, do tánh người Việt rất thích khen các cụ xưa, dù chả biết các cụ ấy có đúng là thông thái hay đọc sách nhiều (và quan trọng hơn, thực tế) hay không ?
Mời bạn tham khảo
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào