Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ LÝ TỰ TRỌNG - ANH LÀ AI ? NHỮNG NGƯỜI GIAO LIÊN CỘNG SẢN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐÃ ĐƯỢC ĐÀO TẠO NHƯ THẾ NÀO ?

Về Lý Tự Trọng - anh là ai ? #Ly_Tu_Trong_anh_la_ai Bài 4 - Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ? N...

Về Lý Tự Trọng - anh là ai ?

#Ly_Tu_Trong_anh_la_ai

Bài 4 - Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Nếu như trong các bài trước, mình có viết về việc không hiểu làm cách nào mà người Cộng Sản bao lâu nay đã tuyên truyền việc Lý Tự Trọng lúc bị bắt trong tù trước khi bị đem ra tử hình, lại có thể tập thể dục dưỡng sinh mỗi ngày, rồi hát ca vang lừng bài Quốc Tế Ca khi bị đem đi xử tử hình, mặc dù theo nhơn chứng kể lại, là khi gặp Trọng trước khi bị tử hình, anh mặt mũi thì bị đánh tới bầm tím và anh có thể còn cắn cả lưỡi để khỏi khai báo (xem >> https://www.facebook.com/groups/3740991775941288/posts/6308464795860627/). 

Rồi mình đọc thêm, thì được biết là ở Việt Nam ngày nay còn có cả việc người ta tự xưng là anh chị em của Lý Tự Trọng, rồi bao nhiêu là kỷ niệm xưa gì đấy, ấy vậy mà chả ai trong những người này nói ra được một điều rất quan trọng, đó là Trọng hóa ra là con nuôi của Cựu Tuấn (xem >> https://www.facebook.com/groups/3740991775941288/posts/6313655558674884/). Do vậy, chúng ta không khỏi thắc mắc là các nhân vật "anh chị em" Lý Tự Trọng nói trên có thật là anh chị em (ruột) của Lý Tự Trọng không hay là từ trên trời rơi xuống ? 



Và lạ hơn, là cả tấm hình lưu truyền là hình của Lý Tự Trọng lúc anh qua bên Trung Quốc, vậy mà mình đọc lại sách thì hóa ra chú thích hình như thế cũng sai luôn (xem >> https://www.facebook.com/groups/3740991775941288/posts/6312920382081735/



Và đáng ngờ nhất, là không hiểu làm thế nào mà một gia đình yêu nước và hy sinh vì nước như gia đình của cha nuôi Lý Tự Trọng, tức gia đình ông Cựu Tuấn, có đến 5 người con hiến dâng tuổi thanh xuân của họ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, mà đến thời nay, chả còn có mấy ai nói đến hay biết đến về gia đình này, cứ như là họ đã bị "phong sát" và "xóa sổ" ra khỏi lịch sử cách mạng Việt Nam vậy. Và đứa con nuôi nổi tiếng nhất của gia đình này, tức là Lý Tự Trọng, đến chết cũng không được yên, mà lại bị người ta đem ra tuyên truyền về việc nào là giữ vững tinh thần cách mạng, nào là tập dưỡng sinh trong tù, nào là hát ca vang lừng gì đó khi bị đem ra tử hình, rồi bao lâu nay anh được tung hô là có tinh thần cách mạng mà bao nhiêu thế hệ thanh niên Việt Nam cần noi theo.



Nhằm giúp bạn hiểu thêm nữa về những gì liên quan tới Lý Tự Trọng và gia đình (nuôi) của anh, và họ đã tham gia vào việc cách mạng như thế nào, mình  xin tạm dịch một đoạn dài vài trang trong Chương 2 quyển Ho Chi Minh's Blueprint for Revolution. Đây là đoạn mô tả về thế hệ giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được thành lập và đào tạo như thế nào. Đoạn này được viết lại dựa vào hồi ký của bà Lý Phương Đức, người nữ giao liên thuộc thế hệ đầu tiên của ông Hồ [Chí Minh]. Và quan trọng hơn, bà Đức là chị nuôi của Lý Tự Trọng.



Và đọc những gì được viết từ hồi ký bà Lý Phương Đức mà các tác giả của quyển sách Anh ngữ này trích lại , mình sửng sốt quá, vì làm sao mà những gì bà Đức viết, chúng lại quá khác với những gì người Cộng Sản tuyên truyền trên mạng thế nhỉ ? Ví dụ, theo hồi ký của bà Lý Phương Đức, thì cô Lý Phương Thuận (1906-1995) là chị gái nuôi của bà, thế thì làm sao mà ngày nay, trên các báo mạng Việt Nam, lại viết về một cô Lý Phương Thuận nào đó "tên thật là Nguyễn Thị Tích, sinh năm 1916, tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Mẹ đẻ của bà mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi bà mới 3 tháng tuổi. Ông Nguyễn Trọng Quyến, thân sinh bà là một trong những người sớm được giác ngộ cách mạng" thế nhỉ (xem >> https://bqllang.gov.vn/tin-tuc/tin-tong-hop/5593-cuoc-doi-cua-doan-vien-dau-tien-ly-phuong-thuan-mot-da-sat-son-vi-nghia-lon.html) ? Chả lẽ người ta gần cả trăm năm nay đã đẻ ra một cô Lý Phương Thuận tưởng tượng nào đó à ? Hay là bà Đức nhớ sai ? Không biết hồi ký của bà Lý Phương Đức có được phổ biến ở Việt Nam không, nhưng xem ra, chắc là nếu bạn đọc thêm phần dịch thuật Việt ngữ bên dưới này, bạn cũng sẽ đặt dấu chấm hỏi như mình đó thôi. Đó là chuyện gì đã xảy ra với gia đình cha nuôi Lý Tự Trọng vậy ? Hình như người ta đã cố gắng "xóa sổ" gia đình này, photoshop họ ra khỏi lịch sử Việt Nam, và cho ra đời các nhơn vật Lý Phương Thuận có cha sớm giác ngộ cách mạng hay anh chị em Lý Tự Trọng vu vơ nào đó, nhằm viết lại sử đó bạn.



Bạn cứ đọc, rồi tham khảo các tài liệu khác nhau về Lý Tự Trọng. Mình rất thắc mắc là làm sao một người như Lý Tự Trọng ở Việt Nam, người ta tung hô là anh hùng, rồi dạy bao nhiêu thế hệ thanh niên phải học theo gương cậu này, thế mà ngay cả việc cậu chết ra sao, người ta cũng viết lại và tưởng tượng ra đủ thứ để nhồi sọ thanh niên Việt Nam thế nhỉ ? Và rồi ngày nay đến cả tiểu sử gia đình cha nuôi của cậu Trọng, một gia đình yêu nước và hy sinh vì nước, cũng hầu như là rất mù mờ. Số phận của một gia đình vì nước, không thể lại thành ra như thế nào đâu, đúng không bạn ? Mong là có ai đó sẽ nghiên cứu thật kỹ thêm, và sẽ viết về gia đình nuôi Lý Tự Trọng, về những gì gia đình này đã đóng góp cho cách mạng, cho dân tộc, và trả lại những giây phút thật cuối đời của Lý Tự Trọng lại cho Lý Tự Trọng, chứ không vẽ ra tưởng tượng về một anh Lý Tự Trọng nào đó, bị đánh tới bầm mặt, cắn cả lưỡi để khỏi khai báo, thế mà anh hay đến nỗi là anh còn có thể tập dưỡng sinh trong tù, và khi bị đưa đi tử hình, lại còn hay đến mức độ là hát ca vang lừng bài Quốc Tế Ca nữa. Cắn lưỡi rồi mà còn có thể ca vang bài Quốc Tế Ca khi ra pháp trường, thật là không thể tin được.



Mời các bạn đọc tham khảo phần tạm dịch Việt ngữ dưới đây



*************



Chương 2 - NHỮNG NỮ GIAO LIÊN ĐẦU TIÊN CỦA HỒ [CHÍ MINH]



VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ



Trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Việt Nam thậm chí còn nằm dưới ách cai trị của Trung Quốc trong hơn một ngàn năm. Trong giai đoạn bị trị này, đã sớm có nhiều phong trào đấu tranh giành độc lập, ví như các phong trào đấu tranh của chị em họ Trưng bắt đầu từ năm 40.  Nhưng sự thành công của các phong trào này chỉ là tạm bợ cho đến khi người Việt cuối cùng đã giành được quyền độc lập từ Trung Quốc vào thế kỷ X. Và từ đó trở đi, các triều đại hoàng gia Việt Nam đã nối tiếp nhau phát triển mạnh mẽ với đất nước ngày càng được mở rộng ra, cho đến khi người Pháp đến đô hộ xứ này vào thế kỷ XIX.



Tương tự như chị em họ Trưng trước đó, Hồ cần sử dụng người giao liên để hỗ trợ cho phong trào cách mạng của ông, nhưng Hồ muốn thay đổi nền tảng kỹ năng xưa của người giao liên trong quá khứ, từ những người chỉ đơn thuần được sử dụng như các hướng dẫn viên hay các cá nhân vận chuyển tài liệu, sang có thêm các kỷ năng giao liên khác đặc biệt hơn, mặc dù cộng thêm những kỷ năng mới này, những người này trong tiếng Việt vẫn được gọi là giao liên (communications agents). Những người giao liên mới của Hồ không chỉ có các kỷ năng giao liên truyền thống xưa như vận chuyển tài liệu, mà họ sẽ có thêm các khả năng mới của chiến binh, gián điệp và tuyên giáo. Chính những người được gọi là giao liên mới này, và những ngõ ngách giao liên của họ, là điều mà Hồ nói là quan trọng nhất để có được sự chiến thắng, bởi vì những gì những người giao liên mới này phục vụ cho cách mạng, chúng cũng to tát tương tự như các mạch máu và hệ thần kinh phục vụ cho cơ thể con người ta vậy. 



Hồ đã dành nhiều thời gian để quan sát các mạng lưới giao liên của ông, vốn phần lớn là được thừa hưởng từ nhà cách mạng lão thành Phan Bội Châu, nhằm cải tiến chúng để đáp ứng các yêu cầu phát triển do chính ông đề xuất. Quan trọng hơn, Hồ xem xét cách mở rộng các mạng lưới giao liên này. Trẻ con là một lựa chọn hiển nhiên để tăng số lượng người (giao liên) và chúng vẫn được dùng làm giao liên trước đây đó thôi. Với trẻ con, người lớn đơn giản là sẽ phớt lờ tính tò mò hiếu động của bọn chúng, và do vậy mà người lớn không nghi ngờ những cử động dường như là ngây thơ vô tội của bọn trẻ con. Hồ định sử dụng trẻ con làm giao liên như truyền thống xưa nay vẫn áp dụng, nhưng ông hiểu ra rằng trẻ con thì sẽ không phù hợp với hầu hết những đòi hỏi khắt khe trong công việc giao liên mà ông đang nghĩ đến. Trai trẻ là một khả năng khác, nhưng họ lại được cần ở chiến trường. Ngoài trẻ con và trai trẻ ra, thì trong dân chúng còn lại một nhóm người khá đông khác (mà ông có thể dùng làm giao liên): đó là phụ nữ.



Trong xã hội truyền thống Việt Nam, phụ nữ thường bị coi là thấp hơn nam giới. Quan điểm này có thể được tóm gọn lại trong 2 câu nói. Thứ nhất, người phụ nữ cần tuân theo tiêu chuẩn Tứ Đức công dung ngôn hạnh. Thứ hai, người phụ nữ cần tuân theo đạo Tam Tòng, từ lúc còn nhỏ cho đến khi kết hôn và đến lúc là góa phụ. Người phụ nữ theo đạo Tam Tòng cần phải tòng phục 3 ông chủ trong cuộc đời mình theo trình tự: Cha, Chồng, và Con trai trưởng. Có một câu tục ngữ xưa vẫn còn được phổ biến thời nay tại Việt Nam còn xem thường phụ nữ hơn nữa, đó là "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", có nghĩa là người ta cho dù có mười cô con gái mà không có được một cậu con trai thì dòng họ ấy là tuyệt tự. Chính vì địa vị gần như thánh này của người đàn ông trong xã hội Việt Nam, mà người đàn ông Việt Nam đã có được một quyền năng vô hạn bất thành văn thực hiện các hành vi vô nhơn đạo đối với phụ nữ, đơn giản là vì họ làm thế để có thể đạt được những gì họ muốn có được. Sự tàn nhẫn của đàn ông Việt Nam có thể bao gồm những hành động như bắt nạt, lạm dụng tình dục hoặc thậm chí là bán cả một người phụ nữ làm nô lệ cho kẻ khác. 



Hồ đã không chấp nhận những quan điểm lỗi thời này và là một người ủng hộ mạnh mẽ cho việc giải phóng phụ nữ, dựa theo dòng tư tưởng Soviet thời bấy giờ. Ông đã quan sát (và thấy rằng là) người phụ nữ sống khép kín hơn, (họ suy nghĩ và hành động) chính xác hơn, cẩn thận hơn, nhẫn nại, có sự chịu đựng tra tấn tốt hơn và trung thành hơn so với nam giới. Người phụ nữ trong truyền thống Việt Nam thì lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu chống ngoại xâm và sự hy sinh này của người phụ nữ Việt Nam có thể tóm tắt trong câu tục ngữ xưa của người Việt "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". Mặc dù văn hóa Việt Nam đã định hình rõ vai trò của người phụ nữ là chỉ lo việc sanh đẻ và lo việc gia đình, như là giáo lý Tam Tòng Tứ Đức đã nêu ra vậy, nhưng sự cần thiết trong việc bảo vệ gia đình từ nạn giặc ngoại xâm đã biến những người phụ nữ Việt Nam thành ra là những chiến binh. 



Việc hầu hết đàn ông Pháp và Việt Nam không ủng hộ những suy nghĩ trên của Hồ về phụ nữ Việt Nam, đã cho phép Hồ khai thác nhược điểm này. Hồ nhận ra là, bất chấp phụ nữ có thể là những chiến binh trong truyền thống Việt Nam, những người Pháp theo chủ nghĩa Sô vanh và những người đàn ông Việt Nam vô học cố chấp vẫn xem thường phụ nữ, và cho phụ nữ không có khả năng điều hành, hoặc đóng vai trò chủ chốt trong một cuộc chiến tranh. Sự xem thường này có nghĩa là một nữ giao liên có thể kiếm được một công việc nội trợ trong một trại lính Pháp, và chính vì kẻ địch quá xem thường phụ nữ, mà cô có thể thu thập những tin tức tình báo qua dạng đồ họa hoặc hồ sơ, và sau đó thì cô có thể mang các tài liệu này ra ngoài, qua mặt các bảo vệ nam thờ ơ, mà cô không phải quá lo sợ là sẽ bị chặn lại kiểm soát, vì các chuẩn mực xã hội đã quy định rằng nam nữ không thể chạm vào nhau ngoài công cộng, ngay cả khi họ đã cưới nhau.



Những chi tiết cụ thể về phụ nữ mà Hồ đã quan sát, cùng với các đặc tính Sô vanh trong xã hội Việt Nam, đã đưa đến kết luận hoàn hảo về lý do tại sao phụ nữ có thể làm, và cần phải được, tuyển dụng trong công việc giao liên. Để có thể có được số lượng người giao liên cần thiết, Hồ đã nghĩ ra một quy trình hành động. Đó là ông sẽ giúp cho những phụ nữ trong giới thượng lưu, cũng như một số lượng khổng lồ những người phụ nữ nông dân mù chữ, thoát khỏi một xã hội Nho giáo và phong kiến, nếu họ đồng ý tham gia các hoạt động (cách mạng) cùng ông. Không hẳn là tất cả những người ủng hộ quanh Hồ muốn giải phóng phụ nữ, và họ cũng không hẳn muốn phụ nữ làm việc gần gũi với đàn ông tới vậy, nhưng Hồ không hề nao núng. Và sau cùng, khi mà Hồ thiết lập chương trình huấn luyện cấp tốc đầu tiên của ông tại Trung Quốc vào năm 1925, thì người được huấn luyện đầu tiên chính là một phụ nữ.



NHỮNG CHỨNG CHỈ PHÙ HỢP



Để tìm người giao liên đầu tiên cho Hồ, lúc ban đầu, những đồng chí cách mạng của ông đã tiếp cận Cựu Tuấn (?-1928), người đang sống ở Xiêm La (Thái Lan) vào lúc này. Tuấn là một người đàn ông đầy kiên quyết trong tinh thần chống Pháp. Con gái của Tuấn, cô Lý Phương Đức (1909-1986), người ngày nay đã xuất bản quyển hồi ký do tiến sĩ Nguyễn Văn Khoan chấp bút, là vị nữ giao liên đầu tiên mà Hồ huấn luyện.



Vào những năm 1910s, cô Đức sống với gia đình ở thôn Hong Ho, tỉnh Nakhon Phanom, Xiêm La. Được lập ra bởi cha cô và những đồng nghiệp của ông, thôn Hong Ho hoạt động như một trung tâm chiến lược liên kết một số cộng đồng Việt Nam. Ngay cả sau bốn năm bận rộn với những hoạt động cách mạng tại đây, Tuấn nhận ra rằng ông vẫn phải dời gia đình đến một nơi khác để mà con cái ông có thể học thêm tiếng Hoa. Tuấn cần chuẩn bị con cái ông cho bất kỳ những khóa đào tạo nào trong tương lai mà chúng có thể cần tham gia, đoán chừng các khóa đào tạo này là ở Trung Quốc hơn là ở Xiêm La, do vì các mối quan hệ bền chặt trong lịch sử giữa người Việt và người Hoa.



Năm 1920, Tuấn muốn chuyển gia đình ra khỏi thôn Hong Ho và tìm một thôn nào đó mà con ông có thể học tiếng Hoa, với điều kiện là thôn này nằm ở khu vực nổi tiếng với các hoạt động chống Pháp. Một số thanh niên có năng lực nhất trong thôn đã từ chối ra đi theo ông, chỉ có những người dưới đây là đi theo ông: con trai nuôi của Tuấn là Lý Tự Trọng (1914-1931) người đã sống với gia đình ông từ năm mới lên 3 tuổi, và cô con gái nuôi là Lý Phương Thuận (1906-1995), cùng với các con ruột của ông, là cô Lý Phương Đức và em trai là Lý Trí Thông (1915-199?). Còn con trai trưởng của Tuấn, Ngô Chính Quốc, thì được cho là đã sống xa nhà và đang ở Trung Quốc vào thời điểm này. Trong hồi ký của mình, bà Lý Phương Đức nhớ lại:



Khi gia đình tôi đến thôn Ban Dong ở tỉnh Phichit, Đặng Thúc Hứa [liên lạc viên của Phan Bội Châu trong Việt Nam Quang Phục Hội] đã cho dựng một cái chòi để dạy bọn trẻ chúng tôi học. Mọi người đều thích thú với không khí cộng đồng. Trẻ em thì học cả ngày trong khi thanh niên thì làm việc và học cho đến tận khuya. Chúng tôi học cả tiếng Trung và chữ Quốc ngữ Việt Nam. Các bạn học đã dạy chúng tôi Việt ngữ, còn Đặng Thúc Hứa thì dạy chúng tôi tiếng Hoa. Hứa cực kỳ nghiêm khắc. Nhưng cha tôi nhận ra rằng sau khi chúng tôi học tại nơi đây 6 tháng, khả năng về tiếng Hoa của chúng tôi vẫn chưa đủ thành thạo, nên do đó ông bắt đầu đi tìm một trường tiểu học Anh-Hoa. Vậy là ông đi đến tỉnh Chiang Mai, nơi giáp giới với nước Miến Điện, để tìm một trường tốt. Ông cuối cùng cũng tìm ra một trường tiểu học được thành lập và điều hành bởi một cộng đồng người Hoa. Cha tôi đã có một cuộc hẹn gặp thầy hiệu trưởng và hiệu phó của trường. Họ nói với ông rằng trường là một ngôi trường được chính thức công nhận và có khoảng 600 học sinh theo học. Họ nhấn mạnh về việc giảng dạy tại nơi đây đạt tiêu chuẩn ngoại lệ hiếm có, vì khi nhơn viên (tại Trung Quốc) nộp đơn muốn xin việc làm tại trường này (ở Xiêm La), thì họ cần phải vượt qua kỳ thi đua tranh ở Trung Quốc trước khi họ có thể đến Xiêm La. Cuối cùng, cả hai thầy hiệu trưởng và hiệu phó đề nghị với cha cho chúng tôi một chỗ học miễn phí tại nhà trường, như thể chúng tôi là những đứa trẻ của một gia đình người Hoa nghèo khó tại địa phương. Thực ra, họ biết chúng tôi là con em của những người yêu nước Việt Nam nhưng họ vẫn muốn giúp đỡ chúng tôi.



Gia đình Tuấn chuyển đến tỉnh Chiang Mai vào mùa thu năm 1921. Trong khi bốn đứa trẻ đi học, thì Tuấn cùng vợ ông làm nghề bán bánh để kiếm sống qua ngày, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Sau đó, vào đầu năm 1924, nhà yêu nước Phan Bội Châu đã gởi Lê Hồng Sơn từ Trung Quốc sang Xiêm La để sống và quan sát gia đình Tuấn trong khoảng độ 6 tháng, trước khi Sơn lại chuyển đến Việt Nam. Tuấn đã nhận làm người giao liên cho Lê Hồng Sơn trong chuyến hành trình dài gian khổ đến Xiêm La này.



Hồ lúc này biết về Tuấn khi Lê Hồng Sơn về lại Quảng Châu và vào tháng 12 năm 1924, lúc Phan Bội Châu cung cấp cho Hồ một danh sách bí mật về những nhơn vật cách mạng chính thức (established  revolutionaries). Trong danh sách này, Hồ đặc biệt chú ý đến những thành viên của Phan Bội Châu tại Trung Quốc. Sau đó, Hồ lại xem xét những thành viên đang sống tại Xiêm La vì nhóm người này đã gầy dựng được một cơ sở quyền lực ở Xiêm La, kể từ khi họ bị buộc phải sống lưu vong sau phong trào Cần Vương ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hồ tin vào phong trào này, vì ông đã được nghe các câu chuyện về Cần Vương từ nhỏ, bao gồm cả câu chuyện từ một thầy giáo của ông, người mà anh em của ông ta vẫn còn đang hoạt động tích cực trong phong trào này. Tuấn là một sự lựa chọn hoàn hảo để giúp Hồ tìm những người giao liên đầu tiên, không chỉ vì Tuấn tham gia vào phong trào Cần Vương, mà còn là gia đình Tuấn đang sống ở Xiêm La, và con cái của Tuấn đang học ở một ngôi trường của người Hoa và đang theo học Anh ngữ.



Bà Lý Phương Đức đã giải thích về điều này trong hồi ký như sau:



Hành trình của tôi để trở thành nữ giao liên của Bác Hồ bắt đầu vào đầu năm 1925. Lúc bấy giờ, anh Lê Hồng Sơn trở lại Quảng Châu và nói chuyện với anh Hồ Tùng Mậu. Bác Hồ thoáng nghe họ nói rằng "Ở Chiang Mai có một số trẻ em đang tích cực hoạt động cho các công việc cách mạng dưới sự hướng dẫn của Tuấn và Đặng Thúc Hứa". Bác Hồ ngay lập tức gởi anh trai tôi là Ngô Chính Quốc, đến Xiêm La để đưa chúng tôi sang Quảng Châu.



Tôi nhớ rất rõ những sự kiện của mùa hè năm 1925. Khi đó, cô Thuận và tôi vừa học xong tiểu học. Lý Trí Thông và Lý Tự Trọng vừa chuyển lên lớp 6. Nhóm 6 người chúng tôi đến từ Xiêm La bao gồm 4 anh chị em chúng tôi (đó là Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận, Lý Trí Thông và Lý Tự Trọng), cùng Lý Thúc Chắt [1911-194?] và Lý Thúc Tự [1912-194?]. Khi chúng tôi đến Quảng Châu, thì Lý Văn Minh đã gia nhập vào nhóm với tư cách là người thứ bảy.



Bà Lý Phương Đức nhớ lại về một thời gian sau, bà đã được kể lại rằng là trước khi cả nhóm rời khỏi Xiêm La để đến Quảng Châu, mẹ bà đã khóc cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Mẹ bà hiểu tại sao nhóm trẻ này cần phải ra đi, nhưng trái tim bà cứ đau nhói vì bọn chúng còn trẻ quá, vài đứa trong bọn họ còn chưa quá tuổi vị thành niên.



Bà Lý Phương Đức nói:



Cha tôi đã tổ chức một bữa tiệc linh đình để đưa tiễn chúng tôi. Đặng Thúc Hứa và một số người khác đã được mời tham gia bữa tiệc chia tay này. Thầy hiệu trưởng nhà trường đã có một bài phát biểu sôi nổi trước các đại diện của nhóm Hiệp Hội Hoa Kiều địa phương. Trong bài phát biểu của mình, thầy hiệu trưởng nhấn mạnh rằng chúng tôi cần đến Tổ Quốc [Trung Hoa] để học thêm 3 năm ở trường cao đẳng đào tạo giáo viên. Sau đó, khi trở về Xiêm La, chúng tôi cần phải dạy học ở trường học địa phương. Ông nói: "Đây sẽ là một thành tích đáng kinh ngạc, nhất là đối với các cô gái", bởi vì vào thời điểm đó, phụ nữ không làm những công việc giáo viên này. Chúng tôi, những người sẽ rời sang Trung Quốc, hiểu rằng bài phát biểu của ông chỉ là bức bình phong che giấu công việc cách mạng của chúng tôi. Bài phát hiểu trên hay đến nỗi mọi người đều hoan hô nó, và họ còn muốn góp tiền cho cha tôi để hỗ trợ cho việc học hành to lớn này của chúng tôi. Tuy nhiên, cha tôi đã từ chối nhận tiền, vì ông hiểu rằng việc sang Trung Quốc học hành to tát này của chúng tôi chỉ là một bức bình phong che đậy cho những công việc khác.  



Để cho việc ra đi của chúng tôi được an toàn, chúng tôi đã mang theo một lá thư giới thiệu của thầy hiệu trưởng. Trong thư, thầy giải thích chúng tôi là con cái của những người Hoa kiều về lại quê hương (Trung Hoa) để học tập, chúng tôi cần được cho phép sang Trung Hoa. Lá thư này đã cho phép chúng tôi được mua vé, trước tiên là đi bằng xe lửa từ thị trấn Pacnampho đến Bangkok, rồi sau đó là đi bằng tàu thủy đến Quảng Châu. Sau 8 ngày lênh đênh trên chặng đường thủy, chúng tôi đã đến Quảng Châu. Đó là vào tháng 6 năm 1925. 



Tuấn đã có một kế hoạch lâu dài về việc giáo dục đường hướng cách mạng cho con cái của ông. Hồ thì lúc nào cũng nói rằng cuộc chiến tranh giành độc lập sẽ còn kéo dài. Với việc cả hai đều hiểu nhu cầu về kế hoạch (cách mạng) dài hạn, sự lựa chọn cẩn trọng các ứng cử viên của Hồ đã đưa lại cho Hồ những nền tảng vững chắc để gầy dựng nên cuộc cách mạng (sau này) của ông.



CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO BỀN VỮNG



Hồ cần các thực tập sinh mới của mình đặc biệt chú trọng vào việc phục vụ các thành viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (Vietnamese RYL, 1925-1929). Theo lời của bà Lý Phương Đức, thì nhóm thực tập sinh mới này là "những đứa con Cộng Sản đầu tiên của Bác Hồ".



Bà Lý Phương Đức nhớ lại:



Vì công việc trước mặt đòi hỏi những kỹ năng cao, Đồng chí Vương [Wang - Hồ Chí Minh] đã tự mình đào tạo Lý Phương Thuận, Lý Trí Thông, Lý Tự Trọng, và tôi (Lý Phương Đức). Tôi nhớ cách ông bắt đầu lớp huấn luyện đầu tiên là bằng cách mở ra một tấm bản đồ Quảng Châu và yêu cầu chúng tôi xác định nơi chúng tôi hiện đang sống và làm việc. Sau khi chúng tôi đã làm được điều này, Đồng chí Vương [Hồ] sau đó giải thích về việc làm sao có thể đến các địa điểm này bằng các lộ trình khác nhau, để kẻ thù không thể phát hiện ra những đặc điểm trong việc di chuyển của chúng tôi. Sau đó ông yêu cầu chúng tôi tìm những địa điểm quan trọng khác, như là các quầy báo, công viên và nhà hát. Việc rèn luyện này cho chúng tôi biết thêm về nhiều địa điểm gặp gỡ khác nhau, và làm cho kẻ địch hoàn toàn có thể bị nhầm lẫn [hoặc không biết rõ chính xác về các địa điểm này]. 



Trong một bài tập thực hành, đồng chí Vương [Hồ] bảo chúng tôi mua báo và tạp chí từ nhiều quầy báo khác nhau, trong khi chúng tôi phải đồng thời tuân thủ nghiêm khắc lịch trình thời gian. Khi chúng tôi trở về, đồng chí Vương [Hồ] cho chúng tôi những nhận xét như "đã dừng lại quá lâu ở ngã tư này, anh/cô không thoải mái khi mua báo, và khi đối diện với người quen, anh/cô đã không thể che giấu được sự thật là đã quen biết họ ...". Ông cũng nhấn mạnh các nhận xét khác như khi  đến và đi từ một địa điểm, chúng tôi cần phải sử dụng lộ trình nhanh nhất và an toàn nhất, giảm thiếu số người liên quan, và khi một tin nhắc cần được trả lời, thì nếu có thể, câu trả lời nên được gởi lại qua một lộ trình khác.



Ngay cả khi học trò của Hồ được nghỉ giải lao, hay đi chơi với bạn bè, Hồ vẫn tiếp tục kiểm tra họ. Vào năm tất niên đầu tiên, Hồ đã sắp xếp cho Lý Phương Đức và các em trai gái của bà là, Thông, Trọng, và Thuận, đi xem buổi biểu diễn múa Sư Tử và Rồng tại thị trấn. Bà Lý Phương Đức nhớ lại là lúc đó, họ có đi cùng với Lê Hồng Sơn, một đồng nghiệp đáng tin. Tuy nhiên, vào một lúc nào đó trong cuộc du ngoạn, Sơn đã cố ý bỏ rơi Đức, Thuận và Trọng trong đám đông, như Hồ đã hướng dẫn, và muốn thử xem nhóm người này sẽ xử lý như thế nào trong một môi trường ngoại quốc, và thử xem thái độ của nhóm, từ lúc đi đến một nơi vui chơi thoải mái vui vẻ, chuyển sang một trạng thái hoảng loạn (bị bỏ rơi) sẽ ra sao. Cả nhóm đều về lại an toàn, và trong cuộc thẩm vấn họ, Hồ đã chúc mừng họ. Rồi Hồ cũng hỏi mỗi người trong họ một câu "Anh/cô có thấy ai theo dõi mình không ?". Mọi người đều nói là không. Mặc dù Hồ khen ngợi nhóm học sinh này, nhưng ông đã biết họ không nhận ra rằng Hồ Tùng Mậu đã theo dõi bọn họ trên lộ trình quay về.



Bà Lý Phương Đức lại tiếp tục:



Mọi lỗi nhỏ đều bị họ chỉ ra. Một lần, Lê Hồng Sơn đưa cho chúng tôi mỗi người một cái túi có kiểu dáng bí ẩn, bao gồm nhiều túi nhỏ [để đựng tài liệu]. Với quá nhiều túi nhỏ để phân loại, chúng tôi thêu nhãn bìa trên từng túi nhỏ ấy để giúp cho việc ghi nhớ những gì được chứa trong túi. Khi đồng chí Vương [Hồ] đến gặp chúng tôi trong buổi huấn luyện tiếp theo, ông đã yêu cầu cho được xem những chiếc túi mới này. Rất ngây thơ, chúng tôi tự hào khoe với ông các ngăn túi được thêu nhãn bìa này, nhưng ông nghiêm khắc nói với chúng tôi cách thêu tên nhãn như thế này sẽ làm cho bản thân chúng tôi bị lộ dễ dàng và có thể sẽ bị nhận ra không khó nếu bị giám sát. Ông nói rằng việc thêu thùa này sẽ làm hại chúng tôi rất nghiêm trọng. Và rồi, ông chỉ cho chúng tôi bước đầu tiên về làm sao có thể sắp xếp gọn gàng trật tự các túi, và sau đó là làm sao có thể giữ an toàn các tài liệu đã được mã hóa bên trong các túi này. Bước thứ hai này có nghĩa là chúng tôi sẽ ngụy trang các tài liệu mật như là sách vở nhà trường được viết bằng tiếng Hoa, nên nếu cảnh sát Trung Quốc có khám xét chúng tôi, họ cũng không thể tìm thấy bất cứ điều gì đáng ngờ.



Hơn thế nữa, trí nhớ chúng tôi cũng phải thật hoàn hảo. Một ví dụ là tôi phải nhớ những câu thoại đã được mã hóa được một người lạ nói lại cho tôi, rồi người này hướng dẫn tôi chuyển các câu thoại đã được mã hóa này sang một người khác mặc áo khoác có màu sắc nhất định nào đó, ở trong một công viên có tên nào đó, và người này đang đọc một tờ báo nào đó, v.v...Trong một trường hợp khác, tôi được yêu cầu gặp ai đó đang bước xuống khỏi toa tàu lửa, đội một chiếc mũ cụ thể nào đó ... Một khi đã liên lạc được, tôi giúp đỡ người lạ này rời khỏi toa tàu, đồng thời vẫn phải nhớ chính xác những gì người lạ này đã nói nhỏ vào tai tôi. Đây là một quá trình rất phức tạp, bởi vì mật khẩu hoặc tin nhắn có thể được dùng với một số ngôn ngữ khác nhau, tùy thuộc vào nơi xuất xứ của người lạ; nhiều người trong họ là những nhà hoạt động Comintern được gửi đến vùng Viễn Đông.



Tất cả chúng tôi đều cảm nhận rằng khóa huấn luyện quá phức tạp và chúng tôi đã thất bại, cho đến khi chúng tôi nhận được phản hồi từ một nhiệm vụ bí mật khó khăn khác. Lúc bấy giờ, đồng chí Vương [Hồ] gọi điện để gặp gấp cô Thuận, Lý Tự Trọng và tôi từng người một. Ông thông báo riêng rẽ cho từng cá nhân chúng tôi về những tin đồn đáng tin cậy liên quan đến một người nào đó đã bị giết gần Lãnh Sự Quán Soviet. Chúng tôi cần đến đó ngay và cần thu thập tin tức tình báo về sự việc này, cũng như là cần phải lấy được một bằng chứng nào đó từ hiện trường trên. Sau đó thì nhóm người chúng tôi gặp Lê Hồng Sơn, lại là từng người một gặp Sơn, và Sơn đã đưa cho mỗi người chúng tôi một tấm băng vệ sinh (sanitary towel), nói là điều này sẽ giúp cho việc thu thập máu thực tế hơn nếu máu là bằng chứng hiện trường mà chúng tôi lựa chọn.



Mỗi người chúng tôi chọn riêng lộ trình của mình và khởi hành vào các thời điểm khác nhau bằng nhiều phương tiện khác nhau. Tôi nhớ rất rõ sau này là thời gian lúc này là vào xuân và một số lộ trình mà tôi lựa chọn thì được thắp sáng sủa và nhiều người, trong khi những nơi khác thì tối tăm và vắng vẻ. Lúc trở về, mỗi người chúng tôi đã chứng minh chúng tôi đã đến hiện trường và về lại an toàn. Chúng tôi đều đưa ra các tấm băng vệ sinh thấm máu nạn nhân. Chúng tôi đã thực hiện công việc được giao cho một cách xuất sắc.



Để kiểm tra thêm nữa về kỹ năng của học trò, Hồ yêu cầu các tuyển dụng viên giao báo Thanh Niên do Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (Vietnamese RYL) xuất bản, và họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Vào tháng 7 năm 1925, Hồ hướng dẫn nhóm người này ghi danh vào một trường học truyền thống do chính phủ Trung Quốc điều hành với khoảng 3 ngàn học sinh; nhóm người này rất mau đã lãnh đạo phong trào cách mạng bí mật trong giới học sinh tại nơi đây. 



Một khi đã được huấn luyện, điều khiến cho lớp thế hệ học trò đầu tiên trở nên thật quan trọng đối với Hồ, không chỉ là họ đã học được các kỹ năng giao liên mới như là các hướng dẫn viên chuyên nghiệp, chiến binh, gián điệp, và tuyên giáo, nhưng còn là họ có thể nói được các ngôn ngữ khác nhau tựa như là nói tiếng mẹ đẻ của họ vậy. Giờ đây, những người giao liên mới này đã có thể truyền tin rõ ràng với các thành viên Quốc tế Cộng Sản (Comintern apparatchiks), với những đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và với người dân ở các quốc gia khác tại Đông Nam Á là nơi mà Quốc Tế Cộng Sản đã quăng mẻ lưới vào nơi này; Cô Thuận rồi thì cũng trở nên thành thạo với tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thái, tiếng Hoa và tiếng Việt. Chính sự kết hợp các kỹ năng này của những người giao liên mới đã giúp Hồ nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (Vietnamese )
Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?

Những người giao liên Cộng Sản Việt Nam đầu tiên đã được đào tạo như thế nào ?


Không có nhận xét nào