VÌ SAO MIỀN TRUNG LUÔN OẰN MÌNH TRONG LŨ LỤT! Cả nước có hơn 800 công trình thủy điện lớn nhỏ. Miền Trung chiếm gần một nửa. Miền Trung sôn...
Cả nước có hơn 800 công trình thủy điện lớn nhỏ. Miền Trung chiếm gần một nửa.
Miền Trung sông ngòi nhiều, địa hình dốc, đầu tư ít, thu lợi nhanh và lãi vô cùng lớn. Chưa kể nguồn lợi lâm sản do phá rừng được hợp pháp hoá. Nhiều công trình thủy điện thậm chí không còn thèm xây hồ chứa nước. Họ chỉ cần làm các bậc thang nâng cao động năng của dòng nước xả. Dòng nước lũ hậu quả từ việc nâng cao động năng này càng vô cùng hung dữ vì không được sử dụng để quay tuốc-bin chuyển thành năng lượng điện.
Các nhà chuyên môn, thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, để có được 1 MW điện, có ít nhất 10-30ha rừng bị phá để làm hồ chứa, chưa kể những thứ “mượn gió bẻ măng” khác, chẳng hạn phá rừng lấy tài nguyên bán thu lợi. Thực tế đã xẩy ra, khi lấy 1000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì lại mất thêm từ 1000 đến 2000 ha đất rừng hoặc đất nông nghiệp thượng nguồn.
Công suất lắp đặt ngành điện cả nước năm 2020 toàn hệ thống đạt gần 70.000MW, trong đó 1/3 là thủy điện. Từ đó, có thể tính được diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị phá ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Trung là bao nhiêu!
Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, thì đầu tư vào thủy điện là đầu tư siêu lợi nhuận.
Trong bài “Miền Trung héo hon vì thủy điện” đăng trên Tuổi trẻ Cuối tuần ngày 27/6/2009 có đưa tin ông Nguyễn Văn Lê, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần thủy điện A Vương tỉnh Quảng Nam cho biết, công trình này chỉ phát điện sớm trên 180 ngày mà đã mang về cho công ty doanh thu khoảng 240 tỉ đồng. Trong 9 năm là hoà vốn (chưa tới 4 tỉ đồng), còn lại, 31 năm (tuổi thọ công trình ít nhất 50 năm) là lợi nhuận ròng! Còn một cán bộ tài chính của nhà máy thủy điện A Lưới (quy mô rất nhỏ) cho biết, mỗi năm nhà máy bán điện được lãi khoảng 500 tỉ đồng…
Người người đua nhau làm thủy điện miền Trung vì lãi khổng lồ, trong khi đó cung điện luôn nhỏ hơn cầu và nhà nước lại luôn bù giá điện.
Nhiều nhà khoa học đã công bố hiện trạng: do bản chất thủy điện miền Trung quy mô vừa và nhỏ, khả năng điều tiết chống lũ kém, nhiều bậc, khiến cho dòng chảy lúc bình thường vốn đã mạnh càng thêm hung bạo và kéo dài hơn. Hiện tại, các hồ chứa thủy điện miền Trung chỉ xây dựng quy trình vận hành độc lập để đảm bảo nước phát điện và an toàn đập, khi thiết kế chưa bố trí xây dựng dung tích cắt lũ cho hạ lưu. Vì thế, khi lũ về, toàn bộ lượng nước đến hồ đều được xả xuống hạ lưu gây lũ.
Những người làm thủy điện và quan chức địa phương đã cam kết trước chính phủ về việc giữ rừng, về việc vận hành an toàn hồ chứa, về đảm bảo đời sống nhân dân và môi sinh môi trường… nhưng họ đã hầu hết không thực hiện. Khâu kiểm tra giám sát cũng rất qua loa, thậm chí còn bao che bằng mọi giá.
VÌ THẾ MIỀN TRUNG LUÔN OẰN MÌNH TRONG LŨ LỤT!
Lm Antôn Đặng Hữu Nam.
Hình: Lũ lụt tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, tháng 9/2021
Không có nhận xét nào