MẤY SUY NGHĨ KHI NGHE PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TRƯỚC QUỐC HỘI. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ở buổi họp Quốc hội. Nói rất...
MẤY SUY NGHĨ KHI NGHE PHÁT BIỂU CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ ĐỨC ĐAM TRƯỚC QUỐC HỘI.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ở buổi họp Quốc hội. Nói rất hay, rất đúng và gây cảm xúc cho người nghe. Tuy nhiên, giá như ngay từ đầu đại dịch, nhà nước, chính quyền không lúng túng, bất lực, khủng hoảng, không đưa ra những biện pháp thiếu khoa học, những chính sách không hợp lý, biết tham khảo những nhà chuyên môn, biết lắng nghe và xử lý tình huống chính xác hơn. Sẽ không có số người tử vong cao đến thế. Sẽ không có những bi thương, tang tóc đến thế. Sẽ không có những cơn hoảng loạn kéo dài như đã xảy ra. Sẽ không có hàng trăm ngàn người phải chấp nhận rủi ro vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số để rời bỏ thành phố. Đó là nỗi đau khó nguôi ngoai trong lòng của mỗi người dân thành phố này.
Hiện nay, như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo trong buổi gặp mặt cử tri vừa rồi là có thể có cuộc bùng phát dịch thứ 5 nếu chúng ta mất cảnh giác. Ai cũng biết tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Con số người nhiễm bệnh hàng ngày vẫn là con số ngàn. Virus vẫn luẩn quẩn, loanh quanh đâu đó, F0 vẫn có mặt khắp nơi. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long con số bệnh vẫn tăng nhưng hệ thống y tế không đáp ứng được nếu không muốn nói là yếu kém. Thành phố HCM cũng ở trong tình trạng nguy hiểm và nhân dân thành phố cũng khó mà quên được những đau thương, mất mát trong đại dịch vừa rồi.
Phó Thủ tướng cũng thông báo cho biết là hiện nay đã có đủ vaccine cung cấp cho cả nước. Thế nhưng, dù đã tiêm đủ hai mũi, vẫn nhiễm bệnh và vẫn tử vong. Cho nên, để tránh việc lúng túng, khủng hoảng lập lại khi bùng phát dịch, chính quyền phải có kế hoạch chuẩn bị và những chính sách tương ứng phù hợp. Cần chấn chỉnh và có chế độ ưu đãi cho các cán bộ, nhân viên y tế. Hiện nay đã có hiện tượng rất nhiều nhân viên y tế, nhất là ở các trạm y tế địa phương đã xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực cũng như phải xa gia đình trong thời gian quá dài. Nếu thiếu đội ngũ y tế mà dịch bùng phát lại, ta lại đi trên vết xe đổ của đợt bùng phát trước đó, và cũng sẽ tiếp diễn tang thương. Đồng thời, phải chuẩn bị phương tiện và thuốc men, máy móc đầy đủ để chữa trị cho bệnh nhân, tránh gom vào để đó ai mạnh thì sống, ai yếu thì chết. Hệ thống y tế ở địa phương phải được tăng cường và có trang thiết bị để kịp thời ứng chiến. Trong đợt dịch trước, nhiều người đã chết oan khi không có phương tiện kịp thời để chuyển viện cấp cứu. Thành phố có quân đội và lực lượng này có nhiều xe cộ. Tại sao không sử dụng những chiếc xe của quân đội túc trực từng phường, xã để khi cần là có thể đáp ứng ngay. Tránh phong toả, giãn cách kéo dài. Chúng ta đã chấp nhận sống chung với virus thì không nên thực hiện những biện pháp phong toả như đã từng làm trước đây. Hạn chế việc cách ly tập trung vì đây sẽ biến thành ổ dịch, là nơi làm tăng số người nhiễm bệnh. Phải có chính sách cho người nhập cư, nhất là nhà ở, thuốc chủng ngừa dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ an sinh để họ an tâm trong cuộc sống.
Những người đã chết không thể sống lại được. Nhưng phải làm sao để đừng có người phải chết oan nữa. Muốn được thế, phải chuẩn bị chu đáo và có những biện pháp hợp lý, khoa học từ chính quyền. Hơn 17.000 người đã chết ở thành phố này, rất mong những đau thương sẽ không tái diễn và cũng rất mong mọi người, mỗi cá nhân phải tự bảo vệ mình để dịch bệnh được ngăn chận và không có còn một cơn bùng phát nào nữa.
16.11.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào