Miền Việt ngữ mới #tieng_viet_dep_lam #viet_cho_con_mickey Nhờ thầy Nguyễn Thụy Đan chia sẻ, mình mới biết có buổi họp "Gió-O: 20 Năm N...
Miền Việt ngữ mới
#tieng_viet_dep_lam #viet_cho_con_mickey
Nhờ thầy Nguyễn Thụy Đan chia sẻ, mình mới biết có buổi họp "Gió-O: 20 Năm Nắn Nét" ở đại học Berkeley, California chiều Chủ Nhật 19/12/2021 (xem >> https://www.facebook.com/ton.ngokhong.961/posts/2045598378921761)
Một trong những diễn giả của cuộc họp mặt này, là cô Nguyễn Vũ Khuyên, có phát biểu như sau:
****
Cô Khuyên, sau lời chào mừng, đã nói về sự ra đời và hành trình 20 năm của Gió-O, với trích đoạn từ một bài viết vào năm 1999 mang tên 'Về Diệu Tưởng @ Lượng Chữ' để rồi nhắc đến những trăn trở của Lê Thị Huệ:
"Tư cách sống ngoài nước đã cho tôi một đời sống không lệ thuộc vào quê quán nào cả. Tôi sáng tác bằng tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ tôi sử dụng hằng ngày là ngôn ngữ khác…Tôi và cộng đồng những người sử dụng tiếng Việt ngoài nước Việt Nam đã tạo nên một vương quốc mới, Vương quốc Tiếng Việt Hải Ngoại. Chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài. Yêu cầu những quý vị nào thích nhồi nhét nhà văn hải ngoại về cùng bọc bịch với nhà văn rễ cây trong nước thì xin liệng tên tôi ra khỏi danh sách ấy. Tôi muốn lọt sổ. Tôi vay mượn chữ nghĩa và đời sống của quê hương địa lý thật, nhưng đời sống của ngôn ngữ, tôi đã vượt ra khỏi quê hương địa lý ấy."
****
Mình đọc đoạn văn trên của cô Nguyễn Vũ Khuyên mà thấy bàng hoàng quá. Bàng hoàng là bởi vì:
----
(1) Không hiểu cái khái niệm về "một đời sống không lệ thuộc vào quê quán" của cô nghĩa là ra sao ? Ví dụ nếu cô ở Mỹ mà cô mặc áo dài Việt Nam khi đi chùa / đi nhà thờ vào dịp Tết / Xmas, thì quyết định như thế của cô có là đến từ tâm tư "lệ thuộc vào quê quán" của cô không ? Nếu không, thì mình rất là muốn biết tại sao quý cô người Việt bên Mỹ lại chỉ mặc áo dài Việt Nam vào các ngày lễ chứ không mặc luôn hằng ngày khi đi làm việc ở Mỹ ?
Mà không hiểu một người Việt ở Mỹ có "đời sống không lệ thuộc vào quê quán" nghĩa là sống ra sao nhỉ ? Mà không hiểu ngay luôn cả cái họ Nguyễn của cô, cô có xem đó là cái "lệ thuộc vào quê quán" không ?
Hay là cô selectively picks những gì thuộc hay không thuộc về "quê quán" như bao nhiêu người Việt ở Mỹ khác (như mình chẳng hạn) ?
----
(2) Thật đáng ngại khi đọc đoạn văn cô viết "Tôi và cộng đồng những người sử dụng tiếng Việt ngoài nước Việt Nam đã tạo nên một vương quốc mới, Vương quốc Tiếng Việt Hải Ngoại"
Theo mình hiểu, một vương quốc thì cần có lãnh đạo chứ nhỉ ? Mà cái Vương quốc Tiếng Việt Hải Ngoại này, không hiểu ngày nay là do ai lãnh đạo nhỉ ?
Và chả phải người Việt mình ở Mỹ, rất ghét thói nói thậm xưng và viết đao to búa lớn của người Cộng Sản đó sao ? Nếu chúng ta chỉ là một cộng đồng nhỏ ở Mỹ và vẫn đang cố gắng hằng ngày giữ gìn tiếng Việt của ông cha, tại sao cô không viết chúng ta đang chung tay cùng nhau "tạo nên một miền Việt ngữ mới" nhỉ ? Đọc lên cái danh từ Vương quốc Tiếng Việt Hải Ngoại của cô, mình cứ tưởng là do anh tuyên giáo nào bên Việt Nam viết đó chứ ? Tiếng Việt của ông bà mình đẹp quá, sao cô không dùng, mà cô lại dùng thứ tiếng Hán Việt nửa nạc nửa mỡ vậy ?
----
(3) Thật xấu hổ khi đọc đoạn văn cô viết "Chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài"
Vì sự thật là ở Mỹ (mà chắc chỉ quanh quẩn đâu đó trong các tiểu bang có cộng động người Việt), thì 1 chữ Việt duy nhất đã "nhập cảng" vào xã hội Mỹ là chữ Phở (Vietnamese Pho). Ngoài ra thì không thấy có chữ Việt nào "nhập cảng" vào xã hội Mỹ cả. Với sự thật này, thì làm gì có việc "chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài" như cô viết ? Mà sự thật đáng buồn hơn nữa là, người Việt ở Mỹ đang cố gắng "bảo tồn" tiếng Việt, tức là đừng để cho tiếng Việt bị mất đi, chứ chưa bao giờ có ai mà đã "xuất cảng" được tiếng Việt ở Mỹ cả.
Nên khi cô viết "Chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài" thì xin thưa, đó là cô nói quá sự thật đó thôi.
Mà sao cô không viết đơn giản "Chúng tôi đang truyền bá tiếng Việt ở những nước sở tại" nhỉ ? Một câu văn như thế vừa dễ nghe mà vừa thân thiết, và nhất là, nó không có đao to búa lớn chói tai như những người Cộng Sản rất thường viết vậy. Ở Mỹ mà đọc câu "Chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài" thì thật là e ngại, tựa như Dạ Lang Tự Đại vậy.
----
(4) Cuối cùng, cô viết "Tôi vay mượn chữ nghĩa và đời sống của quê hương địa lý thật, nhưng đời sống của ngôn ngữ, tôi đã vượt ra khỏi quê hương địa lý ấy."
Nhưng "quê hương địa lý" Việt Nam thì có gì là xấu đâu ? Việt Nam là nơi mà ông cha của bao nhiêu thế hệ người Việt mình, mà trong đó, chắc là có cả ông cha của cô, của thầy Nguyễn Thụy Đan, của Brian, của cô / thầy Gió-O đã sống và nằm xuống đó chứ. Người Việt ở Mỹ mà ghét, chắc là ghét chế độ Cộng Sản kìa, chứ không là ghét "quê hương địa lý" Việt Nam.
Và nếu đúng là ý của cô trong câu "Tôi vay mượn chữ nghĩa và đời sống của quê hương địa lý thật, nhưng đời sống của ngôn ngữ, tôi đã vượt ra khỏi quê hương địa lý ấy." chỉ cho việc cô dùng từ Việt ngữ hay hơn, dễ hiểu hơn so với cách người Việt ở Việt Nam viết, thì xin thưa, là đoạn văn trên của cô đã chứng minh ngược lại. Tức là câu từ Việt ngữ mà cô dùng trong câu ấy, nghèo hơn rất nhiều so với cách viết tiếng Việt trong sáng, ít lạm dụng câu từ Hán Việt.
----
Vậy nếu một người Việt ở Mỹ mà muốn "làm đẹp cho ngôn ngữ Việt", thì điều trước tiên mà họ cần làm, không phải là chối bỏ quê quán của họ, hay là cần phân biệt văn chương quốc nội hay hải ngoại gì cả, mà chính là phải đọc thêm nhiều sách tiếng Việt nữa, sách xưa lẫn sách nay, sách Cộng Sản lẫn sách Quốc Gia, để tìm những câu từ, câu văn thật hay, thật trong sáng mà dùng, mà viết, chứ không thể nào lại quyết định rằng là "Tôi vay mượn chữ nghĩa và đời sống của quê hương địa lý thật, nhưng đời sống của ngôn ngữ, tôi đã vượt ra khỏi quê hương địa lý ấy.", để rồi lại viết về "Tôi và cộng đồng những người sử dụng tiếng Việt ngoài nước Việt Nam đã tạo nên một vương quốc mới, Vương quốc Tiếng Việt Hải Ngoại. Chúng tôi đang xuất cảng tiếng Việt ra nước ngoài" một cách sống sượng như thế. Viết như thế là làm hỏng tiếng Việt và rất ư là Dạ Lang Tự Đại.
Noel 2021 @ San Jose, CA
Mèo Cà Ri Brian
Không có nhận xét nào