Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

MỘT HƯ HỎNG VỀ THIẾT CHẾ KHOA HỌC

Một hư hỏng về thiết chế khoa học  Báo chí của Nhà nước đang và sẽ còn bận rộn khai thác những tình tiết chung quanh "Câu chuyện Việt Á...

Một hư hỏng về thiết chế khoa học 

Báo chí của Nhà nước đang và sẽ còn bận rộn khai thác những tình tiết chung quanh "Câu chuyện Việt Á", nhưng đó chỉ là một trong hàng ngàn hay hàng vạn trường hợp đã và đang xảy ra. Nếu chỉ xoáy vào Việt Á thì e rằng chỉ thấy cây mà không thấy cả khu rừng đã bị hư lâu rồi. Hư về tính minh bạch, về y đức, và thiết chế khoa học. Phải trồng lại rừng thôi. 

Câu chuyện Việt Á làm chúng ta sốc là phải. Sốc vì con số quá lớn (hơn 4000 tỉ đồng). Sốc vì con số "lại quả" (mà phải mất một thời gian tôi mới hiểu nghĩa thật của chữ này) tại một tỉnh nghèo. Sốc vì sự yếu ớt về khoa học tính đằng sau một sản phẩm. Sốc vì sự dễ dãi của thiết chế khoa học cấp quốc gia. Sốc vì hậu quả của nó có thể gây tác hại cho hàng triệu người. 

Một dạng 'institutional corruption' 

Khi sự việc xảy ra, báo chí và công chúng thường chỉ tay về cá nhân đương sự, và điều này cũng dễ hiểu. Nhưng đương sự chỉ là 'sản phẩm' của một hệ thống mà thôi. Vấn đề lớn hơn là lỗi của hệ thống, của thiết chế (institution). Chỉ trích cá nhân có thể đem lại sự hả hê cho vài người, nhưng không giải quyết được vấn đề lớn hơn là lỗi của thiết chế. 

Công bằng mà nói tham nhũng ở Việt Nam là một hiện tượng mang tính thiết chế, hay 'institutional corruption'. Tham nhũng thiết chế được biểu hiện qua chiến lược gây ảnh hưởng nhằm làm suy giảm năng lực của một thiết chế, và làm xói mòn niềm tin của công chúng vào thiết chế đó. Câu chuyện Việt Á rất phù hợp với định nghĩa này, vì nó làm cho công chúng mất niềm tin vào thiết chế khoa học Việt Nam. 

Làm sao một thiết chế khoa học nghiêm chỉnh có thể chấp thuận cho lưu hành một sản phẩm [1] có ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người? Làm sao một thiết chế khoa học cấp quốc gia mà không hiểu tiếng Anh của Tổ chức Y tế Thế giới? Thiết chế đó có vấn đề. 

Kém minh bạch 

Một trong những vấn đề của cái thiết chế đó là tính minh bạch. Tính minh bạch là tiêu chuẩn số 1 của khoa học. Chúng ta đã thấy quá trình nghiên cứu, xét duyệt và phê chuẩn vaccine chống Covid ra sao. Họ làm nghiên cứu từ lúc nào, công bố ở đâu, và hội đồng xét duyệt gồm những ai. Có cả biên bản thảo luận trong cuộc họp xét duyệt. Sự minh bạch như thế làm cho công chúng tin vào khoa học. 

Nhưng ở Việt Nam, công chúng không biết hội đồng khoa học đã thông qua bộ kit của Việt Á gồm những ai và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học của họ ra sao. Người ta chỉ nói "Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia". Người ta không cho biết qui trình xét duyệt của Hội đồng là gì, và cũng không công bố biên bản họp. Quan trọng hơn là không có một dữ liệu khoa học nào được công bố để công chúng và giới khoa học có thể thẩm định độ chính xác và độ tin cậy của phương pháp xét nghiệm! Sự thiếu minh bạch như thế làm cho công chúng mất niềm tin vào thiết chế khoa học Việt Nam.

Tôi tự hỏi tại sao Việt Nam không tận dụng các chuyên gia gốc Việt ở nước ngoài? Ở Úc này, mỗi khi xét duyệt một sản phẩm y tế nào người ta đều mời các chuyên gia nước ngoài tham gia bàn luận hay xin ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Ý tưởng là các chuyên gia nước ngoài thường cho ý kiến độc lập so với các đồng nghiệp trong nước Úc. Việt Nam hay nói đến việc thu hút giới khoa học nước ngoài, nhưng họ chỉ nói cho có nói, chớ trong thực tế thì không làm như họ nói. 

"Lại quả"

Tình trạng kém minh bạch trong khoa học mở cánh cửa cho nhiều tiêu cực, và một trong những tiêu cực đó là 'lợi quả'. Có thể nói rằng lợi quả ở Việt Nam gần như là một nét văn hoá trong khoa học và kinh doanh. Nó là một 'luật chơi' mà ai muốn làm cho được việc cũng phải tham gia. Theo thời gian nó trở thành hệ thống hoá. Chính sự hệ thống hoá này làm suy giảm năng lực của thiết chế và làm cho đất nước nghèo hơn. 

Ai cũng biết ở Việt Nam lại quả là một 'luật' trong việc mua thiết bị khoa học đến thuốc men. Có người vui miệng nói là 'luật giang hồ'. Mua cái gì cũng phải lại quả, chỉ khác biệt là ít hay nhiều, hoặc gián tiếp hay trực tiếp mà thôi. Đây chính là một trong những lí do tại sao thiết bị y tế và thuốc men ở Việt Nam có khi mắc hơn ở nước ngoài. Sự việc này đã diễn ra mấy mươi năm nay rồi, chớ chẳng phải mới. Ấy thế mà cho đến nay cái thiết chế đó vẫn chưa thấy có gì thay đổi tích cực. 

Có người nói sẽ không thay đổi được vì vấn đề xuất phát từ thể chế. Có thể như thế, nhưng tôi thấy nó tuỳ thuộc vào lãnh đạo. Câu chuyện chung quanh 'đấu thầu' liên quan đến các công ti công nghệ sinh học làm tôi nhớ đến Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU). Nhiều năm trước khi bắt đầu thiết lập labo nghiên cứu cơ và xương ở TDTU, chúng tôi phải mua máy móc, thiết bị từ các công ti. Hầu như liên lạc với công ti nào người ta đều nói đến hoa hồng với những con số cụ thể. Nhưng chúng tôi nói rằng ở đâu thì không biết, còn ở đây (TDTU này) thì không có chuyện đó. Đó là chánh sách của Đại học mà chúng tôi rất hài lòng. Một đại diện công ti nói rằng anh ấy đã kinh doanh 25 năm ở VN nhưng chưa thấy nơi nào như TDTU! 

Nếu TDTU làm được thì tại sao những nơi khác không làm được? Có thể người ta không muốn làm? 

Câu chuyện Việt Á là một minh chứng cho thấy quan điểm 'bôi trơn' của lí thuyết gia Samuel Huntington sai. Trong một bài luận trước đây, Giáo sư Huntington lí giải rằng ở các nước kém phát triển, việc bỏ ra một ít tiền để 'bôi trơn' và lách hệ thống hành chánh cồng kềnh để đạt mục tiêu có thể giúp cho guồng máy kinh tế vận hành và phát triển. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta thấy quan điểm này của ông Huntington sai.

Y đức 

Câu chuyện Việt Á còn nói lên vấn đề y đức ở Việt Nam. Nhiều năm trước, y đức là một vấn đề nhức nhối trong ngành y, qua hàng ngàn câu chuyện bệnh nhân đút lót cho nhân viên y tế để được ưu tiên. Thời đó, số tiền 'bôi trơn' chẳng là bao, nhưng đã làm tha hoá rất nhiều người. 

Nhưng ngày nay, y đức ở Việt Nam có một chiều kích khác, lớn hơn và nghiêm trọng hơn. Nó không chỉ là vài triệu đồng bôi trơn, mà là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng. Nó không phải chỉ liên quan đến vài nhân viên y tế nghèo khó, mà dính dáng đến những người trong vị trí lãnh đạo và giàu có, những người trong giới tinh hoa của xã hội. Nó không chỉ liên quan đến một vài bệnh nhân như thời xưa, mà hàng trăm triệu người trong cộng đồng. 

Một trong những qui ước của y đức Việt Nam đọc rất hay

"Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh."

nhưng trong thực tế thì đó chỉ là một uyển ngữ. Chúng ta thấy ngay cả được phép của các Bộ chuyên trách mà vẫn sai lầm. Sai lầm từ thiết chế. Thành ra, nếu chỉ xoáy vào một công ti hay một nhóm thì chẳng khác gì chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Vấn đề là khu rừng bị cháy, thì chữa cháy một cái cây đâu có giải quyết được gì. Phải trồng lại khu rừng thôi. 

 Gs Nguyễn Tuấn
_______

[1] Tháng 3/2020, Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia đã thông qua kết quả nghiên cứu chế tạo và kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kít Real - time RT - PCR one step (test Covid).







1 nhận xét

  1. XHCN VN đúng nghĩa là nồi cháo heo ! Đủ cả không thiếu thứ gì, thượng vàng hạ cám !
    Ai có dăm ba chữ , ắt hẳn đều biết câu :"Dân nào chính quyền đó"

    Dân Thanh-Nghệ-Tĩnh , cái nôi cắt mạng , nay đang thi nhau theo chân boác : "tìm đường cứu nước"; boác khôn hơn dân bi giờ , nhờ boác ti toe dăm chữ Phú Lang Sa ... nên boác thủ thân đi đâu cũng đem theo CỤC GẠCH ... vừa ấm bụng vừa xí chỗ trong hàng . Boác đâu ngu đút đầu vào container đông lạnh , boác đâu ngu vượt biển bằng tàu cao su !

    Boác nhìn xa trông rộng hơn đám hậu sanh khả ố bi giờ , chính vậy mà tới giờ cả nước vẫn chúi đầu vào học theo boác , noi theo boác , học tập tư tưởng boác .... đưa cả nước tới đại đồng chủ nghĩa .
    Đương nhiên trong quá trình xây dựng , tiến lên XHCN chúng ta luôn có những trở ngại và thế lực thù địch cản đường chắn lối ,

    Ôi lại nhớ câu :"đừng nghe những gì Việt cộng nói , haỹ nhìn những gì Việt cộng làm".
    Cùng một ý nghĩa với :"Ở xứ Việt cộng cái gì cũng giả, trừ sự giả dối"
    Hư hỏng về thiết chế khoa học ?
    Sao không nói thẳng là hư hỏng về giáo dục và đào tạo ? Nói trắng phớ ra là hư hỏng về chủ nghĩa bánh vẽ , chủ nghĩa không tưởng , chủ nghĩa ảo chủ nghĩa bịp .... cần cho vào thùng rác sớm chùng nào tốt cho dân chừng đó .
    Viết mà còn phải lách ư ? Hèn hơn Tô Hải !!!

    Trả lờiXóa