THUỐC MOLNUPIRAVIR BÁN TRÊN MẠNG TỪ ĐÂU RA? Theo chủ trương của Sở Y tế thành phố, hiện nay có 3 túi thuốc điều trị COVID-19 cho F0 gồm: túi...
THUỐC MOLNUPIRAVIR BÁN TRÊN MẠNG TỪ ĐÂU RA?
Theo chủ trương của Sở Y tế thành phố, hiện nay có 3 túi thuốc điều trị COVID-19 cho F0 gồm: túi A, túi B và túi C. Túi A gồm thuốc hạ sốt, vitamin (B hoặc tổng hợp) dùng trong 7 ngày; túi B gồm thuốc kháng viêm và kháng đông, dùng trong 3 ngày. Túi C là thuốc kháng virus Molnupiravir dùng tối đa 5 ngày.
Khi địa phương có F0, nhân viên y tế sẽ phát túi thuốc A và B. Trường hợp người nhiễm dịch có những biểu hiện khó thở, SpO2 dưới 95% có thể uống một liều đầu tiên và báo ngay cho nhân viên y tế. Riêng túi C là thuốc Molnupiravir không phát hết cho tất cả F0. Đây là thuốc nhân viên y tế giữ, khi tiếp cận F0 sẽ khám và tìm hiểu tình hình sức khoẻ mới có phương án sử dụng. Nếu đúng chỉ định và là F0 có triệu chứng và triệu chứng nhẹ thì được sử dụng thuốc Molnupiravir. F0 có triệu chứng nặng cũng không được dùng thuốc này.
Từ những quy định như vậy, đã có kẽ hở để những nhân viên y tế lợi dụng để chiếm dụng thuốc Molnupiravir mang đi rao bán trên mạng với giá trên trời. Người phát hiện F0 bây giờ báo với phường năm lần bảy lượt mới có người bắt máy. Rồi chỉ ghi nhận chứ chẳng cấp túi thuốc nào. Thế mới có thuốc đem ra bán chợ đen.
Cụ thể, ngày 18-9 qua theo dõi, kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện một số thông tin quảng cáo, kinh doanh thuốc kháng virus Molnupiravir trên mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Sở Y tế đã phối hợp với Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) và Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an TP.HCM, bám sát các nguồn tin, theo dõi đối tượng để làm rõ vụ việc.
Đến ngày 25-9, Sở Y tế và PA03 đã xác định một số đối tượng và đơn vị liên quan đến hành vi kinh doanh thuốc Molnupiravir trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể quận 10, quận Bình Tân, quận Tân Phú được cho là các địa phương có dấu hiệu liên quan.
Mặt khác, Sở Y tế đã phối hợp PA03 kiểm tra đột xuất một số đơn vị như: Công ty TNHH Dược Sài Gòn (Sapharco), Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, Trung tâm Y tế quận 7. (Trích báo Tuổi Trẻ).
Có một loại người chỉ biết kiếm tiền cho bản thân, không quan tâm đến những hậu quả có thể giết chết người. Một bệnh nhân bị nhiễm dịch có triệu chứng thay vì cho thuốc Molnupiravir uống ngay lại không thực hiện. Báo cáo đã dùng nhưng thật ra là bỏ túi mang bán. Nạn nhân lãnh đủ là người F0. Và họ có thể chết vì không được chữa trị đúng lúc. Những kẻ làm giàu trên xương máu của đồng bào như thế phải có biện pháp mạnh với họ. Phải đưa ra toà với bản án nặng nhất. Đó còn là kẻ phá hoại công cuộc ngăn chận dịch bệnh. Tội này không thể tha thứ được. Chẳng khác chi tội giết người. Đúng là ăn bất kể thứ gì.
10.12.2021
DODUYNGOC
Không có nhận xét nào