Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ SỰ TRỖI DẬY CỦA NHÀ NƯỚC PHÙ NAM CÓ LÀ ĐẾN TỪ SỰ ẢNH HƯỞNG ẤN ĐỘ KHÔNG ?

Về sự trỗi dậy của nhà nước Phù Nam có là đến từ sự ảnh hưởng Ấn Độ không ? #funan #sumio_fukami Phần 1. Có đúng Hỗn Điền là từ Ấn Độ đến Ph...

Về sự trỗi dậy của nhà nước Phù Nam có là đến từ sự ảnh hưởng Ấn Độ không ?

#funan #sumio_fukami

Phần 1. Có đúng Hỗn Điền là từ Ấn Độ đến Phù Nam không ?
Về sự trỗi dậy của nhà nước Phù Nam có là đến từ sự ảnh hưởng Ấn Độ không ?


Nhằm giúp đỡ cho các bạn có thêm tài liệu để tham khảo về Phù Nam, mình xin tạm dịch phần đầu (trong 2 phần) bài viết nghiên cứu Anh ngữ Hundian and Suwu: A Fresh Look at the Emergence of Funan (tạm dịch là Hỗn Điền và Tô Vật: Một cách nhìn mới về sự trỗi dậy của Phù Nam), được đăng vào năm 2009. 

Bài viết nghiên cứu này của tác giả Sumio Fukami là để tranh luận về 2 chủ đề xoay quanh Phù Nam, mà mình chưa thấy có học giả Việt Nam nào bàn cả. Đó là:

(1) Liệu Hỗn Điền, vị vua đầu tiên của Phù Nam, có phải là người gốc Ấn Độ không ?

(2) Liệu Phù Nam và Ấn Độ có thật sự biết đến nhau không (ít nhất là trước thế kỷ III) ?

Nếu các bạn để ý khi đọc các bài viết của những học giả Việt Nam về Phù Nam, thì thấy rõ những gì họ viết, đều lấy ra từ những kiến thức cũ rích của các học giả Pháp vài mươi năm trước. Không hiểu tại sao ít có ai trong họ có những nghiên cứu sử liệu nào mới hơn về Phù Nam ? Đáng ngờ hơn, là tại sao những bài viết nghiên cứu Anh ngữ về Phù Nam như thế này, đã được viết cũng hơn một thập niên (tức 10 năm) rồi, mà vẫn không thấy có học giả Việt Nam nào nhắc đến hoặc dịch ra để các sinh viên trong ngành khảo cổ học hoặc cho các bạn đam mê sử học đọc và có thêm tài liệu để tham khảo về Phù Nam ?

Sẵn mình có dự định sẽ dịch lại (trong sáng và dễ hiểu hơn) bài viết Funan Reviewed của thầy Vickery (dựa vào bản dịch xưa của thầy Hà Hữu Nga), mà bài đó dài quá (45+ trang), nên mình xin bắt đầu dịch trước phần đầu (trong hai phần) bài viết nghiên cứu Phù Nam của học giả Sumio Fukami (15 trang) để giúp các bạn có thêm những kiến thức mới bổ ích về Phù Nam mà các nhà nghiên cứu ngoài này đã viết hơn 10 năm trước. Ở ngoài này, các tài liệu Anh ngữ nghiên cứu về Đông Nam Á và Phù Nam cũng không là thiếu cho lắm. Mình sẽ tự tạm dịch để chia sẻ đến cho các bạn càng nhiều càng tốt. 

Các bạn đọc, có gì không hiểu bản dịch, hay thấy có sai, xin cứ lên tiếng để mình cập nhật lại.

Có lẽ những kiến thức Phù Nam này là mới cho hầu hết các độc giả Việt Nam chăng ? Nếu đúng là vậy, thì các bạn còn phải đọc thêm nhiều lắm về Phù Nam. Còn những kiến thức Phù Nam mà các học giả Việt Nam viết xưa nay, chúng khá là lạc hậu rồi bạn. Họ viết trong Việt ngữ cho các bạn đọc thôi, chứ ngoài này, người ta chắc là đã đi một bước rất dài về việc nghiên cứu sử liệu Phù Nam (hay Đông Nam Á) mất rồi. Đọc và nâng cao kiến thức mau đi bạn ơi.

Thanks & enjoy nha bạn

Brian

*****

**Hỗn Điền (Hundian 混填) và Tô Vật (Suwu 蘇物): Một cách nhìn mới về sự trỗi dậy của Phù Nam**

Phần Dẫn Nhập

Lâm Ấp (Linyi 林邑) và Phù Nam (Funan 扶南) là 2 nhà nước xuất hiện sớm nhất trong các nguồn tài liệu hiện tồn liên quan đến tiến trình hình thành quốc gia tại Đông Nam Á thời sơ khai. Cả hai nhà nước này, tương tự như cách gọi tên của chúng, đều là xuất hiện từ các tài liệu Trung Quốc.

Trong khi sự trỗi dậy của một nhà nước độc lập Lâm Ấp vào khoảng cuối thế kỷ II có thể được xác định là đến từ sự ảnh hưởng Trung Quốc, mà ảnh hưởng này là không theo nghĩa Lâm Ấp được thành lập dưới sự bảo hộ của Trung Quốc, mà theo nghĩa đây là kết quả của một quá trình tái diễn phức tạp thần phục rồi lại nổi loạn chống Trung Quốc - một quá trình đặc trưng cho sự bùng nổ phản ứng từ những trung tâm quyền lực địa phương [Đông Nam Á] đối nghịch với sự xâm nhập của Trung Quốc vào khu vực này (Yamagata 2001). Nhưng [khác với Lâm Ấp], trong trường hợp nhà nước Phù Nam, thì quan niệm rất được phổ biến xưa nay, lại (cho) là sự trỗi dậy của nhà nước Phù Nam, là đến từ quá trình "Ấn Độ Hóa" tại Đông Nam Á. Giả thuyết này nhắc đến nhân vật Hỗn Điền (Hundian 混填), một nhân vật trọng tâm trong các tài liệu Trung Quốc liên quan đến sự trỗi dậy của Phù Nam, có nguồn gốc là một người Bà La Môn Ấn Độ, dựa vào sự khẳng định rằng là Hỗn Điền thật ra là cái tên phiên âm Hán ngữ từ tên địa phương trong Phạn ngữ là Kuṇḍungga (xem Coedes 1980: 69; Ishizawa 1998: 98). Và giả thuyết Hỗn Điền = Kuṇḍungga này đã trở thành một trong những nền tảng chính cho thuyết "Ấn Độ Hóa" - tức là, việc hình thành (các) nhà nước thời sơ khai tại Đông Nam Á là đến từ ảnh hưởng Ấn Độ được mở rộng ra tại khu vực này vào thế kỷ I & II.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm về Hỗn Điền là từ Ấn Độ đến Phù Nam, và bài viết này sẽ vì vậy mà bắt đầu bằng việc khảo sát những ưu khuyết điểm của thuyết "Ấn Độ Hóa" này. Những tài liệu mà cuộc khảo sát này căn cứ vào là các ghi chép của hai sứ giả [Trung Quốc là] Khang Thái (Kang Tai 康泰) và Chu Ứng (Zhu Ying 朱應), những người được cử đi sứ sang Phù Nam vào đầu thế kỷ III, trong giai đoạn Tam Quốc tại Trung Quốc, và của Lã Đại (Lu Dai 呂岱), viên quan Thứ sử Giao Châu của nhà Ngô thời Tam Quốc. Mặc dù bản gốc của những ghi chép này đều đã bị thất lạc, nhưng một số đoạn văn trong các ghi chép này (của Khang Thái và Chu Ứng) đã đến với chúng ta do chúng được tái bản trong các tác phẩm [Trung Quốc] sau này, chẳng hạn như là trong bộ Thái Bình Ngự Lãm (Taiping yulan 太平御覧). [Còn về] những điểm bất đồng khác nhau trong việc chuyển ngữ các tên gọi, ví dụ như các tên gọi của Hỗn Điền (Hundian 混填) và Liễu Diệp (Liuye 柳葉), thì chúng đã được giải quyết dứt điểm bởi Sugimoto (1956). Do vậy mà trong bài viết này, tôi có ý định là bám sát theo cách phân tích của Sugimoto.

**Phần 1. Có đúng Hỗn Điền là từ Ấn Độ đến Phù Nam không ?**

Các ghi chép về việc dựng nước của Phù Nam thì có thể được tìm thấy trong tài liệu Ngô thời Ngoại Quốc Truyện (Account of Foreign Lands 吳時外國傳) của Khang Thái, được dẫn lại trong quyển 347 của bộ Thái Bình Ngự Lãm, cũng như trong phần Phù Nam Truyện (History of Funan 扶南傳) trong các bộ chính sử Trung Quốc, bao gồm bộ Nam Tề Thư (Book of Southern Qi 南斉書), bộ Lương Thư (Book of Liang 梁書), và bộ Tấn Thư (Book of Jin 晉書). Ghi chép trong bộ Nam Sử (History of the Southern Dynasties 南史) sẽ không được xem xét ở đây vì ghi chép này không hơn gì là một sự sửa mới lại, dựa trên những ghi chép trong bộ Lương Thư. Bộ Tân Đường Thư (New Book of Tang 新唐書) cũng cung cấp về Phù Nam, nhưng tích truyện về việc dựng nước của vương quốc Phù Nam thì lại bị bỏ qua [nên tác giả cũng không xét đến bộ Tân Đường Thư trong bài viết nghiên cứu này]. 

Liệt kê theo thứ tự thời gian của chính các triều đại [Trung Quốc], thì bộ Tấn Thư là bộ sách đầu tiên, tiếp đến là bộ Nam Sử, và tiếp theo nữa là bộ Lương Thư. Tuy nhiên, nếu dựa vào năm tháng mà việc chép sử được thật sự thực hiện, thì thứ tự sẽ là bộ Nam Sử, bộ Lương Thư, rồi đến bộ Tấn Thư. Không cần phải nói, tài liệu Ngô thời Ngoại Quốc Truyện là tài liệu xưa nhất, nhưng bộ Thái Bình Ngự Lãm [~977-983], bộ sách mà (một phần của) tài liệu Ngô thời Ngoại Quốc Truyện được chép lại, thì lại là có mặt sau (cả) bộ Tấn Thư [~648].

Tích truyện dựng nước của Phù Nam đã được chép như sau trong tài liệu Ngô thời Ngoại Quốc Truyện:

[吳時《外國傳》曰: 扶南之先,女人為主,名柳葉。有模趺國人,字混慎,好事神,一心不懈,神感至意。夜夢人賜神弓一張,教載賈人舶入海。混慎晨入廟,於神樹下得弓,便載大船入海。神回風令至扶南,柳葉欲劫取之,混慎舉神弓而射焉。貫船通度,柳葉懼伏。混慎因至扶南]

*Đầu là Phù Nam, có một nữ nhân thống trị, danh 名 là Liễu Diệp. Có người nước Mạc Phu 模趺, tự 字 là Hỗn Điền, là người sùng đạo, một lòng không hề biếng nhác. Thần cảm lòng thành, đêm về báo mộng tặng cho một cây cung thần, sai khiến ngồi tàu lớn thương nhân mà vượt biển. Hỗn Điền sáng sớm đến miếu, dưới (gốc) cây thần mà nhặt được cây cung, liền cưỡi thuyền lớn vượt biển. Thần quay hướng gió khiến đến Phù Nam. Liễu Diệp muốn cướp lấy tàu kia, [dẫn đến việc] Hỗn Điền cử cung thần mà bắn vậy, (mũi tên) xuyên thấu thuyền (Liễu Diệp) từ đầu đến cuối, (khiến) Liễu Diệp sợ hãi mà hàng phục. Hỗn Điền nhân đó mà đến (được) Phù Nam.*

Trong tích truyện trên, mục đầu tiên mà chúng ta cần quan tâm đến là điểm xuất phát của Hỗn Điền. Trong khi tài liệu Ngô thời Ngoại Quốc Truyện viết tên địa danh này là Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國) [有模趺國人,字混慎], thì bộ Nam Sử lại viết nơi đây là "Kích Quốc (Jiguo 激國)", còn bộ Lương Thư thì viết là "Kiếu Quốc (Jiaoguo 徼國 foreign country, nghĩa là ngoại quốc) ở phía Nam"). Riêng bộ Tấn Thư chỉ đơn thuần nói là "một ngoại quốc (外國)". Trong khi cái tên Kiếu Quốc (Jiaoguo 徼國) trong bộ Lương Thư mang ý nghĩa là "ngoại quốc", và tên này được viết tương tự như trong bộ Tấn Thư, cái tên này [ trong bộ Lương Thư] không cho ta biết thêm gì hơn về vị trí của Kiếu Quốc (nước ngoại quốc này) là nằm (chính xác) ở đâu. Tuy vậy, đáng chú ý là bộ Tấn Thư có thêm thông tin về Kiếu Quốc là nằm tại "phía Nam" của Phù Nam. (Còn cái tên Kích Quốc (Jiguo 激國) trong bộ Nam Sử thì không hơn gì là cái tên phiên âm sai lầm từ tên Kiếu Quốc (Jiaoguo 徼國) trên).

Như chúng ta đã thấy, ghi chép duy nhất xác định quốc gia nơi mà Hỗn Điền sinh ra là trong Ngô thời Ngoại Quốc Truyện, với cái tên địa danh Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國). Mặc dù cái tên này không hề xuất hiện trong các ghi chép nào khác, một số học giả, viện dẫn là việc phiên âm sai tên địa danh thường có mặt trong các văn bản Trung Quốc, đã gắn liền tên Mạc Phu Quốc với một (cái tên) quốc gia xuất hiện sau này, cũng nằm trong Ngô thời Ngoại Quốc Truyện. Quyển 787 của Thái Bình Ngự Lãm đã đề cập đến một "Hoành Điệt Quốc (Hengdieguo 横跌國)", được mô tả là [康泰《扶南土俗》曰:橫趺國在優鈸之東南,城郭饒樂不及優鈸也] "nằm ở phía đông nam Ưu Bạt 優鈸, thành quách ấm no đầy đủ, nhưng không bằng Ưu Bạt". Một số dị bản thì viết chữ Phu (fu 趺) trong Mạc Phu Quốc 模趺國 thành ra chữ Điệt (die 跌) trong Mạc Điệt Quốc 模趺國. Quả thực hai chữ Hán ngữ Phu 趺 và Điệt 跌 này có mức độ giống nhau rất cao, chỉ khác nhau ở một nét hất ㇀ mà thôi). Còn về Ưu Bạt (Yubo 優鈸), cũng theo quyển 787 của Ngô thời Ngoại Quốc Truyện, thì [康泰《扶南土俗》曰:優鈸國者,在天竺之東南可五千里,國土熾盛,城郭、珍玩、謠俗與天竺同] "Nước Ưu Bạt nằm khoảng 5 ngàn lý 里 về phía đông nam Thiên Trúc (Tianzhu 天竺 Ấn Độ). Đất nước hưng thịnh, thành quách, kho báu, ca dao, phong tục, đều tương tự như Thiên Trúc". 

Theo (học giả) Sugimoto, thay vì tuân theo giả thiết phổ biến cho rằng Hoành Điệt Quốc (Hengdieguo 横跌國) và Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國) là hai cái tên do phiên âm vì sai lầm lẫn nhau mà (bị viết) ra (như thế), Sugimoto đã gợi ý về một khả năng khác. Đó là có thể cả 2 tên Hoành Điệt Quốc (Hengdieguo 横跌國) và Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國) thực ra là đến từ sự phiên âm nhầm lẫn của cái tên Đảm Dật Quốc (Danzhiguo 擔袟國).  Đảm Dật Quốc (Danzhiguo 擔袟國) là cái tên được viết trong mục Phù Nam Truyện (History of Funan 扶南傳) của Khang Thái thuộc Quyển 1 trong một văn bản Trung Quốc khác là Thủy Kinh Chú (Shuijing Zhu 水經注). (Mặc dù bài viết này dựa vào văn bản Thủy Kinh Chú, bạn lưu ý là tiêu đề gốc mà Khang Thái đặt ra, Phù Nam Thổ Tục (Customs of Funan 扶南土俗), đã bị dịch sai thành ra là Phù Nam Truyện (History of Funan 扶南傳) trong bộ Thủy Kinh Chú). Vì Đảm Dật Quốc (Danzhiguo 擔袟國) tương ứng với Tamralipti ở cửa sông Hằng [Ấn Độ], nên sự khẳng định này của Sugimoto có ngụ ý bác bỏ thuyết của Pelliot về một Hoành Điệt Quốc (Hengdieguo 横跌國) có lẽ là nằm trên bán đảo Mã Lai hoặc là trên đảo Sumatra (Sugimoto 1956: 339). Khả năng về sự đúng đắn trong khẳng định trên của Sugimoto là không thể bác bỏ. Tuy nhiên, khẳng định này trong thực tế thì lại không hơn gì là chỉ dựa vào các tên địa danh Hán ngữ viết rất giống nhau được cho là của Khang Thái, xuất hiện trong các tác phẩm khác nhau, và [khẳng định này] dường như chủ yếu là từ mong muốn [của Sugimoto] xác định vị trí Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國) là nằm ở Ấn Độ. 

Về vị trí địa lý của Hoành Điệt Quốc (Hengdieguo 横跌國) và Ưu Bạt (Yubo 優鈸), thì chúng ta không có manh mối nào khác ngoài các tài liệu [Trung Quốc] đã được dẫn trên. Trong khi Ưu Bạt rõ ràng là nằm trong tầm ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, nhưng (xem ra) dựa theo việc các nguồn tài liệu [Trung Quốc] trên đã viết về Ưu Bạt cách 5000 lý 里 theo hướng đông nam Thiên Trúc, gợi ý rằng là Ưu Bạt phải nằm rất xa, ít nhất là rất xa từ trung tâm Thiên Trúc. Mà Hoành Điệt Quốc, trong khi đó thì (được viết là) còn xa hơn nữa do nó nằm về hướng đông nam của Ưu Bạt [橫趺國在優鈸之東南]. Vả lại, từ các nguồn tài liệu sẵn có, chúng ta cũng không rõ là Hoành Điệt Quốc có nằm trong tầm ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ hay là không. Do vậy mà có vẻ hợp lý hơn, nếu ta gắn cho Hoành Điệt Quốc [nằm cách xa như thế về phía đông nam Thiên Trúc] là một trong những quốc gia nằm ở bán đảo Mã Lai hay là ở trên đảo Sumatra. Một kết luận như thế cũng sẽ phù hợp với sự khẳng định trong bộ Lương Thư, rằng là quê hương của Hỗn Điền là một nước nằm đâu đó ở phía nam Phù Nam [扶南 ... 其南有徼國,有事鬼神者字混填], nhưng đáng tiếc là cơ sở để xác định sự khẳng định này thì lại không được viết rõ ràng trong bộ Lương Thư [vì bộ Lương Thư chỉ viết về Hỗn Điền đến từ Kiếu Quốc 徼國 (đoạn 扶南 ... 其南有徼國,有事鬼神者字混填), nằm về phía nam Phù Nam, chứ không viết rõ là đến từ bán đảo Mã Lai hay từ đảo Sumatra]. Chúng ta nên nhớ rằng việc gắn liền Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國) với Hoành Điệt Quốc (Hengdieguo 横跌國), cũng như là sự xác định Mạc Phu Quốc (Mofuguo 模趺國) là Đảm Dật Quốc (Danzhiguo 擔袟國), chỉ đơn thuần là dựa vào nét tương đồng trong cách viết Hán ngữ của những tên địa danh này, được nhắc đến trong tài liệu Ngô thời Ngoại Quốc Truyện mà thôi [và không có thêm các tài liệu nào khác để nghiên cứu về vấn đề này].

Tất cả những điều này dường như gợi ý về sự khẳng định Ấn Độ là quê hương của Hỗn Điền không thể nào (có thể tiếp tục) là một khả năng nữa, và sẽ hiệu quả hơn nếu chúng ta nghiên cứu theo phương hướng chỉ ra trong bộ Lương Thư, và nên tìm kiếm danh tính thật sự quê hương của Hỗn Điền tại những vùng đất về phía nam của Phù Nam. Hệ quả đương nhiên của cách suy luận như thế này sẽ là sự trỗi dậy của Phù Nam trong tư cách là một vương quốc (kingdom), không còn là kết quả đến từ sự "Ấn Độ Hóa" của khu vực này [như lâu nay đã được truyền bá như thế], mà (ngược lại, đúng hơn là) sự trỗi dậy của Phù Nam là kết quả đến từ những liên kết chính trị đã diễn ra ngay trong khu vực Đông Nam Á. 

Liên quan đến khả năng về Hỗn Điền không đến từ Ấn Độ, mà là từ một nơi nào đó nằm về phía nam Phù Nam, đã được (một học giả khác, là) Ikuta đưa ra, dựa vào những gì ông đọc được trong bộ Lương Thư, và ông đề xuất rằng là bán đảo Mã Lai là nơi có nhiều khả năng nhất. Để chứng minh thêm cho đề xuất của mình, Ikuta lưu ý về chi tiết loại áo (đục lỗ) choàng qua đầu (poncho-like 貫頭衣 Quán Thủ Y) được du nhập vào Phù Nam, viết trong bộ Lương Thư [đoạn 混填乃教柳葉穿布貫頭 - Hỗn Điền do đó mà dạy Liễu Điệp mặc áo choàng qua đầu] (cũng như là đã được viết trong bộ Nam Sử), là loại y phục đã được nhắc đến trong một tài liệu Trung Quốc xưa hơn, trong mục Nam Man Truyện (Accounts of Southern Barbarians 南蠻傳) thuộc bộ Hậu Hán Thư (Book of Later Han 後漢書), được cho là đại diện cho nền văn hóa Đông Nam Á, với đoạn [凡交阯所統 ... 以布貫頭而著之] "Người Giao Chỉ [交趾: Bắc Việt ngày nay] có phong tục là choàng qua đầu họ một mảnh vải" (Ikuta 1984: 168). Mặc dù bản thân Ikuta không đề cập đến đoạn văn này, người ta cũng có thể dẫn ra trong mục Việt [Yue 粤] thuộc phần Địa Lý Chí (Treatise on Geography 地理志) trong bộ Hán Thư (Book of Han 漢書), mà trong đó cũng viết rằng tập tục của người ở đảo Hải Nam (Hainan 海南) là [武帝元封元年略為儋耳珠厓郡 民皆服布如單被穿中央為貫頭] "thời Hán Võ Đế ... mặc một mảnh vải, mà ở giữa của mảnh vải này thì họ cắt một cái lỗ để choàng qua đầu". 

Ikuta còn chỉ ra thêm rằng cái tên "Kuṇḍungga", được tìm thấy trong những tấm bi ký Kutai ở Đông Kalimantan, có âm rất giống như Hundian [Hỗn Điền]. Theo những gì được viết trên các bi ký Kutai này, có niên đại giữa hậu thế kỷ IV đến đầu thế kỷ V, thì Kuṇḍungga là ông nội của vị quốc vương Kutai đã cho khắc những tấm bia ký trên, và Ikuta cho rằng cái tên Kuṇḍungga "có chứng cớ là có nguồn gốc từ Indonesia". 

Trong khi đó thì (một học giả khác là) Krom, tuy không thể khẳng định chắc chắn rằng về cái tên Kuṇḍungga có nguồn gốc từ Ấn Độ hay Indonesia, thì lại chấp nhận rằng một cái tên khác rất giống tên Kuṇḍungga, là Kuṇḍung, có thể đã có mặt ở Indonesia (Krom 1931: 73). [Tuy rằng] mối quan tâm chính của Krom không phải là với cách phát âm gốc của tên Hundian, và Ikuta cũng không quá quan tâm về việc chứng minh tên Hundian là đến từ tên Kuṇḍungga; dù vậy,[sự phát âm của những tên Kuṇḍungga / Kuṇḍung rất giống Hundian (Hỗn Điền)] trong thực tế vẫn [cho thấy là còn] tồn tại một cái tên địa phương Đông Nam Á với nguồn gốc Nam Đảo, nghe rất giống tên Hundian.

Còn (học giả) Sugimoto thì lại đặt ra giả thuyết về tên gốc của Hundian không phải là đến từ cái tên phổ biến Kauṇḍinya, mà thật ra là Kuṇḍina. Nhưng tên Kuṇḍina cũng là có gốc Phạn ngữ mà thôi. Krom (Krom 1931: 73) thì đề nghị rằng một cái tên khác, là Kuṇḍukūra, được tìm thấy trong một tấm bia ký Pallava, cũng phải được chấp nhận là một khả năng tên gốc của cái tên Kauṇḍinya. 

Tuy vậy, toàn bộ các lý thuyết sử dụng những cái tên Ấn Độ trên đều dựa vào giả thuyết tên Hundian [Hỗn Điền] là cái tên gốc Ấn Độ, mà chính vì vậy, đương nhiên là chúng không thể nào có thể dùng làm bằng chứng về nguồn gốc thực sự của Hỗn Điền [vì bản thân các lý thuyết này đều đã dựa vào giả thuyết tên Hundian là tên gốc Ấn Độ].

Còn về lý thuyết liên quan đến Hỗn Điền thuộc giai cấp thầy tu Bà Là Môn, thì đó lại là một sáng tạo (khác) của các học giả sau này, và lý thuyết này thì không hề có mặt [hay được viết] trong các nguồn tài liệu đương thời. Dĩ nhiên, chứng cớ về Hỗn Điền là một dạng thầy tu nào đấy, có thể là Bà Là Môn, thì không hẳn là thiếu thốn. [Ví dụ như trong tài liệu] Ngô thời Ngoại Quốc Truyện, như chúng ta đã thấy, mô tả Hỗn Điền là người "rất sùng đạo, một lòng không biếng nhác việc thờ thần" [好事神, 一心不懈], còn bộ Lương Thư thì miêu tả Hỗn Điền là một người "(lo) việc quỷ thần" [事鬼神者]. Để chứng minh Hỗn Điền là thầy tu Bà La Môn, các học giả đã (thực hiện khẳng định qua các quy trình như sau):

(1) Dựa vào giả thuyết cái tên Hỗn Điền (Hundian) là tên phiên âm trong Hán ngữ của tên Kauṇḍinya

(2) Tìm ra trong bộ Lương Thư, có viết về một vị quốc vương Phù Nam vào hậu bán thế kỷ IV tên là Kiều Trần Như (Qiaochenru 憍陳如), được miêu tả "vốn là người Bà La Môn ở Thiên Trúc (Ấn Độ) đến"

(3) Tin rằng cái tên Kiều Trần Như (Qiaochenru 憍陳如) của vị quốc vương Phù Nam vào hậu bán thế kỷ IV trên là một cái tên Hán ngữ phiên âm từ tên Kauṇḍinya

(4) Từ điểm 2 + 3, suy ra là Kauṇḍinya = một người Bà La Môn đến từ Ấn Độ

(5) Và từ điểm 1 > Hỗn Điền = Kauṇḍinya, và từ điểm (4) Kauṇḍinya = một người Bà La Môn đến từ Ấn Độ, nên các học giả cho rằng Hỗn Điền = Kauṇḍinya = một người Bà La Môn đến từ Ấn Độ

Nhưng (đáng tiếc là), chỉ khi nào (thật sự) cái tên gốc của Hỗn Điền (Hundian) là (phiên âm Hán ngữ từ tên) Kauṇḍinya, thì khả năng về bản thân Hỗn Điền là một Bà La Môn [tức 1 = 4] mới có thể có. [Đây là do vì nếu điểm 1 chỉ là giả thuyết, thì Hỗn Điền chưa thể là Kauṇḍinya, mà nếu Hỗn Điền chưa thể là Kauṇḍinya, thì Hỗn Điền không thể là một người Bà La Môn đến từ Ấn Độ].

Tất cả những điều này cho ta thấy (những) bằng chứng về Hỗn Điền có nguồn gốc từ Ấn Độ không hề là vững vàng cho lắm, và ta có đủ lý do để khẳng định rằng Hỗn Điền thực tế đến từ nơi nào đó ở phía nam Phù Nam, ví dụ như đến từ bán đảo Mã Lai (chẳng hạn). [Nếu đúng là Hỗn Điền đến từ bán đảo Mã Lai, thì] điều nay sẽ chứng minh là sự trỗi dậy của nhà nước Phù Nam có trước sự xuất hiện của nền văn minh Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á, và do vậy mà sự trỗi dậy của nhà nước Phù Nam là sản phẩm của các yếu tố địa phương (ở Đông Nam Á), chứ không là đến từ các yếu tố nhập cảng [có nghĩa là trực tiếp đến từ nền văn minh Ấn Độ như người ta thường suy diễn].

Hết Phần 1 (Còn Tiếp Phần 2)

*****


Không có nhận xét nào