Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

VỀ VỤ THẢM SÁT NGƯỜI ANH Ở CÔN ĐẢO NĂM 1705

Về vụ thảm sát người Anh ở Côn Đảo năm 1705 #condore_island_massacre_1705  Qua bài nghiên cứu The Destruction of the English East India Comp...

Về vụ thảm sát người Anh ở Côn Đảo năm 1705
Về vụ thảm sát người Anh ở Côn Đảo năm 1705

#condore_island_massacre_1705 

Qua bài nghiên cứu The Destruction of the English East India Company Factory on Condore Island, 1702-1705 (tạm dịch - Vụ phá hủy thương điếm Đông Ấn của người Anh trên đảo Condore, 1702-1705) của học giả Danny Wong Tze-Ken, chúng ta có được thêm 1 giả thuyết đáng tin về lý do tại sao triều đình Đàng Trong đã thảm sát người Anh ở Côn Đảo năm 1705. 



Giả thuyết này cho rằng do triều đình Đàng Trong lo sợ viễn cảnh người Anh sẽ thiết lập một liên minh (kinh tế và quân sự) cùng triều đình Cao Miên, nên triều đình Đàng Trong đã ra tay trước và thảm sát người Anh ở Côn Đảo. Các chứng cớ để ủng hộ thuyết này là:



(1) Vào năm 1696, khi ngài Thomas Bowyear của công ty Đông Ấn Anh đến Phú Xuân Đàng Trong để thương thuyết việc mậu dịch, thì ngoài việc chấp thuận cho người Anh mở thương điếm (nhưng không được phép mở tại Hội An), triều đình Đàng Trong đã không trả lời yêu cầu của người Anh về việc cho phép họ được đưa thương thuyền 2 năm 1 lần đến Chiêm Thành và Cao Miên. Nhưng vị sứ giả Cao Miên, lúc này cũng có mặt ở Phú Xuân, đã khuyến khích người Anh đến giao dịch cùng Cao Miên



(2) Một trong những điều quyết định cho việc người Anh lập thương điếm ở Côn Đảo thuộc miền Nam Việt Nam ngày nay, đó là từ lời kiến nghị của ngài Thomas Bowyear về việc người Anh nên thiết lập giao dịch với Cao Miên. 



(3) Vào đầu năm 1703, sau khi thương điếm Côn Đảo được tạo lập và người Anh đã gởi thư đến thông báo cho triều đình Đàng Trong, thì chúa Nguyễn đã viết thư phúc đáp vào tháng 8 năm 1703, trong đó chúa đồng ý chấp thuận cho việc đã rồi là người Anh đã lập thương điếm Côn Đảo. Hơn thế nữa, chúa lại còn miễn thuế luôn cho người Anh, với điều kiện là người Anh thực thi 3 điều (hỗ trợ triều đình Đàng Trong dẹp trừ nạn cướp biển / hành xử nhã nhặn và ăn mặc lịch sự khi giao thiệp buôn bán với triều đình Đàng Trong / cho phép các quan lại Đàng Trong lên và khám tàu). Điều này cho thấy là đến tháng 8 năm 1703, triều đình Đàng Trong vẫn còn đang rất muốn mở mang giao dịch cùng người Anh



(4) Đến tháng Giêng năm 1705, theo bản tường trình của vị giáo sĩ (chaplain) ở thương điếm Côn Đảo lúc bấy giờ, thì vua Cao Miên đã sai 1 sứ đoàn tới Côn Đảo để tặng quà và đề nghị người Anh giao dịch cùng người Cao Miên. Và khi xảy ra cuộc thảm sát vào tháng Ba năm 1705, thì nhóm người Cao Miên này (gồm 38 người) vẫn còn đang có mặt ở Côn Đảo và họ đã đứng về phía người Anh để rồi bị luôn quân Chà Và (Mã Lai) sát hại



(5) Theo lá thư của người tù nhân Anh bị triều đình Đàng Trong bắt và tra khảo, là James Cunningham, thì một trong những lý do của cuộc thảm sát là do vì vị chủ tịch Allen Catchpoole đã không khai báo với quan Trấn Biên của Đàng Trong về việc người Anh đã (từ Côn Đảo) gởi một con tàu đến Cao Miên, và trong những ngày tra khảo, thì quan Trấn Biên đã tự mình hỏi Cunningham về việc tại sao lại gởi 2 người Anh đến Cao Miên.



Như vậy nếu giả thuyết này đúng, thì theo mình, có thể là vào lúc này, lúc mà triều đình Đàng Trong vừa lập ra phủ Gia Định (năm 1698) lấy từ đất Cao Miên, và sau đó triều đình Đàng Trong vừa đụng độ 1 trận lớn với Cao Miên (dẫn đến cái chết của tướng Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1700), tình hình vùng biên giới Đàng Trong Cao Miên rất nhạy cảm. Xem ra, nếu đúng là có cả việc triều đình Đàng Trong yêu cầu người Anh hợp tác trong việc dẹp trừ nạn cướp biển, đây có thể là dẹp nạn nhóm người Minh Hương nào đó hoành hành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, và như thế chúng ta lại phải cần đọc lại về hành tung của người Minh Hương (ví dụ Trần Thượng Xuyên) vào lúc này. Nếu cuối năm 1703 mà chúa Nguyễn đã chấp nhận việc đã rồi, tức là việc người Anh lập thương điếm Côn Đảo, và chúa Nguyễn lại còn muốn miễn thuế cho họ, thì không có lý do gì mà chúa Nguyễn lại muốn thảm sát người Anh vào năm 1705 do vì chúa Nguyễn muốn "khẳng định được yêu cầu về chủ quyền dân tộc, an ninh quốc gia" nhưng không được người Anh hồi đáp như TS Trần Ngọc Dũng hay các nhà nghiên cứu VN tưởng tượng ra cả (xem >> https://www.facebook.com/groups/3740991775941288). 



Và càng đáng ngờ hơn, là theo sử Đại Nam Thực Lục, thì vào tháng 8 năm 1702 "Giặc biển là người Man An Liệt ... cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác. Trấn thủ dinh Trấn Biên là Trương Phước Phan ... đem việc báo lên. Chúa sai Phước Phan tìm cách trừ bọn ấy.". Nhưng tại sao vào tháng 8 năm 1702 thì chúa muốn trừ người Anh, mà vào tháng 8 năm 1703, chúa lại viết thư chấp thuận lẫn còn muốn miễn thuế cho người Anh, mà nay chúng ta tìm thấy trong các tài liệu của công ty Đông Ấn vậy ? Đó là còn chưa nói, là sự kiện thảm sát người Anh ở Côn Đảo, lại được sử Đại Nam Thực Lục viết là xảy ra vào mùa đông tháng 10 năm 1703, nhưng thật ra, nó xảy ra vào tháng 3 năm 1705.



Vậy khi tìm hiểu về cuộc thảm sát người Anh ở Côn Đảo năm 1705, chúng ta phải thật cẩn thận và đọc từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể lý do mà chúa Nguyễn đã giựt dây cho vụ thảm sát người Anh ở Côn Đảo không có liên quan gì đến "yêu cầu về chủ quyền dân tộc, an ninh quốc gia" mơ hồ nào đó, mà vì một lý do thực tế hơn, đó là để ngăn chặn viễn cảnh người Anh có thể lập ra liên minh cùng Cao Miên về kinh tế và quân sự, lật đổ sự thống trị của chính quyền Đàng Trong vừa mới lập ra nền hành chính ở miền Nam. Đây là còn chưa nói là còn có cả nhóm người Minh Hương ở miền Nam lúc này cũng là một đối lực đáng gờm, nếu mà cả 3 lực lượng Anh + Cao Miên + Minh Hương đồng tâm mà chống lại Đàng Trong lúc này, thì không biết chiến trận sẽ ra sao ?



Và trong bài viết The Destruction, học giả Danny Wong Tze-Ken đã nhận định như thế này:



****

(Anh ngữ) - The decision to get rid of the English from Pulo Condore a clear indication of the pragmatism of Nguyen Phúc ensure the Nguyên's interests in the Mekong Delta remained intact. Suspicions of possible English-Cambodian ties through the presence a Cambodian ambassador at the English settlement and the of the English to send a trading ship to Cambodia led to the strike first. Any links forged between the Cambodians and the English might prove detrimental to the Nguyễn's plans. There is no evidence that Catchpoole and his Council were of the problems that were brewing between the Vietnamese Cambodians. While it is possible to suppose that Catchpoole knew the Nguyễn and the Cambodians were not exactly on good term, he was unable to gauge the dynamics of this relationship which heading towards war. Clearly, given his lukewarm response towards Nguyễn, Catchpoole was treating his position on Pulo Condore as an enterprise that was independent of the Nguyễn. Hence his acceptance of the Cambodian delegation and his sending of a ship to were in total disregard of the Nguyễn's position of sensitivity.



(Việt ngữ - Brian Wu tạm dịch) - Quyết định loại trừ người Anh ra khỏi Côn Đảo, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự thực dụng của họ Nguyễn, nhằm đảm bảo về việc lợi ích của họ Nguyễn ở [khu vực] đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn (được giữ) nguyên vẹn. Những nghi ngờ về khả năng (có mối) quan hệ giữa Anh và Cao Miên, đến từ sự có mặt của vị sứ giả Cao Miên trong khu định cư [Côn Đảo] của người Anh và việc người Anh đã gửi một tàu buôn đến Campuchia, đã dẫn cuộc tấn công phủ đầu [của chính quyền Đàng Trong]. Bất kỳ liên kết nào được tạo ra giữa người Campuchia và người Anh (đều) có thể gây bất lợi cho kế hoạch của họ Nguyễn. Không có bằng chứng nào cho thấy Catchpoole và Hội đồng [người Anh] của ông ta là nguyên nhân gây ra mối gây hấn giữa người Việt Nam và Cao Miên. Mặc dù (chúng ta) có thể giả định rằng Catchpoole biết họ Nguyễn và người Cao Miên không hẳn có mối quan hệ tốt, nhưng Catchpoole đã không thể đánh giá được sự năng động của mối quan hệ Đàng Trong Cao Miên [mà lúc này] đang tiến tới chiến tranh. Rõ ràng, với sự phản ứng thờ ơ đối với họ Nguyễn, Catchpoole đang coi vị trí của ông ở Côn Đảo như một doanh nghiệp độc lập từ họ Nguyễn. Do đó, việc ông ta chấp nhận phái đoàn Cao Miên và việc ông ta gửi tàu đến Cao Miên là hoàn toàn không coi trọng quan điểm [ngoại giao] nhạy cảm của họ Nguyễn.

****



Các bạn tải bài viết The Destruction of the English East India Company Factory on Condore Island, 1702-1705 ở đây >> https://abc.com/file/d/1xIcgD1ltVHS2ATUd0GCpiMlgmR3Fd8bA/view?usp=sharing (bạn thay https://abc.com với https://drive.google.com)



Mời các bạn tham khảo



Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời các bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi



Thanks

Brian




Không có nhận xét nào