ĐÔI ĐIỀU THẮC MẮC VỀ CUỘC CHIẾN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM NĂM 1979 Đất nước Việt nam nằm liền kề với Trung quốc, lại án ngữ con đường ra ...
ĐÔI ĐIỀU THẮC MẮC VỀ CUỘC CHIẾN TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC VIỆT NAM NĂM 1979
Đất nước Việt nam nằm liền kề với Trung quốc, lại án ngữ con đường ra Biển Đông của Trung quốc, nên từ bao nhiêu năm nay, chúng ta đã phải chống chọi với rất nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của Trung quốc.
Tôi không biết các nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam khi bắt tay với Trung cộng, có tính đến truyền thống bành trướng, và lịch sử xâm lược Việt nam của các triều đại Trung quốc hay không. Nhưng có vẻ như, họ không chuẩn bị nhiều cho cuộc chiến nổ ra vào ngày 17/2/1979.
Khi đó, tôi đang ở Hà nội. Trước đó ít ngày, chúng tôi được nghe một ông ở Trung ương nói chuyện thời sự. Không có bất cứ nhận định nào là Trung quốc có thể đánh Việt nam. Một người quen của tôi kể lại, rằng chiều 16/2/1979, họ (cán bộ của tỉnh Hoàng Liên Sơn), còn được triệu tập nghe trung ương phổ biến tình hình thời sự tại Lào Cai. Trung ương nhận định Trung cộng sẽ không đánh Việt nam. Khuya hôm đó, bác ấy đã phải quần đùi áo may ô (quần xà lỏn, áo thun 3 lỗ) chạy bộ dọc theo đường tàu hướng về xuôi để tránh bị lính Trung quốc giết.
Rất nhiều câu chuyện cho thấy, lực lượng bộ đội chủ lực ở miền Bắc khi ấy rất mỏng. Hầu hết các nơi, chỉ có lực lượng dân quân chống chọi với hàng sư đoàn quân Trung cộng. Trước đó, quân đội Việt nam đã tập trung đánh Campuchia. Cuộc chuyển quân từ Nam ra Bắc không rõ bắt đầu từ khi nào, nhưng khoảng tháng 8/1979 (tức là khoảng 5 tháng sau khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân), tôi không tìm được phương tiện gì để đi từ Sài gòn ra Hà Nội, vì hầu như tất cả các phương tiện đều được huy động để chuyển quân từ trong Nam ra miền Bắc.
Có vẻ như lãnh đạo của chúng ta khi ấy, một mặt vẫn tin rằng, chúng ta đã đánh thắng hai đế quốc lớn, nên không ai dám đánh chúng ta, mặt khác, vẫn có tư tưởng, rằng Ban lãnh đạo Trung quốc cộng sản vẫn có tinh thần vô sản, nên sẽ không đánh "người anh em" của họ.
Nói về sự tàn bạo của chiến tranh, thì có lẽ cuộc chiến Trung cộng xâm lược Việt nam thuộc loại tàn bạo nhất trong các cuộc chiến gần đây mà đất nước chúng ta trải qua. Những cuộc thảm sát người dân Việt nam ở những nơi quân Trung cộng chiếm đóng được người dân nói đến rất nhiều. Gần như các cuộc thảm sát mang tính tận diệt, nhắm vào dân thường, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, xảy ra ở mọi nơi quân Trung cộng chiếm đóng, dù là rất ngắn ngày.
Người ta nói, chúng thảm sát dân để trả thù, vì lính của chúng bị giết nhiều quá. Những câu chuyện kể của những người trong cuộc cho thấy, với chiến thuật biển người, Trung cộng đã xua quân của họ vào chỗ chết. Cho đến khi những dân quân Việt nam hết đạn, thì chúng tràn vô, dùng số đông để bắt và giết những dân quân Việt nam. Tôi thì không nghĩ chúng trả thù cho đồng đội của chúng bị giết, vì chúng chủ động hi sinh quân lính. Chẳng qua, sự man rợ của chúng tiếp nối từ những man rợ của đám hồng vệ binh trong Cách mạng văn hóa hơn 10 năm trước.
Có nhiều ý kiến cho rằng, cuộc xâm lược của Trung cộng vào Việt nam năm 1979 là cách để Trung cộng cứu vãn chế độ Khơ me đỏ. Điều này có lí. Ai cũng biết, Khơ me đỏ tồn tại dưới sự "chống lưng" của Trung cộng. Ngày 9/1/1979, Việt nam đưa quân qua Campuchia đánh Khơ me đỏ. Chỉ sau 1 ngày, quân đội Việt nam đã đánh đuổi quân Polpot sang đến biên giới Thái lan.
Có nhiều ý kiến về việc này. Cá nhân tôi, cho đến bây giờ, tôi thấy việc tấn công qua Campuchia đánh Khơ me đỏ là cần thiết. Tuy nhiên, khi đã đập tan khả năng tấn công Việt nam của chúng, bộ đội Việt nam đã không rút quân về, mà lại lưu quân ở đó để hỗ trợ cho một chính quyền khác, với hi vọng Việt nam có thể khống chế được chính quyền đó.
Chúng ta đã hi sinh bao nhiêu xương máu của bộ đội ta ở Campuchia, bao nhiêu người dân ở biên giới Việt - Trung đã bị tàn sát. Và bây giờ, cái chính quyền mà Việt nam xây dựng bằng xương máu của người Việt nam, đang đi theo Trung cộng, đang cho Trung cộng xây dựng căn cứ quân sự trên cái đất mà người Việt nam đã đổ máu để lấy lại cho họ, để từ đó, Trung cộng có thể đánh chiếm Việt nam từ phía Tây Nam.
Tôi đang tự hỏi, nếu hồi đó, bộ đội Việt nam rút về sau khi đánh tan khả năng tấn công Việt nam của Khơ me đỏ, cứ để cho họ tiếp tục tàn sát nhau, thì chúng ta có phải hứng chịu những đau thương, mất mát suốt bao nhiêu năm sau đó không?
Bs Võ Xuân Sơn
Không có nhận xét nào