Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

THẦN TƯỢNG

THẦN TƯỢNG Trái ngược với Trung Quốc, từ nhỏ, tôi luôn nghĩ, Liên Xô và nước Nga là đại diện cho một xã hội văn minh. Khi tôi bắt đầu đi the...

THẦN TƯỢNG
THẦN TƯỢNG

Trái ngược với Trung Quốc, từ nhỏ, tôi luôn nghĩ, Liên Xô và nước Nga là đại diện cho một xã hội văn minh. Khi tôi bắt đầu đi theo phụ ba tôi sửa xe, tôi đã thấy chiếc Zil 157 hiện đại và “ngon lành” hơn hẳn chiếc Hoàng Hà của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc sao chép y chang.

Tôi đã có lần kể, tôi học chữ bằng những cuốn tiểu thuyết. Sau khi học xong cuốn sách vỡ lòng tập 1, tôi phải đi theo ba. Tuy nhiên, ba tôi gần như không có ở nơi cơ quan sơ tán. Vậy là mới hơn 6 tuổi một chút, tôi lôi cuốn Hòn Đất ra tập đọc. Và sau đó là những cuốn trong bộ 18 cuốn Tấn trò đời của Balzac, rồi Hồng Lâu Mộng, Hội chợ phù hoa... Sau này, ngay trong những năm chiến tranh, khi đang sơ tán, tủ sách của ba mẹ tôi được bổ sung nhiều cuốn sách khác, cả những cuốn của các tác giả Mỹ.

Nhưng tuyệt nhiên, tủ sách của ba mẹ tôi hoàn toàn không có một cuốn sách văn học Nga nào. Tôi chỉ đến với văn học Nga khi Liên Xô sắp sụp đổ, khi tôi đã có những trải nghiệm thực tế về Nga và Liên Xô. Cho nên, hồi đó tôi chỉ biết đến Liên Xô và Nga qua những câu chuyện về ngành công nghiệp vũ trụ, về vũ khí, máy bay của họ, và thực tế là những chiếc xe mà tôi tiếp xúc khi mới 14, 15 tuổi. Vì vậy, tôi luôn mang trong đầu suy nghĩ, Liên Xô có nền khoa học phát triển hàng đầu thế giới.

Chỉ đến khi tôi được tuyển đi học nước ngoài, tôi mới biết, Liên Xô được xếp hàng rất cuối. Người ta phân bố nước đi học dựa trên điểm thi. Đối với những ngành có thể học ở nhiều nước trong khối XHCN, Liên Xô được xếp gần cuối cùng, chỉ trên Mông Cổ và Cu ba. Tôi khá ngạc nhiên về điều đó. 

Vào một ngày tháng Tám năm 1979, chúng tôi ra sân bay Nội Bài để bay sang Moscow. Chúng tôi đến sân bay từ khoảng 10 giờ sáng, ngồi chờ dưới một cái chòi tôn nóng hầm hập tới 3 giờ chiều mới được lên máy bay. Một số bạn rành máy bay, cho biết đó là chiếc máy bay thuộc hàng xịn nhất của Liên Xô lúc bấy giờ. Nếu tôi nhớ không lầm thì là IL62 gì đó.

Trời nắng như đổ lửa. Trong máy bay nóng hừng hực. Ngồi chờ mãi, đến 5 giờ, chúng tôi lại xuống máy bay. Thì ra là phi công đi vô Hà Nội mua đồ chưa về. Cái chòi tôn duy nhất ở sân bay Nội Bài khi đó còn mát hơn trong máy bay nhiều. Mãi đến 8 giờ tối, phi công mới về, và chúng tôi lại lên máy bay trở lại.

Trạm dừng chân đầu tiên, chúng tôi hạ cánh tại sân bay Bombay (Ấn độ). Khi vào đến khu transit, đang choáng ngợp với cái sân bay cực kì lộng lẫy, máy lạnh mát rượi, sạch bóng và toàn kính, thì tôi được các bạn bên khối đi học quân sự chỉ cho chiếc máy bay mà mình đang bay. Nó đứng bên cạnh một chiếc Boeing, cứ như một con chim chích đứng cạnh một chú diều hâu.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghi ngờ những hiểu biết của mình về Liên Xô. Sống tại Sài gòn mấy năm trước đó, dù biết đến những cái tên như Boeing, hay McDouglass... nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy chúng. Tôi thoáng chạnh lòng và bùi ngùi cho thần tượng về khoa học kĩ thuật bao năm nay của mình. Sự bùi ngùi ấy trở nên mãnh liệt hơn nhiều, khi chúng tôi lưu lại Moscow 15 ngày, chứng kiến những bà bán hàng có râu, những hàng người xếp hàng để tu rượu, và những người say rượu nằm la liệt tại công viên hàng đêm, bị cảnh sát ném lên xe như ném những con heo đã chết.

Vào đại học, tôi có 2 tháng hè. Vậy là đi tìm việc làm. Tôi làm xây dựng tại bệnh viện. Công trình tôi làm nằm phía sau một tòa nhà 8 tầng, là khoa da liễu của bệnh viện, đang hoạt động. Được chừng 2 ngày, một chiếc xe cẩu đến. Chiếc xe ấy cẩu những khối beton nặng hàng chục tấn, từ ngoài đường, đưa qua tòa nhà 8 tầng, và đặt vào nơi cần đặt tại tòa nhà đang xây.

Ông đốc công rất phấn khích, cho tôi biết đó là chiếc cần cẩu của Mỹ. Khi tôi hỏi ông ấy về cần cẩu của Liên Xô, thì ông ấy tròn mắt nhìn tôi và nói: Làm sao mà Nga có thể chế tạo được những chiếc cần cẩu như vậy. Thời gian sống tại Đông Âu, càng ngày tôi càng được nhiều người cho biết. Liên Xô và Nga không phải là thần tượng về khoa học kĩ thuật như tôi nghĩ.

Cho nên bây giờ, tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi những chiếc xe quân sự của Nga hết sức là lạc hậu, và những miếng sắt uống kiểu “đinh tặc” Việt Nam cũng có thể làm cả đoàn quân Nga phải dừng bước.


Bs Võ Xuân Sơn

Không có nhận xét nào