Page Nav

HIDE

Grid

GRID_STYLE

Breaking News:

latest

GORBACHEV TRONG SUY NGHĨ CỦA TÔI

GORBACHEV TRONG SUY NGHĨ CỦA TÔI  Tôi suy tư về chính trị dưới góc nhìn triết học nên chẳng theo trào lưu nào. Gorbachev chết ở tuổi 91 là b...

GORBACHEV TRONG SUY NGHĨ CỦA TÔI
GORBACHEV TRONG SUY NGHĨ CỦA TÔI 

Tôi suy tư về chính trị dưới góc nhìn triết học nên chẳng theo trào lưu nào. Gorbachev chết ở tuổi 91 là bình thường. Trong tôi, ông ta đã chết kể từ khi tự phế truất chức Tổng thống Liên Xô.
Khóc ông chẳng khác gì dân khóc mướn ở Hà thành. Nên dành nước mắt khóc cha, mẹ, khóc dân nghèo và bệnh tật. Riêng cá nhân tôi, đến già chết, cấm vợ con khóc!

Đánh giá về ông, công hay tội là do góc nhìn từ phe nhóm lợi ích. Quan điểm chính trị, theo K. Marx, xét đến cùng đều do quyền lợi giai cấp, bây giờ người ta xí xóa cái gọi là giai cấp mà gọi tên khác là "nhóm lợi ích". Nhóm lợi ích thì không truy xét nguồn gốc xuất thân như giai cấp nữa mà là ở sự cấu kết của những kẻ cùng ngồi trên một chuyến đò, tức có chung lợi ích. Chẳng hạn, tư sản từng chống quý tộc phong kiến nhưng khi nắm quyền thì lại cấu kết với quý tộc phong kiến, vô sản chống cả phong kiến lẫn tư sản nhưng lại tự biến mình thành quý tộc phong kiến, kể cả cấu kết với tư sản để củng cố sự thống trị của mình. Kết quả là chỉ có thống trị và bị trị luân phiên chuyển đổi sau những cuộc cách mạng. Gorbachev trong cuộc cải tổ Liên Xô và thực hiện chính sách cởi trói cho Đông Âu, gọi là "làm thay đổi cục diện thế giới", thực ra có lợi cho nhóm lợi ích này thì là có công, có hại cho nhóm lợi ích khác thì là có tội. Điều ấy là bình thường.

Cá nhân tôi, chẳng thuộc nhóm lợi ích nào, nên không cần đánh giá ông có công hay có tội. Tôi chỉ nhìn nhận khách quan.

Trước đây, tôi cũng như nhiều người cùng thế hệ tôi, từng bị loạn não bởi hình ảnh và cái tên Gorbachev. Năm 1985, tôi đang ở quân ngũ. Năm ấy chuẩn bị cho Đại hội 6. Không khí "nhìn thẳng vào sự thật" với tinh thần phê và tự phê bừng bừng. Cái từ tiếng Nga, perestroika (cải tổ), được tuyên truyền rộng rãi và lính chúng tôi hô đến khản giọng để tạo phong trào. Sau Đại hội 6, chân dung Gorbachev được treo giữa các sảnh đường, phòng họp của mọi cơ quan, để tất cả hướng về như là trung thành với Thiên hoàng và thực hiện triệt để tinh thần cải tổ theo Liên Xô. Những năm trước 1990, khi vào giảng đường đại học, bước chân vào phòng họp còn thấy ảnh Gorbachev to hơn ảnh K. Marx, Engels, Lenine. Giới lãnh đạo thần tượng Gorbachev như gió đổi mùa.

Đùng một cái, năm 1991, Gorbachev tuyên bố giải thể Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, tuyên bố từ chức Tổng bí thư và giải thể tất cả các cấp ủy đảng trong chính phủ xô viết. Các nước cộng hòa trực thuộc Liên Xô đòi ly khai, Đức đập vỡ bức tường Berlin, Đông Âu làm cách mạng nhung lật đổ chính quyền cộng sản. Thế là liên tục các cuộc học tập nghe tuyên giáo tuyên truyền, rằng Gorbachev là tên "tự diễn biến", "phản động", "phá hoại chủ nghĩa cộng sản". Thần tượng Gorbachev sụp đổ. Các bức chân dung của ông treo ở các sảnh đường bị gỡ xuống và ném vào sọt rác. Cũng nhanh như gió đổi mùa.

Tôi, một Bí thư đoàn lúc đó rất hoang mang vì trong đầu có hai Gorbachev đối lập: công lao cải tổ và tội phá hoại chủ nghĩa cộng sản.

Bây giờ, sau 30 năm nhìn lại mới thử hình dung, rằng đã có một chủ nghĩa cộng sản thực sự chưa mới đánh giá đúng tầm Gorbachev.

Chắc chắn là chưa. Chính các lãnh tụ cộng sản đều thú nhận, tất cả đang trong thời kỳ quá độ. Quá độ, Cụ Hồ giải thích giản dị là "qua đò". Qua đò thì có thể đến bờ bên kia, tức thiên đường cộng sản, cũng có thể bị đắm đò. Vậy thì Gorbachev vụng chèo hay cố ý đánh đắm con đò để không thể đi đến chủ nghĩa cộng sản?

Xem các tài liệu lịch sử và văn chương nói về Liên Xô, tôi rất hoài nghi về một Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết, nếu có thật thì rất mong manh. Có thể, trong cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Lenine, có một liên bang xô viết hình thành thật. Liên bang này hình thành tự nguyện từ lời kêu gọi: "Vô sản các nước đoàn kết lại!". Mục tiêu chính là lật đổ đế chế của Sa hoàng, kéo theo lật đổ giai cấp tư sản đang hình thành, kể cả chống chủ nghĩa phát xít đang lớn mạnh ở châu Âu. Mô hình klinh tế đúng là chủ nghĩa xã hội với các tập đoàn sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng về chính trị thì sự cai trị hà khắc còn hơn cả đế chế Sa hoàng trước đó. Kể từ thời Staline, về đối nội, đó là nền công an, mật vụ trị, khủng khiếp đến mức 500 trí thức, nhà văn bị đày đi Siberia, những nông dân Kozak, thành phần cốt cán của cách mạng, cũng thành đối tượng thù địch cho những cuộc trấn áp; về đối ngoại, đó là nền quân đội trị, cũng khủng khiếp đến mức trí thức, người dân Ba Lan và một số nước Đông Âu bị xe tăng Liên Xô nghiến trong bãi máu. Nền chính trị ấy không thể gọi là chính trị xã hội chủ nghĩa, bởi "chuyên chính vô sản" tự nó biến thành công cụ chống lại cả giai cấp của mình. Liên Xô chỉ là một đế chế mới được lột xác từ Sa hoàng mà ách thống trị của nó còn nặng nề hơn tất cả các đế chế thời trung cổ.

Quan hệ giữa kinh tế xã hội chủ nghĩa với ách thống trị kiểu đế chế như vậy chẳng khác hồn Trương Ba da hàng thịt. Cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và phương Tây càng làm cho anh hàng thịt chỉ còn xương với da nhưng được an ủi bởi tinh thần cao thượng của anh Trương Ba. Gorbachev không gây ra sự cố đắm đò thì con đò vẫn phải bị đắm trước khi lên đường chứ đừng nói sẽ nhìn thấy bến bờ bên kia gọi là thiên đường cộng sản. Không đế chế xây bằng máu nào tồn tại lâu bền, điều này các đế chế trong lịch sử nhân loại đã từng chứ không chỉ riêng Nga.

Ngẫm cho cùng, tôi chỉ thấy, trong tình thế không thể giữ mãi hồn Trương Ba da hàng thịt, Gorbachev đã quyết định cho anh hàng thịt chết như một nhu cầu giải thoát. Bởi duy trì mãi cái xung đột giữa dục vọng đế chế của nền cai trị tàn bạo với cái lý tưởng bình đẳng và bác ái là không thể. Sớm muộn gì dân Nga đói khát, trí thức bị đọa đày cũng nổi loạn đòi miếng cơm manh áo và đòi tự do; các dân tộc ở các nước cộng hòa tự trị cũng đòi độc lập, và các nước chư hầu là Đông Âu cũng đòi giải phóng. Một lý tưởng không thành hiện thực không thể treo lơ lửng trên đầu để bịp bợm mãi. Gorbachev thừa biết con đò mà ông đang cầm lái chỉ là con đò đế chế đã bị cách mạng đánh chìm rồi lôi lên tân trang với cái nhãn Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết. Thay bằng để cho nó tiếp tục ra khơi và tự chìm trong hàm cá mập của bạo lực cách mạng mới, ông lo nhấn chìm trước để ông và đồng chí của ông còn có cơ hội thoát chết. Tóm lại là ông cứu chính ông, đồng chí của ông và cao hơn là cứu đế chế Nga trước nguy cơ sụp đổ.

Và sự thật là Gorbachev đã thoát. Kế tục Gorbachev là Yeltsin, Putin cùng nhóm lợi ích mang đặc sệt tư tưởng đế chế cũng thoát và làm lại từ đầu. Thay bằng dán nhãn chủ nghĩa cộng sản để... không thể lừa bịp được ai nữa, thì mấy ông này dán nhãn khác hợp với thời đại hơn để tiếp tục bịp bợm: nhãn chủ nghĩa tư bản hiện đại, văn minh. Bắt đầu thay nhãn Tổng bí thư thành Tổng thống, những người cộng sản yêu lý tưởng cộng sản thực sự thì cứ giữ đảng cộng sản, còn lại thì tự dán các nhãn khác cho ra vẻ đa nguyên, đa đảng. Kết quả là nhóm lợi ích đang thống trị vẫn mang tư tưởng đế chế, chờ cơ hội phục hưng lại đế chế từng hùng mạnh trong lịch sử Nga. Hiện nay, sau khi uy hiếp và thần phục các nước xung quanh là cuộc xâm lược Krime và tấn công lãnh thổ Ukraine, con gấu đế chế Nga đã lộ nguyên hình. Gorbachev cố sống để chờ tin vui từ Putin, nhưng có lẽ tin buồn nhiều hơn, nên phải ra đi. Không phải đi gặp Marx, Lenine mà... gặp Sa hoàng.

Tóm lại là, Gorbachev chẳng có công hay có tội làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản. Tổng thống đương nhiệm Putin làm chứng cho điều này!

Dựa vào các phát ngôn về tự do dân chủ để đánh giá ư? Putin còn có nhiều phát ngôn hay hơn cả Gorbachev!

Ca ngợi công lao hay kết tội Gorbachev đều là trò con nít. Các nhóm lợi ích đang thống trị không nói ra, có nghĩa là họ đang nghĩ khác...

Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào